Banner trang chủ

Tỉnh Bình Định chủ động triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020

25/01/2022

    Luật BVMT năm 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 với nhiều điểm mới, đánh dấu những đổi mới về chính sách, pháp luật trong BVMT, bảo đảm sự phát triển bền vững, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT, đáp ứng với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước... Để triển khai thi hành Luật đảm bảo hiệu quả, kịp thời và đồng bộ, nhiều địa phương trên cả nước đã chủ động, tích cực xây dựng kế hoạch triển khai tuyên truyền Luật. Nhân dịp này, Tạp chí Môi trường có cuộc trao đổi với bà Hà Thị Thanh Hương - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Định về việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Luật BVMT nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, doanh nghiệp…và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Bà Hà Thị Thanh Hương - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Định chủ trì Hội thảo triển khai thi hành Luật trên địa bàn tỉnh vào tháng 10/2021

PV: Thưa bà, để Luật BVMT năm 2020 đi vào thực tiễn cuộc sống, Sở TN&MT Bình Định đã triển khai các hoạt động gì để tham mưu UBND tỉnh ban hành và triển khai Kế hoạch thi hành Luật?

Bà Hà Thị Thanh Hương: Nhằm triển khai Luật BVMT năm 2020 kịp thời và hiệu quả, Sở TN&MT Bình Định đã chủ động thực hiện đồng bộ nhiều nội dung liên quan. Theo đó, Sở đã giao Chi cục BVMT tổ chức nhiều buổi thảo luận chuyên đề đối với từng nhóm nội dung quy định của Luật để nắm vững các quy định mới. Trên cơ sở đó, Sở TN&MT đã chủ trì, phối hợp với các sở, ban/ngành, hội đoàn thể và địa phương tham mưu UBND tỉnh Bình Định ban hành Kế hoạch số 73/KH-UBND ngày 22/6/2021 về việc triển khai thi hành Luật BVMT. Trong đó có sự phân công trách nhiệm cụ thể việc triển khai thi hành Luật BVMT của các sở, ban/ngành, địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh để kịp thời nghiên cứu, triển khai thực hiện.

PV: Điểm mới của Luật BVMT năm 2020 phân cấp cho địa phương từ cấp tỉnh đến cấp xã, phường, thị trấn trong công tác quản lý nhà nước về môi trường. Vậy Sở có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến như thế nào để phát huy vai trò của các phòng ban ở huyện, thị xã, thành phố trong việc triển khai thi hành Luật ?

Bà Hà Thị Thanh Hương: Luật BVMT 2020 đã phân cấp mạnh mẽ cho địa phương từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã trong công tác quản lý môi trường nói chung và nhiều nội dung cụ thể như thẩm định, quản lý đăng ký hồ sơ môi trường, quản lý chất thải, ứng phó sự cố môi trường và thanh, kiểm tra công tác BVMT,… Trong đó có nhiều nội dung mới như việc giao UBND cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các Bộ/ngành có liên quan thẩm định báo cáo ĐTM đối với các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, giao UBND cấp huyện lập Hội đồng thẩm định, Đoàn kiểm tra để thẩm định định và cấp Giấy phép môi trường theo thẩm quyền, giao UBND cấp xã tiếp nhận hồ sơ đăng ký môi trường,… Những quy định sẽ góp phần phát huy vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong công tác quản lý môi trường, nhưng cũng tạo áp lực không nhỏ đối với đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý môi trường vốn khá hạn chế về số lượng, nhất là ở cấp huyện, xã.

    Do đó, để đảm bảo cho việc phổ biến nhanh nhất nội dung Luật BVMT trên phạm vi toàn tỉnh, Sở TN&MT đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như tổ chức Hội nghị trực tuyến phổ biến Luật BVMT cho UBND 11 huyện, thị xã/thành phố và các xã, phường, thị trấn cùng một số Sở/ngành liên quan; phát hành các văn bản phổ biến những điểm mới của Luật BVMT, hướng dẫn trách nhiệm của UBND cấp huyện, xã và các chủ đầu tư trong thực hiện Luật BVMT; biên soạn và phát hành 1.600 Sổ tay giới thiệu về Luật BVMT và các hướng dẫn liên quan trong công tác BVMT, quản lý chất thải, phối hợp với Báo Bình Định, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Định, Báo TN&MT,… thực hiện một số tin, bài viết, phóng sự chuyên đề tuyên truyền về Luật BVMT.

    Thời gian tới, Sở TN&MT sẽ tiếp tục tổ chức các Hội nghị phổ biến Nghị định, Thông tư hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật BVMT đến UBND các cấp; đồng thời nghiên cứu, rà soát ban hành và tham mưu ban hành các văn bản hướng dẫn để các sở, ngành liên quan và các địa phương nắm bắt và triển khai đồng bộ các quy định của Luật BVMT.

PV: Luật BVMT năm 2020 có nhiều quy định nhằm cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, giảm thời gian và kinh phí tuân thủ của doanh nghiệp,… vậy tỉnh có kế hoạch gì để các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn hiểu rõ và thực thi hiệu quả nội dung này của Luật?

Bà Hà Thị Thanh Hương: Luật BVMT đã thiết kế khung chính sách hướng đến việc hình thành đạo luật về BVMT có tính tổng thể, toàn diện và hài hòa với hệ thống pháp luật về kinh tế - xã hội; chú trọng cải cách mạnh mẽ, cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính (TTHC), giảm thời gian thực hiện các TTHC từ 20 - 85 ngày, góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp.

    Để cụ thể hóa các nội dung quy định của Luật BVMT, đặc biệt là những đổi mới theo hướng cải cách mạnh mẽ TTHC, Sở TN&MT đã có văn bản gửi đến trên 500 các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc cấp tỉnh quản lý về môi trường để phổ biến triển khai Luật, trong đó chú trọng hướng dẫn những điểm mới của Luật liên quan đến các TTHC về môi trường để các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ biết và kịp thời chuẩn bị triển khai thực hiện theo quy định; đồng thời yêu cầu Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, UBND cấp huyện khẩn trương phổ biến đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc thẩm quyền quản lý về môi trường để các đơn vị nắm bắt và chủ động thực hiện.

    Bên cạnh đó, Sở TN&MT đã chủ động rà soát toàn bộ các TTHC về môi trường đang thực hiện tại địa phương từ cấp tỉnh đến huyện, xã để xem xét tính phù hợp với Luật BVMT 2020 và những yêu cầu phải bãi bỏ, tạm dừng đến khi có Nghị định và Thông tư hướng dẫn, hiệu chỉnh,… để báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện đồng bộ trên địa bàn tỉnh, góp phần hạn chế ảnh hưởng đến quá trình thực hiện các TTHC về môi trường của tổ chức, cá nhân. Ngoài ra, theo kế hoạch, trong Quý I năm 2022, Sở TN&MT sẽ tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn các quy định của Luật BVMT cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

PV: Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay có ảnh hưởng đến công tác triển khai hoạt động tuyên truyền phổ biến Luật? Và tỉnh đã có phương án triển khai như thế nào trong thời gian tới ?

Bà Hà Thị Thanh Hương: Tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp và có ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động quản lý môi trường cũng như tuyên truyền phổ biến Luật. Tuy nhiên, với phương châm “thích ứng - an toàn - linh hoạt” trong từng giai đoạn, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã kịp thời có phương án triển khai các hoạt động tuyên truyền phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh COVID-19 theo từng thời điểm, có thể kể đến như: Tổ chức Hội nghị, hội thảo, tập huấn trực tuyến; tuyên truyền trực quan (Pano, poster, băng rôn, phướn,...); tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; triển khai Sổ tay, văn bản hướng dẫn BVMT,... Năm 2022, Sở TN&MT sẽ tham mưu UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo việc duy trì thường xuyên các hoạt động tuyên truyền, phổ biến và triển khai Luật BVMT thông qua nhiều biện pháp linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch bệnh. Các hội nghị, hội thảo, tập huấn với quy mô lớn, nhiều người tham dự sẽ tổ chức dưới hình thức trực tuyến thông qua hạ tầng họp trực tuyến của UBND tỉnh, kết nối đến tất cả các xã, phường, thị trấn. Chú trọng truyền thông thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như Báo Bình Định, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Định,… Phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội đoàn thể cùng tham gia công tác tuyên truyền và giám sát việc thực hiện Luật BVMT.

Khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định, điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư trong nước và quốc tế

PV: Nhân dịp này bà có đề xuất, kiến nghị gì về công tác quản lý BVMT thời gian tới ?

Bà Hà Thị Thanh Hương: Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về BVMT trên địa bàn tỉnh được chú trọng, triển khai đồng bộ và chặt chẽ, góp phần đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Định theo hướng bền vững. Thời gian tới, để việc triển khai thi hành Luật BVMT kịp thời và hiệu quả, Sở TN&MT Bình Định kính đề nghị Chính phủ, Bộ TN&MT sớm ban hành các quy định, hướng dẫn cụ thể triển khai thi hành Luật và danh mục thủ tục hành chính để các địa phương có cơ sở thực hiện. Đồng thời, Bộ TN&MT phối hợp với các Bộ/ngành liên quan để có hướng dẫn thống nhất trong triển khai một số nhiệm vụ tại địa phương như việc chuyển giao nhiệm vụ quản lý chất thải rắn (Bộ Xây dựng), phân định nhiệm vụ quản lý nhà nước về đa dạng sinh học (Bộ NN&PTNT), ủy quyền quản lý nhà nước tại Khu kinh tế - Khu công nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), định mức cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về môi trường cấp cơ sở, đặc biệt là cấp xã (Bộ Nội vụ); hướng dẫn, xây dựng định mức kinh phí cụ thể cho việc triển khai các nhiệm vụ về bảo vệ môi trường và định mức chi sự nghiệp bảo vệ môi trường hàng năm cho các địa phương (Bộ Tài chính); hướng dẫn công tác quản lý chất thải (phân loại, giá dịch vụ, định mức;…) theo quy định mới trong Luật.

    Ngoài ra, Luật BVMT năm 2020 có nhiều điểm mới, trong quá trình thực hiện sẽ gặp nhiều khó khăn, vướng mặc và bất cập,… kính đề xuất Bộ TN&MT thiết lập kênh trao đổi thông tin công khai, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc để các địa phương cùng rút kinh nghiệm và thống nhất triển khai thực hiện.

PV: Trân trọng cảm ơn bà.

Nam Hưng (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2022)

Ý kiến của bạn