Banner trang chủ

7 cá thể động vật nguy cấp được tái thả về rừng

10/10/2023

    Mới đây, Hạt Kiểm lâm liên huyện Bù Gia Mập, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước đã phối hợp với Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật (Vườn Quốc gia Bù Gia Mập) tổ chức tái thả 7 cá thể động vật nguy cấp về rừng.

Các cá thể động vật được tái thả về môi trường tự nhiên tại Tiểu khu 14 và 23 của Vườn quốc gia Bù Gia Mập, gồm: 3 cá thể tê tê Java (tên khoa học là Manis Javanica); 1 cá thể khỉ đuôi lợn (Macaca Leonina); 1 cá thể culi nhỏ (Nyticebus Pygmaeus); 1 cá thể trăn gấm (Python Reticulatus) và 1 cá thể kỳ đà vân (Varanus Nebulosus).

    Trong đó, loài Tê tê Java thuộc nhóm IB đã được đưa vào sách Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ IUCN (1996, 2000), nhóm bị đe dọa tuyệt chủng (cực kỳ nguy cấp - CR). Loài khỉ đuôi lợn đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam 2000 và Danh sách các loài cần được bảo vệ của ngành Lâm nghiệp (Phụ lục IIB Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 22/4/2002 của Chính Phủ). Loài culi nhỏ được đưa vào Sách đỏ Việt Nam 2000 và Danh sách các loài cần được bảo vệ của ngành Lâm nghiệp (Phụ lục IB Nghị định 48/2002/NĐ-CP ngày 22/4/2002 của Chính Phủ).

Cá thể Tê tê Java được thả về môi trường rừng tự nhiên

    Theo Hạt Kiểm lâm liên huyện Bù Gia Mập-, những cá thể động vật trên được đơn vị tiếp nhận từ người dân địa phương tự nguyện giao nộp. Sau đó, được Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật (Vườn Quốc gia Bù Gia Mập) chăm sóc ở môi trường bán hoang dã. Khi động vật đủ điều kiện tái hòa nhập với môi trường, lực lượng chức năng tổ chức tái thả về rừng.

    Đại diện Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật (Vườn Quốc gia Bù Gia Mập) cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các Trạm Kiểm lâm thuộc Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Vườn Quốc gia Bù Gia Mập theo dõi đánh giá 7 cá thể được tái thả trong vòng 15 ngày. Những cá thể động vật sau tái thả có biểu hiện chưa thích nghi được trong môi trường rừng tự nhiên sẽ được đưa về lại Trung tâm để tiếp tục cứu hộ, phục hồi bản năng tự nhiên và thực hiện tái thả trong đợt tiếp theo.

    Tê tê Java (Manis Javanica) là loài động vật có vú thuộc bộ tê tê, vảy bao phủ thân mình chỉ chừa phần bụng và mặt trong tứ chi là có lông thưa. Chân chúng có móng dài và cong. Đuôi khá dài, hơn 4/10 chiều dài; đuôi khỏe, chắc thịt; chỏm đuôi có da trơn, có thể vin bám vào cành cây khi leo trèo. Loài này trung bình dài 77,5 - 100 c, trong đó chiều dài đầu và thân: 40 - 65 cm; chiều dài đuôi: 35 - 56 cm. Trọng lượng trung bình 6 - 8 kg (có khi lên đến 9 - 12 kg). Hình thái: Đuôi có khoảng 28 hàng vảy theo chiều dọc, 8 hàng vảy theo chiều ngang (3 hàng vảy mặt trên, 3 hàng vảy mặt dưới, 2 hàng mép đuôi). Thân có 16 - 19 hàng vảy. Cơ thể còn phủ thêm một lớp lông tơ mỏng và thưa xen vào các lớp vảy. Tai ngoài bị tiêu giảm. Tập tính: Hoạt động vào ban đêm; đào hang sống dưới đất. Thức ăn chủ yếu là mối và kiến.

    Khỉ đuôi lợn (Macaca Leonina) Là một trong những loài lớn nhất trong họ nhà khỉ Cercopithecidae. Hai bên má lông dài, rậm, màu hung sáng phủ gần kín tai tạo thành đĩa mặt. ở đỉnh đầu lông màu hung xẫm hoặc xám đen tạo thành “xoáy” toả ra xung quanh gần giống cái mũ. Sau trán có một mảng lông hình tam giác màu nâu đậm. Thân phủ lông dài màu xám. Lông đuôi rất ngắn giống đuôi lợn. Má có túi, chai mông lớn. Đuôi thường mập phần gốc, kém nửa chiều dài thân nhưng dài hơn 10% chiều dài thân và dài hơn bàn chân sau.

    Tuổi thành thục sau 35 tháng (Caldecott, 1986). Thời gian mang thai 171 ngày. Thời gian sống 26,3 năm (Melnick, 1994); Thức ăn chủ yếu là quả và hạt: 73,8%, thức ăn động vật chiếm khoảng 12,2% (Whitten 1982), lá 5%, chồi non 4,1%. Hoạt động kiếm ăn ban ngày, cả ở thung lũng rừng thưa trên núi đất gần núi đá trên cây cũng như dưới mặt đất. Mùa đông trú ẩn trong các hang đá, mùa hè trú ẩn trong các hốc đá hay cành cây. Cấu trúc đàn gồm nhiều đực và nhiều cái. Sống thành đàn từ 10 - 12 con, có đàn tới 40 con hoặc nhiều hơn nữa. Nhiều lúc sống thành nhóm nhỏ 4 - 5 con. Sinh cảnh thích hợp là rừng nguyên sinh ở đai thấp hay rừng thứ sinh, rừng ngập nước, rừng khô rừng trên núi đá tới 1700m (Caldecott, 1986).

    Được sử dụng làm mẫu vật phục vụ các đối tượng nghiên cứu khoa học. Mặt khác nếu bảo vệ tốt chúng sẽ trở thành nguồn gen để thử nghiệm các loài Vaccine phục vụ đời sống con người.. Trước năm 1975, loài này còn gặp rất phổ biến ở các khu rừng trong cả nước trên diện tích ước tính khoảng >20.000km2. Từ năm 1975 trở lại đây tình trạng của loài thay đổi rõ rệt. Số lượng quần thể giảm mạnh. Số lượng tiểu quần thể hiện nay khoảng 30. Nguyên nhân biến đổi do nơi cư trú bị xâm hại, rừng bị chặt phá, diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp và đây là đối tượng săn bắt để lấy thịt, nấu cao, buôn bán và xuất khẩu.

    Culi nhỏ (Nyticebus Pygmaeus) là một loài cu li thuộc phân họ Cu li. Loài linh trưởng này sống ở các khu vực rừng lá rộng khô cận nhiệt đới và nhiệt đới ở Việt Nam, Lào, Trung Quốc và Campuchia. Thức ăn của chúng là các loài côn trùng, bọ cánh cứng, quả cây, lá nõn cây, trứng chim và chim non trong tổ... Chúng sống trong tất cả các sinh cảnh rừng, kể cả rừng tre nứa, đồi cây bụi… Là động vật ăn đêm, ban ngày chúng cuộn tròn mình lại ngủ trong lùm cây. Chúng chủ yếu hoạt động kiếm ăn về đêm, ở rừng thưa quang thoáng, trên các gốc cây, bụi rậm ven rừng, trên nương rẫy.

    Đặc điểm nhận dạng loài khỉ nhỏ đáng yêu này là lông mềm mại màu hung nâu xen kẽ ít lông trắng bạc. Dọc sống mũi có vết trắng. Dọc sống lưng có vết hoe đỏ thẫm. Bụng trắng vàng ánh bạc. Một con Nycticebus pygmaeus trưởng thành chỉ từ 19 - 23 cm, trọng lượng từ 377 gram - 450 gram.

    Cơ quan sinh sản của culi nhỏ phát triển đầy đủ nhất khi con cái đủ 16 tháng, con đực 18 tháng. Thời gian mang thai của chúng thường kéo dài từ 184 - 200 ngày. Lúc còn nhỏ, con sẽ bám vào bụng mẹ. Sau 6 tháng, chúng sẽ cai sữa. Tại Việt Nam, cu li nhỏ được xếp vào Danh mục các loài thực vật, động vật nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại

    Trăn gấm (Python Reticulatus) là một loại trăn lớn, thuộc họ trăn (Pythonidae) và chi cùng tên (Python), sống ở vùng Đông Nam Á. Loài này được Schneider mô tả khoa học đầu tiên năm 1801. Trăn gấm có đầu dài, nhỏ, màu vàng nhạt hay nâu, có một vệt xám đen mảnh chạy dọc chính giữa từ mõm tới gáy nối liền với vết trên lưng. Một vệt đen khác từ sau mắt chạy xiên xuống góc mép. Trên thân và đuôi có các đường xám đen nối với nhau tạo thành dạng mắt dưới nổi trên nền màu vàng nâu. Bụng vàng nhạt đôi khi đốm sáng nhạt. Chiều dài cơ thể có lên đến 9,75 m(32,0 ft), dài hơn chút so với trăn khổng lồ anaconda (loài trăn lớn nhất thế giới về trọng lượng). Trên thực tế, trăn gấm là thành viên thuộc phân họ rắn dài nhất thế giới, trong lich sử người ta đã nhìn thấy những con có chiều dài lên đến 10,75 m, nhưng chưa được xác nhận, và cũng là loài bò sát dài nhất thế giới, tuy nhiên cơ thể chúng lại không quá mập mạp. Chúng nặng 150 - 265 kg, cân nặng khiêm tốn hơn so với trăn anaconda.

    Giống như các loại trăn khác, trăn gấm không có nọc độc và vì vậy chúng giết con mồi bằng cách dùng thân quấn quanh con vật và siết nó cho đến chết. Mặc dù loài trăn gấm đủ khỏe để giết người, chúng không được xem là loài động vật nguy hiểm cho con người và trường hợp người bị chúng tấn công rất ít khi xảy ra. Là loài động vật bơi lội giỏi, trăn gấm có thể di cư đến sinh sống ở những hòn đảo nhỏ nằm gần bờ. Tên khoa học "reticulatus" (có nghĩa là "mắt lưới") có liên quan đến những họa tiết đặc trưng trên da chúng.

    Kỳ đà vân (Varanus Nebulosus) có cơ thể dài tới 2 m, kích thước và hình dáng tương tự như kỳ đà hoa, song đuôi chúng không dẹp bên, lỗ mũi là một khe xiên có vị trí gần mắt hơn đầu mõm, lưng có màu xám hay nâu nhạt với những đốm vàng nhỏ rải rác, các chi có những vết màu đen nhạt nằm theo chiều ngang và có những vân đen, bụng có nhiều vân nâu xám và vàng.

    Kỳ đà vân sống chủ yếu ở vùng rừng núi, những môi trường khô ráo ít nhiều gắn bó với các vực nước. Chúng ẩn trong những hang sâu dưới những tảng đá hoặc trong đám rễ cây. Một khi Kỳ đà đã lọt vào trong hang thì khó mà có thể lôi chúng ra ngoài, do chúng phình to thân bám chặt lấy thành trong của hang. Chúng bơi giỏi, leo trèo giỏi thường kiếm ăn trên mặt đất hoặc trên cây, ăn côn trùng, thằn lằn, chim và thú nhỏ, đôi khi phá cả tổ chim để ăn trứng và chim non. Gặp nguy hiểm Kỳ đà vân có thể nằm giả chết, ngay cả khi nhấc đuôi lên, chúng vẫn không cử động. Trong mùa sinh sản, các cá thể đực đánh nhau để giành cá thể cái. Vào mùa mưa, Kỳ đà vân đẻ khoảng 24 trứng có vỏ dai vào hố do chúng tự đào rồi dùng mõm để lấp đất lên hố có chứa ổ trứng.

    Kỳ đà vân có giá trị thẩm mỹ nên thường được nuôi trong các vườn động vật để giáo dục môi trường cho học sinh, sinh viên và được xếp vào danh mục bổ sung thực vật rừng, động vật rừng quý hiếm theo Nghị định số 32-HĐBT, nhóm II B. Để bảo vệ cần triệt để cấm săn bắt và buôn bán trái phép. Cần thiết nuôi trong các khu dự trữ thiên nhiên.

Trần Hương 

Ý kiến của bạn