Banner trang chủ

Quy định về cải tạo phục hồi môi trường đất trong khai thác khoáng sản trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020

08/06/2023

    Tài nguyên khoáng sản (TNKS) là tài nguyên thiên nhiên không tái tạo, là một trong những nguồn nguyên. Nhiên, vật liệu quan trọng để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vì thế việc khai thác và sử dụng tiết kiệm hiệu quả TNKS và BVMT bền vững là ưu tiên hàng đầu trong “Chiến lược khai thác TNKS của Việt Nam”. Trong thời gian qua, ngành công nghiệp khai khoáng đã cung cấp nguyên, vật liệu cho nhiều ngành công nghiệp và góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

    Tuy vậy, hoạt động khai thác khoáng sản (HĐKS) đã gây ảnh hưởng lớn tới môi trường (phá hoại môi trường đất, làm biến dạng địa mạo và cảnh quan khu vực, làm tăng diện tích đất trống, giảm diện tích rừng, gây hiện tượng xói lở, bồi lắng, đồng thời gây ô nhiễm môi trường không khí, môi trường nước và tác động xấu tới chế độ thủy văn khu vực...).

Ảnh minh họa

    Đối với doanh nghiệp HĐKS, việc phục hồi môi trường sau khi kết thúc HĐKS là yêu cầu bắt buộc đã được quy định tại Điều 58 của Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 ngày 17/11/2010 với các giải pháp sau: i) Cải tạo hoặc giữ lại moong đã khai thác làm hồ chứa nước; ii) San gạt hạ thấp độ cao các bãi thải đất đá và trồng cây xanh trên toàn bộ khu vực bãi thải để hạn chế nguy cơ trượt lở và tạo cảnh quan môi trường; iii) Tháo dỡ các công trình trên mặt và san lấp moong sau kết thúc khai thác hạn chế tác động đến môi trường và đảm bảo an toàn cho dân cư xung quanh theo đề án đóng cửa mỏ đã cấp thẩm quyền phê duyệt…

    Đặc biệt, cải tạo và phục hồi môi trường đối với HĐKS tiếp tục được quy định trong Luật BVMT năm 2020 là chế tài quan trọng, gắn trách nhiệm và nghĩa vụ của tổ chức và cá nhân trong lĩnh vực HĐKS, yêu cầu các doanh nghiệp HĐKS phải dành một khoản kinh phí để cải tạo, phục hồi BVMT sau khi kết thúc khai thác. Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 quy định “BVMT đất” cụ thể trong một số điều, khoản sau đây:

    “Điều 11. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân trong BVMT đất; Điều 11 khoản 3: Việc sử dụng đất cho hoạt động khoáng sản phải bảo đảm không gây tác động xấu đến cảnh quan môi trường, cản trở dòng chảy; trả lại đất đúng với trạng thái mặt đất theo yêu cầu của cơ quan giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai”;

     “Điều 12. Khu vực phải được điều tra, đánh giá, phân loại chất lượng môi trường đất; Điều 12. khoản 3: Khu vực có cơ sở sản xuất đã đóng cửa hoặc di dời thuộc một trong các loại hình sau: khai thác, chế biến khoáng sản độc hại, khoáng sản kim loại; chế biến khoáng sản có sử dụng hóa chất độc hại; sản xuất gang, thép, luyện kim (trừ cán, kéo, đúc từ phôi nguyên liệu);

    “Điều 13: Xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất do tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm; Điều 13, khoản 5:5. Khuyến khích việc đa dạng hóa nguồn vốn để xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất theo quy định của pháp luật.

    “Điều 17. Xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường; Điều 17, khoản 3: Sau khi hoàn thành việc xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất, đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định này có trách nhiệm báo cáo cơ quan chuyên môn về BVMT cấp tỉnh về kết quả xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất”.

    Qua đây cho thấy, các điều, khoản quy định “BVMT đất” của Luật BVMT năm 2020, Nghị định 08 là chế tài rất quan trọng, gắn trách nhiệm, nghĩa vụ của tổ chức và cá nhân HĐKS khi sử dụng TNKS bắt buộc phải dành ra một khoản kinh phí để cải tạo, phục hồi môi trường sau khi kết thúc khai thác nhằm tránh các tác động xấu lâu dài tới môi trường.

Hồng Nhung

Ý kiến của bạn