02/02/2021
Thời gian qua, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (TWHNDVN) đã phát huy vai trò trung tâm, nòng cốt trong việc thực hiện các phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM); chủ động phối hợp với ngành TN&MT nâng cao hiệu quả công tác BVMT; chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ và xây dựng hành vi của cán bộ, hội viên, nông dân về BVMT nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH); tham gia giám sát các hoạt động BVMT, trợ giúp pháp lý, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, nông dân. Nhân dịp xuân Tân Sửu 2021, Tạp chí Môi trường có cuộc trao đổi với đồng chí Thào Xuân Sùng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành TWHNDVN xoay quanh vấn đề này.
Đồng chí Thào Xuân Sùng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành TWHNDVN
PV: Xin đồng chí cho biết một số kết quả nổi bật trong công tác BVMT của TWHNDVN thời gian qua?
Đồng chí Thào Xuân Sùng: Ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên và BĐKH đang là thách thức lớn nhất của nhân loại, làm thay đổi toàn diện, sâu sắc các hệ sinh thái tự nhiên, đời sống kinh tế - xã hội, đe dọa an ninh môi trường, nguồn nước, lương thực trên phạm vi toàn cầu. Vì vậy, trong 35 năm đổi mới, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng, quan tâm chỉ đạo công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó với BĐKH thông qua việc ban hành các chính sách, thể chế pháp luật, đặc biệt là Luật BVMT.
Cùng với các Bộ, ban, ngành, tổ chức, đoàn thể… nhiều năm qua, các cấp Hội Nông dân (HND) Việt Nam đã tích cực tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TN&MT, đưa Luật BVMT đi vào cuộc sống, coi đó là một trong những hoạt động trọng tâm của các cấp Hội và phong trào nông dân, nhằm nâng cao năng lực quản lý và BVMT của toàn thể cán bộ, hội viên nông dân vì một xã hội nông thôn sáng, xanh, sạch, an toàn, văn minh. Trong giai đoạn 2015 - 2020, TWHNDVN đã tập trung chỉ đạo các cấp Hội tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định pháp luật về bảo vệ tài nguyên, môi trường. Đặc biệt là việc tuyên truyền, phổ biến Luật BVMNT năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 31/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trong BVMT… Đồng thời, ban hành Nghị quyết số 20-NQ/HNDTW ngày 21/7/2014 về nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp HND Việt Nam tham gia BVMT, thích ứng với BĐKH, đưa nội dung BVMT, ứng phó với BĐKH trở thành hoạt động thường xuyên và là tiêu chí thi đua hàng năm.
Bên cạnh đó, trong 5 năm qua, TWHNDVN đã tổ chức thành công 432 lớp bồi dưỡng, đào tạo kiến thức, kỹ năng truyền thông về BVMT cho hơn 43.000 lượt cán bộ, hội viên; hỗ trợ các tỉnh, thành Hội chủ động tổ chức 200 lớp tập huấn cho hơn 20.000 cán bộ, hội viên tại các xã xây dựng mô hình điểm BVMT. Đặc biệt, phối hợp với Bộ TN&MT tổ chức hiệu quả các hoạt động cấp quốc gia như Gala trao Giải thưởng Môi trường Việt Nam; Hội chợ, triển lãm thành tựu về BVMT; Hội thảo nâng cao vai trò của HND Việt Nam BVMT trong xây dựng NTM; Hội nghị bàn giải pháp nâng cao năng lực của nông dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long chủ động ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn… Các hoạt động thường niên như Lễ phát động Tết Trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ; mít tinh hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6); Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn; phát động phong trào thi đua “Hãy hành động vì môi trường nông thôn Xanh - Sạch - Đẹp”; “Chung tay BVMT, đa dạng sinh học”…
Nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với BVMT, hướng đến phát triển bền vững, TWHNDVN đã hướng dẫn, chỉ đạo HND các tỉnh, thành Hội xây dựng thành công hàng trăm mô hình điểm về thu gom, phân loại, xử lý rác thải trong sinh hoạt, làng nghề, hầm khí biogas BVMT nông thôn, sử dụng kiến thức bản địa trong BVMT… tiêu biểu như mô hình thu gom, phân loại, xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại nguồn ở các tỉnh Hải Dương, Nam Định, Hòa Bình, An Giang, Long An; mô hình xử lý nước thải làng nghề tại Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình; mô hình đệm lót sinh học trong chăn nuôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại Vĩnh Phúc, Hà nội, Quảng Trị; mô hình điểm về phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại Hải Dương, Khánh Hòa, Lâm Đồng; mô hình vận động hội viên nông dân BVMT, xây dựng cảnh quan môi trường “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp” của HND tỉnh Gia Lai, Bắc Giang, Thái Nguyên; mô hình nông dân nói không với túi ni lông tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng… Song song với đó, chỉ đạo HND 63 tỉnh, thành phố nắm chắc tình hình các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn để kịp thời phát hiện những trường hợp gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến họat động sản xuất nông nghiệp; điều tra, khảo sát thực trạng môi trường nông thôn, nhận thức về BĐKH, thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và các loại hóa chất độc hại trong sản xuất; vấn đề sử dụng kiến thức bản địa trong sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp và đời sống… Từ đó tham gia xây dựng cơ chế, chính sách, kế hoạch hoạt động của Hội gắn với công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó BĐKH.
Các cấp Hội cũng chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động BVMT theo từng năm, giai đoạn, đồng thời, tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức, kỹ năng truyền thông về môi trường, BĐKH cho đội ngũ cán bộ chủ chốt, cán bộ làm công tác môi trường của các tỉnh, thành Hội; tổ chức hàng vạn lớp tập huấn về BVMT, quản lý dịch hại tổng hợp trong chăn nuôi, trồng trọt cho hội viên, nông dân ở cơ sở; kiên trì tuyên truyền, vận động “nói cho dân hiểu, làm cho dân tin, làm phải có chất lượng và hiệu quả” đến hội viên, nông dân… Bằng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp, các cấp Hội còn tổ chức trên 300.000 cuộc phổ biến, giáo dục pháp luật về BVMT cho gần 20.000.000 lượt hội viên, nông dân, qua đó góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân về BVMT.
PV: Quá trình thực hiện, các cấp Hội gặp khó khăn, vướng mắc gì và nguyên nhân do đâu, thưa đồng chí?
Đồng chí Thào Xuân Sùng: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, các cấp Hội còn tồn tại những hạn chế, khó khăn nhất định, cụ thể: Một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ về ảnh hưởng của ô nhiễm, suy thoái môi trường, tác động tiêu cực của BĐKH tới sự phát triển kinh tế - xã hội, sức khỏe và đời sống, do đó, ý thức về bảo vệ tài nguyên, môi trường đôi khi chưa đầy đủ, chưa chuyển thành ý thức và hành động cụ thể; vẫn còn tư tưởng ý lại vào Nhà nước; tình trạng lúng túng, bị động, thiếu kinh nghiệm và trách nhiệm của một số hội viên, nông dân ở các địa phương đối với cộng đồng trong phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai vẫn tiếp diễn.
Mặt khác, nếp sống của hội viên, nông dân, thái độ, hành vi, lối sống, thói quen tiêu dùng thiếu thân thiện với môi trường còn phổ biến ở nhiều nơi; việc chấp hành Luật BVMT và giữ gìn vệ sinh môi trường trong sản xuất nông nghiệp, các làng nghề có nơi chưa nghiêm túc; nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản thiếu chủ động, tự giác thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ BVMT; việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong hoạt động sản xuất nông nghiệp thời gian qua vẫn chưa được quan tâm đúng mức…
Nguyên nhân là do đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác BVMT ở các tỉnh, thành Hội còn thiếu, chưa huy động được sức mạnh của cán bộ, hội viên, nông dân và cộng đồng dân cư tham gia BVMT nông thôn. Ngoài ra, công tác phối hợp kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về tài nguyên, môi trường và BĐKH còn hạn chế; việc phát hiện, kiến nghị xử lý những hành vi gây ô nhiễm, sự cố môi trường, suy thoái, cạn kiệt và xâm hại tài nguyên thiên nhiên ở cộng đồng dân cư tuy kịp thời nhưng xử lý chưa nghiêm, thiếu tính răn đe…
Đồng chí Thào Xuân Sùng - Ủy viên BCH TW Đảng, Chủ tịch BCH TWHNDVN thăm cửa hàng nông sản an toàn ở Ninh Bình tháng 9/2019
PV: Luật BVMT năm 2020 đã được Quốc hội thông qua, để Luật triển khai hiệu quả, đi sâu vào cuộc sống, thời gian tới, TWHNDVN có kế hoạch thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Thào Xuân Sùng: Chiều ngày 17/11/2020, Quốc hội chính thức thông qua Dự án Luật BVMT (sửa đổi) với 91,91% đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành. Đây là bộ luật được cử tri, người dân, doanh nghiệp, đại biểu Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các ban, bộ, ngành, địa phương rất quan tâm. Dự thảo Luật đã giải quyết được bài toán “không thể hy sinh môi trường để phát triển, nhưng cũng không thể quá cứng nhắc, khó khăn để kìm hãm phát triển” - đó là điều không dễ dàng. Và lần này, Luật BVMT với 13 chính sách mới đã cơ bản đáp ứng những yêu cầu thực tiễn phát triển của đất nước đặt ra.
Như vậy, Luật BVMT năm 2020 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, các chính sách về quản lý chất lượng môi trường, nhất là chính sách về BVMT nông thôn đã được quy định cụ thể, trong đó, chất lượng môi trường nói chung, bao gồm chất lượng môi trường nông thôn được coi là nền tảng, mục tiêu để bảo vệ trên cơ sở điều tiết các hoạt động dân sinh, kinh tế có tác động đến chất lượng môi trường nông thôn thông qua công tác kiểm kê, thống kê, theo dõi và quản lý bằng các công cụ phù hợp. Luật BVMT năm 2020 cũng quy định trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó, HND có vai trò vận động cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, giám sát việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân (khoản 7, Điều 75); tham gia các hoạt động BVMT, tư vấn, phản biện, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về BVMT (Điều 157, Điều 158).
Để Luật BVMT năm 2020 triển khai hiệu quả, đi sâu vào cuộc sống, thời gian tới, TWHNDVN sẽ xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến Luật đến toàn thể cán bộ, hội viên, nông dân thông qua nhiều hình thức như: Biên soạn tập tài liệu nông dân tìm hiểu Luật BVMT năm 2020; tổ chức Hội thảo khoa học nông dân chung tay BVMT; Hội nghị đánh giá việc thực hiện Chương trình phối hợp giữa HDN Việt Nam với ngành TN&MT; đẩy mạnh hoạt động của các cấp Hội (truyền thông, phong trào, xây dựng mô hình, tham vấn, tư vấn…); biên soạn và xuất bản cuốn sách “Những mô hình BVMT tiêu biểu của HND trong công cuộc xây dựng NTM”.
Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, giám sát và phản biện xã hội của HND Việt Nam đối với các chương trình, dự án có liên quan đến BVMT; bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ cơ sở Hội; đẩy mạnh phong trào thi đua “Nông dân tích cực BVMT, chủ động thích ứng với BĐKH”; xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn; tổ chức những hoạt động mang tính chất phát huy tính dân chủ trong hội viên. Ngoài ra, TWHNDVN sẽ chủ động tham gia giám sát, phản biện xã hội đối với những chương trình, dự án BVMT có liên quan đến nông dân, nông nghiệp, nông thôn; nâng cao chất lượng phối hợp với ngành TN&MT; làm tốt công tác thi đua khen thưởng đối với những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong BVMT, ứng phó với BĐKH…
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Gia Linh (Thực hiện)
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2021)