Banner trang chủ

Thanh Hóa: Quy định khu vực, địa điểm đổ thải, nhận chìm đối với vật chất nạo vét từ các hệ thống giao thông đường thủy nội địa và đường biển

30/09/2022

    Ngày 27/9/2022, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 47/2022/QĐ-UBND về việc quy định khu vực, địa điểm đổ thải, nhận chìm đối với vật chất nạo vét từ các hệ thống giao thông đường thủy nội địa và đường biển trên địa bàn tỉnh. Đối tượng áp dụng gồm các cơ quan quản lý nhà nước; các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có liên quan đến hoạt động nạo vét, đổ thải, nhận chìm vật chất nạo vét từ các hệ thống giao thông đường thủy nội địa và đường biển trên địa bàn tỉnh.

    Về nguyên tắc xác định khu vực, vị trí đổ thải, nhận chìm vật chất nạo vét: Khu vực đề xuất đổ thải, nhận chìm phải có quy mô đáp ứng duy trì hoạt động ổn định, an toàn trong quá trình vận chuyển, tuân thủ các quy định của luật pháp có liên quan, không tạo ra các xung đột về lợi ích và môi trường; Khu vực đề xuất đổ thải trên đất liền được xem xét trên cơ sở các điều kiện địa chất, địa chất thủy văn (đặc điểm vật lý và cấu tạo các tầng đất, quy luật phân bố, tính chất vật lý của nước ngầm…), không làm cản trở thoát nước, gây trở ngại cho thoát lũ, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, khu vực nhận chìm ở biển được thực hiện trên cơ sở điều tra các thông tin gồm: đặc điểm của đáy biển (độ sâu, địa hình, địa chất, thành phần sinh học, hệ sinh thái và các hoạt động khác tác động đến khu vực đáy biển…); tính chất của cột nước (tính chất vật lý; sự phân tầng của cột nước theo độ sâu; đặc điểm sóng, gió; các chất lơ lửng và sự biến đổi các tính chất trên do gió bão và theo mùa); các đặc tính hóa học và sinh học của cột nước (pH, độ mặn, ôxy hòa tan ở bề mặt và tầng dưới, nhu cầu ôxy sinh hóa, nhu cầu ôxy hóa học, các chất dinh dưỡng…).

    UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu, trong quá trình lựa chọn, xem xét khoảng cách từ khu vực biển sử dụng để nhận chìm đến các khu vực biển sử dụng cho mục đích khác như: các khu vực du lịch, đánh bắt nuôi trồng hải sản, bảo tồn, hàng hải, an ninh - quốc phòng. Khoảng cách này được xác định dựa trên điều kiện thực tế đảm bảo nguyên tắc việc nhận chìm không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các khu vực trên. Khu vực biển được sử dụng để nhận chìm phải phù hợp với quy hoạch sử dụng biển, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; đảm bảo các yếu tố theo quy định tại khoản 2, Điều 17, Thông tư số 28/2019/TT-BTNMT ngày 31/12/2019 của Bộ trưởng Bộ TN&MT và các yếu tố sau: Không gây ra tác động có hại đến sức khỏe con người, tiềm năng phát triển kinh tế của tỉnh; hạn chế tối đa ảnh hưởng xấu tới môi trường, hệ sinh thái biển, nguồn lợi thủy sản theo quy định pháp luật; Không làm gia tăng bồi lắng vùng cửa sông, gây nguy cơ sạt lở khu vực cửa sông, ven biển; Không ảnh hưởng đến các hoạt động quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia trên biển.

    Cụ thể, khu vực, vị trí đổ thải trên đất liền gồm: Khu A, khu N của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn; một phần đất dự phòng của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn; khu đất thuộc dự án Khu phát triển GAS&LNG và các loại hình phụ trợ lọc hóa dầu của Tổng Công ty đầu tư xây dựng và thương mại Anh Phát - CTCP tại Khu Kinh tế Nghi Sơn; khu đất tại KCN số 4; Cục Đường thủy nội địa vị trí tại thửa đất số 19, tờ bản đồ số 16, thôn Đông Tân, xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc. Các vị trí nhận chìm vật chất nạo vét gồm: Công ty TNHH Công nghiệp Long Sơn, vị trí tại Nam đảo Hòn Mê, Hải Bình, TX Nghi Sơn và Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, tại vùng biển Nghi Sơn.

    UBND tỉnh giao Sở TN&MT phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu cho UBND tỉnh xác định vị trí đổ thải, nhận chìm theo quy định; Thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt báo cáo Đánh giá tác động môi trường, Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu; Thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động đổ thải, nhận chìm theo quy định.

Trần Tân

Ý kiến của bạn