Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 21/11/2024

Dự án điện mặt trời hứa hẹn thúc đẩy kinh tế vùng biên

21/03/2019

     Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về “Cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam”, tỉnh Bình Phước đã kêu gọi đầu tư phát triển dự án Điện mặt trời trên những vùng đất kém màu mỡ, khô cằn.

     Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt Dự án Điện mặt trời với quy mô 800 MWp tại huyện biên giới Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.

     Để phục vụ Dự án, ngay từ cuối năm 2018, tại xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh, Công ty CP Tập đoàn Hưng Hải, đơn vị được chọn thực hiện Dự án Điện đã khởi công công trình đường dây và trạm biến áp 220KV Lộc Ninh - Bình Long 2, để đấu nối các nhà máy điện mặt trời trên địa bàn huyện Lộc Ninh vào hệ thống điện lưới quốc gia với tổng chiều dài đường dây gần 30 km, chạy qua 5 xã của huyện Lộc Ninh đến điểm cuối là trạm 220 KV Bình Long 2; tổng mức đầu tư trên 1.200 tỷ đồng. 

 

Khởi công công trình đường dây và trạm biến áp 220 KV Lộc Ninh - Bình Long 2

 

     Đây là hạng mục cấp bách để truyền tải điện, phục vụ kết nối hòa lưới điện quốc gia khi các dự án điện mặt trời đưa vào sử dụng. Chủ đầu tư đã ký hợp đồng với 10 nhà thầu thực hiện các công việc phục vụ đầu tư tuyến đường dây này, thời gian dự kiến thi công hoàn thành từ tháng 12/2018 đến tháng 6/2019.

     Vùng đất tỉnh Bình Phước quy hoạch phát triển điện năng lượng mặt trời vốn là những khu vực đất bạc màu, không phù hợp với phát triển nông nghiệp. Trước đây, được giao cho một số công ty trồng cao su nhưng không mang hiệu quả. Tuy vậy, đây lại là nơi có cường độ bức xạ mặt trời cao, địa hình bằng phẳng, hệ thống giao thông thuận lợi, không thuộc đất lâm phần, không ảnh hưởng đến quốc phòng - an ninh của địa phương nên công tác giải phóng mặt bằng khá thuận lợi.

     Qua tính toán chi tiết, nếu đầu tư 1 MWp điện năng lượng mặt trời, mỗi năm đóng góp thuế cho ngân sách là 1 tỷ đồng. Tổng 800 MWp sẽ mang lại nguồn thu ngân sách nhà nước rất lớn. Bên cạnh đó, để vận hành 1 nhà máy cần từ 100 – 150 cán bộ, công nhân. Như vậy, nếu khi toàn bộ dự án hoàn thành và đi vào hoạt động sẽ góp phần giải quyết việc làm thường xuyên rất lớn cho địa phương.

     Dự kiến tháng 6/2019 sẽ đưa vào vận hành nhà máy điện mặt trời đầu tiên, sau đó tiếp tục đưa vào vận hành các nhà máy khác theo đúng kế hoạch.

 

Thu Hằng

Ý kiến của bạn