Banner trang chủ

Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) - Công cụ chính sách thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn

30/06/2022

    Vừa qua, Bộ TN&MT tổ chức Hội thảo tham vấn Dự thảo Thông tư quản lý, sử dụng đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ BVMT Việt Nam để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải. Để hiểu rõ những quy định nêu trên, Tạp chí Môi trường có cuộc phỏng vấn ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT.

Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT

    PV: Xin ông cho biết, trách nhiệm mở rộng nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) được quy định như thế nào trong Luật BVMT 2020?

    Ông Phan Tuấn Hùng: Luật BVMT 2020 quy định hai loại trách nhiệm trong trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, bao gồm:

    Loại trách nhiệm thứ nhất, là trách nhiệm tái chế chất thải, trách nhiệm áp dụng đối với nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế (là các sản phẩm, bao bì được quy định tại Phụ lục XXII Nghị định số 08/2022/NĐ-CP như chai nhựa, lon nhôm, sản phẩm điện, điện tử, phương tiện giao thông, xăm, lốp, dầu nhớt, ắc quy…), theo đó, nhà sản xuất nhập khẩu có trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì sau sử dụng theo tỷ lệ tái chế bắt buộc và quy tắc tái chế bắt buộc (cũng được quy định tại Phụ lục XXII). Nhà sản xuất, nhập khẩu có thể lựa chọn hình thức tự tổ chức tái chế hoặc đóng tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hoàn thành trách nhiệm của mình.

    Loại trách nhiệm tứ hai, là trách nhiệm xử lý chất thải, trách nhiệm này áp dụng đối với nhà sản xuất, nhập hẩu các sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế hoặc gây khó khăn cho thu gom, xử lý (được quy định tại Phụ lục XXIII Nghị định số 08/2022/NĐ-CP như sản phẩm nhựa dùng một lần, tã, bỉm, kẹo cao su, pin dùng một lần, bao bì sản phẩm nông nghiệp, bao bì xi măng…). Nhà sản xuất, nhập khẩu phải đóng góp tài chính với định mức quy định tại Phụ lục XXIII Nghị định số 08/2022/NĐ-CP để hoàn thành trác nhiệm của mình. Trách nhiệm này được thực hiện từ ngày 1/1/2022.

    ​PV: Một số quy định cụ thể nguyên tắc, điều kiện, hồ sơ, quy trình hỗ trợ tài chính cho các hoạt động tái chế, xử lý chất thải như thế nào trong Dự thảo Thông tư quản lý, sử dụng đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ BVMT Việt Nam để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải, thưa ông?

    Ông Phan Tuấn Hùng: Nguyên tắc quan trọng nhất trong quản lý, sử dụng đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ BVMT Việt Nam để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải là nguyên tắc công khai, minh bạch. Việc sử dụng kinh phí này đặt dưới sự giám sát của Hội đồng EPR quốc gia (gồm có đại diện của các nhà sản xuất, nhập khẩu, đại diện các cơ quan quản lý, đại diện các tổ chức tái chế và người tiêu dùng). Văn phòng EPR Việt Nam phải báo cáo trực tiếp Hội đồng EPR quốc gia và Bộ trưởng Bộ TN&MT về việc quản lý, sử dụng kinh phí này. Việc sử dụng kinh phí cũng chịu sự điều chỉnh, sự kiểm toán và kiểm tra theo quy định của pháp luật về kiểm toán và kế hoán. Kết quả sử dụng kinh phí được công khai trên Cổng thông tin điện tử EPR quốc gia.

    Việc sử dụng đúng mục đích, hỗ trợ đúng đối tượng quyết định tính hiệu quả và đúng quy định của sử dụng khoản đóng góp. Theo đó, các khoản đóng góp từ hai loại trách nhiệm nêu trên được hạch toán riêng và hỗ trợ riêng cho từng loại để bảo đảm việc sử dụng đúng mục đích. Đóng góp của nhà sản xuất, tái chế đối với trách nhiệm tái chế được hạch toán riêng và chỉ sử dụng để hỗ trợ các hoạt động tái chế sản phẩm, bao bì theo quy định tại Phụ lục XXII Nghị định số 08/2022/NĐ-CP. Đóng góp của các nhà sản xuất, nhập khẩu đối với trách nhiệm xử lý chất thải chỉ được sử dụng để hỗ trợ hoạt động phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn được quy định tại Khoản 3 Điều 55 Luật BVMT, đối với các loại sản phẩm, bao bì quy định tại Phụ lục XXIII Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.

Nhà sản xuất, nhập khẩu có thể lựa chọn hình thức tự tổ chức tái chế hoặc đóng tiền vào Quỹ BVMT Việt Nam

để hoàn thành trách nhiệm của mình

    Các điều kiện nhận hỗ trợ được quy định rõ và chặt chẽ đối với từng hình thức hỗ trợ, như: Phải được thành lập hợp pháp tại Việt Nam, phải có hoạt động hoặc dự án phù hợp với mục tiêu hỗ trợ đã được phê duyệt, đáp ứng yêu cầu BVMT hoặc được chính quyền địa phương chấp thuận triển khai. Trình tự thủ tục cũng được quy định chặt chẽ, bảo đảm sự quyết định phê duyệt và giám sát của Hội đồng EPR quốc gia. Hồ sơ được Văn phòng EPR Việt Nam tiếp nhận, thẩm tra trình Hội đồng EPR quốc gia xem xét thông qua trước khi trình Bộ trưởng Bộ TN&MT phê duyệt. Tiếp theo, Văn phòng EPR Việt Nam sẽ ký hợp đồng và Quỹ thực hiện các hoạt động nghiệp vụ để hỗ trợ.

    PV: Mô hình tổ chức vận hành, giám sát thực hiện EPR như thế nào để phát huy hiệu quả, đúng mục đích đặt ra, thưa ông?

    Ông Phan Tuấn Hùng: Mô hình giám sát được thực hiện theo quy chế quản lý tài chính của Quỹ BVMT Việt Nam và mô hình doanh nghiệp. Theo đó, Hội đồng EPR quốc gia là cơ quan giám sát và bảo đảm việc quản lý, sử dụng tài chính như đã nêu ở trên. Việc quản lý, sử dụng tài chính phải tuân theo các quy định của pháp luật về tài chính và chịu sự kiểm toán theo quy định của pháp luật về kiểm toán độc lập và kiểm toán nhà nước. Kết quả sử dụng kinh phí phải được Báo cáo Hội đồng EPR quốc gia và Bộ trưởng Bộ TN&MT, đồng thời được công khai trên Cổng thông tin điện tử EPR quốc gia.

    ​PV: Được biết, Dự thảo Thông tư có quy định các tổ chức chính trị - xã hội tham gia thu gom xử lý chất thải được hỗ trợ từ nguồn vốn này. Vậy những quy định cụ thể như thế nào để các tổ chức được tiếp cận nguồn vốn nêu trên?

    Ông Phan Tuấn Hùng: Các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp nói riêng và các tổ chức nói chung, nếu đủ điều kiện nhận hỗ trợ thì đều được Hội đông EPR xem xét để thông qua trước khi trình Bộ trưởng Bộ TN&MT quyết định việc hỗ trợ. Đối với hoạt động phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt được quy định một Điều riêng áp dụng đối với tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp để khuyến khích các hoạt động mang tính cộng đồng, tạo sự lan tỏa, nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải răn sinh hoạt theo quy định của pháp luật về BVMT.

    PV: Để các tổ chức, doanh nghiệp và người dân hiểu rõ những quy định của Luật BVMT năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành, với vai trò tham mưu, giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước bằng pháp luật trong lĩnh vực TN&MT, Vụ đã có kế hoạch gì để triển khai hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật BVMT và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật trong thời gian tới, thưa ông?

    Ông Phan Tuấn Hùng: Bộ đã triển khai rất nhiều các đợt tập huấn triển khai pháp luật về BVMT nói chung và triển khai quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất nói riêng. Trong thời gian tới, cụ thể là trong năm nay và đầu năm sau, Vụ Pháp chế tiếp tục phối hợp với các tổ chức như WWF Việt Nam, IUCN Việt Nam, Greenhub… và các doanh nghiệp như Unilever, Cocacola để triển triển khai các hội thảo tập huấn chuyên sâu về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, cũng như tham vấn các doanh nghiệp để xây dựng các văn bản triển khai trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất. Ngoài ra, Vụ Pháp chế còn phối hợp với PRO Việt Nam để xây dựng chiến lược truyền thông, xây dựng các bộ hướng dẫn về EPR và tổ chức triển lãm về chính sách và công nghệ phân loại, thu gom, xử lý, tái chế chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn…

    ​PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Nam Hưng (Thực hiện)

 (Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 6/2022)

 

Ý kiến của bạn