06/09/2021
Trong thời gian vừa qua, khi dịch Covid-19 bùng phát tại các địa phương thì trên các phương tiện thông tin đại chúng thường xuất hiện các đoàn xe nối đuôi nhau phun hóa chất diệt khuẩn vào không khí trên các đường phố, vườn hoa, công viên, lối xóm. Hóa chất đang được sử dụng chủ yếu là Cloramin B. Vậy việc phun hóa chất này có tác dụng chống dịch Covid-19 hay không? Bài viết này nhằm giải đáp câu hỏi đó.
Bộ Y tế yêu cầu không phun hóa chất khử khuẩn ngoài trời
Cloramine B là gì?
Cloramin B được biết đến là hóa chất với mục đích sử dụng để diệt khuẩn bề mặt, xử lý nước. Đặc điểm của Cloramin B là bột có màu trắng, hòa tan được trong nước ở nhiệt độ thường, có thành phần chính là Sodium Benzensulfochleramin (có công thức hóa học là C6H5SO2NClNa.3H2O), trong đó clo hoạt tính chiếm khoảng 25%. Hóa chất này tồn tại ở dạng bột hoặc dạng viên. Cloramin B là hóa chất diệt khuẩn được sử dụng nhiều nhất hiện nay. Cloramin B trước đây chủ yếu nhập từ Cộng hòa Séc, rồi Trung Quốc nhưng loại tốt nhất vẫn là của Cộng hòa Séc. Gần đây, Việt Nam cũng đã sản xuất được trong nước (Tập đoàn hóa chất Đức Giang). Giá thành bán lẻ trên thị trường hiện này dao động từ 300.000 - 400.000 đồng/kg.
Cloramin B đã chứng minh được độ hiệu quả của nó khi là một trong những hóa chất đặc biệt được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế tại Việt Nam chấp nhận dùng để sát khuẩn ở bệnh viện và những nơi công cộng khác như trường học, trường mẫu giáo, mầm non hoặc ngay tại gia đình. Cục Quản lý môi trường, Bộ Y tế là cơ quan cấp đăng ký lưu hành các sản phẩm khử trùng, diệt khuẩn sử dụng trong y tế và gia dụng trong đó có Cloramine B.
Cloramin B có hai thành phẩm trên thị trường, các loại phổ biến nhất như là viên Cloramin B 0.25mg và Cloramin B dạng bột. Tùy theo mục đích sử dụng mà người dùng chọn các thành phẩm khác nhau. Dạng viên cloramin B thường được sử dụng để khử trùng nước uống trong các trường hợp khẩn cấp như thiên tai, thảm họa, chiến tranh. Dạng bột khi sử dụng được đem pha với nước thành các loại dung dịch với nồng độ tùy theo mục đích sử dụng để sát khuẩn. Trong công tác phòng chống dịch, các dung dịch pha từ các hóa chất chứa clo với nồng độ 0,125%; 0,25%; 0,5% và 1,25%, clo hoạt tính thường được sử dụng tùy theo mục đích và cách thức của việc khử trùng. Việc tính nồng độ dung dịch phải dựa vào tỷ lệ clo hoạt tính.
Công dụng của Cloramin B
Cloramin B là hóa chất có chứa ion Clo dương trong thành phần (hay còn được gọi là Clo hoạt tính ). Clo hoạt động có tác dụng khử trùng, khử khuẩn có trong nước ở một nồng độ thích hợp vì nó có tính oxy hóa mạnh, dễ phản ứng ô xy hóa với các chất hữu cơ giúp diệt vi khuẩn và diệt được cả vi rút SARS-CoV-2. Cloramin B được Bộ Y tế, WHO và nhiều quốc gia khuyên dùng để sát trùng bề mặt, khử khuẩn nước uống, nước thải và xử lý môi trường trong các trong các vụ dịch. Cloramin B dễ bị phân hủy nhanh dưới tác động của ánh sáng mặt trời và tia cực tím. Khi rơi vào bề mặt có nhiều chất hữu cơ, bụi bẩn, Cloramine cũng bị phân hủy nhanh chóng nhanh chóng.
Ngoài mục đích sử dụng chính là khử trùng nước trong các hệ thống cung cấp nước khẩn cấp, Cloramin B được Bộ Y tế hướng dẫn để khử khuẩn trong bệnh viện các khu vực như phòng bệnh nhân, hành lang, WC, sảnh, các bề mặt (sàn nhà bệnh viện, các trang thiết bị có trong bệnh viện). Cloramin B còn được sử dụng để pha nước rửa tay sát khuẩn, tẩy sạch các vết ố vàng ở sàn nhà hay vật dụng thông thường. Trong một số trường hợp đặc biệt khi không thể lau chùi được thì có thể phun lên các bề mặt nơi mà vi khuẩn, vi rút có thể rơi xuống và tồn tại trong một thời gian nhất định.
Để phòng chống dịch Covid-19, Bộ Y tế đã ban hành nhiều quyết định liên quan đến công tác điều trị, dự phòng, cách ly và khử trùng bề mặt như Quyết định số 1560/BYT-MT “Hướng dẫn tạm thời khử trùng và xử lý môi trường khu vực có bệnh nhân COVID-19 tại cộng đồng” năm 2020. Cloramine B là một trong những chất khử trùng cũng đã được Bộ Y tế khuyến cáo sử dụng. Trong các quyết định hướng dẫn phun khử trùng, Bộ Y tế nhấn mạnh các khu vực có liên quan đến bệnh nhân COVID-19, khu vực có người tiếp xúc là F1, F2 và các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao tại cộng đồng sẽ phải tiến hành phun khử trùng bằng Cloramine B. Chính vì vậy, các tỉnh đã tiến hành phun khử trùng bề mặt đồng loạt rất nhiều khu vực như: trong nhà, phòng ở, căn hộ của bệnh nhân COVID-19; khu vực liền kề xung quanh nhà, phòng ở, căn hộ của bệnh nhân, hàng lang, lối đi chung, cầu thang, thang máy, sảnh chờ của nhà chung cư, tập thể, kí túc xá, khách sạn, nhà trọ, nhà nghỉ, cơ sở cách ly tập trung. Ngoài ra, phun khử trùng bề mặt cũng được tiến hành tại khu vực cách ly theo dõi. Dụng cụ để phun khử trùng chủ yếu là máy phun cá nhân, xách hoặc đeo vai. Nhiều thành phố đã huy động các xe phun cỡ lớn để phun khử trùng, tẩy độc không khí trên đường phố, công viên, bệnh viện như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Phú Yên, Hải Phòng, Nghệ An, Đà nẵng…
Tuy nhiên, thực tế vẫn chưa có nghiên cứu khoa học nào về hiệu quả của các biện pháp phun Cloramine B nhằm diệt vi rút SARS-CoV-2 được công bố. Trong khảo nghiệm để cấp đăng ký lưu hành sản phẩm Cloramin B của Cục quản lý môi trường y tế cũng không có khảo nghiệm phun hóa chất diệt khuẩn, diệt vi rút trong không khí . Hiện nay, trong công tác phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện, các chuyên gia cũng khuyến cáo nên lau các bề mặt bằng Cloramine B và rất hạn chế phun.Ngày 2/8/2021, Bộ Y tế đã có công văn số 6212/BYT-MT gửi các địa phương yêu cầu ngừng phun hóa chất ngoài trời và ngày 12/8/2021, Bộ Y tế lại có công văn số 6577/BYT-KCB yêu cầu các đơn vị ngừng phun hóa chất trong bệnh viện, cơ sở y tế..
Ảnh hưởng của Cloramin B lên sức khỏe
Các hóa chất chứa clo được khuyến cáo sử dụng để sát khuẩn, tuy nhiên cần phải cẩn trọng trong việc sử dụng vì Cloramin B có thể gây độc khi pha nồng độ cao trên 2%. Cloramin B có thể gây ngộ độc đối với người tiếp xúc trực tiếp với hóa chất như: tổn thương da, làm da bị nóng rát và khó chịu; tổn thương mắt ở giác mạc, thậm chí làm mù mắt; tổn thương hô hấp làm co thắt cơ trơn, khó thở, ngộ độc tiêu hóavà có thể gây tử vong do lên cơn hen kịch phát. Các nghiên cứu ở những bể bơi dùng cloramin để khử trùng nước cho thấy trẻ em đi bơi hít phải khí clo có thể bị tăng kích thích hen suyễn. Thí nghiệm trên chuột khi hít phải Cloramine 550mg/m3 1 giờ thì bị tử vong do phù phổi và tràn dịch trong phế quản (Barbee và cs 1983). Ở nồng độ cao 157 ppm thì chuột bị kích ứng mắt, chảy nước mắt, tiết nước bọt, thở hổn hển, co giật và chết. Trên bao bì của hóa chất Cloramine, các công ty có cảnh báo nguy cơ ăn mòn, kích thích dị ứng và chất độc sức khỏe (Cơ quan hóa chất châu Âu (ECHA)). Một số nghiên cứu khác trên động vật cũng cho thấy, Cloramine có thể ảnh hưởng lên gen và di truyền khi hít phải trong một thời gian lâu dài.
Không nên phun hóa chất ngoài trời
Tổ chức Y tế thế giới, tổ chức CDC Hoa Kỳ và các chuyên gia y tế, môi trường khuyến cáo không nên phun hóa chất ngoài trời vì không có tác dụng chống dịch COVID-19 vừa gây ảnh hưởng lên sức khỏe cộng đồng.
Theo các tài liệu khoa học của CDC Hoa Kỳ, CDC Trung Quốc và các nghiên cứu ngoài nước thì vi rút SARS-CoV-2 gây ra đại dịch COVID-19 chủ yếu lây truyền từ người sang người trong khoảng cách dưới 2 mét thông qua các giọt bắn. Việc lây qua các hạt son khí (aerosol) chỉ xảy ra trong một số trường hợp đặc biệt và trong môi trường kín. Vi rút SARS-CoV-2 theo các giọt bắn do người bệnh ho, hắt hơi, nói, la hét, khác nhổ thóat ra môi trường và nhanh chóng rơi xuống các bề mặt rồi bị tự hủy sau một thời gian. Ánh nắng mặt trời, tia cực tím, nhiệt độ, vi khuẩn trong môi trường là những yếu tố góp phần tiêu diệt vi rútSARS-CoV-2 . Vì vây, ở ngoài môi trường tự nhiên, trong không khí trên đường phố không có vi rút SARS-CoV-2 tồn tại và tất nhiên không cần thiết phải phun hóa chất diệt khuẩn. Các giọt phun của máy phun hóa chất Cloramin B lại quá lớn so với kích thước của vi rút nên nếu thực sự có vi rút trong không khí cũng khó bắn trúng nó, giống như “đạn đại bác bắn muỗi”.Thêm vào đó, ở ngoài trời Cloramine B nhanh chóng bị phân hủy khi xuống mặt đất bụi bẩn và không có tác dụng diệt khuẩn.. Trên thực tế, các địa phương đã phun hóa chất ngoài trời nhiều nhất như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tuy Hòa, sau khi phun dịch COVID-19 vẫn bùng phát mạnh.
Việc phun hóa chất ngoài trời như đường phố, nơi công cộng ngược lại có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng lên sức khỏe công đồng, đặc biệt là người già bị bệnh phổi, trẻ em bị bệnh hen. Việc phun hóa chất còn làm cho nhiều người có tâm lý chủ quan và lơ là thực hiện các biện pháp chống dịch vì họ tưởng là đã làm sạch vi rút trong môi trường. Khi các dẫn xuất của hợp chất chứa clo phát tán ra ngoài cũng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng môi trường tự nhiên và hệ sinh thái.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga
Trường Đại học Quang Trung
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 8/2021)
Tài liệu tham khảo: