Banner trang chủ

Tăng cường công tác quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại

04/01/2021

     Trước tình hình một số loài ngoại lai xâm hại xuất hiện tại một số địa phương thời gian gần đây, có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực tới đa dạng sinh học, môi trường, kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 42/CT-TTg về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại.

Một số loài ngoại lai xâm hại có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực tới đa dạng sinh học

    Quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại vẫn luôn là quan điểm nhất quán của Việt Nam trong thực tiễn để duy trì cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân, góp phần phát triển bền vững đất nước. Thời gian qua, hệ thống pháp luật về quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại của nước ta đã dần được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phù hợp với các Công ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ nhằm ngăn ngừa, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại. Tuy nhiên, do nhận thức chưa đầy đủ về nguy cơ gây hại của việc nhập lậu, nuôi trồng, phóng thích các loài ngoại lai xâm hại; tại một số địa phương, vấn đề kiểm soát loài ngoại lai còn chưa được quan tâm đúng mức, thiếu chủ động, khi phát sinh vụ việc mới triển khai xử lý và thiếu sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng về thực thi pháp luật để kiểm soát loài ngoại lai xâm hại.

    Tại Chỉ thị, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về nuôi trồng, phát triển, kinh doanh loài ngoại lai xâm hại; tăng cường công tác quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại theo thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ được giao.

    Thủ tướng giao Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan khẩn trương tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án ngăn ngừa và kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại ở Việt Nam đến năm 2020 theo Quyết định số 1896/QĐ-TTg; có kế hoạch ngăn ngừa và kiểm soát loài ngoại lai xâm hại ở Việt Nam thời gian tới. Đồng thời, rà soát, đánh giá các quy định pháp lý và đề xuất phương án bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về kiểm soát, diệt trừ loài ngoại lai xâm hại nhằm đáp ứng nhu cầu của thực tiễn; ban hành hướng dẫn đánh giá nguy cơ xâm hại của loài ngoại lai; cập nhật, bổ sung và ban hành Danh mục loài ngoại lai xâm hại. Hướng dẫn tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về loài ngoại lai xâm hại; xây dựng và phát hành tài liệu tuyên truyền, tổ chức tập huấn, hướng dẫn nhận dạng loài ngoại lai xâm hại.

    Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tăng cường các biện pháp kiểm soát các loài ngoại lai xâm hại, loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; quản lý chặt chẽ hoạt động nuôi, trồng loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại; chỉ đạo, hướng dẫn áp dụng các biện pháp kiểm soát, diệt trừ các loài ngoại lai xâm hại trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp.

    Đồng thời, Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các biện pháp đấu tranh, phòng chống và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong nhập khẩu, phát tán, nuôi trồng, phát triển, vận chuyển và kinh doanh trái phép loài ngoại lai xâm hại. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi các quy định pháp luật về kiểm soát các loài ngoại lai xâm hại, loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại trên địa bàn; tuyên truyền, phổ biến pháp luật và nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc không nhập khẩu, kinh doanh, nuôi trồng, phát triển, phóng sinh loài ngoại lai xâm hại.

Tạ Kiều Anh

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2020)

Ý kiến của bạn