Banner trang chủ

Bảo tồn và phát triển bền vững loài chà vá chân nâu trên bán đảo Sơn Trà

19/01/2016

   Chà vá chân nâu là loài linh chưởng ăn lá đặc hữu của Đông Dương, phân bố chủ yếu ở Việt Nam và Lào), được ghi nhận là loài nguy cấp (EN) ở Việt Nam (Sách đỏ Việt Nam) cũng như trên toàn cầu (IUCN) và được pháp luật Việt Nam bảo vệ (Nhóm IB, Nghị Định số 32). Quần thể chà vá chân nâu (CVCN) tại Sơn Trà được xem là quần thể lớn nhất hiện nay với khoảng 250 đến 300 cá thể. Đồng thời đây cũng là quần thể bị cô lập, môi trường sống đang đứng trước nguy cơ ngày càng bị thu hẹp do sức ép dân số và các quy hoạch phát triển. Do vậy, đánh giá sinh cảnh của bán đảo Sơn Trà theo cách tiếp cận của sinh học nhằm cung cấp những hiểu biết về hiện trạng thức ăn và sinh cảnh của CVCN. 

Loài chà vá chân nâu tại bán đảo Sơn Trà

   Sinh cảnh cư trú của CVCN tại Sơn Trà

   Sơn Trà có địa hình phân cắt khá phức tạp. Dông núi chính chạy theo chiều dài bán đảo, kéo dài 15km từ Tây sang Đông với các đỉnh cao lần lượt là 347m, 620m, 647m,696m, 444m, 384m; cao nhất là đỉnh 696m. Các nhánh núi thứ cấp nối liền với đường dông chính chủ yếu theo hướng Bắc - Nam hoặc Tây Bắc - Đông Nam xen kẽ với các thung lũng suối khá dốc. Các thung lũng này được che chắn cả ba loại gió mùa xuất hiện ở bán đảo Sơn Trà, đó là gió mùa Đông - Bắc giá lạnh vào mùa mưa bão, gió Lào (Tây-Nam) khô nóng vào mùa hè và gió mùa Đông Nam, cấu trúc tầng tán rừng được bảo đảm và là sinh cảnh ổn định phù hợp cho sự cư trú của CVCN. Sinh cảnh cư trú được CVCN ưa thích nhất là các khoảng rừng kín trên thung lũng, ven suối có các loài cây thân gỗ to, cành lớn và được bao phủ bởi tán lá dày và kín, đặc biệt là các loài cây thức ăn như đa quả xanh, đa vòng, chò đen, chò chai, sồi thorel… Cũng trên cơ sở đó đã xác định bốn vùng cư trú quan trọng của các quần thể CVCN trên bán đảo Sơn Trà

   Đánh giá sinh cảnh, tiềm năng thiên nhiên của Bán đảo Sơn Trà cho bảo tồn và phát triển bền vững CVCN

   Tiềm năng cung cấp thức ăn cho CVCN: Tính đến tháng 6/2013, số loài cây thức ăn đã được ghi nhận là 120 loài, thuộc 80 chi, 41 họ; chiếm 12,18% số loài, 16,56% số chi, 28,67% số họ của hệ thực vật Sơn Trà. Ước tính số loài cây thức ăn có thể chiếm tới 15-18% số loài của hệ thực vật. Các loài cây thức ăn được CVCN khai thác nhiều nhất là vạng trứng, đa quả xanh, thàn mát, đẻn năm lá, luồng tuống, dây gai cám…

   Tiềm năng cung cấp các sinh cảnh cư trú cho CVCN: Các rủi ro từ thiên nhiên đối với CVCN ở Sơn Trà là giông bão, mưa, nắng nóng. Hệ thống dông núi chủ yếu trên bán đảo Sơn Trà chạy theo hai hướng gần như vuông góc với nhau là Tây - Đông và Nam - Bắc đều là các hướng cản chắn các loại gió mùa trên. Các thung lũng nhỏ và suối nước đều chạy theo hướng Nam - Bắc luôn được che chắn ba phía chống lại các gió mùa, là những nơi có thảm rừng tốt và kín hơn các nơi khác. Vì vậy, sự đa dạng các vi sinh cảnh - vi địa hình ở Sơn Trà là tiềm năng to lớn để đảm bảo cung cấp sinh cảnh cư trú cho CVCN tại đây.

   Không gian sống và sự liên thông giữa các sinh cảnh: Bán đảo Sơn Trà là địa điểm đã và đang chịu áp lực lớn về xây dựng hạ tầng. Sự chia cắt sinh cảnh làm giảm khả năng tiếp cận nguồn thức ăn do những con đường đã và đang được xây dựng, nhất là trong giai đoạn hiện nay với sự phát triển mạnh mẽ của các hoạt động du lịch. Để đánh giá tác động của các dự án phát triển này lên đời sống của CVCN tại Sơn Trà đã có những nghiên cứu về sự thích nghi của chúng với hoàn cảnh chia cắt sinh cảnh hiện nay. Xuất phát điểm của vấn đề là ở chỗ sự chia cắt sinh cảnh ở Sơn Trà đã xảy ra và tồn tại gẩn nửa thế kỷ, từ khi hoàn thành xây dựng con đường đỉnh vào những năm 1969-1971 của thế kỷ trước.

   Tại các điểm CVCN thường qua đường đã ghi nhận hai phương thức di chuyển khi qua đường là đi hoặc chạy băng qua đường và nhảy từ tán cây bên này sang tán cây bên kia đường tùy thuộc vào mức độ thích nghi của từng đàn và những đe dọa tại thời điểm đó. Sinh cảnh nơi CVCN qua đường có thảm thực vật áp sát hai mép đường, có nhiều cây thức ăn của chúng, nhất là các cây thức ăn có thân gỗ to như thàn mát, đa quả xanh, đa vòng, đặc biệt là các cây gỗ ưa sáng, lớn nhanh như hu đen, chân chim quảng trị, đẻn năm lá và các cây lùm bụi khác như luồng tuống, dây gai cám, chè dây. Chính các nguồn thức ăn này đã dẫn dụ chúng ra sát mép đường và liều mạng di chuyển qua để kiếm thức ăn. Như vậy ảnh hưởng tiêu cực của chia cắt sinh cảnh vẫn đang hiện hữu, tuy nhiên mức độ của chúng đã giảm thiểu nhờ sự thích nghi có được của CVCN qua một thời gian dài sống chung với môi trường đó. Từ đây cũng có thể sử dụng chính các loài cây thức ăn thân gỗ phân cành và tán đẹp, không ảnh hưởng đến sự lưu thông trên đường như đa bóng, đa quả xanh làm cầu tự nhiên nối liền các sinh cảnh hai bên đường cho CVCN. Cả hai loài trên đều là các loài cây thức ăn ưa thích đồng thời cũng là các loài cây phát triển rất tốt trên bán đảo Sơn Trà. Các rủi ro khác trong không gian sống cho CVCN và các loài động vật hoang dã khác tại bán đảo Sơn Trà đôi khi cũng có như cháy rừng, đặt bẫy (cả thú vật và chim). Tuy nhiên với sự hoạt động đầy trách nhiệm của Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn, tâm huyết và sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo thành phố đối với công tác bảo tồn thiên nhiên và BVMT nên bán đảo Sơn Trà vẫn là nơi sống an toàn của CVCN.

   Kết luận

   Tại bán đảo Sơn Trà đã ghi nhận 120 loài cây thức ăn của CVCN (thuộc 80 chi, 41 họ thực vật). Các họ nhiều loài cây thức ăn nhất gồm đậu, dâu tằm, dẻ, long não, thầu dầu, cỏ roi ngựa, na, bứa, sim. Đối với nguồn thức ăn trên phạm vi bán đảo không có gì đáng lo ngại, tuy nhiên trong các sinh cảnh rừng kín thường xanh có thể thiếu thức ăn cho CVCN vào các thời điểm tháng 1-2 và sau giông bão. Sự chia cắt sinh cảnh vẫn là nguy cơ thường trực, song quần thể CVCN tại Sơn Trà một phần đã thích nghi với sự di chuyển qua đường. Thuận theo sự thích nghi đó có thể trồng một số loài cây thức ăn có thân gỗ, phân cành và tán lá đẹp như đa bóng ở hai bên đường làm cầu xanh tự nhiên cho chúng.

   Loài CVCN ở Sơn Trà là một quần thể lớn, lại bị cô lập, phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn thức ăn tự nhiên tại chỗ nên trong công tác bảo tồn bên cạnh việc giám sát quần thể chúng cũng cần giám sát sinh cảnh và các cây thức ăn quan trọng để đảm bảo an toàn dinh dưỡng cho CVCN. Như vậy, thức ăn và sinh cảnh là các yếu tố quan trọng phục vụ cho bảo tồn loài. Vì vậy, cần có những nghiên cứu để góp phần làm rõ đặc thù công tác của các khu bảo tồn loài và sinh cảnh.

Trần Đình Nghĩa và các cộng sự

Đại học Khoa học Tự nhiên

Đại học Quốc gia Hà Nội

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12 - 2015)

Ý kiến của bạn