11/09/2023
Ngày 11/9/2023, Bộ TN&MT đã công khai tham vấn cộng đồng về Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đối với Dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) do Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Syrena Việt Nam (Công ty Syrena Việt Nam) làm chủ đầu tư.
Dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy được UBND tỉnh Ninh Thuận chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 419/QĐ-UBND ngày 22/10/2015 và đến tháng 1/2022 được điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết 1/500 theo Quyết định số 18/QĐ-UBND. Theo Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án mới nhất, giai đoạn 1 của Dự án phải hoàn thành xây dựng và đi vào hoạt động trong vòng 24 tháng kể từ tháng 6/2022. Cụ thể, chủ đầu tư phải hoàn tất thủ tục đất đai, xây dựng, môi trường và các thủ tục có liên quan đủ điều kiện khởi công xây dựng trong vòng 10 tháng. Việc xây dựng 54 biệt thự nghỉ dưỡng, các công trình phụ trợ khác trong vòng 14 tháng. Sau giai đoạn 1, chủ đầu tư phải hoàn thành giai đoạn 2 và đưa toàn bộ Dự án vào hoạt động trong vòng 12 tháng.
Dự án được đầu tư quy mô 64,65 ha (tương đương 646.530 m2) với tổng vốn 1.600 tỷ đồng, triển khai trong giai đoạn 2022 - 2025. Đáng chú ý, theo ĐTM, Dự án được đầu tư xây dựng tại khu đất thuộc lâm phần quản lý của Vườn quốc gia (VQG) Núi Chúa. Khu đất thực hiện Dự án thuộc khoảnh 5, tiểu khu 150, có 11,58 ha diện tích rừng (rừng tự nhiên 10,60 ha; rừng trồng 0,98 ha), là rừng đặc dụng, thuộc phân khu dịch vụ hành chính, do VQG Núi Chúa quản lý.
Tại ĐTM được Bộ TN&MT tham vấn cộng đồng nêu rõ, căn cứ khoản 2, Điều 20, Luật Lâm nghiệp: “Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng dưới 50 ha; rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới từ 20 ha đến dưới 50 ha; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển từ 20 ha đến dưới 500 ha; rừng sản xuất từ 50 ha đến dưới 1.000 ha”. Như vậy, việc quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng gần 12 ha rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phải tuân thủ theo Nghị định số 83/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.
Sơ đồ mô phỏng vị trí khu vực thực hiện Dự án và mối tương quan với các đối tượng xung quanh
Mặc dù quy định tại Điều 24, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ nêu rõ, khi xây dựng các công trình phục vụ cho hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí bảo đảm các nguyên tắc như: Không phá vỡ cảnh quan môi trường, không chặt phá rừng, các công trình xây dựng phải dựa vào thiên nhiên, hài hòa với cảnh quan môi trường; bảo đảm đúng quy định của pháp luật; không làm mất quyền sở hữu của Nhà nước về rừng, tài nguyên thiên nhiên trên mặt đất và dưới lòng đất; không làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử - văn hóa… Tuy nhiên, tại ĐTM của dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy được Bộ TN&MT tham vấn cộng đồng lại chỉ rõ rất nhiều khu vực chịu tác động, ảnh hưởng từ công trình thi công và hoạt động của Dự án.
Cụ thể, Theo Báo cáo, quá trình thực hiện Dự án sẽ chiếm dụng khoảng 2,3 ha của 21 hộ dân xã Vĩnh Hải, trong đó có 1 hộ đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 4 hộ có nguồn gốc sử dụng đất ổn định, 10 hộ sử dụng đất sau năm 2003, 6 hộ khai phá năm 2010 đến nay.
Báo cáo ĐTM được Bộ TN&MT tham vấn cộng đồng cũng nêu rõ các công trình nhạy cảm, ảnh hưởng khi thực hiện Dự án bởi khu đất Dự án nằm trong phân khu dịch vụ - hành chính của VQG Núi Chúa, cách ranh giới phân khu bảo vệ nghiêm ngặt khoảng 50 m về phía Bắc, cách khu vực trung tâm VQG khoảng 8 km. Do vậy quá trình thi công và hoạt động của Dự án sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái, cảnh quan của khu vực này.
Cũng theo Báo cáo, giáp khu vực Dự án không có các công trình nhạy cảm như đình, chùa, miếu; chỉ có chùa Vĩnh Ân cách khoảng 1 km về phía Tây Bắc. Cách khu vực Dự án khoảng 100 m về phía Đông Bắc có nghĩa trang của người dân thuộc xã Vĩnh Hải mới được quy hoạch và chỉ có một vài mộ phân bố rải rác.
Đồn biên phòng Vĩnh Hy và khu nghỉ dưỡng Amanoi Resort cách Dự án khoảng 700 m. Cách phía Tây dự án khoảng 100 m là vịnh Vĩnh Hy - nơi trú ngụ, tránh bão của dân chài, tàu đậu trong vịnh chủ yếu của người dân địa phương và khoảng 50 - 100 tàu thuyền từ nơi khác đến, sẽ chịu tác động trực tiếp và gián tiếp bởi quá trình thi công, hoạt động của Dự án.
Báo cáo ĐTM cũng nhận định trong quá trình chuẩn bị, thi công, hoạt động Dự án có tác động trực tiếp đến hệ sinh thái và đa dạng sinh học tại VQG Núi Chúa. Cụ thể, quá trình thực hiện Dự án, VQG Núi Chúa sẽ đưa ra kế hoạch tận thu lâm sản, dự kiến sẽ thực hiện di dời, chặt hạ với số lượng tối đa khoảng 9.326 cây (tương đương trữ lượng gỗ 271,911 m3) tại phần diện tích xây dựng Dự án. Theo ĐTM, việc này sẽ làm làm mất đi phần lớn diện tích rừng, gây ô nhiễm tạm thời và có thể gây ra sự chia cắt manh mún cục bộ (các vật cản vật lý và các xáo trộn cục bộ cho sự di chuyển của các loài) của toàn bộ các sinh cảnh khu vực Dự án và lân cận, giảm khả năng tái sinh của thảm thực vật sau này. Hơn nữa, trong quá trình thi công, việc phá rừng, đào bới, san lấp, kèm theo tiếng ồn, sự ô nhiễm nguồn nước, đất và không khí, làm thay đổi đáng kể thành phần loài tại khu vực Dự án và lân cận. Đặc biệt, khu vực Dự án có một số loài quý hiếm nằm trong danh mục bảo tồn, việc thi công Dự án sẽ làm mất sinh cảnh, gây cản trở sự di chuyển để tìm kiếm thức ăn, bạn tình trong mùa sinh sản, làm đảo lộn các tập tính của các loài động vật bao gồm cả các loài quý hiếm. Ngoài ra, nếu việc quản lý công nhân không tốt, ý thức công nhân không cao sẽ xảy ra việc săn bắt các loài động vật hay khai thác gỗ trái phép càng làm suy giảm chất lượng sinh cảnh khu vực Dự án nói riêng, VQG Núi Chúa nói chung.
Đức Anh