08/12/2021
Với mục tiêu đến hết năm 2025 toàn TP. Đà Nẵng trồng được 5.017.000 cây xanh tập trung và phân tán các loại, nhằm BVMT sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, ngày 25/11/2021, UBND TP đã ban hành Kế hoạch số 203/KH-UBND triển khai thực hiện Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” trên địa bàn.
Theo đó, nhiệm vụ đặt ra là tiếp tục đẩy mạnh tuyên tuyền để cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực tham gia phong trào trồng cây phân tán, trồng rừng. Phát huy vai trò lãnh đạo, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, cơ quan, đơn vị các cấp và huy động sự tham gia vào cuộc của các tầng lớp xã hội thực hiện nhiệm vụ. Mỗi cơ quan, đơn vị, đoàn thể tổ chức phát động phong trào thi đua để kêu gọi, vận động cán bộ, công chức, hội viên và nhân dân tham gia trồng cây, trồng rừng, tạo nên phong trào thường xuyên, liên tục, hiệu quả trong toàn xã hội; đưa nhiệm vụ trồng cây trở thành phong trào thi đua của các cấp, ngành và mọi người dân.
Kế hoạch được triển khai thực hiện trong 5 năm từ năm 2021 đến hết năm 2025, với tổng kinh phí trên 202 triệu đồng, với chỉ tiêu trồng 163.000 cây xanh (tương đương khoảng 260,8 ha) tại khu vực đô thị như trồng trên các vỉa hè đường phố công viên, vườn hoa, quảng trường; trong khuôn viên các trụ sở, trường học bệnh viện, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, các công trình tín ngưỡng, vườn nhà, đât rẻo, và các công trình công cộng khác. Trồng 1.850.000 cây xanh (tương đương 740 ha) tại khu vực nông thôn như vườn nhà, hành lang giao thông ven sông, kênh, mương, bờ vùng, bờ thửa, nương rẫy; trong khuôn viên các trụ sở, trường học, bệnh viện, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất các công trình tín ngưỡng và các công trình công cộng khác. Trồng 3.004.000 cây (tương đương 2.140 ha) rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, trồng mới rừng sản xuất tập trung, không bao gồm diện tích trồng rừng thay thế.
UBND thành phố giao các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện căn cứ Kế hoạch tổ chức rà soát quy hoạch sử dụng đất bố trí diện tích đất trong rừng phòng hộ, trồng mới rừng sản xuất phù hợp với quy hoạch; bố trí diện tích đất trồng cây xanh đô thị khu dân cư, công sở, dọc các tuyến đường giao thông; đất trồng cây nông thôn phù hợp với điều kiện thực tế ở từng địa phương, đơn vị. Đảm bảo diện tích đất đai, trồng cây phân tán phải có chủ quản lý, diện tích đất thuộc các tổ chức, hộ gia đình thì các tổ chức và hộ gia đình có trách nhiệm quản lý chăm sóc, bảo vệ hằng năm. Đối với diện tích đất công cộng đường giao thông, khu vực đất trống, ven sông, bãi bồi ở nông thôn đề nghị chính quyền địa phương giao cho tổ chức, đoàn thể, hiệp hội, nhân dân trồng chăm sóc và quản lý bảo vệ cây phân tán nhân dịp Tết trồng cây hàng năm. Việc quản lý, chăm sóc cây xanh đô thị thực hiện theo Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11-6-2010 của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị. Rừng trồng tập trung quản lý theo Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16-11-2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.
Đối với cây xanh khu vực nông thôn, cần xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và các địa phương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ cây xanh; giao nhiệm vụ cho các cơ quan đơn vị các cấp, các ngành phụ trách từng khu vực, địa điểm trồng cây từ khâu chăm sóc, bảo vệ cây trồng đến khi cây trưởng thành; thường xuyên đánh gia số lượng, tình hình sinh trưởng, phát triển của cây trồng để gắn với việc đánh giá thực hiện nhiệm vụ hàng năm và kiểm điểm việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong mỗi cán bộ đảng viên và cơ quan đơn vị tổ xã phường.
UBND các quận, huyện có trách nhiệm tiếp nhận cây trồng và thực hiện công tác chăm sóc, duy tu theo quy định; ứng dụng công nghệ số vào công tác quản lý, theo dõi cây xanh.
Các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện có trách nhiệm tăng cường huy động mọi nguồn lực xã hội, thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn để triển khai trồng và bảo vệ cây xanh, trong đó tăng cường huy động vốn từ xã hội hóa, vốn đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp, vận động tài trợ của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia trồng rừng, trồng cây xanh. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư, xây dựng, trồng, chăm sóc, duy trì cây xanh trên các khu đất quy hoạch công viên, vườn hoa... Đồng thời, lồng ghép các chương trình dự án đầu tư của nhà nước như: Chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới 2021-2025; các dự án phát triển hạ tầng đô thị; xây dựng khu công nghiệp, công sở, làm đường giao thông có hạng mục trồng cây xanh được các Bộ, ngành địa phương thực hiện và các chương trình phát triển kinh tế xã hội khác... Huy động nguồn lực về lao động, sự tình nguyện tham gia của các tổ chức, đoàn thể, quần chúng và các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh.
Hương Đỗ