28/06/2022
Luật BVMT 2020 và các văn bản quy định chi tiết thi hành có nhiều quy định mới, mang tính đột phá, lần đầu áp dụng tại Việt Nam nên việc thực thi trong thực tế còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Vì vậy, thực hiện chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân tại các hội nghị tập huấn quy định, chính sách của Luật cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành cho Sở TN&MT và các cơ quan liên quan của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổng cục Môi trường đã tổng hợp các câu hỏi đề nghị giải đáp từ các Sở TN&MT, doanh nghiệp, người dân liên quan đến vấn đề này để kịp thời hướng dẫn, trả lời. Tạp chí Môi trường đăng tải nguyên văn câu hỏi và nội dung trả lời trên website https://tapchimoitruong.vn.
Dưới đây là nội dung liên quan đến tiêu chí về môi trường để phân loại dự án đầu tư.
Câu hỏi: Trường hợp dự án đầu tư vào Khu công nghiệp (KCN), đồng thời KCN nằm trong nội thành, nội thị của đô thị thì có coi vị trí nêu trên của dự án là có yếu tố nhạy cảm về môi trường hay không. Đề nghị hướng dẫn cách xác định tiêu chí “nằm trong nội thành, nội thị của đô thị theo quy định của pháp luật về phân loại đô thị” được quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.
Trả lời:
- Đối với trường hợp dự án đầu tư vào khu công nghiệp: Theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 25 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, tiêu chí yếu tố nhạy cảm môi trường “nằm trong nội thành, nội thị của đô thị theo quy định của pháp luật về phân loại đô thị” chỉ áp dụng đối với trường hợp dự án thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.
Do vậy, trường hợp dự án đầu tư thuộc danh mục Phụ lục II đầu tư vào khu công nghiệp và khu công nghiệp này nằm trong nội thành, nội thị của đô thị thì vẫn áp dụng tiêu chí yếu tố nhạy cảm môi trường nêu trên để phân loại dự án đầu tư.
- Về cách thức xác định tiêu chí “nằm trong nội thành, nội thị của đô thị theo quy định của pháp luật về phân loại đô thị”:
+ Hiện nay, việc phân loại đô thị được thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó đô thị được phân thành các loại: đặc biệt, I, II, III, IV và V. Nghị quyết này quy định tiêu chí cụ thể để phân loại đô thị, trong đó có các tiêu chí về mật độ dân số, tỷ lệ lao động khu vực nội thành, nội thị.
Do đó, đối với một đô thị cụ thể đã được cấp có thẩm quyền quyết định công nhận (Thủ tướng Chính phủ đối với đô thị đặc biệt, loại I và loại II; Bộ trưởng Bộ Xây dựng đối với đô thị loại III, IV; Chủ tịch UBND cấp tỉnh đối với đô thị loại V) thì đề án phân loại đô thị trình thẩm định đã phải thể hiện rõ khu vực nội thành, nội thị của đô thị, làm cơ sở tính toán việc đáp ứng các tiêu chí nêu trên theo Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13.
+ Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và các văn bản hướng dẫn có một số quy định như sau: (i) Khoản 1 Điều 3 Luật quy định “1. Đô thị là khu vực tập trung dân cư sinh sống có mật độ cao và chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực kinh tế phi nông nghiệp, là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hoá hoặc chuyên ngành, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ, một địa phương, bao gồm nội thành, ngoại thành của thành phố; nội thị, ngoại thị của thị xã; thị trấn”. Luật cũng quy định việc lập, phê duyệt đồ án quy hoạch đô thị, bao gồm: Đồ án quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương (Điều 25); Đồ án quy hoạch chung thành phố thuộc tỉnh, thị xã (Điều 26); Đồ án quy hoạch chung thị trấn (Điều 27). (ii) Khoản 1 Điều 34 Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ quy định về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị (được sửa đổi tại Nghị định số 72/2019/NĐ-CP ngày 30/8/2019 của Chính phủ) quy định nội dung quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch chung đô thị có thông tin về dự kiến ranh giới hành chính nội thành, ngoại thành, nội thị, ngoại thị.
+ Khoản 1 Điều 3 Luật Thủ đô năm 2013 quy định “Nội thành là khu vực gồm các quận của thành phố Hà Nội”. Trên cơ sở các quy định nêu trên (trừ trường hợp là các quận của thành phố Hà Nội đã được xác định rõ là nội thành theo Luật Thủ đô năm 2013), thì việc xác định khu vực nội thành, nội thị của đô thị khác thuộc các hồ sơ do cơ quan quản lý đô thị tại địa phương quản lý. Chủ dự án và các tổ chức, cá nhân cần liên hệ với cơ quan này để tìm hiểu thông tin, làm cơ sở xác định yếu tố nhạy cảm về môi trường này của dự án đầu tư.
Câu hỏi: Đề nghị hướng dẫn tiêu chí quy mô vốn của dự án đầu tư là chỉ áp dụng cho dự án đầu tư công hay áp dụng cho tất cả các dự án? Thế nào là vùng đất ngập nước quan trọng? Dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa tại Phụ lục III và IV Nghị định số 08/2022/NĐ-CP là áp dụng cho lúa 2 vụ hay cả các loại lúa khác?
Trả lời:
- Về tiêu chí quy mô: Tiêu chí quy mô của dự án đầu tư quy định tại điểm a khoản 1 Điều 25 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP không phải chỉ áp dụng cho riêng dự án đầu tư công mà được áp dụng cho cả các dự án đầu tư khác khi xem xét, phân loại dự án đầu tư theo các tiêu chí về môi trường. Trong trường hợp này, quy mô của dự án đầu tư sẽ được xác định theo các tiêu chí phân loại của pháp luật về đầu tư công, cụ thể: Điều 7, 8, 9 và 10 Luật Đầu tư công; Phụ lục I phần phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 06/4/2020 của Chính phủ
quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công.
- Về quy định vùng đất ngập nước quan trọng: Tại khoản 2 Điều 9 Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29/7/2019 của Chính phủ quy định về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước đã quy định “Trên cơ sở đề xuất của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Bộ TN&MT tổng hợp, tổ chức thẩm định và ban hành Danh mục các vùng đất ngập nước quan trọng trên phạm vi toàn quốc”.
Do đó, vùng đất ngập nước quan trọng được xác định theo danh mục do Bộ TN&MT ban hành.
- Về tiêu chí dự án có yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa: Điểm c khoản 1 Điều 28 Luật BVMT 2020 quy định “đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên” là yếu tố nhạy cảm về môi trường; tiêu chí này được hướng dẫn chi tiết tại điểm đ khoản 4 Điều 25 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP như sau “Dự án có yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên theo thẩm quyền quy định của pháp luật về đất đai”.
Do vậy, các trường hợp dự án quy định tại số thứ tự 7 Phụ lục III và số thứ tự 6 Phụ lục IV là hướng dẫn chi tiết điểm đ khoản 3 và điểm đ khoản 4 Điều 28 Luật BVMT 2020. Trong đó, việc phân định thẩm quyền quyết định việc chuyển mục đích sử dụng đất là theo pháp luật về đất đai, việc xác định yếu tố nhạy cảm về môi trường đối với trường hợp này theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 28 Luật BVMT 2020 nêu trên.
Liên quan đến nội dung hướng dẫn tra cứu, phân loại dự án đầu tư theo các tiêu chí về môi trường, Tổng cục Môi trường nhận được nhóm nội dung câu hỏi như sau:
Câu hỏi: Đề nghị hướng dẫn cách thức tra cứu dự án đầu tư theo các Phụ lục III, IV và V Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.
Trả lời:
Căn cứ các quy định của Luật BVMT 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và pháp luật có liên quan, việc tra cứu, phân loại dự án đầu tư theo các Phụ lục III, IV, V phần phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP có thể tham khảo thực hiện theo hướng dẫn chi tiết tại Phụ lục kèm theo. Trong đó, việc phân loại cần tuân thủ các nguyên tắc chung (tại Mục A); trình tự thực hiện (tại mục B) và tham khảo Bảng hướng dẫn kèm theo để xác định nhóm của dự án đầu tư trong từng trường hợp cụ thể.
Câu hỏi: Đề nghị rà soát lại trường hợp dự án nhóm A có cấu phần xây dựng được phân loại theo tiêu chí quy định của pháp luật về đầu tư công, xây dựng và không thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường vừa là dự án nhóm I (theo số thứ tự 5 mục I Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP) vừa là dự án nhóm II (theo số thứ tự 2
mục I Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP).
Trả lời:
Theo bản Nghị định được đăng công báo số 173+174 ngày 30/01/2022, tại cột 3, số thứ tự 5 Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP có nội dung “Có yếu tố nhạy cảm về môi trường quy định tại khoản 4 Điều 25 Nghị định này”.
Câu hỏi: Qua nghiên cứu số thứ tự 10 Phụ lục III Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, đề nghị hướng dẫn đối với trường hợp dự án nhà máy thủy điện có công suất từ 2MW đến dưới 20MW thì thực hiện thủ tục môi trường gì?
Trả lời:
Đối với các dự án thủy điện có công suất không thuộc quy định tại Phụ lục III và IV phần phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP thì sẽ áp dụng các tiêu chí về môi trường khác để làm căn cứ phân loại như: quy mô theo tiêu chí phân loại của pháp luật về đầu tư công; quy mô sử dụng đất; các yếu tố nhạy cảm về môi trường của dự án đầu tư…
Câu hỏi: Đề nghị hướng dẫn đối với trường hợp loại trừ dự án phát triển rừng, lâm sinh quy định tại số thứ tự 6 Phụ lục III và số thứ tự 5 Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.
Trả lời:
Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định các trường hợp loại trừ nêu trên được dẫn chiếu thực hiện theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp. Do vậy, đề nghị nghiên cứu các quy định của pháp luật này để xác định. Cụ thể:
- Điều 45 Luật Lâm nghiệp quy định các biện pháp lâm sinh, bao gồm: Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên hoặc có trồng bổ sung; Nuôi dưỡng, làm giàu rừng; Cải tạo rừng tự nhiên; Trồng rừng mới, trồng lại rừng, chăm sóc, nuôi dưỡng rừng trồng.
- Khoản 1, Điều 3, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp quy định “Phát triển rừng là hoạt động trồng mới rừng, trồng lại rừng sau khai thác, bị thiệt hại do thiên tai hoặc do các nguyên nhân khác; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh phục hồi rừng, cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt và việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật lâm sinh khác để tăng diện tích, trữ lượng, chất lượng rừng”.
Xem và tải chi tiết nội dung Hướng dẫn thực hiện Luật BVMT 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT tại đây Huong dan LuatBVMT-ND08-TT02.pdf