05/05/2022
Ngày 29/4/2022, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 891/QĐ-BTNMT ban hành Kế hoạch của Bộ thực hiện Quyết định số 1973/QĐ-TTg ngày 23/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch quốc gia quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021 - 2025.
Mục đích của Kế hoạch nhằm triển khai thực hiện, cụ thể hóa các nội dung, chương trình ưu tiên thực hiện Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021 - 2025 kèm theo Quyết định số 1973/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với Bộ TN&MT và các nội dung phối hợp với các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Phân công nội dung công việc cụ thể cho các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT hoặc nội dung phối hợp với các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các nội dung của Quyết định số 1973/QĐ-TTg.
Kế hoạch gồm 6 nhóm nội dung chính: Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng môi trường không khí; Phòng ngừa, giảm thiểu phát thải khí thải; Phối hợp với Bộ Tài chính để hoàn thiện cơ chế tài chính, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực quản lý chất lượng môi trường không khí; Hợp tác quốc tế và nghiên cứu khoa học, công nghệ về quản lý chất lượng môi trường không khí; Phối hợp với các Bộ có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về BVMT không khí; Tuyên truyền, giáo dục và nâng cao năng lực, nhận thức về quản lý chất lượng môi trường không khí.
Cụ thể, trong quý IV/2022, xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành lộ trình áp dụng quy chuẩn khí thải phương tiện mô tô, xe gắn máy SXLR&NKM mức 4; Xây dựng dự thảo quy chế phối hợp, biện pháp quản lý chất lượng môi trường không khí liên vùng, liên tỉnh trình cấp có thẩm quyền xem xét, ký ban hành; hoàn thành trong tháng 12/2022.
Trong giai đoạn 2022 - 2025, triển khai thực hiện thường xuyên một số nội dung như: Rà soát, sửa đổi và xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật môi trường, tiêu chuẩn quốc gia về quản lý chất lượng không khí và khí thải cho các ngành sản xuất và phương tiện giao thông vận tải; Đầu tư, lắp đặt và vận hành hệ thống truyền số liệu quan trắc khí thải tự động liên tục từ cơ sở sản xuất về Sở TN&MT địa phương và về Bộ TN&MT; Hoàn thiện, hiện đại hóa hệ thống quan trắc môi trường không khí xung quanh tự động, liên tục; tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo về chất lượng môi trường không khí; thiết lập các điểm quan trắc môi trường không khí theo Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về chất lượng môi trường không khí xung quanh ở các đô thị đặc biệt và đô thị loại I trở lên…
Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện kiểm kê các nguồn phát thải khí, bụi cho 3 loại nguồn: nguồn điểm, nguồn diện, nguồn di động tại các vùng kinh tế trọng điểm và trên phạm vi toàn quốc theo hướng dẫn tại Công văn số 3051/BTNMT-TCMT ngày 7/6/2021 của Bộ trưởng Bộ TN&MT. Tổng hợp và công bố kết quả kiểm kê khí thải quốc gia, hoàn thành trong năm 2023. Đôn đốc các địa phương thực hiện kiểm kê khí thải trên địa bàn quản lý đảm bảo đến năm 2023 có 50% số tỉnh, thành phố hoàn thành và công bố kết quả kiểm kê khí thải và đến năm 2025 có 100% các tỉnh, thành phố hoàn thành và công bố kết quả kiểm kê khí thải. Công khai thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về chất lượng môi trường không khí xung quanh tại các tỉnh, thành phố trong cả nước; Xây dựng và thực hiện các kế hoạch truyền thông, phổ biến thông tin cho cộng đồng về ô nhiễm không khí và bảo vệ sức khỏe cộng đồng; Chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu quan trắc về chất lượng môi trường không khí phục vụ công tác chuyên môn về giảm thiểu tác hại của ô nhiễm không khí đến sức khỏe cộng đồng.
Cũng theo Quyết định, Bộ trưởng Bộ TN&MT giao Tổng cục Môi trường là đơn vị chuyên môn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan và các đơn vị trực thuộc Bộ tổ chức thực hiện các nội dung trong Quyết định. Cụ thể, sẽ phối hợp với Bộ: Giao thông vận tải, Xây dựng, Công Thương, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục thực hiện Đề án “Phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025”, tập trung vào nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến kiến thức về nhiên liệu sinh học và đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng sử dụng nhiên liệu sinh học. Cùng với đó, rà soát, đánh giá năng lực sản xuất, xây dựng kế hoạch cung ứng nhiên liệu phù hợp với quy chuẩn khí thải và lộ trình áp dụng quy chuẩn khí thải đối với phương tiện cơ giới tham gia giao thông; Kiểm soát chất lượng nhiên liệu xăng, nhiên liệu điêzel, nhiên liệu sinh học đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; triển khai các giải pháp hạn chế hoạt động đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp, thu gom, xử lý, chế biến phụ phẩm sau thu hoạch thành các sản phẩm có ích; Kiểm soát các tác động từ hoạt động của ngành y tế đối với môi trường không khí nhất là kiểm soát ô nhiễm không khí từ các lò đốt chất thải y tế…
Châu Long