Banner trang chủ

Mô hình “Khu phố không rác”, phát huy hiệu quả bảo vệ môi trường

15/01/2014

     Khu phố 2 có 18 tổ dân phố, 560 hộ dân, 3.316 nhân khẩu, là địa bàn thường xuyên phải đối mặt với tình trạng đổ rác sinh hoạt, tập kết vật liệu xây dựng bừa bãi trên vỉa hè lòng đường và khu dân cư, gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Bên cạnh đó, trên địa bàn phường đã phát sinh 3 bãi rác lớn trước các số nhà 23,55 và 79, đường Bình Tiên. Để khắc phục tình trạng trên, Ban công tác mặt trận Khu phố 2 đã triển khai Mô hình “ Khu phố không rác- thân thiện với môi trường”. Thông qua cấp ủy Chi bộ đã triển khai đến từng đảng viên, các thành viên ban vận động, các tổ chức đoàn thể, cảnh sát khu vực và tổ trưởng tổ dân phố tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện thu gom rác. Các tổ dân phố thành lập các nhóm tự quản BVMT, có khẩu hiệu tại những nơi thường xuyên có nhiều rác, phế thải. Tổ chức cho 100% hộ dân ký cam kết thực hiện đổ rác lên xe thu gom đúng thời gian quy định. Trong cuộc họp tổ dân phố, Bansẽ kiểm điểm việc thực hiện cam kết của từng nhà, nếu nhà nào vi phạm sẽ bị phê bình và yêu cầu khắc phục. Ban vận động tổ chức các buổi tập huấn thường xuyên, hướng dẫn các hộ gia đình có các thùng đựng phân loại, tách riêng rác hữu cơ với các loại rác khác để tái chế.

     Đồng thời, Ban cũng phát động phong trào hạn chế dùng bao, túi ni lông; nên dùng làn, túi cói hoặc bao bì bằng giấy khi đi chợ mua hàng; khuyến khích sử dụng các loại bao bì dễ tiêu hủy và không độc hại. Tổ chức các đợt vệ sinh làm sạch đường phố, ven bờ sông, khơi thông cống rãnh.

     Ngoài ra, vào sáng thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, các tổ dân phố phát động người dân dọn vệ sinh môi trường ở các khu dân cư. Ban vận động chọn những tổ dân phố có tụ điểm rác phức tạp, nhiều rác để tuyên truyền vận động và thường xuyên kiểm tra. Sau đó rút kinh nghiệm và triển khai đại trà đến các tổ còn lại với các nội dung: Vận động nhân dân không vứt rác ra đường, không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh, không để súc vật phóng uế bừa bãi nơi công cộng.

     Từ Mô hình của Khu phố 2, đến nay Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) quận 6 đã nhân rộng Mô hình trên địa bàn toàn quận. Hàng năm, UBMTTQ quận đã kiểm tra, giám sát, thực hiện báo cáo về công tác tổng kết các kết quả đạt được của các mô hình tự quản BVMT tại các khu dân cư. Đồng thời, đánh giá về những mặt mạnh, hạn chế và phương hướng trong thời gian tới.

 

Đoàn viên thanh niên phường 7, quận 6, TP. Hồ Chí Minh tham gia vệ sinh môi trường

 

     Sau thời gian thí điểm thực hiện Mô hình “Khu phố không rác- thân thiện với môi trường” hoạt động vệ sinh môi trường trên địa bàn đã có chuyển biến tích cực, nhận thức của người dân được nâng lên, tình trạng vứt rác ra đường đã giảm đáng kể, một số điểm tập kết rác thải đã bị xóa bỏ. Nhân dân đã tham gia trồng và chăm sóc cây xanh, sử dụng nguồn nước sạch, xây bể chứa nước công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn, đóng góp đầy đủ phí BVMT; Các hộ kinh doanh cam kết không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè bày bán hàng, quảng cáo, để nguyên vật liệu gây mất mỹ quan thành phố. Ngoài ra, Ban vận động còn xây dựng mô hình Đội, Đoàn Thanh niên tình nguyện BVMT tại các khu dân cư. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được còn một số tồn tại như: Một số hộ dân vẫn còn thờ ơ, chưa nhiệt tình hưởng ứng nhất là những hộ kinh doanh ăn sáng buôn bán ở các con hẻm trên địa bàn khu phố, còn để bàn ghế lấn chiếm lòng lề đường.Các hộ dân có khi 2 - 3 ngày mới thu gom rác, thời gian không đồng nhất làm ảnh hưởng đến cuộc vận động. Tình trạng dán, vẽ quảng cáo trái phép trên các trụ điện, tường rào, phát phiếu rao vặt vẫn còn xảy ra thường xuyên làm ảnh hưởng đến mỹ quan, vệ sinh đô thị của khu phố.

     Trong thời gian tới, để khắc phục những hạn chế nêu trên, Ban công tác Mặt trận đã đề ra các giải pháp: Tiếp tục phát huy và nâng cao trách nhiệm của hệ thống Mặt trận, các đoàn thể thành viên các cấp, nhất là vai trò, trách nhiệm của Mặt trận cơ sở trong công tác phối hợp với chính quyền và các cơ quan chức năng tổ chức các hoạt động BVMT; Tổng kết đánh giá kết quả của mô hình “Khu phố không rác - thân thiện với môi trường”, qua đó nhân rộng mô hình trên phạm vi toàn thành phố; Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức về BVMT thành nếp văn hóa ứng xử của mọi người dân.Đưa tiêu chí BVMT vào xét Danh hiệu gia đình làng văn hóa; Xây dựng quy chế của khu dân cư tự quản phù hợp với điều kiện của từng địa phương; Xây dựng các quy định, tiêu chuẩn chế độ đối với người trực tiếp thu gom rác thải, mức đóng phí của các hộ gia đình; Trang bị phương tiện, bảo hộ lao động cho các tổ vệ sinh môi trường.

 

Ngô Quang Đại

Chủ tịch UBMTTQ quận 6, TP. Hồ Chí Minh

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 12/2013

 

 

 

 

Ý kiến của bạn