Banner trang chủ

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Nam phát triển mô hình kinh tế kết hợp với bảo vệ môi trường

03/12/2015

   Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XI về tiếp tục triển khai nhiệm vụ “Vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế giảm nghèo bền vững và BVMT”, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Hà Nam đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền vận động các cán bộ, hội viên phụ nữ tích cực tham gia các phong trào BVMT. Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội địa phương phát huy những sáng kiến hay về BVMT, áp dụng mô hình kinh tế hiệu quả, nhờ đó đời sống của các hội viên được nâng cao, góp phần xây dựng quê hương Hà Nam ngày càng xanh - sạch - đẹp.

   Cùng với việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, công tác BVMT luôn được Hội LHPN tỉnh quan tâm, chú trọng. Hội LHPN tỉnh tập trung tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về BVMT, vận động các hội viên phụ nữ giữ gìn vệ sinh tại khu dân cư, thực hiện tu sửa chỉnh trang cảnh quan môi trường khang trang, sạch đẹp... Các hộ dân đều chủ động giữ vệ sinh môi trường trong nhà, tổ chức dọn vệ sinh định kỳ tại đường làng, ngõ, xóm. Công tác BVMT đã có chuyển biến tích cực, nhận thức về BVMT trong nhân dân từng bước được nâng lên, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã tích cực, chủ động phòng, chống, khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường, do đó mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường đã từng bước được hạn chế, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nơi đây.

   Năm 2014, Hội LHPN tỉnh đã thành lập điểm mô hình “Tổ phụ nữ tự quản ngõ phố xanh, sạch, đẹp” tại phường Lương Khánh Thiện, TP. Phủ Lý với mục đích vận động gia đình hội viên phụ nữ giữ gìn vệ sinh môi trường, thu gom và phân loại rác thải tại hộ gia đình, góp phần thực hiện có hiệu quả tiêu chí “sạch nhà, sạch ngõ”. Các thành viên tham gia mô hình đã ký cam kết thực hiện không vứt rác, đổ nước thải, không để trẻ em, súc vật phóng uế ra nơi công cộng; hạn chế sử dụng túi ni lông; không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; tham gia quét dọn đường, ngõ phố; thu gom, xử lý rác thải, khơi cống rãnh 1 lần/tháng; thực hiện phân loại rác thải tại nhà vào 3 thùng rác khác nhau: thùng rác tái chế, thùng rác hữu cơ và rác không phân hủy... Sau một năm thực hiện, nhiều hội viên đã gương mẫu, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh chung, sử dụng nước sạch trong sinh hoạt, xây dựng công trình vệ sinh gia đình và chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh, hạn chế tình trạng vứt rác và xả nước thải bừa bãi… Mô hình đã được Hội LHPN tỉnh triển khai nhân rộng trên toàn tỉnh.

Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6) năm nay, được sự hỗ trợ của Trung tâm Nghiên cứu phát triển y tế cộng đồng, Hội LHPN tỉnh Hà Nam thực hiện sáng kiến “Vận động người dân tham gia BVMT” tại xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Sáng kiến “Vận động người dân tham gia BVMT” đã tập trung thực hiện một số hoạt động truyền thông kết hợp với việc hỗ trợ nguồn lực tạo điều kiện cho địa phương khắc phục những hạn chế từ ô nhiễm làng nghề. Hội đã tổ chức tập huấn, sinh hoạt chuyên đề, xây dựng chuyên mục chuyện trò với người dân trên kênh phát thanh truyền hình tỉnh, tổ chức hội nghị, hội thảo bàn về giải pháp khắc phục ô nhiễm rác thải sinh hoạt, ô nhiễm môi trường trong các doanh nghiệp tại khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; thực hành ủ rác hữu cơ bằng men vi sinh; thí điểm mô hình xử lý khắc phục khử mùi từ nguồn nước thải; vận động người dân cùng tham gia xây dựng 500m nắp cống, rãnh tại các thôn xóm... Với tổng kinh phí 500 triệu đồng, Hội LHPN tỉnh đã triển khai, thực hiện sáng kiến, bước đầu đạt kết quả, được các cấp ủy địa phương đồng tình, ủng hộ và vận dụng triển khai trong thời gian tới.

Ngoài ra, để giúp các chị em hội viên vươn lên thoát nghèo, Hội LHPN tỉnh đã chủ động khai thác các nguồn lực, tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức, ngân sách của địa phương, Trung ương để đầu tư phát triển các mô hình kinh tế thân thiện với môi trường. Điển hình như mô hình trồng rau hữu cơ ở xã Trác Văn, huyện Duy Tiên; mô hình hợp tác xã (HTX) sản xuất rau hữu cơ tại xã Hưng Công, huyện Bình Lục và xã Phù Vân (TP. Phủ Lý). Đây là những mô hình tạo việc làm tại chỗ sau đào tạo nghề cho lao động nữ nông thôn ở các xã. Để vận động các hộ tham gia HTX cũng như xây dựng mô hình, ngoài việc tổ chức các lớp chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, các lớp dạy nghề, hỗ trợ các hộ mua con giống, Hội LHPN tỉnh Hà Nam còn phối hợp với các doanh nghiệp đảm bảo khâu bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân. Hội đã kết nối với Công ty TNHH Dịch vụ môi trường Quốc tế Victory ASEAN nhằm giới thiệu, bao tiêu sản phẩm cho HTX, do đó đã tránh được hiện tượng bị ép giá hoặc trồng rau sạch nhưng không có người sử dụng. Thực tế cho thấy, sau một thời gian triển khai thực hiện, mặc dù gặp nhiều khó khăn song với sự nỗ lực, vào cuộc của các cấp hội phụ nữ trong tỉnh, mô hình sản xuất rau hữu cơ đã bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức về kỹ thuật trồng rau hữu cơ, thay đổi thói quen canh tác độc canh theo phương pháp truyền thống sang sản xuất theo phương pháp hữu cơ. Hơn thế, việc triển khai mô hình đã có tác dụng cải thiện môi trường, hạn chế việc sử dụng hóa chất trong sản xuất; cung cấp sản phẩm sạch cho người tiêu dùng, nâng cao sức khỏe của người dân.

   Cùng với các mô hình sản xuất rau sạch, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo trung tâm dạy nghề phối hợp với Hội Phụ nữ huyện Bình Lục xây dựng triển khai thực hiện mô hình “tạo việc làm tại chỗ sau đào tạo và bao tiêu sản phẩm lúa chất lượng cao cho lao động nữ nông thôn có thu nhập thấp” tại xóm 6, thôn An Bài, xã Đồng Du, huyện Bình Lục với tổng kinh phí 150 triệu đồng. Trên cơ sở các mục tiêu của mô hình đề ra, Hội LHPN tỉnh đã tập trung thực hiện các giải pháp như lồng ghép các nguồn lực để hỗ trợ kiến thức khoa học, máy móc phục vụ sản xuất, kết nối với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân.

   Nhờ có sự hỗ trợ của các cấp, Hội LHPN tỉnh Hà Nam đã vận động nhân dân thực hiện các phong trào BVMT và đưa vào áp dụng các mô hình kinh tế HTX rau sạch hữu cơ, bao tiêu sản phẩm lúa chất lượng cao, tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn ở địa phương, nhất là đối với chị em phụ nữ, góp phần tích cực vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

                Thu Phương

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 10 - 2015)

Ý kiến của bạn