03/06/2021
Trong những năm qua, công tác quản lý nhà nước về BVMT trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã được lãnh đạo quan tâm, chỉ đạo và triển khai thực hiện, từng bước đi vào nền nếp, đảm bảo các quy định của pháp luật. Theo đó,tỉnh đã quy hoạch 5 khu xử lý chất thải rắn trọng điểm và 75 khu xử lý tập trung tại các địa phương; đối với chất thải y tế nguy hại tỉnh đã quy hoạch 9 cụm xử lý trên địa bàn tỉnh. Đến nay đang triển khai thực hiện 3 khu xử lý chất thải rắn trọng điểm và có 42 khu xử lý chất thải rắn, 9 cụm xử lý chất thải y tế nguy hại đang hoạt động. Hiện nay khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh hàng ngày trên địa bàn tỉnh khoảng hơn 2.100 tấn/ngày, trong đó 85% khối lượng được thu gom, xử lý bằng 2 hình thức chủ yếu là chôn lấp và đốt. Khối lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh hàng năm khoảng hơn 1,2 triệu tấn, trong đó 92,5% được tái chế, tái sử dụng; khối lượng chất thải rắn nguy hại phát sinh trên địa bàn toàn tỉnh khoảng 16.600 tấn/năm, trong đó 80% khối lượng được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn…
Các hoạt động quản lý chất thải nguy hại đã triển khai thời gian qua
Nhằm tăng cường công tác quản lý chất thải nguy hại (CTNH), ngày 21/1/2020, Sở TN&MT Thanh Hóa đã ban hành văn bản số 414/STNMT-BVMT giao chỉ tiêu và nhiệm vụ cụ thể cho các địa phương triển khai công tác thu gom, xử lý chất thải nguy hại (CTNH) trên địa bàn tỉnh năm 2020 tỷ lệ được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn chiếm khoảng 80%. Kết quả triển khai cho thấy, nhìn chung các cơ sở sản xuất có khối lượng CTNH phát sinh lớn thực hiện nghiêm túc công tác báo cáo quản lý CTNH và đã hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý (đến nay đã có 178 cơ sở đã gửi báo cáo công tác BVMT năm 2020 về Sở, trong đó, 54 đơn vị báo theo đúng hướng dẫn tại Thông tư số 25/2019/TTBTNMT ngày 31/12/2019 của Bộ TN&MT). Các đơn vị có khối lượng CTNH phát sinh ít, chủ yếu là các gara ô tô, cửa hàng xăng dầu nhỏ lẻ, các cơ sở khai thác khoáng sản,…chưa thực hiện báo cáo định kỳ hoặc có báo cáo nhưng còn sơ sài, thiếu thông tin, một số cơ sở phát sinh ít chưa thu gom, xử lý CTNH đảm bảo quy định.
Theo thống kê và báo cáo của các cơ sở phát sinh CTNH đã được cấp Sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH, năm 2020 tổng khối lượng CTNH phát sinh từ các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa khoảng 15.900 tấn. Trong đó, có khoảng 83% CTNH được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn.
Đối với CTNH từ các cơ sở y tế, trên địa bàn tỉnh hiện có 782 cơ sở y tế (13 bệnh viện tuyến tỉnh, 25 bệnh viện tuyến huyện, 16 bệnh viện tư nhân, 6 Trung tâm tuyến tỉnh, 27 Trung tâm y tế huyện, 559 trung tâm y tế xã, còn lại là phòng khám) với tổng số giường bệnh: 13.360 (11.210 giường bệnh công lập + 2.420 giường bệnh tư nhân). Lượng CTR y tế phát sinh khoảng 19.790kg/ngày, trong đó lượng chất thải rắn y tế thông thường có khoảng: 17.760kg/ngày; chất thải y tế nguy hại có khoảng: 2.030 kg/ngày. CTR y tế cơ bản đã được phân loại tại nguồn theo quy định của Bộ Y tế; chất thải y tế không nguy hại có thể tái chế, được thu gom và bán cho các cơ sở 2 tái chế, chất thải y tế nguy hại được xử lý theo cụm (gồm 9 cụm) bằng công nghệ vi sóng kết hợp nghiền cắt. Các cơ sở hành nghề y tư nhân, các trạm y tế tuyến xã có lượng rác thải nguy hại nhỏ hợp đồng với các bệnh viện để xử lý theo cụm.
Trình trạng CTNH phát sinh từ chất thải sinh hoạt của hộ gia đình (bóng đèn huỳnh quang thải, các thiết bị thải bỏ có thành phần CFC, pin, ắc quy thải, dầu mỡ thải, các loại linh kiện điện tử thải…được ước tính bằng 0,1% chất thải rắn sinh hoạt phát sinh). Trong năm 2020, CTNH từ hộ gia đình phát sinh khoảng 648 tấn, tuy nhiên việc thu gom, phân loại CTNH từ các hộ gia đình hầu như chưa được thực hiện, đang để lẫn với chất thải sinh hoạt thông thường và được xử lý cùng chất thải rắn sinh hoạt thông thường.
Tình hình hoạt động của các chủ xử lý CTNH, chủ hành nghề QLCTNH, chủ vận chuyển, chủ xử lý, tiêu hủy CTNH
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3 đơn vị được Bộ TN&MT cấp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại: Công ty CP môi trường Nghi Sơn và Công ty CP môi trường Việt Thảo và Công ty xi măng Nghi Sơn. Các chủ xử lý đã ký hợp đồng với các chủ nguồn thải CTNH định kỳ hằng tháng hoặc hằng quý vận chuyển và xử lý. Hằng năm, các Công ty đã có báo cáo công tác quản lý CTNH về Sở TN&MT theo đúng quy định. Năm 2020, 3 Công ty đã ký hợp đồng xử lý được 10.901.311,404 kg CTNH.
Cũng trong năm 2020, Sở TN&MT Thanh Hóa đã cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH cho 12 cơ sở theo quy định tại Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ trưởng Bộ TN&MT về quản lý chất thải nguy hại. Đến ngày 31/12/2020, tổng số sổ chủ nguồn thải đã cấp là 364 sổ.
Về công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm: Trong năm 2020, Sở TN&MT đã tổ chức kiểm tra, giám sát tại 123 cơ sở đang sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh (trong đó, 84 đơn vị theo chương trình giám sát sau khi có quy ết định ĐTM; 20 đơn vị theo kiến nghị, phản ánh của tổ chức, cá nhân; 7 cơ sở chế biến, kinh doanh than, 12 cơ sở khai thác, chế biến đá trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc theo chỉ đạo của UBND tỉnh). Trong quá trình kiểm tra, giám sát Sở đã yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện quản lý CTNH đúng quy định; kê khai, báo cáo công tác quản lý CTNH định kỳ gửi Sở TN&MT; lập hồ sơ đăng ký chủ nguồn thải CTNH (đối với các đơn vị có khối lượng chất thải phát sinh hơn 600kg/năm) gửi Sở TN&MT để cấp sổ chủ nguồn thải CTNH, yêu cầu các doanh nghiệp phải hợp đồng với các đơn vị có chức năng vận chuyển xử lý đúng quy định. Qua kiểm tra, giám sát, giải quyết đơn thư, khiếu nại, phản ánh, Sở đã xử lý và kiến nghị xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT đối với 15 đơn vị với số tiền là 911 triệu đồng.
Mặt khác, UBND các huyện đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức kiểm tra công tác BVMT tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nằm trên địa bàn huyện, qua kiểm tra đã phát hiện và xử lý, kiến nghị xử lý các trường hợp vi phạm, trong đó có vi phạm về quản lý CTNH.
Một số khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị
Hiện nay, công tác xử lý CTNH trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, phức tạp do số đơn vị có giấy phép xử lý CTNH còn ít (3 đơn vị) nên chỉ có một số doanh nghiệp có số lượng CTNH phát sinh lớn có thể hợp đồng với các đơn vị có đủ chức năng xử lý CTNH đem đi xử lý, các đơn vị có số lượng CTNH ít rất khó hợp đồng được với các đơn vị có đủ chức năng nên phần lớn vẫn đang thực hiện lưu giữ tại đơn vị hoặc chuyển cho những đơn vị không đủ chức năng xử lý.
Một số doanh nghiệp chưa ý thức tốt trong việc quản lý CTNH tại cơ sở, việc phân loại, phân định CTNH theo mã số, quản lý hồ sơ CTNH chưa được thực hiện nghiêm túc.
Bên cạnh đó, việc quản lý phân loại CTNH lẫn trong chất thải sinh hoạt còn hạn chế, chưa có giải pháp để phân loại triệt để, mặt khác CTNH đồng ruộng hiện nay đã có biện pháp thu gom phân loại tuy nhiên chưa có giải pháp vận chuyển xử lý do khối lượng ít, không hợp đồng được với các đơn vị có chức năng vận chuyển xử lý.
Hàng năm, Sở TN&MT đã gửi công văn yêu cầu các đơn vị thực hiện báo cáo theo đúng thời hạn quy định, tuy nhiên nhiều đơn vị thực hiện báo cáo không đúng theo hướng dẫn hoặc không báo cáo (hầu hết các đơn vị có khối lượng CTNH phát sinh dưới 600kg/năm không có báo cáo) gây khó khăn trong việc tổng hợp tình hình phát sinh, thu gom, xử lý CTNH trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Việc quản lý, giám sát đối với các chủ hành nghề quản lý CTNH (có cơ sở xử lý không nằm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa) có hoạt động thu gom CTNH tại các chủ nguồn thải trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn nhiều khó khăn, bất cập do chưa có cơ chế chia sẻ thông tin về giám sát các chủ hành nghề quản lý CTNH giữa các tỉnh và trung ương.
Để công tác quản lý CTNH trên phạm vi cả nước nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng đi vào nề nếp và đạt hiệu quả cao, Sở TN&MT Thanh Hóa đề xuất, kiến nghị Bộ TN&MT một số nội dung sau:
Thứ nhất, sao gửi Giấy phép xử lý CTNH hoặc Quyết định thu hồi Giấy phép do Bộ TN&MT cấp đến Sở TN&MT Thanh Hóa đối với các đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý CTNH hoạt động trên địa bàn tỉnh để thuận tiện trong quá trình quản lý cũng như kiểm tra, giám sát.
Thứ hai, sớm ban hành hệ thống thông tin trực tuyến về quản lý CTNH, kết nối và chia sẻ dữ liệu với địa phương để theo dõi, kịp thời phát hiện, xử lý hành vi vi phạm.
Thứ ba, có cơ chế, chính sách, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào
công tác vận chuyển và xử lý CTNH. Hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương để tỉnh Thanh Hóa xây dựng khu chôn lấp, xử lý an toàn CTNH.
Lê Văn Bình - Chi cục trưởng
Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Thanh Hóa
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 5/2021)