Banner trang chủ

Nỗ lực xử lý chất thải phát sinh do dịch COVID-19, đẩy lùi nguy cơ lây lan dịch bệnh và đảm bảo vệ sinh môi trường

30/08/2021

    Tình hình dịch COVID-19 bùng phát trở lại Việt Nam lần thứ 4 từ ngày 27/4/2021 đến nay đang diễn biến phức tạp, số ca mắc ở mức cao, nhất là ở các tỉnh/thành phố khu vực phía Nam. Không chỉ gây tổn thất về sức khỏe và tính mạng con người, dịch COVID-19 cũng để lại những hệ lụy về môi trường nếu không được xử lý kịp thời. Mặc dù chưa có thống kê cụ thể về khối lượng rác thải phát sinh do dịch, song với số ca dương tính tăng thêm hàng giờ, nhiều khu cách ly tập trung và bệnh viện dã chiến được hình thành, khiến lượng chất thải, đặc biệt là chất thải y tế (CTYT) cũng tăng theo tỉ lệ thuận. Vì vậy, hơn bao giờ hết, xử lý chất thải (XLCT) trong mùa dịch đã và đang được Bộ TN&MT, Bộ Y tế cùng các Bộ/ngành, địa phương triển khai quyết liệt, nhằm đẩy lùi nguy cơ lây lan dịch bệnh và đảm bảo vệ sinh môi trường.

Nhanh chóng, kịp thời xây dựng, điều chỉnh phương án XLCT phù hợp

    Ngay khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại, Bộ TN&MT đã hành động kịp thời, cùng với Bộ Y tế; các Bộ, ngành liên quan; UBND các tỉnh, TP tăng cường chỉ đạo công tác thu gom, lưu giữ, vận chuyển, XLCT; khẩn trương xây dựng, điều chỉnh phương án xử lý CTYT và tổ chức thực hiện kế hoạch thu gom, vận chuyển, lưu giữ, xử lý CTYT tại địa phương cho phù hợp với diễn biến dịch COVID-19, đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường.

    Theo đó, Bộ TN&MT đã phối hợp với Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 ban hành một số hướng dẫn về phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch tại gia đình; nơi làm việc và ký túc xá cho người lao động; khu chung cư; trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng; tại lễ tang; xử lý thi hài người tử vong do dịch bệnh... Trong đó, nhấn mạnh đến việc các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn thu gom, vận chuyển, lưu giữ, xử lý chất thải rắn (CTR) sinh hoạt, CTYT lây nhiễm từ các cơ sở y tế, cơ sở cách ly tập trung. Các địa phương được hướng dẫn kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thu gom, lưu giữ, chuyển giao CTYT, nhất là khẩu trang y tế, các phương tiện phòng hộ cá nhân đã qua sử dụng.

    Bên cạnh đó, nhằm chủ động trong việc xử lý CTYT phát sinh do dịch bệnh COVID-19, thực hiện tốt “mục tiêu kép” trong công tác BVMT, Bộ TN&MT đã ban hành các Công văn số 2743/BTNMT-TCMT ngày 21/5/2021; số 2854/BTNMT-TCMT ngày 26/5/2021 đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ sở y tế, khu vực điều trị và chăm sóc bệnh nhân, khu vực cách ly tại địa phương khẩn trương xây dựng, điều chỉnh và thực hiện kế hoạch thu gom, vận chuyển, lưu giữ, XLCT, đặc biệt là CTYT để phù hợp với việc điều chỉnh thời gian cách ly tập trung, thời gian quản lý sau khi kết thúc cách ly tập trung và xét nghiệm yếu tố dịch tễ COVID-19 cho người dân. Đồng thời, tăng cường giám sát công tác phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý CTYT phát sinh do dịch COVID-19 tại địa phương, trong đó, ưu tiên xử lý CTYT theo mô hình cụm cơ sở y tế và các cơ sở xử lý chất thải nguy hại (CTNH) có chức năng xử lý CTYT, đảm bảo khoảng cách thu gom ngắn nhất từ nơi phát sinh tới cơ sở xử lý.

    Đặc biệt, tháng 7/2021, trước diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường của dịch COVID-19 tại nhiều địa phương trên cả nước, để đảm bảo xử lý kịp thời lượng chất thải phát sinh, nhất là tại các tỉnh đang thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg  của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT có công văn số 4119/BTNMT-TCMT ngày 23/7/2021 yêu cầu UBND các tỉnh, TP tăng cường chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở y tế, khu vực điều trị, chăm sóc bệnh nhân, khu cách ly (cách ly tập trung, cách ly tại nhà và các khu cách ly khác) thực hiện nghiêm việc thu gom, lưu giữ, chuyển giao chất thải sinh hoạt (CTSH), CTYT phát sinh do dịch COVID-19 theo đúng quy định tại Quyết định số 3455/QĐ-BCĐQG ngày 5/8/2020 của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19 về “Hướng dẫn quản lý chất thải (QLCT) và vệ sinh trong phòng, chống dịch COVID-19”. Đồng thời, chỉ đạo chính quyền các cấp hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm túc các biện pháp quản lý CTYT, CTSH phát sinh do dịch bệnh. Bộ TN&MT cũng đề nghị UBND các tỉnh, TP chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tại địa phương chủ động liên hệ với cơ sở xử lý CTNH có chức năng xử lý CTYT (bao gồm cả các cơ sở đã được Bộ chấp thuận kế hoạch vận hành thử nghiệm) để tăng cường xử lý CTYT phát sinh do dịch bệnh; chủ động liên hệ với các địa phương khác có cơ sở xử lý CTYT để hỗ trợ trong trường hợp các cơ sở XLCT tại địa phương không đảm bảo đủ năng lực xử lý hoặc không đủ năng lực hạ tầng xử lý CTYT phát sinh do dịch COVID-19.

    Ngoài ra, Bộ TN&MT còn tăng cường phối hợp với các địa phương trong việc quản lý CTYT, điển hình như phối hợp với UBND, Sở TN&MT TP. Đà Nẵng chỉ đạo, hướng dẫn việc thu gom chất thải phát sinh tại 60 điểm nóng có dịch; 61 cơ sở cách ly y tế; 2 bệnh viện dã chiến để xử lý tại các cơ sở XLCT, đảm bảo yêu cầu về BVMT và công tác phòng, chống dịch bệnh.

CTYT sau khi thu gom được phun khử khuẩn trước khi xử lý

Hành động quyết liệt từ các địa phương

TP. Hồ Chí Minh: Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý CTYT

    Là tâm dịch của cả nước, mỗi ngày TP. Hồ Chí Minh có thêm hàng nghìn ca mắc mới, với khối lượng CTYT phát sinh khoảng 77,05 tấn/ngày, chủ yếu từ 280 khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến (số liệu do Sở Y tế và UBND các quận, huyện cung cấp). Khi dịch bùng phát trở lại, TP đã chỉ định Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị và Công ty CP Môi trường Việt Úc thực hiện thu gom, xử lý CTNH, CTYT phát sinh từ các bệnh viện dã chiến, khu cách ly. Tuy nhiên, do dịch bệnh ngày càng khó lường, TP phát sinh thêm nhiều điểm cần thu gom rác thải, vì vậy, Sở TN&MT TP đã đề xuất và được Bộ TN&MT đồng ý tăng cường thêm Công ty CP Kho vận giao nhận ngoại thương Mộc An Châu và Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh cùng tham gia thu gom, xử lý. Cả hai đơn vị này đều có hai lò đốt, với công suất trung bình của mỗi đơn vị khoảng 10 tấn/ngày, nâng tổng công suất xử lý của cả 4 đơn vị lên 159 tấn/ngày. Như vậy, TP. Hồ Chí Minh hoàn toàn đủ khả năng xử lý an toàn khối lượng chất thải liên quan đến COVID-19 hiện tại và dự báo có thể gia tăng trong thời gian tới. Về quy trình xử lý, chất thải từ khu vực cách ly được bọc kín trong thùng chứa hoặc túi chuyên dụng màu vàng, dán nhãn cảnh báo nguy cơ nhiễm bệnh, phun khử khuẩn trước khi đưa lên xe vận chuyển chuyên dụng có khoang kín, khi về đến nhà máy, tiếp tục phun khử khuẩn một lần nữa rồi xử lý bằng công nghệ đốt ở nhiệt độ cao. Lượng tro thải sau khi đốt xong được hóa rắn và chôn lấp tại bãi dành riêng cho CTNH.

    Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP. Hồ Chí Minh, để xử lý kịp thời lượng chất thải có yếu tố dịch tễ, Sở TN&MT đã thiết lập mạng lưới trao đổi thông tin trực tuyến trên ứng dụng Zalo và Viber với hai nhóm: Nhóm quận, huyện (gồm Sở TN&MT; UBND TP. Thủ Đức; các quận, huyện; Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP) kịp thời triển khai, trao đổi, ghi nhận, cập nhật các thông tin về công tác QLCT liên quan đến dịch COVID-19 tại cấp huyện; Nhóm Sở, ngành (Sở TN&MT; Bộ Tư lệnh TP; Sở Y tế; Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP) nhằm trao đổi kịp thời các nội dung về công tác phối hợp, kết nối triển khai thu gom, XLCT tại các khu cách ly tập trung. Ngoài ra, Sở TN&MT còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý CTYT tại các bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung với việc xây dựng phần mềm làm công cụ hỗ trợ công tác thu gom, xử lý CTYT tại địa chỉ: http://thugomracstnmt.tphcm. gov.vn. Phần mềm này cho phép các đơn vị thu gom báo cáo số liệu và gửi hình ảnh tại hiện trường; hỗ trợ việc lập báo cáo khối lượng đã thu gom, gửi hình ảnh, tình hình tại các khu điều trị, khu cách ly, tổng hợp, xuất báo cáo kèm hình ảnh. Đồng thời, đơn vị được giao giám sát sẽ thực hiện việc chụp ảnh hiện trường, nhập các ý kiến kiểm tra vào hệ thống, giúp cơ quan quản lý nắm bắt rõ tình hình…

Bình Dương: Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình thu gom, vận chuyển và XLCT

    Thống kê từ Chi cục BVMT tỉnh Bình Dương cho thấy, hiện nay tổng khối lượng chất thải phát sinh trong hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh trung bình khoảng 40 tấn/ngày. Trong đó, chất thải có nguy cơ chứa virus SARS-CoV-2 phát sinh từ các cơ sở điều trị, khu cách ly y tế tập trung là 18 - 20 tấn/ngày; chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 (được phân loại từ các hộ gia đình có người dương tính và người tiếp xúc gần với người bị nhiễm) là 20 tấn/ngày.

    Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và phân công của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh, Sở TN&MT tỉnh Bình Dương đã chủ động, kịp thời ban hành nhiều hướng dẫn gửi chính quyền địa phương cùng các ban, ngành có liên quan tổ chức thực hiện và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm đáp ứng yêu cầu về BVMT trong phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt, ngày 20/7/2021, Sở TN&MT tỉnh Bình Dương có hướng dẫn số 2663/STNMT-CCBVMT về việc phân loại, thu gom, vận chuyển, XLCT từ các khu vực cách ly/phong tỏa, trong đó quy định cụ thể: Đối với CTSH từ các hộ gia đình được cơ quan y tế xác định có người bị nhiễm hoặc có người tiếp xúc gần với người bị nhiễm phải được thu gom vào túi màu vàng có dán nhãn “Chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2” và phun xịt khử trùng trước khi chuyển giao cho Công ty CP Nước - Môi trường Bình Dương (đơn vị được UBND tỉnh giao thực hiện việc thu gom, XLCT lây nhiễm) xử lý bằng phương pháp thiêu đốt. Hiện Công ty CP Nước - Môi trường Bình Dương đang thực hiện thu gom, xử lý CTLN theo đúng quy định và hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền với khối lượng khoảng 40 tấn/ngày, bằng 21,5% so với năng lực xử lý đã được Bộ TN&MT cấp phép. Đối với chất thải từ các hộ gia đình có nguy cơ thấp hoặc không có nguy cơ lây nhiễm theo hướng dẫn của ngành y tế thì phân thành 2 loại: Chất thải là khẩu trang, khăn hoặc giấy lau mũi, miệng thải bỏ phải được khử trùng bằng cồn 70 độ trước khi bỏ vào túi đựng chất thải rồi buộc chặt miệng, sau đó cho vào thùng đựng chất thải có lót túi, nắp đậy kín. Loại còn lại (trừ CTNH) thì quản lý như CTR sinh hoạt thông thường, phun xịt khử trùng trước khi chuyển giao cho đơn vị đã được chính quyền địa phương ký hợp đồng xử lý. 

Đà Nẵng: Khép kín quy trình thu gom, XLCT, nhằm loại trừ nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh

    Theo Sở TN&MT TP. Đà Nẵng, hiện, khối lượng CTYT nguy hại phát sinh tại các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn (chưa kể bệnh viện dã chiến) là gần 3 tấn/ngày, được các cơ sở y tế trực tiếp chuyển giao cho đơn vị có giấy phép phù hợp ngoài phạm vi TP. Đà Nẵng vận chuyển, xử lý theo quy định, chủ yếu là Công ty TNHH Thương mại và xây dựng  An Sinh.

    Với mục tiêu không để ùn ứ, tồn đọng CTYT, bảo đảm an toàn vệ sinh môi trường trong phòng chống dịch bệnh, TP. Đà Nẵng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường thu gom, vận chuyển, xử lý CTYT phát sinh do dịch. Sở TN&MT TP cũng kích hoạt các biện pháp thu gom, xử lý triệt để và đúng quy định các loại CTYT, CTSH; ban hành Công văn số 1826/STNMT-CCMT ngày 14/5/2021, yêu cầu các cơ sở y tế, khu vực cách ly tập trung, Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng, các đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển CTR trên địa bàn TP tổ chức phân loại, thu gom, lưu giữ, chuyển giao, XLCT đảm bảo theo các quy định. Từ ngày 19 - 21/7, Sở TN&MT đã thành lập đoàn công tác kiểm tra công tác QLCT tại 22 cơ sở y tế quy mô lớn cấp TP quản lý, qua đó xử lý nghiêm các cơ sở không chấp hành hoặc chấp hành không đúng quy định; nhắc nhở, hỗ trợ kỹ thuật để bảo đảm việc thu gom và phân loại chất thải đúng quy định, tránh lây lan dịch bệnh… Đồng thời, Sở TN&MT cũng yêu cầu UBND các quận, huyện tổ chức kiểm tra, giám sát việc QLCT tại các cơ sở y tế tuyến quận, huyện, phường xã; các khu, điểm, cơ sở cách ly y tế trên địa bàn. Trước tình hình cấp bách trong phòng, chống Covid-19, Sở TN&MT đã thống nhất cho phép Công ty CP Môi trường Đô thị Đà Nẵng vận hành lò đốt CTNH ST-200 từ 0 giờ ngày 17/7/2021 để bảo đảm việc xử lý CTR nguy hại, CTR lây nhiễm.

Hà Nội: Quản lý chặt chất thải ở các khu vực cách ly tập trung

    Để đảm bảo an toàn môi trường và ngăn chặn lây lan dịch bệnh trên địa bàn Thủ đô theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ TN&MT, ngày 5/8/2021, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Công văn số 2531/UBND-ĐT giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở Xây dựng cùng các đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng, điều chỉnh phương án thu gom, vận chuyển, XLCT. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện thu gom, lưu trữ, chuyển giao CTSH, CTYT phát sinh theo đúng quy định tại Quyết định số 3455/QĐBCĐQG ngày 5/8/2020 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và theo hướng dẫn của Bộ TN&MT.

    Về phía Sở TN&MT, đơn vđã ban hành văn bản hướng dẫn các cơ quan chức năng và người dân, đặc biệt là các chủ nguồn thải (bệnh nhân và người thuộc diện cách ly) về XLCT phát sinh liên quan đến dịch bệnh COVID-19; UBND các quận, huyện, thị xã, các đơn vị thu gom, vận chuyển, XLCT có nguy cơ lây nhiễm thực hiện nghiêm quy định về QLCT. Theo đó, tại các khu vực cách ly tập trung, cơ sở điều trị COVID-19, CTSH của người mắc bệnh phải được thu gom, phân loại, xử lý theo quy định tại Quyết định số 3455/QĐBCĐQG ngày 5/8/2020 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và Quyết định số 5188/QĐ-BYT ngày 14/12/2020 của Bộ Y tế. Đối với chất thải của những trường hợp cách ly khác thì việc thu gom, vận chuyển, xử lý phải được thực hiện bởi những cơ sở đã được Bộ TN&MT cấp Giấy phép xử lý CTNH và có chức năng xử lý CTYT (căn cứ theo quy định tại Điều 9, Nghị định số 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ), trong đó, ưu tiên lựa chọn cơ sở có khoảng cách ngắn nhất với nơi phát sinh. Trường hợp cách ly y tế tại nhà, CTSH của người có triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19 phải được thực hiện như đối với người mắc và nghi ngờ mắc bệnh tại khu phong tỏa/cách ly tập trung. Hiện, 100% UBND quận, huyện và thị xã có khu cách ly đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận/huyện/thị xã hoặc các đơn vị quản lý khu cách ly ký hợp đồng dịch vụ với các Công ty CP môi trường đô thị và công nghiệp 10  (Urenco 10), Công ty CP vật tư thiết bị môi trường 13 (Urenco 13) để XLCT có nguy cơ lây nhiễm từ các khu cách ly. Tổng khối lượng chất thải có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 từ các khu cách ly của TP. Hà Nội đã được thu gom, xử lý từ năm 2020 đến hết ngày 30/6/2021 là 427,228 tấn, trong đó Urenco 10 xử lý 171,033 tấn; Urenco 13 xử lý 256,195 tấn. Quá trình thu gom, xử lý đều tuân thủ đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch CoVID-19 các cấp; quy trình vận hành an toàn, các công đoạn, phương tiện và trang thiết bị đều được khử khuẩn nghiêm ngặt.

    Theo ông Mai Trọng Thái - Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội, để đảm bảo an toàn cho các đơn vị XLCT cũng như góp phần đẩy lùi dịch bệnh, Sở TN&MT đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã, cơ sở khám chữa bệnh, đơn vị quản lý khu cách ly tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân nghiêm túc thực hiện việc phân loại, lưu giữ chất thải. Trong thời gian tới, đặc biệt là những ngày Thủ đô thực hiện giãn cách, Sở TN&MT sẽ cử cán bộ chuyên môn của Chi cục BVMT, Phòng Quản lý Tài nguyên nước tham gia các đoàn công tác của TP về kiểm tra, giám sát việc thực hiện quản lý, thu gom, vận chuyển, XLCT, đảm bảo vệ sinh môi trường trong phòng, chống dịch bệnh.

    Có thể nói, tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, tuy nhiên, bên cạnh việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, công tác thu gom, vận, chuyển, XLCT đã và đang được các địa phương song song thực hiện. Với những nỗ lực trên, người dân hoàn toàn có thể yên tâm, tin tưởng vào công tác phòng, chống dịch bệnh nói chung và công tác XLCT phát sinh do dịch bệnh COVID-19 nói riêng của các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương.

Mai Hương - Bùi Hằng (Tổng hợp)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 8/2021)

Tài liệu tham khảo

1. https://moh.gov.vn/tin-tong-hop/-/asset_publisher/k206Q9qkZOqn/content/ban-tin-dich-covid-19-ngay-13-8-ca-nuoc-ghi-nhan-9-150-ca-mac-moi-covid-19-tp-hcm-va-binh-duong-chiem-en-6-347-ca?inheritRedirect=false&redirect=https%3A%2F%2Fmoh.gov.vn%3A443%2Ftin-tong-hop%3Fp_p_id%3D101_INSTANCE_k206Q9qkZOqn%26p_p_lifecycle%3D0%26p_p_state%3Dnormal%26p_p_mode%3Dview%26p_p_col_id%3Drow-0-column-2%26p_p_col_count%3D1

2.https://vi.wikipedia.org/wiki/B%E1%BA%A3n_m%E1%BA%ABu:D%E1%BB%AF_li%E1%BB%87u_%C4%91%E1%BA%A1i_d%E1%BB%8Bch_COVID-19/S%E1%BB%91_ca_nhi%E1%BB%85m_theo_t%E1%BB%89nh_th%C3%A0nh_t%E1%BA%A1i_Vi%E1%BB%87t_Nam

3. https://www.danang.gov.vn/web/guest/viruscorona/chi-tiet?id=44942&_c=100000150

Ý kiến của bạn