Banner trang chủ

Tình hình triển khai các quy định pháp luật theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 trên địa bàn tỉnh Sơn La

11/08/2023

    Nhờ tập trung nguồn lực triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác BVMT, năm 2021, tỉnh Sơn La đã đứng thứ 18/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về chỉ số đánh giá kết quả BVMT. Phát huy kết quả đạt được và để góp phần đưa Luật BVMT năm 2020 đi vào thực tiễn, UBND tỉnh Sơn La đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo Sở TN&MT, các cơ quan, ban/ngành, đoàn thể liên quan, UBND các huyện… nghiêm túc thực hiện các quy định pháp Luật về BVMT cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đảm bảo thống nhất, hiệu quả.

    Đa dạng các hình thức tuyên truyền

    Thực hiện nhiệm vụ được giao, Sở TN&MT đã phát hành 1.910 tập gấp giới thiệu Luật BVMT năm 2020 gửi các sở/ngành, UBND cấp huyện; tổ chức 4 hội nghị tuyên truyền, tập huấn về BVMT, biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, chất thải rắn... cho 1.000 lượt người là cán bộ, công chức các sở, ban ngành, phòng TN&MT các huyện, thành phố, công chức địa chính xã làm công tác BVMT và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Trung tâm truyền thông TN&MT (Bộ TN&MT) tổ chức tập huấn, tuyên truyền phổ biến kỹ năng, kinh nghiệm truyền thông về môi trường cho các sở, ban/ngành địa phương khu vực miền Bắc tại huyện Mộc Châu; phối hợp với Trung tâm Thanh thiếu niên tỉnh tuyên truyền về BVMT, biến đổi khí hậu cho cán bộ cấp xã và Thanh thiếu niên tại huyện Bắc Yên... Cùng với đó, chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, trách nhiệm cộng đồng về BVMT, tác hại của túi ni lông khó phân hủy; kêu gọi cộng đồng tích cực tham gia hưởng ứng Phong trào chống rác thải nhựa, khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; xây dựng mô hình BVMT có sự tham gia của cộng đồng; nâng cao nhận thức về tác hại của chất thải rắn sinh hoạt nông thôn.

    Thông qua công tác tuyên truyền, đã kịp thời phổ biến chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về BVMT, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm, năng lực quản lý, kỹ năng của cán bộ các cấp, ngành trong việc thực hiện quản lý nhà nước về BVMT, ứng phó biến đổi khí hậu. Qua các hội nghị tập huấn, tuyên truyền còn giúp doanh nghiệp, người dân nâng cao nhận thức, hiểu được quyền lợi, trách nhiệm trong triển khai thực hiện dự án và trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Người dân phường Quyết Thắng (TP. Sơn La) xây dựng khu dân cư thân thiện với môi trường

    Về công tác thanh, kiểm tra, từ năm 2022 đến nay, Sở TN&MT đã tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT; vận hành hiệu quả đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Qua đó, đã tiếp nhận, xử lý 4 thông tin phản ánh qua đường dây nóng; triển khai 10 cuộc thanh, kiểm tra với 10 tổ chức, cá nhân; ban hành 4 quyết định xử phạt với 3 đơn vị, tổng tiền phạt trên 1,6 tỷ đồng.

    Chủ động phòng ngừa, ứng phó với nguy cơ ô nhiễm

    Để phòng ngừa, ứng phó nguy cơ ô nhiễm, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch ứng phó sự cố môi trường theo quy định của Luật BVMT năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; 12/12 huyện, thành phố đã xây dựng, ban hành Kế hoạch ứng phó sự cố môi trường cấp huyện. Đến nay, 100% các huyện, thành phố, các khu, cụm công nghiệp đều được hướng dẫn, đôn đốc xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố môi trường.

    Về phía Sở TN&MT, đơn vị đã ban hành các văn bản chỉ đạo tăng cường giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật với các cơ sở chăn nuôi; chủ động phòng ngừa, kiểm soát nguy cơ ô nhiễm nguồn cấp nước sinh hoạt do sơ chế, chế biến cà phê, các cơ sở sản xuất chế biến nông sản; thu gom, vận chuyển, xử lý vỏ thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Đồng thời, tập trung kiểm tra, xử lý tại các khu vực ô nhiễm gây bức xúc trong dư luận; kết hợp tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của doanh nghiệp trong chấp hành công tác BVMT, góp phần phòng ngừa, giảm thiểu các sự cố ô nhiễm. Từ năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh không có sự cố môi trường lớn xảy ra. Thời gian tới, tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục bám sát các nhiệm vụ theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/1/2022 của Bộ TN&MT; kịp thời nắm bắt, thực hiện các quy định của các Luật khác có liên quan, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, giao thông, thủy lợi, khoáng sản...

    Tăng cường BVMT khu đô thị, khu dân cư

    Thời quan qua, quá trình thực hiện một số dự án khu đô thị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn, vướng mắc trong bố trí phương án xử lý môi trường. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả việc thực hiện các quy định pháp luật về BVMT khu đô thị, khu dân cư theo Luật BVMT năm 2020, Sở TN&MT tỉnh Sơn La vừa ban hành Công văn số 2480/STNMT-QLMT về việc BVMT khu đô thị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh.

    Theo đó, Sở TN&MT đề nghị UBND các huyện, thành phố, chủ đầu tư các dự án khu đô thị, khu dân cư triển khai các giải pháp BVMT khu đô thị, khu dân cư, theo nguyên tắc phát triển bền vững, gắn với việc duy trì các yếu tố tự nhiên, văn hóa, lịch sử, bảo đảm tỷ lệ không gian xanh, yêu cầu về cảnh quan, vệ sinh môi trường theo quy hoạch.

    Khu đô thị, khu dân cư tập trung phải đáp ứng yêu cầu về BVMT, gồm: Mạng lưới cấp, thoát nước, công trình vệ sinh nơi công cộng; hệ thống thu gom, xử lý nước thải đồng bộ, phù hợp quy hoạch. Trường hợp khu đô thị, khu dân cư tập trung đã hình thành trước ngày Luật có hiệu lực thi hành mà không bố trí được quỹ đất xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải thì thực hiện theo quy định tại điểm c, khoản 5, Điều 86, Luật BVMT năm 2020.

    Thiết bị, phương tiện, địa điểm để phân loại rác tại nguồn, thu gom, lưu trữ chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với lượng, loại chất thải phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân trong khu đô thị, khu dân cư tập trung. Có diện tích cây xanh, mặt nước, không gian thoáng trong khu đô thị, khu dân cư. Công viên, vườn hoa, cây xanh mặt nước, đường giao thông công cộng, hệ sinh thái tự nhiên phải được bảo vệ, giữ gìn, tôn tạo, đáp ứng yêu cầu mỹ quan, bảo vệ môi trường, không được lấn chiếm, san lấp, sử dụng sai mục đích. Với các cụm dân cư nông thôn phải có hệ thống thoát nước và biện pháp xử lý nước thải phù hợp.

    Sở TN&MT cũng đề nghị UBND các xã phường, thị trấn thống kê, quản lý các loại chất thải sinh hoạt, nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát sinh trên địa bàn; tổ chức giữ gìn vệ sinh, cải tạo môi trường cảnh quan nông thôn, quy định về hoạt động tự quản về bảo vệ môi trường địa bàn nông thôn. UBND các huyện, thành phố tăng cường quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bảo đảm quy định về BVMT; quản lý công tác thu gom, xử lý chất thải quy mô cấp huyện; đầu tư nâng cấp hệ thống thoát nước, xử lý nước thải, thu gom và xử lý chất thải rắn khu vực nông thôn; theo dõi, đánh giá diễn biến chất lượng môi trường, khoanh vùng, xử lý, cải tạo, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường tại các điểm, khu vực ô nhiễm trên địa bàn nông thôn.

Hoàng Đàn

Ý kiến của bạn