Banner trang chủ

Phương thức, thủ đoạn tội phạm vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

06/12/2021

    Trong những năm qua, tình hình tội phạm vi phạm quy định về bảo vệ động vật (ĐV) nguy cấp, quý, hiếm xảy ra trên địa bàn cả nước nói chung, tại tỉnh Hà Tĩnh nói riêng có nhiều diễn biến phức tạp, tính chất ngày càng nghiêm trọng, phương thức, thủ đoạn tinh vi. Theo Báo cáo tổng kết của Phòng Cảnh sát môi trường (CSMT), Công an tỉnh Hà Tĩnh, trong giai đoạn từ tháng 5/2017 - 10/2021, các đơn vị đã phát hiện, xử lý 31 vụ việc về buôn bán, vận chuyển ĐV nguy cấp, quý, hiếm trái phép; thu giữ 2 cá thể hổ, 1 cá thể gấu và hàng trăm cá thể ĐV hoang dã khác (tê tê, kỳ đà, khỉ, voọc, cầy, rùa rắn...); khởi tố 11 vụ án hình sự (Phòng CSMT 5 vụ, Công an thành phố, huyện, thị xã 6 vụ) về tội vi phạm các quy định bảo vệ ĐV nguy cấp, quý, hiếm; xử phạt vi phạm hành chính tổng số tiền trên 107.500.000 đồng.

    Qua nghiên cứu tổng kết tình hình tội phạm vi phạm quy định về bảo vệ ĐV nguy cấp, quý, hiếm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh trong những năm qua cho thấy, phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm này khá đa dạng. Tùy thuộc vào từng thời điểm, địa bàn mà các đối tượng sẽ sử dụng những phương thức, thủ đoạn khác nhau, nhưng chủ yếu tập trung vào một số nhóm chính sau:

    Phương thức, thủ đoạn săn bắt ĐV nguy cấp, quý, hiếm:

    Các đối tượng thường tìm hiểu quy luật sinh sản, sinh sống hoặc cư ngụ của các loài ĐV nguy cấp, quý, hiếm để săn bắt bằng cách đặt bẫy, dùng súng săn bắn, giết sau đó vận chuyển, bán cho các đối tượng thu gom hoặc nhà hàng đặc sản trên địa bàn lân cận. Thậm chí, các đối tượng còn tổ chức mang dụng cụ, phương tiện nấu cao… vào rừng săn bắt ĐV, sau đó chế biến tại chỗ rồi đem bán cho những đối tượng có nhu cầu.

Lực lượng chức năng thu giữ 2 cá thể hổ con còn sống có tổng trọng lượng 8 kg vào ngày 18/11/2019

    Điển hình, ngày 3/5/2019, tại khu vực ngã ba cảng Vũng Áng thuộc địa phận thị xã Kỳ Anh, Phòng CSMT, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã bắt giữ đối tượng Nguyễn Văn Nam (sinh năm 1985, trú tại xã Kỳ Liên, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) đang có hành vi vận chuyển 1 cá thể rắn hổ mang để đi tiêu thụ. Qua đấu tranh, đối tượng Nam khai nhận, đã lên mạng internet mua lồng bẫy rắn và dùng mồi lên khu vực rừng Hoàng Liên Sơn để bẫy rắn về bán kiếm lời.

    Phương thức, thủ đoạn cất giấu, vận chuyển và tiêu thụ:

    Đối với những loại ĐV nguy cấp, quý, hiếm, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của loài ĐV có khối lượng nhỏ, số lượng ít thường để lẫn trong các loại mặt hàng hóa được phép mua bán, trao đổi trên thị trường hay cất giấu trong các bao tải, cốp xe, lốp ô tô dự phòng… rồi trực tiếp vận chuyển bằng ô tô, xe máy cá nhân hoặc gửi trên xe khách, thuê xe ôm vận chuyển.

    Một số vụ việc khác, các đối tượng trong quá trình vận chuyển chia ra nhiều cung đoạn, sử dụng nhiều phương tiện nhằm trốn tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Tại điểm tập kết hàng, 1 - 2 đối tượng được cử đi trước để dò đường, nếu không có nghi vấn thì chủ hàng sẽ sử dụng điện thoại di động để điều khiển các xe mô tô chở hàng đến một địa điểm vắng (khúc đường quanh, đường vắng giữa cánh đồng…) và thường xuyên thay đổi địa điểm tập kết, ở đó các bao tải chứa hàng sẽ được chuyển sang xe ô tô chờ sẵn chỉ trong vòng 3 - 5 phút. Những xe này thường là loại xe tốt, chất lượng cao và được hoán cải để tăng tốc độ cũng như chở được số lượng lớn hàng hóa. Trên các tuyến xe ô tô chở hàng đi đều có “vệ tinh” dò đường, dọc đường đi, xe liên tục thay đổi biển số, trong đó có cả biển xe xanh của cơ quan nhà nước, quân đội, công an, biển số nước ngoài, một số trường hợp đối tượng còn sử dụng trang phục giả danh lực lượng công an, quân đội để qua mắt cơ quan chức năng.

    Quá trình vận chuyển, các đối tượng thường có thái độ liều lĩnh, manh động, điều khiển xe chạy với tốc độ cao, bởi vì hàng hóa có giá trị, nếu bị bắt giữ mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì mức phạt hành chính có thể lên đến 500 triệu đồng và bị tịch thu phương tiện. Do đó, nếu gặp lực lượng chức năng yêu cầu kiểm tra, đối tượng thường không chấp hành hiệu lệnh, trường hợp bị khống chế, chúng sẽ dừng xe nhưng khóa cửa, không xuống xe, thái độ không hợp tác, hoặc nếu có cơ hội thì cùng sẽ tìm cách bỏ chạy, thậm chí đâm thẳng xe vào vật cản, lực lượng truy bắt.

    Điển hình, vào hồi 19h00 phút ngày 10/12/2019, quá trình trinh sát trên tuyến quốc lộ 1A giao quốc lộ 281, đoạn qua khu dân cư Hạ Vàng (xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc), Phòng CSMT phát hiện xe taxi logo Phủ Diễn mang biển kiểm soát 37A - 133.21 do tài xế Trần Văn Toản (sinh năm 1985, trú tại tổ dân phố số 5, thị trấn Cầu Giáp, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) điều khiển, có nhiều biểu hiện nghi vấn nên yêu cầu dừng kiểm tra. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tại dãy hàng ghế phía sau có 1 cá thể gấu ngựa đen, trọng lượng 140 kg (là ĐV nguy cấp, quý, hiếm nhóm 1B) đã bị tiêm thuốc mê, nhốt trong chuồng sắt.

    Phương thức, thủ đoạn mua bán, giao nhận và thanh toán:

    Các đối tượng cấu kết, hình thành đường dây phạm tội bằng hoạt động thăm dò, làm quen và đưa ra những thử thách trước khi móc nối với nhau như hẹn sai giờ, địa điểm giao dịch, mua bán bằng hình thức nhỏ lẻ để kiểm tra độ tin cậy của bên mua, phòng cơ quan chức năng bố trí lực lượng bắt giữ. Ngoài ra, các đối tượng còn thường xuyên tiếp xúc, câu kết, móc nối với những người dân có trình độ hiểu biết thấp tại những khu vực vùng núi cao để thu mua ĐV về bán kiếm lời.

    Điển hình, ngày 16/9/2021, Phòng CSMT phối hợp với Công an huyện Hương Sơn phát hiện tại phòng kho trong vườn nhà của đối tượng Nguyễn Văn Chung (sinh năm 1979, trú tại xã Sơn Lâm) tàng trữ 1 cá thể hổ đông lạnh có trọng lượng 160 kg và 34 kg xương ĐV không rõ hình dạng. Theo lời khai của Chung, số tang vật này được một người đàn ông tên Việt thuê đối tượng trông giữ.

    Thủ đoạn hợp thức hóa nguồn gốc ĐV nguy cấp, quý, hiếm:

    Một số đối tượng lợi dụng việc xin giấy phép nuôi nhốt sinh trưởng, sinh sản ĐV nguy cấp, quý, hiếm hoặc lợi dụng trong việc hành nghề bán thuốc đông y, khám chữa bệnh để hợp thức hóa giấy tờ nhằm thực hiện hành vi buôn bán, giết mổ trái phép, đặc biệt liên quan đến những sản phẩm từ các loài như hổ, rắn, gấu… Ngoài ra, các đối tượng còn sử dụng giấy tờ giả buôn bán trái phép ĐV nguy cấp, quý, hiếm như Giấy chứng nhận của cơ quan CITES; hợp động vận chuyển, mua bán và hóa đơn hàng hóa được ký kết với các công ty nước ngoài… nhưng khi cơ quan chức năng tiến hành xác minh thì không có cơ quan nào có địa chỉ như đã khai báo, nếu có thì cơ quan được khai báo không có chức năng kinh doanh ĐV nguy cấp, quý, hiếm.

    Để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tội phạm vi phạm quy định về bảo vệ ĐV nguy cấp, quý, hiếm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh thời gian tới, xin đề xuất một số giải pháp sau:

    Một là, tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện một số văn bản pháp luật có liên quan đến phòng, chống tội phạm vi phạm quy định về bảo vệ ĐV nguy cấp, quý, hiếm

    Điều 244, Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) cần có một số hướng dẫn bổ sung theo hướng: Đối với trường hợp thu giữ được nhiều loài ĐV có cả lớp thú, lớp chim, lớp bò sát và lớp khác thuộc Danh mục nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước CITES mà mỗi loài chưa đủ số lượng theo quy định tại Điều 244, Bộ luật hình sự thì cộng tất cả các loài cá thể ĐV lại, sau đó quy đổi về một lớp hoặc loài theo hướng có lợi cho người phạm tội để xử lý hình sự. Cơ quan có thẩm quyền cần ban hành văn bản về xác định mùa sinh sản, mùa di cư của từng loài, tạo thuận lợi cho việc áp dụng và thống nhất pháp luật; đồng thời, cần có văn bản hướng dẫn về việc xử lý vật chứng là ĐV còn sống và vật chứng là cá thể ĐV chết hoặc sản phẩm ĐV nguy cấp, quý, hiếm; văn bản hướng dẫn thống nhất về việc định giá đối với ĐV nguy cấp, quý, hiếm.

    Bên cạnh đó, cần quy định rõ, pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự về những giao ước, thỏa thuận (hợp đồng) tuy do người đại diện ký kết hoặc những hành vi khác nhưng nhân danh pháp nhân. Việc chứng minh điều kiện theo điểm c, Điều 75, Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 “Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại” gặp nhiều khó khăn trong áp dụng pháp luật. Bởi lẽ, không thể nào có việc người đại diện hoạt động lại thông qua sự chỉ đạo, điều hành chấp thuận của chính mình được. Do đó, chỉ cần giữ các điều kiện a), b) và d) tại khoản 1, Điều 75, Bộ luật hình sự năm 2015 là được.

    Việc hoàn thiện quy định pháp luật về phòng, chống tội phạm vi phạm quy định về bảo vệ ĐV nguy cấp, quý, hiếm là một trong những vấn đề quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống đối với loại tội phạm này trong thời gian tới của các cơ quan chức năng.

    Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục các cơ quan, doanh nghiệp và quần chúng nhân dân tham gia

    Nội dung tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các công ước quốc tế về bảo vệ, phát triển, bảo tồn thiên nhiên như: Luật BVMT năm 2020, Luật Đa dạng sinh học năm 2008, Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Công ước buôn bán quốc tế về các loài động, thực vật hoang dã, quý, hiếm; Luật Hình sự và các Nghị định về xử phạt hành chính đối với những hành vi liên quan; thực trạng cũng như vai trò, ý nghĩa, tác dụng của ĐV nguy cấp, quý, hiếm đối với giữ gìn môi trường và đảm bảo đa dạng sinh thái; các phương thức, thủ đoạn, đối tượng phạm tội; tấm gương cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ ĐV nguy cấp, quý, hiếm...

Công an tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra, phát hiện xe khách vận chuyển tê tê trái phép vào ngày 24/4/2019

    Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức; biên soạn tài liệu, ấn phẩm, tờ rơi, pano, áp phích, khẩu hiệu; tổ chức cuộc thi tìm hiểu; trưng bày, triển lãm tranh, hình ảnh, hiện vật giới thiệu về các loài ĐV nguy cấp, quý, hiếm; tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội; lồng ghép nội dung tuyên truyền vào các hoạt động cộng đồng. Mặt khác, chú trọng hoạt động tuyên truyền cho quần chúng nhân dân tại khu vực vùng sâu, vùng xa, miền núi, khu vực giáp ranh với Vườn quốc gia Vũ Quang hoặc tại cửa khẩu Cầu Treo.

    Ba là, nâng cao năng lực thực thi pháp luật của các cơ quan chức năng

    Mỗi cán bộ, chiến sĩ của các cơ quan chức năng như lực lượng CSMT, Hải quan, Biên phòng, Kiểm lâm… cần có nhận thức đúng về vị trí, vai trò và trách nhiệm trong công tác; thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về quy định, quy trình mới trong xử lý hành vi vi phạm; phát huy tối đa tinh thần, trách nhiệm trong công tác chuyên môn, tránh đùn đẩy trách nhiệm khi sự việc xảy ra. Đồng thời, cần có sự phối hợp giữa các lực lượng, nhằm đảm bảo sự thông suốt trong quá trình phòng ngừa, đấu tranh, xử lý hành vi vi phạm; tăng cường trang thiết bị, phương tiện và cơ sở vật chất như máy ghi âm, ghi hình, thiết bị bảo quản tang vật, phương tiện, thiết bị giám định ĐV…; bổ sung nguồn kinh phí giám định, bảo quản, xử lý tang vật… cho các cơ quan chức năng phục vụ công tác quản lý, phòng, chống tội phạm vi phạm quy định về bảo vệ ĐV nguy cấp, quý, hiếm.

    Bốn là, đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng

    Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng với nhau như: CSMT, Hải quan, Kiểm lâm, Bộ đội biên phòng…trong việc cung cấp, trao đổi thông tin về phương thức, thủ đoạn, địa bàn, tuyến đường trọng điểm, các đối tượng, đường dây, tổ chức có biểu hiện hoạt động mua bán, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, quảng cáo, tiêu dùng trái phép các loài ĐV nguy cấp, quý, hiếm; phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm theo đúng quy định pháp luật; rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản liên quan; xây dựng, triển khai thực hiện các dự án nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực, kiến thức khoa học kỹ thuật cho cán bộ, chiến sĩ thực thi pháp luật.

     Năm là, tăng cường quan hệ hợp tác với các nước, tổ chức trên thế giới

    Trong thời gian tới, lực lượng CSMT, Công an tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục đẩy mạnh quan hệ, phối hợp với tỉnh Bôlykhămxay và tỉnh Khăm Muộn thuộc nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, các tổ chức ĐV hoang dã như CITES trong phòng, chống tội phạm vi phạm quy định về bảo vệ ĐV nguy cấp, quý, hiếm. Cụ thể, thiết lập và xây dựng quy chế phối hợp giữa lực lượng CSMT với các đơn vị chức năng của các tỉnh chung biên giới nước bạn Lào trong việc cung cấp, trao đổi thông tin về tình hình tội phạm, nhằm kịp thời ngăn chặn hành vi phạm tội xuyên biên giới, triệt phá triệt để các đường dây buôn bán trái phép ĐV nguy cấp, quý, hiếm; thường xuyên tổ chức họp giao ban giữa các lực lượng chức năng tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Bôlykhămxay, tỉnh Khăm Muộn để trao đổi thông tin. Mặt khác, lực lượng CSMT cần thường xuyên phối hợp với tổ chức CITES trong các chương trình tập huấn kỹ năng đấu tranh phòng, chống tội phạm về ĐV nguy cấp, quý, hiếm.

Nguyễn Hồng Thuyên

Khoa Cảnh sát môi trường - Học viện Cảnh sát nhân dân

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2021)

    Tài liệu tham khảo

    1. Báo cáo tổng kết tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường của Phòng CSMT Công an tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2017 - 2020;

    2. Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);

    3. Luật Đa dạng sinh học năm 2008;

    4. Luật BVMT năm 2020.

Ý kiến của bạn