05/07/2023
Hà Giang nằm trong vùng thượng du của 3 lưu vực sông (sông Lô, sông Gâm, sông Chảy) và có nhiều nhánh sông chảy qua như: Sông Miện, Ngòi Sảo, sông Con, Nho Quế… cùng hệ thống suối, hồ, đập tương đối dày, đảm bảo cung cấp lượng nước dồi dào, phục vụ mục đích sinh hoạt và sản xuất. Thời gian qua, thực hiện các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo bền vững, bên cạnh việc tạo điều kiện về vốn vay và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn để phát triển kinh tế, tỉnh còn thực hiện nhiều giải pháp giúp người dân địa phương tiếp cận nguồn nước sạch, hợp vệ sinh, an toàn.
Nguồn nước dồi dào nhưng chưa đủ nước sạch
Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý Tài nguyên nước (TNN), Bộ TN&MT, tổng lượng TNN mặt trên các sông, suối của tỉnh Hà Giang khá dồi dào, đạt 8,27 tỷ m3/năm. Riêng tiềm năng TNN từ mưa trung bình khoảng 17.741 triệu m3/năm; trữ lượng tiềm năng nước dưới đất đạt trên 1,7 tỷ m3/ngày.
Tuy nhiên, dù được đánh giá có nguồn TNN lớn nhưng việc khai thác, sử dụng TNN trên địa bàn tỉnh Hà Giang còn hạn chế, tồn tại. Đơn cử như nguồn TNN mặt, nước dưới đất phân bố không đồng đều dẫn đến việc khai thác, quản lý gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, tại 4 huyện vùng cao phía Bắc của tỉnh, tình hình thiếu nước sinh hoạt, sản xuất diễn ra nghiêm trọng. Tranh chấp về mục tiêu sử dụng các nguồn nước đã bắt đầu nảy sinh tại một số nơi trong tỉnh. Đặc biệt, những năm gần đây, sự gia tăng của biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến TNN, làm thay đổi chế độ thủy văn, lượng mưa các mùa. Lượng mưa vào mùa khô giảm gây ra những xung đột về nguồn nước tưới và sinh hoạt. Mặt khác, lượng mưa gia tăng vào mùa mưa gây ra lũ quét, sạt lở, thiệt hại lớn đến cuộc sống và sản xuất của người dân. Ở khu vực núi đá cao, địa hình phức tạp, độ dốc lớn, chia cắt mạnh kết hợp với chế độ nhiệt ẩm biến động phức tạp, tình trạng thiếu nước trở nên trầm trọng hơn.
Hướng đến quản lý bền vững nguồn TNN
Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, trong những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ TNN được các cấp, ngành của tỉnh Hà Giang đặc biệt quan tâm. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch bảo vệ TNN đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, hướng đến mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng TNN theo hướng bền vững; bảo vệ các hệ sinh thái phụ thuộc vào nước, các chức năng quan trọng của nguồn nước và phục hồi nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt để bảo vệ nguồn sinh thủy (rừng, hồ đập, miền cấp nước dưới đất); phòng ngừa suy thoái, cạn kiệt nguồn nước dưới đất; bảo vệ chất lượng nước mặt và các tầng chứa nước. Đồng thời, xây dựng mạng lưới giám sát chất lượng nước, xả nước thải vào nguồn nước, phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh Hà Giang xây dựng 22 điểm quan trắc, giám sát chất lượng nước mặt và 10 điểm quan trắc nước dưới đất. Trên cơ sở đó, góp phần đảm bảo an ninh về TNN; thúc đẩy, hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Hàng năm, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị sản xuất, kinh doanh, trường học… trên địa bàn tỉnh Hà Giang đều có những hoạt động thiết thực, hiệu quả hưởng ứng Ngày Nước thế giới (22/3) như: Lồng ghép bảo vệ TNN với các nội dung thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; khơi thông cống rãnh, tu sửa, nạo vét kênh mương, ao hồ, công trình thủy lợi, hệ thống thoát nước. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động về khả năng tiếp cận nước sạch của các nhóm xã hội, đặc biệt là bà con vùng dân tộc thiểu số, những nơi vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, để bảo vệ, khai thác, sử dụng nguồn TNN thích ứng với biến đổi khí hậu, tỉnh Hà Giang tăng cường thực hiện các dự án về trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng, xóa đói, giảm nghèo và hỗ trợ nhân dân trong công tác vệ sinh môi trường nông thôn, cung cấp nước sinh hoạt khu vực nông thôn.
Hà Giang được đánh giá là địa phương có nguồn TNN dồi dào
Riêng năm 2022, theo Báo cáo số 3850/BC-STNMT của Sở TN&MT tỉnh Hà Giang về tình hình thực hiện công tác quản lý TNN năm 2022 trên địa bàn tỉnh, Sở TN&MT tỉnh đã chủ trì, phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phục vụ công tác quản lý về TNN trên địa bàn tỉnh như: Cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước sông nội tỉnh cấp 3,4,5; Chuẩn hóa,tích hợp dữ liệu quan trắc khí tượng thủy văn; Xây dựng hệ thống mạng quan trắc, giám sát khai thác sử dụng TNN phục vụ quản lý tổng hợp TNN giai đoạn 1: Điều tra, đánh giá khảo sát xác định vị trí xây dựng trạm quan tắc, giám sát khai thác sử dụng TNN; Điều tra, đánh giá, lập và ban hành danh mục nguồn nước nội tỉnh; Điều tra, khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh. Trong thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TNN, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh Hà Giang ban hành Kế hoạch số 88/KH-UBND ngày 21/3/2022 về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Nước thế giới 22/3, Ngày Khí tượng thế giới 23/3, Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2022. Với hình thức tuyên truyền treo băng zôn, khẩu hiệu, lao động dọn dẹp vệ sinh tại các cơ quan, trường học, trên các tuyến đường chính, trung tâm, các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh.
Năm 2022, Sở TN&MT Hà Giang cũng đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về TNN: Kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về TNN và pháp luật khác có liên quan đối với 6 đơn vị tại 6 dự án thủy điện: Bản Rịa, Hạ Thành (302), Suối Sửu 1, Nậm Li 1, Tả Quan 1, Nà Chì. Đồng thời, phối hợp với Cục Quản lý TNN kiểm tra đột xuất việc thực hiện quy định của giấy phép TNN đối với 4 dự án thủy điện: Nho Quế 2, Nho Quế 3, Thái An, Sông Nhiệm 4 theo Quyết định số 164/QĐ-TNN ngày 11/8/2022 của Cục Quản lý TNN. Qua công tác kiểm tra, có 3 dự án bị xử phạt vi phạm hành chính, hình thức phạt tiền 1.033.000.000 đồng. Ngoài ra, Sở TN&MT đã tiếp nhận, thẩm định, tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt 1 hồ sơ phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước hồ chứa thủy điện Sông Nhiệm 3 của Công ty cổ phần Sông Nhiệm 3 (tại Quyết định số 654/QĐ-UBND ngày 13/5/2022 của UBND tỉnh). Cùng với đó, thực hiện Quyết định số 1509/QĐ-UBND ngày 23/7/2021 của UBND tỉnh về việc phê duyệt đề cương chi tiết nhiệm vụ chuyên môn cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước sông nội tỉnh cấp 3,4,5, Sở TN&MT đã ban hành Quyết định số 258/QĐ-STNMT ngày 27/7/2022; Kế hoạch số 2097/KH-STNMT ngày 28/7/2022 kiểm tra, nghiệm thu cắm mốc giới xác định hành lang bảo vệ nguồn nước sông nội tỉnh cấp 3,4,5 và bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý theo quy định.
Chú trọng đầu tư hạ tầng nước sạch vùng nông thôn
Nhằm xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội vùng biên giới, trong những năm qua, tỉnh Hà Giang đã được Chính phủ ưu tiên đầu tư nhiều công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy tập trung trên cơ sở khai thác nguồn nước từ các khe, mó ở hầu hết các xã từ nhiều nguồn vốn khác nhau như: Chương trình xóa đói giảm nghèo; Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới… Đặc biệt, sau gần 5 năm triển khai Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả”, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh ở Hà Giang đã đạt gần 86%. Từ đó, bước đầu Hà Giang đã giải quyết được tình trạng thiếu nước sinh hoạt, góp phần nâng cao đời sống, sức khoẻ của người dân, đặc biệt là chuyển biến rõ trong nhận thức về sử dụng nước sạch, giữ gìn bảo vệ các nguồn nước, bảo vệ rừng đầu nguồn, thay đổi dần hành vi, tập quán sử dụng nước thiếu vệ sinh của người dân nông thôn.
Năm 2022 là năm thứ 2 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, nhiều chương trình, dự án liên quan đến nước sạch của Trung ương, của tỉnh được thực hiện với nguồn vốn lên đến hàng trăm tỷ đồng đã giúp cho Hà Giang cơ bản đạt tỷ lệ dân số được sử dụng nước sạch theo Nghị quyết đề ra. Cùng với đầu tư xây mới, tỉnh cũng tạo điều kiện thuận lợi để các cấp, ngành tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa các công trình cấp nước sinh hoạt.
Trong thời gian tới, nhằm đẩy mạnh việc xây dựng hạ tầng nước sạch, tỉnh Hà Giang sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư của Nhà nước để triển khai các dự án nước sạch, phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025 có 90% hộ nghèo, cận nghèo được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu đảm bảo an ninh về TNN, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội gắn với xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Gia Linh
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 3/2023)