05/05/2016
Đô thị là nơi tập trung đông dân cư, có nền sản xuất công nghiệp nên môi trường sống bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí, nước thải, rác thải… Do đó, trồng cây xanh trong đô thị là biện pháp hiệu quả nhằm cải thiện điều kiện vệ sinh, khí hậu và BVMT. Ngoài ra, cây xanh có nhiều tác dụng như giảm nhiệt độ, giảm bức xạ nhiệt, làm sạch không khí, giảm bụi và tiếng ồn…
Năm 1873, kể từ khi bắt đầu chiếm đóng Hà Nội, người Pháp không ngừng phát triển đô thị. Họ chú trọng đến việc trồng cây xanh, cây bóng mát, trong đó đánh dấu bằng việc thành lập vườn Bách Thảo Hà Nội vào năm 1890 với diện tích khoảng 33 ha. Cùng với vườn Bách Thảo còn có một vườn ươm cây giống cạnh đường Thụy Khuê. Trong khuôn viên của vườn Bách Thảo có nhiều loài cây gỗ quý, hiếm đặc trưng cho kiểu rừng ẩm nhiệt đới phương Nam. Số loài bản địa chiếm 2/3 tổng số loài của vườn, còn lại 1/3 là các loài nhập nội từ châu Mỹ, châu Phi, châu Âu và châu Đại Dương. Các loài chủ yếu đại diện cho các họ, bộ của hai ngành thực vật bậc cao có mạch là ngành hạt trần và hạt kín.
Hiện nay, tại vườn Bách Thảo còn có các loài cây thân gỗ đường kính hàng mét và một số loài thuộc họ cau, với thân cột khổng lồ. Bên cạnh đó là nhóm cây có rễ phụ phát triển (đa, đề, si), loài dây leo thân gỗ và cây sống phụ sinh thuộc họ lan, ráy... Đặc biệt, vườn còn có một số loài cây gỗ quý chỉ còn một cá thể duy nhất ở miền Bắc là gỗ đỏ và nhiều loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam (2007) như gụ mật, giáng hương, chiêu liêu xanh, muồng chanh... Ngoài ra, còn có 40 cây sưa trên 100 tuổi. Đây là nguồn gen thực vật quý, hiếm cần được bảo vệ nghiêm ngặt.
Ngoài vườn Bách Thảo, Hà Nội còn có vườn thực vật trường Đại học Dược Hà Nội (tiền thân là trường Đại học Đông Dương) được xây dựng từ thời Pháp thuộc vào đầu những thập niên 1900, có diện tích 10.000 m2 với 500 loài cây thuốc được thu thập từ các nước Đông Dương. Hiện nay, sau khi trở thành một phần của trường Đại học Dược Hà Nội, ngoài nhiệm vụ lưu giữ, bảo tồn các loài cây thuốc, vườn còn có các hoạt động giáo dục, đào tạo; nghiên cứu khoa học, tham gia các chương trình quốc gia và quốc tế về bảo tồn cây thuốc, nguồn gen cây thuốc.
Hà Nội còn có hàng trăm ngôi chùa ở nội thành và các làng, xã ngoại thành. Những ngôi chùa này, theo từng giai đoạn lịch sử đã đóng góp tích cực vào sự hưng thịnh của đất nước. Đáng chú ý là một số ngôi chùa nổi tiếng đều có mảng cây xanh đa dạng và phong phú, được trồng theo giá trị sử dụng như cây bóng mát, cây cảnh trang trí, cây có hương sắc thờ cúng, cây phục vụ đời sống tăng ni...
Theo kết quả điều tra sơ bộ 3 ngôi chùa nổi tiếng của Hà Nội là Trấn Quốc, Một Cột và Láng: Chùa Trấn Quốc có 83 loài cây, trong đó có 14 loài cây bóng mát, 52 loài cây trang trí hương sắc thờ cúng, 17 loài phục vụ đời sống tăng ni; chùa Một Cột có 73 loài, trong đó 9 loài cây bóng mát, 53 loài trang trí hương sắc thờ cúng, 11 loài phục vụ đời sống tăng ni; chùa Láng có 81 loài, trong đó có 11 loài cây bóng mát, 47 loài trang trí hương sắc thờ cúng và 23 loài phục vụ đời sống tăng ni. Như vậy, các ngôi chùa ở Hà Nội không chỉ là những di sản văn hóa mang bản sắc dân tộc Việt Nam mà còn là nơi lưu giữ nhiều loài cây truyền thống, bản địa, quý hiếm.
Hàng cây sấu trên phố Phan Đình Phùng |
Từ những năm đầu của thế kỷ XX đến nay, cây xanh Hà Nội có thể phân ra thành các nhóm: Cây đường phố; cây vườn hoa, công viên; cây trong trường học, công sở, bệnh viện, đình chùa, nhà thờ; cây trong nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp; cây trong chung cư, biệt thự, nhà riêng; cây ở ven sông, kênh, mương thoát nước. Theo kết quả điều tra 6 nhóm cây trên, Hà Nội có 172 loài cây xanh bóng mát, trong đó có 11 loài thuộc ngành hạt trần (bách tán, bụt mọc…) và 161 loài thuộc ngành hạt kín (sấu, sao đen, sưa trắng...). Đặc biệt, Hà Nội đang tồn tại khoảng 800 cây cổ thụ có tuổi thọ từ 100 năm trở lên. Đây là những cây có giá trị về lịch sử, văn hóa gắn với đời sống tâm linh và là nhân chứng qua các thời kỳ phát triển của Hà Nội.
Để có được hệ thống cây xanh với quần thể thống nhất, có giá trị thẩm mỹ cao, góp phần BVMT, cần phải đưa ra các tiêu chí cụ thể cho từng nhóm cây. Những tiêu chí này là cơ sở khoa học để xác định cơ cấu, chủng loại cây trồng thích hợp cho từng loại hình cây xanh đô thị. Có thể khẳng định, trồng cây là một hoạt động sinh thái nhân văn, ngoài trách nhiệm của Công ty Công viên cây xanh cần huy động sự tham gia của các chuyên gia kiến trúc, mỹ thuật, các nhà thực vật… và sự chung tay góp sức của cộng đồng.
TS. Lê Trần Chấn
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 4/2016)