Banner trang chủ

Kiên Giang: Phát huy hiệu quả mô hình xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường

12/08/2014

     Trong 3 năm (2011- 2013), hưởng ứng phong trào "Toàn dân tham gia BVMT ", Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) tỉnh Kiên Giang triển khai xây dựng mô hình điểm " Khu dân cư (KDC) thực hiện hài hòa xóa đói giảm nghèo và BVMT", bước đầu đã thu được những kết quả đáng khích lệ, thúc đẩy phong trào đoàn kết, giúp xóa đói giảm nghèo và BVMT ở địa phương.

     Ban Thường trực UBMTTQ tỉnh chọn 4 KDC tại Khu phố III (phường Pháo Đài, thị xã Hà Tiên), ấp Rạch Hàm (xã Hàm Ninh, huyện Phú Quốc), ấp Thuận An (xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất); ấp Phước Lợi (xã Vĩnh Phước A, huyện Gò Quao) để xây dựng các mô hình điểm xóa đói giảm nghèo và BVMT. Qua công tác khảo sát thực tế, các hộ dân ở các KDC được chọn xây dựng mô hình điểm đa số có mức sống trung bình, tỷ lệ hộ nghèo cao. Người dân sinh sống chủ yếu tập trung vào các ngành nghề đánh bắt thủy hải sản và nông nghiệp. Trình độ dân trí phát triển không đồng đều, còn thấp so với mặt bằng chung, nhất là đồng bào dân tộc Khmer. Phần lớn, các hộ dân thực hiện chưa tốt quy ước cộng đồng khu dân cư, rác sinh hoạt còn vứt bừa bãi, nước thải, chất thải trong sản xuất, kinh doanh dịch vụ tràn lan, gây ảnh hường đến môi trường; gia súc, gia cầm thả rong phóng uế bừa bãi; ý thức giữ gìn vệ sinh kém.

     Bên cạnh đó, tỷ lệ các hộ dân sử dụng nguồn nước sạch còn thấp. Nước sinh hoạt chủ yếu là dùng giếng khoan bơm tay và nước mưa. Riêng KDC ấp Phước Lợi (xã Vĩnh Phước A, huyện Gò Quao), do người dân ở đây sống tập trung bên 2 bờ tuyến kênh Vàm Rầy, nên các hộ sử dụng trực tiếp nước sông bị ô nhiễm để sinh hoạt, gây các bệnh tiêu hóa, ngoài da, ảnh hưởng đến đời sống người dân.

 

Các đoàn viên, thanh niên Kiên Giang tổ chức thu gom rác trong KDC

 

     Sau 3 năm triển khai mô hình điểm, các KDC đã thành lập 41 tổ tự quản về môi trường (123 thành viên); tổ chức phát tờ cam kết thực hiện các tiêu chí về giữ gìn vệ sinh môi trường, với 1.918 hộ đăng ký (đạt 100%); 89% hộ chăn nuôi có chuồng trại, thu gom chất thải vào hố chôn quy định, 30% hộ chăn nuôi đã xây dựng hố biogas; số hộ có nhà xí hợp vệ sinh tăng lên 238 hộ; Tuyên truyền giáo dục 56 hộ chủ các tàu, thuyền, ghe biển không xả nhớt, chất thải nơi neo đậu gây ô nhiễm nguồn nước đạt hiệu quả (riêng KDC Khu phố 3 - phường Pháo Đài, có 8/10 hộ di dời ghe ra khỏi khu bãi tắm du lịch Mũi Nai). Đồng thời, tuyên truyền những kiến thức về Luật BVMT cho người dân tại các KDC, tổ chức ra quân thu nhặt rác thải, rác sinh hoạt, làm sạch bờ biển khu du lịch và địa bàn cư trú, trồng cây xanh các loại dọc tuyến lộ, và ven biển. Các trường học, Chi Hội Phụ nữ, Chi đoàn Thanh niên của xã đã lồng ghép các nội dung về môi trường trong các buổi sinh hoạt hàng quý cho các hội viên, đoàn viên, với 16.376 lượt học sinh tham dự.

     Để thực hiện tốt cuộc vận động toàn dân tham gia BVMT kết hợp hài hòa với xóa đói giảm nghèo, Ban Thường trực UBMTTQ tỉnh đưa các nội dung BVMT vào tiêu chuẩn xây dựng hộ gia đình văn hóa; ấp, khóm văn hóa, xã văn hóa nông thôn mới; phường, thị trấn văn minh đô thị. Hiện tỷ lệ hộ dân đạt danh hiệu hộ "Gia đình văn hóa" và danh hiệu "KDC văn hóa" tại các KDC đạt trên 90%.

     Cùng với việc nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người dân trong thực hiện công tác BVMT; xây dựng thói quen tiêu dùng và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, Ban Thường trực MTTQ tỉnh còn phối hợp với các cấp, mở lớp tập huấn về kiến thức trồng trọt, chăn nuôi, vận động bà con phát huy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn; chia sẻ kinh nghiệm, vốn để đầu tư trồng trọt, chăn nuôi… nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo của các KDC trong tỉnh đã giảm còn 4,73%, đời sống của người dân từng bước được nâng lên rõ rệt. Đặc biệt, nhờ nguồn hỗ trợ từ Quỹ "Vì người nghèo", tỉnh đã xây dựng mới và sửa chữa 17.191 căn nhà, trợ cấp khó khăn cho 174,340 trường hợp. Các hộ nghèo tại các KDC trong tỉnh được ổn định về nhà ở, tập trung phát triển kinh tế, góp phần vào "Chương trình xóa nghèo" và các chính sách an sinh xã hội của tỉnh.

     Kết quả trên cho thấy, công tác xây dựng mô hình điểm "KDC thực hiện hài hòa xóa đói giảm nghèo và BVMT" đã bước đầu nâng cao nhận thức của nhân dân, đặc biệt là nhân dân người dân tộc Khmer trong việc thực hiện BVMT, giữ gìn vệ sinh nơi công tác, học tập, sinh hoạt, nơi cư trú.

     Trong thời gian tới, UBMTTQ tỉnh sẽ tiếp tục phát huy vai trò chỉ đạo, nâng cao chất lượng các phong trào của MTTQ cấp cơ sở; nhân rộng mô hình điểm KDC BVMT và xóa đói giảm nghèo ra các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường công tác giám sát, của người dân đối với công tác BVMT; tổ chức kiểm tra thực hiện các nội dung cam kết BVMT ở hộ gia đình; vận động các KDC duy trì hoạt động của tổ tự quản; thông qua phong trào thi đua để mỗi người dân thấy rõ trách nhiệm và quyền lợi trong công tác giám sát BVMT; khen thưởng những cá nhân trong KDC có trách nhiệm cao, sáng kiến hay trong BVMT; khuyến khích sự tham gia của các hộ kinh doanh thực hiện các dịch vụ về môi trường; vận động nhân dân đấu tranh khắc phục các tệ nạn, thói quen xấu trong sản xuất, tiêu dùng, xâm hại đến tài nguyên môi trường; đẩy mạnh các hoạt động ký cam kết BVMT và đưa nội dung cam kết gắn với việc thực hiện quy ước nếp sống văn hóa của địa phương; quy định mức đóng góp kinh phí BVMT để đầu tư cho việc thu gom, xử lý rác thải; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác BVMT cho người dân; chủ động thực hiện các hoạt động chung sức BVMT, phát động mạnh mẽ các phong trào BVMT trong quần chúng nhân dân, mở rộng thêm nhiều nhiều mô hình như: Tuyến đường Phụ nữ tự quản, Tổ Cựu chiến binh tự quản BVMT; Công trình Thanh niên BVMT; các đoạn đường Thanh niên tự quản…

 

           Thu Phương

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 7/2014

 

 

 

Ý kiến của bạn