05/05/2021
Là tỉnh có tính đa dạng sinh học (ĐDSH) cao với nhiều hệ sinh thái đặc trưng, đa dạng về loài động, thực vật, nguồn gen quý hiếm, sinh cảnh tự nhiên cùng các di tích lịch sử, văn hóa. Thời gian qua, tỉnh Đồng Nai đã huy động mọi nguồn lực để thực hiện hiệu quả Quyết định số 1250/QĐ-TTg ngày 31/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ theo mục tiêu Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 và định hướng giai đoạn 2021- 2030 trên địa bàn tỉnh.
Một số kết quả nổi bật
Để thực hiện hiệu quả Quyết định số 1250/QĐ-TTg, tỉnh Đồng Nai đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững là đầu mối trong việc chỉ đạo, kiểm tra thực hiện các chương trình, mục tiêu, kế hoạch về lâm nghiệp; Ban hành kế hoạch hành động về đa dang sinh học của tỉnh và các văn bản chỉ đạo như: Kế hoạch hành động số 4454/KH-UBND ngày 21/06/2012 về bảo tồn ĐDSH trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, trong đó phân công trách nhiệm cụ thể cho các Sở, ban ngành trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị về tăng cường công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng hàng năm; Chỉ thị số 21/CT-UBND ngày 31/07/2013 về tăng cường quản lý, kiểm tra, xử lý buôn bán, sử dụng động vật hoang dã (ĐVHD) và các sản phẩm từ ĐVHD nguy cấp, quý hiếm trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 609/QĐ-UBND ngày 13/02/2018 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết số 92/2017/NQ-HĐND ngày 8/12/2017 của HĐND về việc thông qua quy hoạch bảo tồn ĐDSH tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, định hướng đến năm 2030... Cùng với đó, tỉnh luôn chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn đa dạng và an toàn sinh học. Về nguồn lực tài chính, bằng nhiều nguồn lực khác nhau, kinh phí cho việc thực hiện các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ về bảo tồn ĐDSH trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn từ năm 2013 - 2020 lên đến hàng trăm tỉ đồng với 43 dự án, công trình, đề tài nghiên cứu. Đến nay, sau 7 năm thực hiện, tỉnh Đồng Nai đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, cụ thể:
Về bảo tồn và phát triển hệ sinh thái tự nhiên, tỉnh Đồng Nai đã thực hiện hiệu quả nhiều dự án, đề án, đề tài như Dự án “Cải thiện sự tham gia của cộng đồng trong việc bảo tồn, sử dụng bền vững hệ sinh thái đất ngập nước Ramsar Bầu Sấu, lồng ghép với các hoạt động sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường ở những xã vùng đệm” do Trung tâm Đất ngập nước Ramsar Đông Á (RRC-EA) tài trợ; Dự án “Xây dựng hồ sơ đề cử vùng đất ngập nước nội địa hồ Trị An thành Khu Ramsar mới của Việt Nam”; Dự án “ Xây dựng hồ sơ đề cử KBT thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai thành Vườn Di sản Đông Nam Á (AHP)”; Đề án “Bảo tồn và phát triển Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai giai đoạn 2015 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030”; Đề tài “Đánh giá tiềm năng, thực trạng nguồn tài nguyên dược liệu tại khu bảo tồn (KBT) làm tiền đề xây dựng Dự án Vườn quốc gia (VQG) bảo tồn và phát triển cây thuốc Đông Nam bộ” từ năm 2011 - 2013.
Cá thể hoẵng đang sinh sống tại VQG Cát Tiên, tỉnh Đồng Nai
Công tác bảo tồn các loài hoang dã, giống vật nuôi, cây trồng nguy cấp, quý, hiếm cũng được chú trọng thực hiện và đạt được nhiều kết quả khả quan. Tính đến quý 3/2020, số cơ sở gây nuôi ĐVHD (ĐVHD) trên địa bàn tỉnh là 938 cơ sở; số loài ĐVHD gây nuôi là 67 loài (nhóm IB 5 loài; nhóm IIB có 13 loài; 14 loài ĐVHD thông thường và 35 loài ĐVHD có nguồn gốc nhập khẩu). Số cá thể ĐVHD gây nuôi là 427.919 cá thể. Trong đó, các loài ĐVHD gây nuôi với số lượng lớn gồm cá sấu nước ngọt (306.837 cá thể); rắn ráo trâu (53.810 cá thể); trăn đất (12.404 cá thể) và khỉ đuôi dài (34.390 cá thể). Đặc biệt, tại KBT Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai, đã thực hiện thành công Dự án đầu tư, phát triển Vườn thực vật thành bộ sưu tập tiêu biểu cho vùng Đông Nam bộ; Thành lập phương án giám sát, đánh giá, bảo tồn một số loài động vật nguy cấp, quý, hiếm trong các năm 2013, 2015 và 2017; Cải tạo sinh cảnh cho quần thể voi tại khu vực tràng Thùng Phi; Điều tra, giám sát và xây dựng bộ tiêu bản các loài ĐVHD theo chu kỳ 10 năm; Điều tra, giám sát loài chà vá chân đen từ năm 2019 - 2021. Tại VQG Cát Tiên, thực hiện Dự án xây dựng Trung tâm cứu hộ do Tổ chức Free Bear (Ôxtrâylia) tài trợ từ năm 2014. Hàng năm, VQG đều thực hiện các chuyên đề giám sát ĐDSH nhằm theo dõi diễn biến một số loài nguy cấp như thú ăn thịt nhỏ, quần thể vượn đen má vàng, cá sấu, thú móng guốc, cây gõ đỏ, cẩm lai, quần thể chà vá chân đen, quần thể chim nước, quần thể voọc bạc và đặc biệt là quần thể bò tót (thực hiện từ năm 2019), đến thời điểm tháng 11/2020 ghi nhận được 5 đàn với 73 cá thể. Ngoài ra, tại VQG Cát Tiên cũng thực hiện 2 đề tài: Nghiên cứu đặc điểm sinh học, nhân nuôi sinh sản để phát triển chim công trong điều kiện bán hoang dã có kết hợp nuôi nhốt và Nghiên cứu xây dựng mô hình nuôi trồng nấm thực phẩm bạch hương Lentinula platinedodes. Đồng thời, trong giai đoạn từ 2013 - 2020, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật đã thực hiện tốt các nhiệm vụ cứu hộ, bảo tồn ĐVHD, nghiên cứu khoa học, giáo dục bảo tồn và phát triển ĐDSH của Vườn; mở rộng quan hệ hợp tác nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm với các cơ quan, tổ chức trong, ngoài nước.
Bên cạnh đó, thực hiện Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), ngày 10/4/2012, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định số 981/QĐ-UBND về việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách chi trả DVMTR cùng các quy chế chế tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo; Phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh; Thành lập Hội đồng quản lý Quỹ, Ban kiểm soát, Quỹ bảo vệ và phát triển rừng; Tổ chức tham quan thực tế để học tập kinh nghiệm thực hiện chính sách chi trả DVMTR tại một số địa phương. Đến ngày 30/12/2013, tỉnh đã phê duyệt Đề án chi trả DVMTR (DVMTR), trong đó, xác định 3 nhóm đối tượng sử dụng, gồm: 1 nhà máy thủy điện; 18 đơn vị sản xuất và cung cấp nước sạch (trong đó có 12 đơn vị trên
địa bàn tỉnh, 3 đơn vị trên tại TP. Hồ Chí Minh, 3 đơn vị của tỉnh Bình Dương; 3 đơn vị kinh doanh cảnh quan du lịch cảnh quan). Ngoài ra, Đề án đã xác định được 3 nhà máy thủy điện tiềm năng trên địa bàn tỉnh, 1 nhà máy nước trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã được đưa vào quy hoạch; đối tượng nhận tiền DVMTR gồm 11 đơn vị chủ rừng là tổ chức và các hộ nhận khoán với tổng diện tích cung ứng 153.554 ha. Trong 5 năm qua, Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh đã chi trả cho các đơn vị, địa phương trên 86 tỷ đồng với mức chi trả bình quân năm 2018 tại lưu vực có đơn giá cao nhất 178.000 đồng/ha và thấp nhất là 45.000 đồng/ha/năm.
Đối với công tác kiểm soát và giảm thiểu mối đe dọa đến ĐDSH, tỉnh Đồng Nai đã thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ hoạt động như Dự án Khẩn cấp bảo tồn voi giai đoạn 2014 - 2020. Đến năm 2016, Dự án đã xác định được số lượng, cơ cấu đàn voi rừng trên địa bàn tỉnh có ít nhất 14 cá thể và đến thời điểm hiện tại, ghi nhận được khoảng 18 cá thể. Từ đó, lên kế hoạch xây dựng hệ thống hàng rào điện, đưa vào hoạt động từ tháng 7/2017 để bảo vệ đàn voi. Hiện nay, Sở NN&PTNT tỉnh đang tiếp tục triển khai các nội dung tiếp theo của Dự án. Từ năm 2017, trên địa bàn tỉnh không thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng tự nhiên, chưa cấp phép khai thác động vật rừng cho tổ chức, cá nhân nào, đồng thời, tăng cường kiểm soát, ngăn chặn khai thác, buôn bán, tiêu thụ trái phép ĐVHD. Tính đến năm 2020, đã phát hiện và xử lý 1.523 vụ vi phạm luật về bảo vệ và phát triển rừng, trong đó, xử lý vi phạm hành chính 1.494 vụ, xử lý hình sự 29 vụ. Về kiểm soát, diệt trừ các loài ngoại lai xâm hại, từ năm 2016 - 2018, Đồng Nai đã triển khai thực hiện Dự án “Điều tra sự phát tán của cây mai dương ở vùng bán ngập hồ Trị An”, qua đó, tổng hợp được 8 mô hình và xác định 2 loài cây có khả năng ức chế mai dương là gáo vàng và tràm nước.
Ngoài ra, để thúc đẩy các hoạt động bảo tồn ĐDSH nhằm giảm thiểu tác động của BĐKH đến phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, tỉnh Đồng Nai cũng đã triển khai thực hiện Đề cương, dự toán kinh phí xây dựng kế hoạch hành động REDD+(PRAP) giai đoạn 2018 - 2020; Phối hợp với các bên liên quan tổ chức hội thảo phân tích nguyên nhân mất rừng, suy thoái rừng, giải pháp hạn chế, tăng cường trữ lượng rừng. Cùng với đó là Dự án thí điểm trồng rừng thích ứng BĐKH giai đoạn 2016 - 2020; mô hình trồng rừng kinh doanh gỗ lớn giai đoạn 2016 - 2020... Từ năm 2013 - 2020, tỉnh Đồng Nai đã phục hồi 1.774 ha rừng tự nhiên nghèo, nghèo kiệt; trồng mới tập trung 280 ha rừng đặc dụng, trồng bổ sung 217 ha các loài gỗ lớn bản địa.
Quần thể bò tót tại VQG Cát Tiên
Một số tồn tại, hạn chế và định hướng công tác bảo tồn ĐDSH tại địa phương trong giai đoạn tới
Có thể thấy, thời gian qua, tỉnh Đồng Nai đã bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, ý thức của người dân trong công tác bảo vệ, phát triển rừng, sử dụng tài nguyên rừng hợp lý, bảo tồn đa dạng và an toàn sinh học ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, địa phương cũng không tránh khỏi khó khăn, vướng mắc, cụ thể:
Nguồn kinh phí để thực hiện nhiệm vụ bảo tồn ĐDSH còn thiếu, chưa được quan tâm, do vậy, địa phương mới chỉ thực hiện lồng ghép công tác bảo tồn vào các hoạt động. Bên cạnh đó là vấn đề nhân sự phụ trách công tác bảo tồn ĐDSH chưa được đào tạo chuyên môn sâu thông qua các lớp bồi dưỡng, tập huấn hàng năm để từng bước nâng cao kiến thức, nghiệp vụ trong bảo tồn thiên nhiên, ĐDSH, cũng như phục vụ công tác điều tra, nghiên cứu về ĐDSH và cứu hộ ĐVHD; cơ sở vật chất, kỹ thuật chưa được đầu tư bài bản... Mặt khác, lực lượng chuyên trách thực thi pháp luật về ĐDSH còn thiếu và yếu về kỹ năng nghiệp vụ chuyên ngành, trang thiết bị trong công tác cứu hộ ĐVHD; Tình trạng một bộ phận lớn dân cư đang sinh sống trong và xung quanh KBT, VQG quen lối sống dựa vào việc khai thác, săn bắt ĐVHD, tài nguyên rừng… trong khi cơ chế chính sách về quản lý, bảo vệ rừng chưa hoàn thiện, dẫn đến sự bất cập, chồng chéo trong quá trình quản lý, xử lý hành vi vi phạm.
Để tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn ĐDSH, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu của Quy hoạch tổng thể bảo tồn ĐDSH cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung nguồn lực cho hoạt động bảo vệ, phát triển bền vững các khu dự trữ sinh quyển, KBT thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai, các hệ sinh thái rừng tự nhiên, bao gồm hệ sinh thái rừng kín thường xanh, hệ sinh thái rừng tre nứa thuần loại và hỗn giao, hệ sinh thái rừng ngập mặn cũng như hoàn thành việc xây dựng KBT loài và sinh cảnh cấp tỉnh núi Chứa Chan; Hoàn thành xây dựng Vườn Bảo tồn và phát triển cây thuốc quốc gia Nam bộ; Đề cử vùng đất ngập nước nội địa hồ Trị An thành Khu Ramsar mới củaViệt Nam với diện tích 32.519,88 ha và đề cử KBT thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai thành Vườn Di sản ASEAN của Việt Nam; Đầu tư xây dựng Dự án đầu tư Khu du lịch sinh thái - nuôi dưỡng động vật bán hoang dã Safari, dự kiến quy hoạch trên diện tích 412,51 ha, thuộc địa giới hành chính ấp 2, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu.
Cùng với đó, đầu tư xây dựng Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật; xây dựng hành lang xanh khu vực giáp ranh KBT và tỉnh Bình Dương, Bình Phước để phục vụ công tác bảo tồn ĐDSH, bảo vệ tài nguyên rừng; Bảo vệ 169.243 ha diện tích rừng hiện có (bao gồm cả rừng tự nhiên, rừng trồng) và diện tích rừng trồng mới tăng thêm hàng năm. Đồng thời, tăng cường trồng mới, trồng bổ sung, khoanh nuôi phục hồi rừng, đảm bảo đến năm 2030, độ che phủ rừng tiếp tục duy trì ổn định ở mức 29,76%, trong đó, tỷ lệ che phủ của rừng thuộc đất quy hoạch cho lâm nghiệp 27,83% (tương ứng với diện tích 164.151 ha) và ngoài quy hoạch 3 loại rừng là 1,93% (tương ứng với diện tích 11.366,1 ha)… phấn đấu đến cuối năm 2026, hoàn thành việc quy hoạch chi tiết, thành lập khu bảo vệ cảnh quan cấp tỉnh tại rừng phòng hộ Tân Phú; Bảo tồn, phát triển nguồn gen cây trinh nữ hoàng cung tại xã Long Phước, huyện Long Thành; Đến cuối năm 2030, hoàn thiện hệ thống các KBT, cơ sở bảo tồn chuyển chỗ ĐDSH (vườn sưu tập cây thuốc, vườn động vật, vườn thực vật, trung tâm cứu hộ ĐVHD…).
Nhằm phát huy được tối đa các thế mạnh và khắc phục tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện, UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị Bộ TN&MT xem xét, thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về ĐDSH, các loài nguy cấp, quý, hiếm, các KBT, VQG từ Trung ương đến địa phương nhằm khắc phục sự chồng chéo trong quản lý; Rà soát, hoàn thiện quy định về ĐDSH trong Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Thủy sản, đảm bảo tính thống nhất với Luật ĐDSH; Sớm hoàn thiện và kịp thời ban hành các văn bản dưới Luật hướng dẫn về ĐDSH.
Đồng thời, ban hành Nghị định quy định danh mục động vật thuộc nhóm IB, Nghị định số 32/2006/NĐ-CP và động vật thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP của Chính phủ để thuận lợi trong quá trình xử lý vi phạm; Ban hành hướng dẫn quan trắc ĐDSH, trong đó làm rõ phương pháp thực hiện, loài ưu tiên thực hiện quan trắc, thời gian tối ưu (hàng năm hay định kỳ 5 năm/lần) để tiến hành quan trắc; Hướng dẫn phương pháp kiểm kê ĐDSH đối với các loài nguy cấp, quý hiếm; Cập nhật danh mục, xem xét tiêu chí xác định loài ngoại lai xâm hại theo Thông tư số 27/2013/TTLT-BTNMT-BNNPTNT ngày 26/9/2013.
Về vấn đề tài chính, tỉnh Đồng Nai đề xuất Bộ TN&MT hướng dẫn địa phương xây dựng kinh phí, định mức kỹ thuật để thực hiện các nhiệm vụ, dự án về ĐDSH; quy trình thẩm định dự án bảo tồn ĐDSH và việc tiếp nhận, chăm sóc, chữa trị, tái thả ĐVHD do người dân tự nguyện giao nộp cũng như quy định mức kinh phí để thực hiện. Ngoài ra, tỉnh cũng kiến nghị Bộ tạo điều kiện thuận lợi để thu hút sự quan tâm, hỗ trợ các tổ chức quốc tế.
Trường Sơn, Bùi Hằng
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 4/2021)