Banner trang chủ

Cô Tô trên lộ trình phát triển thành đô thị sinh thái biển

05/04/2016

     Những năm gần đây, diện mạo Cô Tô được thay đổi theo hướng đô thị hoá ngày càng rõ nét, kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất dần đồng bộ. Huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc đang chuyển mình hoà nhịp cùng đất nước trên con đường công nghiệp hoá - hiện đại hoá. Ngày 30/12/2015, Cô Tô đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là huyện Nông thôn mới góp phần thực hiện mục tiêu phát triển Cô Tô trở thành đô thị sinh thái (ĐTST) biển thông minh, hiện đại.

 

 

     Là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, Cô Tô đã và đang tập trung phát triển nhanh và bền vững ngành du lịch, trong đó, tiếp tục phát triển hình thức du lịch cộng đồng với sự tham gia của đông đảo người dân, đi đôi với việc kêu gọi đầu tư xây dựng để đến năm 2020, Cô Tô trở thành Khu du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng biển đảo cấp quốc gia, trở thành một trọng điểm du lịch trong quần thể du lịch Cát Bà - Hạ Long - Vân Đồn - Cô Tô - Móng Cái  với đa dạng các loại hình du lịch, thể thao và vui chơi giải trí. Từ năm 2014, Cô Tô đã hoàn thành các quy hoạch, nhất là Quy hoạch phát triển du lịch, Quy hoạch chi tiết các phân khu chức năng trên địa bàn huyện, phục vụ xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Dự kiến đến năm 2030, huyện Cô Tô sẽ có 3 khu nghỉ dưỡng cao cấp gồm Khu nghỉ dưỡng biển cao cấp với diện tích khoảng 5,2ha tại thôn Hồng Hải, xã Đồng Tiến của Công ty TNHH Lê Hoàng Trường Sa; dự án Khu du lịch sinh thái biển 4 sao với diện tích khoảng 5ha tại bãi Nam Hồng Vàn, xã Đồng Tiến của Công ty TNHH Thuỷ Hoàng; dự án Khu du lịch sinh thái resort 4 sao ven biển Tây Cô Tô tại thôn Nam Hà, xã Đồng Tiến của Công ty CP Đầu tư phát triển Bảo Nguyên với quy mô diện tích nghiên cứu khoảng 13,9ha. Các dự án này góp phần tác động rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và phát triển ngành du lịch của địa phương. Phấn đấu từ năm 2015 đến năm 2020, ngành du lịch huyện Cô Tô thu hút ổn định khoảng 100.000 lượt khách du lịch mỗi năm, trong đó có 5.000 - 6.000 lượt khách quốc tế; doanh thu du lịch đạt 150 - 200 tỷ đồng mỗi năm; tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch bình quân khoảng 25%/năm.

 

 

     Để trở thành một trọng điểm trong 5 quần thể du lịch, huyện Cô Tô cũng đã tập trung kêu gọi đầu tư, hỗ trợ lãi suất vốn vay cho các doanh nghiệp đóng mới các tàu cao tốc hiện đại hoạt động đưa đón khách thuỷ trên tuyến Vân Đồn - Cô Tô, tuyến Hạ Long - Cô Tô nhằm phát triển đồng bộ hệ thống giao thông trên các đảo và giao thông kết nối giữa đảo với đất liền. Mở rộng quy mô đô thị phù hợp với một Khu du lịch - vui chơi giải trí chất lượng cao; huy động nguồn lực đầu tư xây dựng các khu thương mại khang trang, sạch đẹp, văn minh; triển khai xây dựng các khu du lịch - vui chơi giải trí chất lượng cao, các điểm vui chơi giải trí, công viên cây xanh, các công trình công cộng. Phấn đấu trước năm 2020, hoàn thành xây dựng đồng bộ và từng bước hiện đại hoá cơ sở hạ tầng phục vụ cảng như: Hệ thống kho bãi, các thiết bị bốc xếp, phòng điều hành, phòng chờ của hành khách nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả khai thác cảng, tiến tới có thể tiếp nhận tàu trên 5.000 tấn vào cảng, tiếp tục đầu tư nâng cấp mở rộng các hồ chứa trên các đảo; mở rộng nhà máy nước tại thị trấn Cô Tô, Thanh Lân, khai thác nước ngầm cục bộ cho từng khu vực nhỏ, nâng cấp thị trấn Cô Tô đạt tiêu chuẩn đô thị loại III với chức năng chính là du lịch - dịch vụ, đầu tư xây dựng một sân bay trực thăng tại trung tâm đảo Cô Tô để phục vụ khách du lịch, kết hợp với phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên biển. Sau năm 2020, huy động nguồn lực xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng cấp điện, cấp thoát nước, hệ thống giao thông nội thị theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch chất lượng cao và hình thành đô thị sinh thái biển vào năm 2030.

     Cùng với đó, huyện Cô Tô sẽ tập trung phát triển toàn diện và hiện đại hoá ngành kinh tế chủ lực như ngành khai thác, chế biến thuỷ hải sản theo hướng sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất và chất lượng cao, có sản phẩm đa dạng để xuất khẩu và phục vụ du lịch, đồng thời kết hợp hài hoà giữa khai thác theo quy hoạch với phát triển nuôi biển và dịch vụ nghề cá, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, bảo vệ nguồn lợi và môi trường sinh thái, bảo đảm phát triển bền vững. Hiện nay, huyện Cô Tô đã có nhiều cơ sở sản xuất nước mắm, cơ sở chế biến cá đóng hộp, cá khô, mực một nắng, mực khô đẩy mạnh phát triển các thương hiệu sản phẩm mực ống Cô Tô, cá duội Cô Tô, hải sâm Cô Tô… Mục tiêu đến năm 2020, Cô Tô duy trì tổng sản lượng khai thác hải sản ở mức 8.000 - 10.000 tấn; phấn đấu giá trị gia tăng ngành hải sản đến năm 2020 đạt 160 - 170 tỷ đồng, chiếm trên 30% tổng GDP; tốc độ tăng trưởng bình quân ngành hải sản đạt 12 - 13%/năm.

     Để Cô Tô trở thành ĐTST biển, bên cạnh việc khai thác các tiềm năng vốn có của địa phương cũng cần phải đảm bảo vừa lưu giữ môi trường xanh, sạch riêng có của vùng biển đảo, vừa gắn kết với truyền thống, bản sắc văn hoá của một thành phố biển hiện đại khi mà Cô Tô có lợi thế riêng của một huyện đảo vẫn còn non trẻ. Đồng thời, cần tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh của thương hiệu Cô Tô trong phát triển du lịch, dịch vụ thông qua các giải pháp tổng thể tiến tới một huyện Cô Tô phát triển nhanh, mạnh và bền vững, trở thành một ĐTST biển trong tương lai không xa.

 

Nam Việt (Theo Báo Quảng Ninh)

Ý kiến của bạn