17/07/2023
Thời gian qua, công tác triển khai thi hành Luật BVMT 2020 luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bình Thuận quan tâm. Để triển khai Luật kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 14/CT-UBND ngày 18/8/2021 về triển khai thi hành Luật BVMT; Quyết định số 1166/QĐ-UBND ngày 14/5/2021 quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật.. góp phần giúp địa phương thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Đảm bảo triển khai thi hành Luật đồng bộ, hiệu quả
Triển khai thi hành Luật, trên cơ sở nhiệm vụ được giao, Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền và tập huấn, phổ biến Luật BVMT 2020 và các văn bản quy phạm pháp luật về BVMT trên địa bàn tỉnh. Năm 2022, Sở TN&MT đã tổ chức 3 lớp tập huấn cho các cán bộ quản lý về môi trường các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã và các tổ chức, cá nhân. Dự kiến quý 3/2023, Sở TN&MT sẽ phối hợp với Bộ TN&MT tổ chức tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật liên quan lĩnh vực môi trường. Cùng với đó. Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận còn tham mưu cho HĐND tỉnh Bình Quyết định về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế trên địa bàn tỉnh. Hiện tại, Sở TN&MT tỉnh và các cơ quan chuyên môn đang tiếp tục đăng ký, xây dựng để trình UBND tỉnh ban hành theo thẩm quyền các quyết định quy phạm pháp luật quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật BVMT 2020.
Ngoài ra, Sở TN&MT tham mưu UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức các hoạt động học tập, trao đổi kinh nghiệm các tỉnh bạn và triển khai các chương trình hợp tác quốc tế trong lĩnh vực môi trường, nhất là về xử lý chất thải rắn, nhằm đạt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý theo quy định là 90% và đến năm 2030 là 95% theo Kế hoạch số 3781/KH-UBND ngày 8/11/2022 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, Sở TN&MT đã triển khai Dự án Kết nối các nguồn lực trong việc giảm thiểu rác thải đại dương trên địa bàn huyện Phú Quý, huyện Tuy Phong và TP. Phan Thiết theo Chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP/GEF SGP) ký kết thỏa thuận đồng ý tài trợ dự án vào ngày 31/8/2020 và được UBND tỉnh phê duyệt khoản viện trợ từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) để thực hiện Dự án.
Để công tác quản lý, BVMT dần đi vào chiều sâu, Sở TN&MT còn phối hợp đẩy mạnh triển khai thực hiện phòng ngừa, bảo vệ đến việc xử lý khắc phục ô nhiễm môi trường; đẩy mạnh công tác xã hội hóa về BVMT… góp phần giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường tại địa phương. Nhờ đó, các nguồn thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao cơ bản đã được kiểm soát. Đặc biệt, đến nay, các “điểm nóng” về môi trường đã được giám sát chặt chẽ và tiến tới xử lý triệt để. Toàn tỉnh hiện còn 3 “điểm nóng” về môi trường liên quan đến hoạt động của Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, hoạt động chăn nuôi heo tập trung, hoạt động chế biến thủy sản tại Cụm công nghiệp chế biến hải sản Phú Hài (CCN Phú Hài). Các điểm nóng này vẫn đang được kiểm soát tốt.
Người dân tỉnh Bình Thuận tích cực tham gia vệ sinh môi trường bãi biển
Cụ thể, đối với “điểm nóng” về môi trường từ CCN Phú Hài, Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận đã phối hợp với UBND TP. Phan Thiết tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong và ngoài phạm vi CCN. Qua kiểm tra, các cơ sở chế biến bột cá đã hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý khí thải, đảm bảo đạt quy chuẩn trước khi xả thải ra môi trường; tình hình môi trường đối với các cơ sở chế biến hải sản cơ bản ổn định, không có phản ánh của người dân.
Đối với Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận thường xuyên giám sát trực tiếp hoặc giám sát thông qua camera công tác BVMT tại các nhà máy nhiệt điện thuộc Trung tâm. Qua giám sát, kết quả quan trắc tự động khí thải, nước thải tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân đều trong giới hạn cho phép, tình hình về môi trường tại Trung tâm nhìn chung ổn định, các nhà máy tiếp tục duy trì và thực hiện tốt các biện pháp về BVMT trong quá trình hoạt động.
Riêng đối với “điểm nóng” về môi trường từ các trang trại chăn nuôi lợn, Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận đã tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương thực hiện các biện pháp thanh tra, kiểm tra và hướng dẫn, đôn đốc, yêu cầu các trang trại thực hiện các biện pháp BVMT; lập hồ sơ xác nhận hoàn thành các công trình BVMT... đối với các trang trại; xử lý, xử phạt nghiêm các trang trại vi phạm pháp luật về môi trường, gây ô nhiễm môi trường và tổng hợp kết quả thanh tra, kiểm tra, báo cáo, đề xuất UBND tỉnh Bình Thuận cho chủ trương, biện pháp quản lý chặt chẽ, lâu dài. Đến nay, công tác BVMT tại các trang trại chăn nuôi lợn đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Khắc phục khó khăn, hạn chế, hướng tới phát triển bền vững
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác quản lý, BVMT trên địa bàn tỉnh Bình Thuận vẫn còn một số khó khăn như: Nguồn kinh phí chi cho hoạt động bảo vệ môi trường chủ yếu bố trí từ nguồn ngân sách Nhà nước, chưa đa dạng được nhiều nguồn vốn cho công tác bảo vệ môi trường; chưa thu hút và khuyến khích được nhiều thành phần kinh tế tham gia, vốn viện trợ từ ODA cũng rất ít. Hiện nay, tại khoản 7, Điều 79, Luật BVMT 2020 cũng đã quy định các địa phương trong cả nước phải thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt chậm nhất là ngày 31/12/2024. Tuy vậy, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT của Bộ TN&MT chưa hướng dẫn chi tiết nội dung được giao tại khoản 2, Điều 75 và một số nội dung tại khoản 5, Điều 79, Luật BVMT 2020. Do đó, tỉnh Bình Thuận chưa có đủ cơ sở thực hiện, làm ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tại địa phương theo Quyết định số 343/QĐ-TTg ngày 12/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Thời gian tới, tỉnh Bình Thuận sẽ tiếp tục thể chế hóa, xây dựng chương trình hành động Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng “Chủ động, tích cực hợp tác quốc tế trong việc chia sẻ thông tin, phối hợp nghiên cứu quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên, bảo đảm an ninh sinh thái, an ninh môi trường, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời giảm thiểu các tác động bất lợi từ quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế”. Đồng thời, đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính các lĩnh vực, trong đó, có lĩnh vực bảo vệ môi trường; cải thiện môi trường đầu tư nước ngoài, gắn với thu hút đầu tư với giám sát quá trình thực thi, bảo đảm an ninh kinh tế, hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường; khuyến khích các hoạt động hợp tác công - tư tham gia BVMT, phát triển kinh tế tuần hoàn.
Sở TN&MT tỉnh cũng sẽ tiếp tục triển khai các nội dung theo Chỉ thị số 14/CT-UBND ngày 18/8/2021 của UBND tỉnh Bình Thuận về triển khai thi hành Luật BVMT 2020; Quyết định số 1166/QĐ-UBND ngày 14/5/2021 của UBND tỉnh quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật Bảo vệ môi trường 2020; Công văn số 414/UBND-KT ngày 14/02/2022 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Hướng dẫn số 31-HD/BTGTU ngày 29/10/2021 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận về tuyên truyền bảo vệ môi trường, góp phần phát triển bền vững đất nước. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan của Trung ương tập trung triển khai các nội dung theo Công văn số 3480/VPCP-CN ngày 17/5/2023 của Văn phòng Chính phủ nhằm sớm ổn định đời sống sinh hoạt của người dân địa phương; tích cực, chủ động đề xuất một số dự án về BVMT để thu hút nguồn lực đầu tư từ các quỹ tài chính, tổ chức quốc tế cũng như các nước trên thế giới.
Bảo Bình