14/12/2015
Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Tà Đùng có diện tích khoảng 21.307,73 ha, nằm tiếp giáp với 7 xã, 4 huyện của hai tỉnh Đắc Nông và Lâm Đồng, có đỉnh Tà Đùng cao nhất là 1.982 m. Khu vực này là điểm giao thoa về địa lý và sinh học giữa khu vực Nam Tây Nguyên và khu vực miền Đông Nam bộ.
KBTTN Tà Đùng tuyên truyền, vận động người dân không xâm canh đất rừng |
Hiện nay, Tà Đùng có lớp thảm thực vật rộng lớn, tỷ lệ độ che phủ rừng vùng lõi của KBTTN chiếm tới 85%; trong đó, rừng nguyên sinh chiếm 48%, rừng thứ sinh các loại chiếm 36%... Vì vậy, nơi đây có sự đa dạng sinh học (ĐDSH) rất lớn, là nơi sinh sống của trên 1.406 loài thực vật và 573 loài động vật.
Để bảo vệ diện tích rừng và bảo tồn ĐDSH, ngăn chặn các hiện tượng khai thác, chặt phá, lấn chiếm rừng trái phép và được sự tài trợ của Quỹ bảo tồn rừng đặc dụng Việt Nam, KBTTN Tà Đùng đã triển khai thực hiện Dự án “Nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ và tăng cường sự tham gia hiệu quả của cộng đồng vào công tác bảo vệ rừng tại KBTTN Tà Đùng, giai đoạn 2009 - 2011” (pha 1 Dự án VCF) và “Nâng cao năng lực cho cán bộ KBTTN Tà Đùng, thu hút người dân tham gia hoạt động bảo tồn ĐDSH và thực hiện cơ chế chia sẻ lợi ích” (pha 2). Mục đích nhằm nâng cao năng lực bảo tồn, quản lý ĐDSH, xây dựng kế hoạch quản lý điều hành KBTTN Tà Đùng; Khảo sát ĐDSH, kinh nghiệm sử dụng tài nguyên của cộng đồng nhằm tìm kiếm các giải pháp bảo tồn hiệu quả; Khuyến khích cộng đồng tham gia bảo tồn ĐDSH; Nâng cao nhận thức cho người dân địa phương về ĐDSH và môi trường; Giảm áp lực lên tài nguyên thiên nhiên và hỗ trợ sinh kế cho các hộ gia đình phụ thuộc vào rừng.
Theo đó, Dự án tổ chức được 12 buổi tập huấn nâng cao năng lực và kỹ năng làm việc cho cán bộ KBTTN Tà Đùng và cộng đồng sống xung quanh (pha 1 tổ chức được 3 buổi và pha 2 tổ chức được 9 buổi). Qua đó, nâng cao kỹ năng về điều tra, giám sát ĐDSH, làm việc với cộng đồng cho cán bộ KBTTN và cán bộ các xã vùng đệm, nhằm tiếp cận với cộng đồng để thu thập thông tin cần thiết bổ sung vào bản báo cáo tham vấn xã hội, đồng thời có thể vận dụng trong nhiều hoạt động bảo tồn (điều tra, tuyên truyền, vận động...). Đồng thời, học viên nâng cao ý thức thực hiện quy định pháp luật về bảo tồn ĐDSH, biết được số liệu thực tế qua điều tra và cập nhật các thông tin cần thiết… Đặc biệt, đã thành lập được 8 tổ tuần tra bảo vệ rừng dựa vào cộng đồng với 80 người tham gia (cả pha 1 và pha 2) tại 4 xã vùng đệm: Đắc Som và Đắc P'Lao (huyện Đắc G'Long, tỉnh Đắc Nông); Phi Liêng và Đạ K'Nàng (huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng). Mỗi tổ gồm 10 thành viên, trong đó có 1 tổ trưởng và 1 tổ phó. Các Trạm kiểm lâm đã phối hợp với Tổ tuần tra quản lý bảo vệ rừng, chủ động xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm tra cho từng tháng, phân công cụ thể cho từng thành viên, nhờ đó, góp phần vào việc xã hội hóa công tác bảo vệ rừng, đổi mới phương thức huy động cộng đồng tham gia công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Mặt khác, đã tổ chức được 48 buổi tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng về giá trị của rừng, ĐDSH và giới thiệu một số văn bản pháp luật liên quan đến công tác bảo vệ rừng và bảo tồn ĐDSH; In ấn và phát hành 2.000 cuốn lịch (năm 2010 và 2014) về vai trò, giá trị của KBTTN nhằm khuyến khích người dân tham gia công tác bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên. Thông qua các buổi tuyên truyền đã cung cấp cho cộng đồng những kiến thức cơ bản về công tác bảo tồn; hậu quả của việc phá rừng, hủy hoại tài nguyên thiên nhiên; sự nóng lên của trái đất; thực trạng và các vấn đề cần quan tâm tại địa phương như: Phá rừng, săn bắt động vật rừng, các vấn đề ô nhiễm môi trường.
Nhằm nâng cao nhận thức cho các em học sinh về giá trị tài nguyên rừng, ĐDSH và bảo tồn thiên nhiên, Dự án tổ chức 2 buổi sinh hoạt nâng cao nhận thức và thành lập 3 Câu lạc bộ xanh tại 3 trường Trung học cơ sở của 3 xã xung quanh KBTTN. Các Câu lạc bộ đã đi vào hoạt động hiệu quả, tiến hành sinh hoạt theo các chủ đề: Vai trò của rừng; Khai thác tài nguyên thiên nhiên; Rác thải với môi trường; Đạo đức môi trường; Bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH. Các buổi sinh hoạt đã cung cấp kiến thức cho các em học sinh về tầm quan trọng của rừng, giúp các em yêu quý và tôn trọng thiên nhiên hơn.
Bên cạnh đó, Dự án đã tiến hành điều tra bổ sung khu hệ động vật và thực vật, xác định các khu vực trọng điểm cần tuần tra để bảo vệ giá trị ĐDSH của KBTTN. Qua các chuyến điều tra đã phát hiện và bổ sung thêm vào danh lục của KBTTN Tà Đùng 197 loài động vật và 154 loài thực vật. Đặc biệt, đã xây dựng được quy chế chia sẻ lợi ích cho các nhóm sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Đây là một chính sách mới, hiện cả nước đang thí điểm tại Vườn quốc gia Xuân Thủy (Nam Định) và Bạch Mã (Thừa Thiên - Huế) theo Quyết định số 126/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm chia sẻ lợi ích trong quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng đặc dụng, còn các khu rừng đặc dụng còn lại chưa đủ cơ sở pháp lý để ra quyết định cho phép khai thác số lượng, chủng loại và thời điểm. Nhưng đây là một hướng đi mới trong việc quản lý, qua đó góp phần cải thiện sinh kế cho những hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong phạm vi vùng đệm KBTTN.
Nhìn chung, Dự án đã góp phần nâng cao năng lực, kỹ năng trong công tác bảo tồn cho cán bộ KBTTN và cán bộ địa phương; Nâng cao nhận thức về BVMT sinh thái, bảo vệ tài nguyên ĐDSH, vai trò, giá trị của nguồn tài nguyên thiên nhiên và các hậu quả phải gánh chịu do việc tàn phá, hủy hoại môi trường thiên nhiên cho cộng đồng người dân địa phương các xã xung quanh KBTTN. Dự án đã hỗ trợ một số trang thiết bị cần thiết cho việc thực hiện các hoạt động điều tra giám sát ĐDSH và tăng cường năng lực thực hiện các chương trình Dự án của Ban quản lý KBTTN Tà Đùng. Đồng thời, khả năng tiếp cận với các chương trình tài trợ, đặc biệt là chương trình tài trợ của Quỹ bảo tồn rừng đặc dụng Việt Nam được nâng lên, tạo tiền đề cho các nguồn tài trợ khác vào KBTTN; Xây dựng được bản kế hoạch quản lý điều hành, cập nhật số liệu điều tra ĐDSH, dự thảo quy chế chia sẻ lợi ích, xây dựng một số mô hình cải thiện sinh kế…
Tuy nhiên, KBTTN vẫn đang đứng trước nhiều mối đe dọa lớn như tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng; săn bắn và buôn bán động vật hoang dã; khai thác gỗ và khoáng sản trái phép; xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, nhất là đường giao thông đi qua KBTTN, phá vỡ cảnh quan và hủy hoại môi trường sinh sống của các loài động, thực vật… Vì vậy, để bảo vệ “lá phổi xanh” cho Tây Nguyên, ngoài sự nỗ lực của cán bộ, nhân viên KBTTN Tà Đùng, cần có sự chung sức, đồng lòng của các cấp, các ngành và cộng đồng sinh sống xung quanh KBTTN.
Vũ Thị Hạnh
Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 11 - 2015)