05/01/2021
Là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thuộc khu vực Đông Nam bộ, Bà Rịa - Vũng Tàu hội tụ nhiều tiềm năng để phát triển công nghiệp, du lịch, dầu khí, cảng biển, đánh bắt, nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản,... Tuy nhiên, đi kèm theo với sự phát triển kinh tế - xã hội nhanh chóng kéo theo những vấn đề ô nhiễm môi trường, trong đó đã xuất hiện một số khu vực có dấu hiệu ô nhiễm môi trường không khí ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân, cụ thể từ hoạt động sản xuất bột cá, hoạt động của các nhà máy luyện phôi thép, ô nhiễm từ các nhà máy xử lý chất thải, bụi từ quá trình khai thác, vận chuyển khoáng sản…
Công tác BVMT tại một số cơ sở sản xuất phát sinh khí thải lưu lượng lớn
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu các cơ sở phát sinh khí thải lớn chủ yếu tập trung vào các ngành: sản xuất thép (luyện thép, cán thép), hóa chất, phân bón, thuộc da, các sản phẩm da tại các Khu công nghiệp (KCN) Phú Mỹ I, Phú Mỹ II, Mỹ Xuân A2, Mỹ Xuân A và các các cơ sở xử lý chất thải đang hoạt động tại Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên.
Nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, cải thiện, khắc phục ô nhiễm và tạo bước chuyển biến căn bản trong công tác bảo vệ môi trường, với mục tiêu phát triển bền vững, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xây dựng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác quản lý, BVMT, đồng thời chú trọng đến công tác đầu tư hạ tầng. Để quản lý các cơ sở có nguồn thải lớn thuộc đối tượng lắp đặt quan trắc tự động, liên tục trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 03/2019/QĐ-UBND ngày 22/3/2019 về Quy chế quản lý, vận hành hệ thống quan trắc nước thải và khí thải tự động, liên tục trên địa bàn tỉnh.
Tính đến tháng 11/2020, có 14 cơ sở đã đầu tư 19 trạm quan trắc khí thải tự động, liên tục để thực hiện nhận, truyền và quản lý dữ liệu theo quy định, cụ thể: 3 cơ sở đã đầu tư hoàn thành và truyền dữ liệu chính thức về Trung tâm tiếp nhận dữ liệu của tỉnh, gồm Nhà máy Đạm Phú Mỹ (1 trạm), Công ty TNHH Baconco (3 trạm), Công ty Cổ phần Giấy Sài Gòn (2 trạm); 5 cơ sở đã được kiểm tra và đang khắc phục một số tồn tại theo yêu cầu để được kết nối truyền dữ liệu chính thức về Trung tâm tiếp nhận dữ liệu của tỉnh, gồm Công ty TNHH Hóa chất AGC Việt Nam, Công ty TNHH Hà Lộc, Công ty TNHH Xử lý môi trường Sạch Việt Nam, Công ty CP xi măng Cẩm Phả, Công ty TNHH Siam City Cement Việt Nam; 6 cơ sở luyện thép đã đầu tư hệ thống quan trắc tự động tại các nhà máy luyện thép với các thông số giám sát yêu cầu: Lưu lượng, bụi tổng, nhiệt độ, NOx (tính theo NO2), O2, trong đó, có 2 cơ sở, gồm Nhà máy Pomina 2 (2 trạm), Chi nhánh Thép Pomina đã thực hiện nhận, truyền và quản lý dữ liệu theo Thông tư 24/2017/TT-BTNMT, 04 cơ sở còn lại, gồm Nhà máy thép Vinakyoei, Nhà máy thép Miền Nam Tung Ho (2 trạm), Posco SS Vina đã thực hiện đầu tư trước thời điểm Thông tư 24/2017/TT-BTNMT có hiệu lực và đang đầu tư chuyển đổi theo quy định.
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, rà soát, yêu cầu các cơ sở thuộc đối tượng đầu tư quan trắc tự động, liên tục theo quy định trước ngày 31/12/2020 vẫn đang được tiếp tục thực hiện. Tuy nhiên, ngày 11/9/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 129/NQ-CP về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2020, trong đó, cho phép gia hạn thời gian hoàn thành đầu tư quan trắc tự động đối với các cơ sở đến ngày 31/12/2021.
Công tác BVMT tại các Khu công nghiệp/Cụm công nghiệp
Trên địa bàn tỉnh hiện có 15 khu công nghiệp (KCN) được thành lập, tổng diện tích 8.510 ha, trong đó, có 12/15 KCN đã chính thức được đi vào hoạt động. Tổng lượng nước thải phát sinh trung bình khoảng 45.000 m3/ngày đêm. Tất cả 12 KCN đều được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung (riêng KCN Mỹ Xuân B1- Đại Dương sử dụng chung hệ thống xử lý nước thải với KCN Mỹ Xuân B1- Tiến Hùng) và hệ thống quan trắc tự động theo quy định.
Để tăng cường giải pháp BVMT tại các Khu công nghiệp, UBND tỉnh đã có Thông báo số 784/TB-UBND ngày 18/11/2019 giao Ban Quản lý các KCN yêu cầu chủ đầu tư các KCN tập trung trên địa bàn tỉnh và các Nhà đầu tư thứ cấp trong KCN có giải pháp, kế hoạch, lộ trình thực hiện đúng chủ trương của Thường trực Tỉnh ủy, phải đầu tư mới hoặc nâng cấp hệ thống xử lý nước thải tập trung của các KCN đạt cột A QCVN 40:2011/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp; bảo đảm đến cuối năm 2022, hệ thống xử lý nước thải tập trung của các KCN trên địa bàn tỉnh đạt loại A.
Nhằm phối hợp công tác quản lý môi trường tại các KCN, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3143/QĐ-UBND ngày 31/10/2018 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế phối hợp về quản lý môi trường tại các KCN trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đối với các cụm công nghiệp (CCN) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu theo quy hoạch giai đoạn 2016 - 2020 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3247/QĐ-UBNB ngày 16/11/2016, có 14 CCN với tổng diện tích là 486ha. Trong năm 2019, có các CCN được bổ sung thêm vào quy hoạch phát triển CCN đến năm 2020 của tỉnh, gồm CCN chế biến hải sản Lộc An (50,13 ha) theo Quyết định số 1973/QĐ-UBND ngày 31/8/2019 và CCN chế biến hải sản Bình Châu (21,49 ha) Quyết định số 3109/QĐ-UBND ngày15/11/2019. Như vậy, đến nay, trên địa bàn tỉnh có tổng công 16 CCN, với quy mô sử dụng đất khoảng 557,62 ha.
Tính đến tháng 11/2019, đã có 15/16 CCN được UBND tỉnh giao cho các doanh nghiệp và các địa phương làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng. Đối với CCN còn lại (CCN Phước Tân huyện Xuyên Mộc), hiện đang được Công ty TNHH Đầu tư xây dựng hạ tầng Toàn Cầu xin chủ trương thực hiện đầu tư. Hiện tại, có 5 CCN đã được chính thức đi vào hoạt động, tổng lượng nước thải phát sinh trung bình khoảng 4.350 m3/ngày đêm. Tất cả 5 CCN đều được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung, trong đó 1 CCN đã đầu tư hệ thống quan trắc tự động; 1 CCN đang triển khai; 3 CCN còn lại trước đây không thuộc đối tượng quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP nên chưa đầu tư quan trắc tự động và hiện nay đang được yêu cầu đầu tư theo quy định tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP.
Một số đề xuất, kiến nghị
Để công tác BVMT trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong thời gian tới có hiệu quả, xin kiến nghị một số nội dung:
Đối với khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên
Việc đầu tư Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc chủ động xử lý chất thải phát sinh trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, với tính chất là khu xử lý chất thải tập trung nên tiềm ẩn các nguy cơ rủi ro, phát sinh nhiều vấn đề về môi trường cần giải quyết (phần lớn các dự án được Bộ TN&MT phê duyệt cáo cáo ĐTM). Do đó, đề nghị Bộ TN&MT hỗ trợ tỉnh sớm đánh giá toàn diện về công tác quy hoạch, quản lý; đánh giá công nghệ xử lý chất thải và các công trình BVMT của các nhà máy, các tác động đến môi trường xung quanh để có phương án, biện pháp xử lý đồng bộ, triệt để.
Đối với khí thải từ các cơ sở sản xuất thép
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 6 nhà máy luyện thép (Miền Nam, Tung Ho, Vinakyoei, Posco Yamato Việt Nam, Pomina 2, Pomina 3) và một số nhà máy cán thép, sản xuất các sản phẩm sau thép (Tôn Hoa Sen; thép tấm lá Thống Nhất; thép tấm lá Phú Mỹ; thép Posco VN) đang hoạt động tại KCN Phú Mỹ I, Phú Mỹ II. Hầu hết các nhà máy này đều có báo cáo đánh giá tác động môi trường thuộc thẩm quyền quyết định phê duyệt của Bộ TN&MT. Mặc dù các nhà máy đã đầu tư hệ thống xử lý chất thải; đa phần đã được đầu tư hệ thống quan trắc tự động khí thải và truyền số liệu về Trung tâm quản lý của tỉnh, nhưng vẫn còn một số nhà máy cán thép chưa được pháp luật quy định cụ thể thuộc đối tượng quan trắc tự động hay không. Bên cạnh đó, hoạt động của các nhà máy vẫn còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường, nhất là hoạt động xả thải khí thải và tình trạng không kiểm soát thu gom được triệt để hết khí phát sinh từ các công đoạn của quá trình sản xuất làm phát tán ra môi trường, đang gây ra nhiều vấn đề môi trường không khí xung quanh, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống người dân trong khu vực và thường xuyên bị người dân phản ánh trong thời gian qua. Do đó, để có biện pháp kiểm soát chặt chẽ vấn đề ô nhiễm môi trường từ các nhà máy sản xuất thép trên địa bàn tỉnh, đề nghị Bộ TN&MT, Tổng cục Môi trường tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về bảo vệ môi trường tại các nhà máy này, qua đó, yêu cầu các nhà máy rà soát, đánh giá công nghệ, thiết bị sản xuất để yêu cầu có kế hoạch đầu tư, cải tạo, nâng cấp, bảo đảm hoạt động hiệu quả; đồng thời, nhận diện các sự cố có thể xảy ra; xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường.
Vừa qua, Sở TN&MT nhận được kiến nghị của các Doanh nghiệp về việc thay vì đầu tư quan trắc tự động liên tục cho từng ống khói phát thải theo quy định, sẽ được thực hiện giải pháp gộp các ống khói sau hệ thống xử lý khí thải, kết nối bằng đường ống lại với nhau để khí thải sau xử lý được tập trung dẫn đưa về cho thoát ra môi trường bên ngoài bằng một ống khói chung (một điểm phát thải); nhờ đó, chỉ phải thực hiện đầu tư 1 hệ thống quan trắc tự động, liên tục nhằm giảm chi phí đầu tư. Tuy nhiên, Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ chưa quy định chi tiết việc đấu nối các ống khói sau xử lý để bố trí lắp đặt quan trắc khí thải. Do đó, đề nghị Bộ TN&MT, Tổng cục Môi trường có hướng dẫn, làm căn cứ để địa phương triển khai đến các Doanh nghiệp tổ chức thực hiện vừa bảo đảm được yêu cầu kiểm soát ô nhiễm vừa tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động, phát triển.
Về mặt môi trường, các cơ sở phát sinh khí thải lớn tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng khu dân cư khu vực xung quanh và cho môi trường sinh thái. Ngoài việc kiểm soát phát thải, giải pháp hỗ trợ giảm thiểu nguy cơ cho vấn đề này được nhiều nước áp dụng hiện nay là tăng chiều cao ống khói. Vì vậy cần có hướng dẫn quy định chiều cao tối thiểu của ống khói tương ứng theo quy mô phát thải (lưu lượng và nồng độ các chất có trong khí thải sau xử lý) và theo phân vùng đặc điểm địa hình cũng như theo điều kiện thời tiết, khí tượng đặc trưng, để địa phương có cơ sở triển khai áp dụng.
Ngoài ra, thay thế việc tập trung xử lý ô nhiễm cuối đường ống, cần chuyển dần đi đến yêu cầu bắt buộc thực hiện giải pháp kiểm soát các yếu tố ảnh hưởng đầu vào đối với các dự án đầu tư, nhất là các dự án đầu tư có phát sinh khí thải lớn; theo đó, cần thiết lập được tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật để áp dụng bắt buộc, tạo cơ sở pháp lý nhằm ngăn chặn, loại bỏ ngay từ giai đoạn xem xét chủ trương đầu tư những dự án đầu tư có công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, phát thải lớn gây ô nhiễm môi trường.
Đặng Sơn Hải - Phó Giám đốc
Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2020)