04/04/2022
Luật BVMT số 72/2020/QH14 (tại Khoản 2, 6 Điều 75; khoản 6 Điều 79), giao UBND cấp tỉnh quy định chi tiết thi hành một số điều; theo đó, Chi cục BVMT đã tham mưu cho Giám đốc Sở TN&MT trình Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Kế hoạch số 133/KH-UBND ngày 4/6/2021 về triển khai Luật BVMT năm 2020, trong đó giao Sở TN&MT tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định về việc phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) trên địa bàn tỉnh theo nhiệm vụ được giao tại điểm c, khoản 1, khoản 2, Điều 75, khoản 6, Điều 79 Luật BVMT.
Công nhân Công ty CP vệ sinh môi trường Lam Sơn nghiên cứu thành công chế phẩm sinh học đưa vào thực nghiệm tại bãi chôn lấp rác thị trấn Thường Xuân (Thường Xuân)
Để sớm đưa các quy định về quản lý CTRSH của hộ gia đình, cá nhân đi vào cuộc sống, đồng thời bảo đảm các điều kiện cho việc tổ chức thực hiện quy định về quản lý CTRSH của hộ gia đình, cá nhân một cách đồng bộ và hiệu quả, tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTR sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn… Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 13/2022/QĐ-UBND ngày 2/3/2022, Quy định chi tiết về quản lý CTRSH của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Quyết định đã cụ thể hóa trách nhiệm của các sở, ban, ngành, đoàn thể, các cấp chính quyền địa phương và tổ chức, cá nhân tham gia. Mặt khác, để nâng cao tỷ lệ thu gom, phân loại; tăng cường khả năng tái chế, giảm thiểu rác thải; giảm gánh nặng cho công tác xử lý chất thải rắn, việc ban hành quy định chi tiết về quản lý CTRSH của hộ gia đình, cá nhân là rất cần thiết.
Theo đó, đối với CTRSH thông thường có khả năng tái sử dụng, tái chế (như: giấy, nhựa, kim loại, ni lông...); các hộ gia đình, cá nhân phân loại và lưu giữ riêng. Chất thải thực phẩm là các loại chất thải dễ phân hủy trong điều kiện tự nhiên sinh ra mùi hôi thối (như: các loại thực phẩm thừa, hư hỏng; bã chè, bã café,...); các hộ gia đình, cá nhân phân loại vào các bao bì riêng màu xanh đảm bảo không phát tán mùi, nước rỉ ra môi trường.
CTRSH khác bao gồm: Chất thải có khả năng đốt cháy thu hồi năng lượng (như: lá cây, cành cây, tranh ảnh, gỗ…), chất thải trơ (như: thủy tinh, sành sứ, ...); các hộ gia đình, cá nhân phân loại riêng chất thải có khả năng đốt cháy thu hồi năng lượng, lưu giữ, bảo quản chất thải phù hợp, theo điều kiện của mỗi gia đình trong thời gian chưa xử lý. UBND cấp xã bố trí các khu, điểm dân cư thiết bị lưu giữ, đảm bảo không bị thủng, rách; in dòng chữ “Chất thải trơ” để người dân phân loại chất thải trơ, bỏ vào.
Đối với CTRSH nguy hại, bao gồm: Pin, ắc quy, bóng đèn huỳnh quang hỏng, nhiệt kế vỡ, hỏng…; UBND cấp xã bố trí mỗi khu phố, điểm dân cư 01 thùng màu đen có nắp đậy, in dòng chữ CTNH để người dân phân loại, bỏ vào. CTRSH cồng kềnh, bao gồm các loại chất thải rắn có kích thước lớn như: tủ, giường, nệm, bàn, ghế salon, tranh, gốc cây, thân cây, cành cây to…Chủ nguồn thải phải tự thỏa thuận với đơn vị thu gom, vận chuyển CTRSH về dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn cồng kềnh đến nơi tiếp nhận, xử lý. Trong thời gian đơn vị thu gom, vận chuyển chưa đến vận chuyển đi xử lý, chủ nguồn thải có trách nhiệm lưu giữ, bảo quản, không được tập kết ra vỉa hè, lòng đường, khu vực công cộng.
Thời gian thu gom, vận chuyển, đơn vị thu gom, vận chuyển đến điểm tập kết trong khoảng thời gian do UBND cấp huyện hoặc UBND cấp xã quy định, sử dụng loa, chuông, kẻng hoặc hình thức thông báo khác đã thỏa thuận với UBND cấp xã khi đến lấy CTRSH. Đối với những nơi thuận tiện cho xe cơ giới đi vào: CTRSH có thể được vận chuyển trực tiếp từ nơi phát sinh đến nơi xử lý. Đối với những nơi không thuân tiện cho xe cơ giới đi vào, CTRSH phải vận chuyển đến điểm tập kết để vận chuyển về nơi xử lý.
Tùy vào đặc điểm của mỗi khu vực dân cư, UBND cấp xã chủ trì, phối hợp với đơn vị thu gom CTRSH và tổ trưởng tổ dân phố, khu phố, ban quản lý chung cư, trưởng thôn, xóm, bản xác định thời gian, địa điểm, tần suất, tuyến thu gom CTRSH phù hợp với hiện trạng, đảm bảo theo quy định sau đây: CTRSH có khả năng tái sử dụng, tái chế: Các hộ gia đình, cá nhân chủ động thu gom và chuyển giao cho các cơ sở tái chế tùy theo khối lượng phát sinh. Chất thải thực phẩm: Đối với khu vực đông dân cư và trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tần suất thu gom tối thiểu là 1 ngày/lần; đối với khu vực thưa dân cư, tần suất thu gom tối thiểu 2 ngày/lần. Chất thải có khả năng đốt cháy thu hồi năng lượng: Có thể thu gom với tần suất tối thiểu 5 ngày/lần hoặc lâu hơn, tùy điều kiện từng địa phương và khối lượng rác phát sinh.
Sau thời gian ủ, trộn xử lý, rác thải sinh hoạt được đưa vào hệ thống phân loại rác
CTRSH cồng kềnh: Việc thu gom, vận chuyển được thực hiện theo thỏa thuận giữa chủ nguồn thải và đơn vị thực hiện thu gom, vận chuyển. Chủ nguồn thải phải trả phí thu gom, vận chuyển theo thỏa thuận đảm bảo chất thải được vận chuyển, xử lý theo đúng quy định, không được vứt bừa bãi ra môi trường. CTRSH nguy hại: UBND cấp huyện căn cứ điều kiện thực tế của địa phương để ký hợp đồng (hoặc giao UBND cấp xã ký hợp đồng) với đơn vị có chức năng thu gom, xử lý chất thải nguy hại phát sinh từ sinh hoạt của các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn, tần suất thu gom, vận chuyển, xử lý tùy thuộc vào khối lượng CTNH phát sinh…
UBND tỉnh giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra việc thực hiện Quy định này. Rà soát, tổng hợp phương án giá dịch vụ thu gom, vận chuyển xử lý chất thải rắn của các đơn vị thu gom, vận chuyển CTRSH đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh và các quy định hiện hành.
Hiện nay, lượng CTRSH phát sinh hàng ngày trên địa bàn tỉnh khoảng 2.200 tấn/ngày/đêm; khối lượng rác được thu gom và xử lý khoảng 1.878,6 tấn/ngày/đêm, đạt tỷ lệ 85,39%; trong đó tỷ lệ rác thải được xử lý bằng công nghệ đốt chiếm 27,27%, bằng biện pháp chôn lấp chiếm 69,4% và rác thải được tái chế 3,33%. Tỷ lệ thu gom và xử lý CTRSH tại khu vực đồng bằng đạt 92,62%; khu vực ven biển đạt 89,58%; khu vực trung du, miền núi đạt 76,26%. Theo Phương án xử lý chất thải rắn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn 2030 được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1592/QĐ-UBND ngày 8/5/2020; trên địa bàn tỉnh quy hoạch 31 khu xử lý CTR, cụ thể: 3 khu xử lý liên huyện, gồm: xã Đông Nam, huyện Đông Sơn (quy mô 1.000 tấn/ngày/đêm); xã Trường Lâm, thị xã Nghi Sơn (1.000 tấn/ngày/đêm); xã Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn (1.000 tấn/ngày/đêm) và 28 khu xử lý tại các huyện (đồng bằng 7 khu, miền biển 5 khu và miền núi 16 khu) với tổng công suất xử lý 2.600 tấn/ngày/đêm. Lộ trình đến 2025, sẽ dừng hoạt động đối với 11 bãi chôn lấp rác thải và 15 khu xử lý bằng lò đốt có công suất nhỏ thuộc các địa phương như: Quảng Xương, Hoằng Hóa, Thọ Xuân, Như Xuân, Lang Chánh, Thạch Thành... |
Lê Văn Bình
Chi cục trưởng, Chi cục BVMT tỉnh Thanh Hóa
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 3/2022)