Banner trang chủ

Ngành Giao thông vận tải: Huy động nguồn lực nhằm giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng xanh

19/09/2022

    Theo Báo cáo “Giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu trong ngành Giao thông vận tải (GTVT) Việt Nam” của Ngân hàng thế giới, GTVT là một trong những hoạt động chủ yếu phát thải khí nhà kính (KNK) (tác nhân gây nên sự nóng lên toàn cầu), lớn thứ 3 sau ngành năng lượng và nông nghiệp, chiếm 18,38% tổng lượng KNK thải vào khí quyển hàng năm. Để giảm lượng phát thải này, ngành GTVT đã và đang định hướng phát triển theo hướng đồng bộ, bền vững, thân thiện với môi trường, nhằm giảm thiểu phát thải KNK và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Phát thải KNK trong ngành GTVT

    Năm 2019, ngành GTVT phát thải khoảng 45 triệu tấn CO2 và tương đương, dự báo sẽ tăng trung bình 6 - 7% mỗi năm, đạt gần 90 triệu tấn CO2 vào năm 2030. Trong đó, vận tải đường bộ là nguồn phát thải CO2 cao nhất, chiếm khoảng 80% lượng phát thải toàn ngành, vận tải đường thủy (gồm thủy nội địa và ven biển) chiếm 10%; hàng không chiếm 6%; đường sắt là không đáng kể. Tính theo đơn vị sản lượng vận tải, vận tải đường thủy phát thải thấp nhất, sau đó đến đường sắt, hàng không và cuối cùng là đường bộ có mức phát thải cao nhất. So với các nước tiên tiến trên thế giới, lượng phát thải do các hoạt động GTVT tại Việt Nam khá cao, chủ yếu do phương tiện cũ, lạc hậu, tuổi đời cao; mạng lưới kết cấu hạ tầng có chất lượng kém, kết nối chưa thuận lợi dẫn đến nhiều điểm ách tắc giao thông; tổ chức vận tải chưa hiệu quả, vận tải đường bộ chiếm thị phần cao, tỷ lệ xe chạy rỗng lớn, giao thông công cộng chiếm tỷ trọng khiêm tốn tại các đô thị.

    Tính đến ngày 31/12/2021, cả nước hiện có 4.554.590 xe ô tô, gần 60 triệu xe mô tô, xe máy, chủ yếu sử dụng nhiên liệu xăng, dầu diesel và khoảng 1,4 triệu xe máy điện đang lưu hành. Phương tiện đường sắt có 244 đầu máy đều là đầu máy diesel, trong đó có 29 đầu máy được sản xuất từ năm 1963, 27 đầu máy được sản xuất năm 1978, 35 đầu máy được sản xuất năm 1985... Số đầu máy thuộc diện mới và hiện đại nhất của đường sắt Việt Nam hiện nay được sản xuất từ năm 2006. Phương tiện thủy nội địa có hơn 233.000 phương tiện với độ tuổi bình quân 13,2 tuổi, trong đó tàu hàng 204.000 chiếc (chiếm 87,5%) với tổng trọng tải 18.793 nghìn tấn phương tiện; tàu khách 29.000 chiếc (chiếm 12,5%) với 508.545 ghế khách. Bên cạnh đó, có hơn 2.700 phương tiện thủy cấp VR-SB (sông pha biển) với hơn 1.200 tàu chuyên chở hàng.

    Tại Hà Nội, theo thống kê của Sở TN&MT Hà Nội, toàn thành phố hiện có xấp xỉ 6 triệu triệu xe máy (trong đó có trên 2,5 triệu xe máy cũ đăng ký trước năm 2000), chưa tính nhiều phương tiện từ ngoại tỉnh thường xuyên tham gia giao thông trên địa bàn. Tại TP. Hồ Chí Minh, số lượng phương tiện không đạt tiêu chuẩn khí thải chiếm tỷ lệ lớn trong gần 8 triệu xe máy; trong đó, lượng xe máy đã sử dụng hơn 10 năm chiếm tỷ lệ 67,89%. Khí thải từ các phương tiện như xe máy cũ gồm các dạng hạt bụi lơ lửng, khí oxit carbon (CO), hidrocarbon (HC), các dạng oxit nitơ (NOx) và các chất khác ngày càng vượt quá giới hạn cho phép, gây ảnh hưởng rất lớn tới môi trường không khí đô thị cũng như sức khỏe của người dân. Chính vì vậy, việc chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải KNK của ngành GTVT được nhận định có vai trò quan trọng trong lộ trình để Việt Nam đạt được mục tiêu giảm phát thải KNK cũng như mục tiêu trung hòa các bon vào năm 2050 như Thủ tướng Chính phủ đã cam kết tại Hội nghị COP26. Đặc biệt, dự kiến đến năm 2050, sẽ có khoảng 70% dân số Việt Nam sẽ tập trung tại các khu vực đô thị. Do đó, việc chuyển đổi giao thông xanh cho đô thị càng cần được quan tâm.

Nguồn: Báo cáo "Đóng góp do Quốc gia tự quyết định" (NDC) của Việt Nam trong giảm thiểu phát thải KNK lĩnh vực GTVT

Tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng xanh

    Ngày 22/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 876/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các bon và khí mê tan của ngành GTVT. Chương trình đề ra lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh với từng phương thức vận tải, đồng thời yêu cầu huy động tối đa mọi nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp giảm phát thải KNK, chuyển đổi năng lượng xanh trong ngành GTVT từ nay đến năm 2050.

    Quyết định số 876/QĐ-TTg nêu rõ quan điểm chuyển đổi năng lượng xanh là nhiệm vụ cơ bản và quan trọng nhất trong quá trình thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh cũng như thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26); đồng thời cũng là cơ hội để ngành GTVT có sự phát triển đồng bộ theo hướng hiện đại hóa và bền vững, bắt kịp với xu thế và trình độ phát triển tiên tiến của thế giới.

    Theo Quyết định số 876/QĐ-TTg, mục tiêu tổng quát mà Chính phủ đặt ra là phát triển hệ thống GTVT xanh hướng tới mục tiêu phát thải ròng KNK về “0” vào năm 2050. Trong đó, giai đoạn đến năm 2030: Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, đẩy mạnh chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh đối với các lĩnh vực thuộc ngành GTVT đã sẵn sàng về mặt công nghệ, thể chế, nguồn lực nhằm thực hiện mức cam kết trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và mục tiêu giảm phát thải khí mê tan của Việt Nam. Giai đoạn đến năm 2050: Phát triển hợp lý các phương thức vận tải, thực hiện mạnh mẽ việc chuyển đổi toàn bộ phương tiện, trang thiết bị, hạ tầng GTVT sang sử dụng điện, năng lượng xanh, hướng đến phát thải ròng KNK về “0” vào năm 2050.

    Bên cạnh đó, lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh trong Quyết định số 876/QĐ-TTg được đề ra đối với từng phương thức vận tải như đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không.  Cụ thể, đối với đường bộ, trong giai đoạn 2022 - 2030, thúc đẩy sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và chuyển đổi sử dụng các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng điện; mở rộng phối trộn, sử dụng 100% xăng E5 đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; Phát triển hạ tầng sạc điện đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp; Khuyến khích các bến xe, trạm dừng nghỉ xây dựng mới và hiện hữu chuyển đổi theo tiêu chí xanh. Đến năm 2040, từng bước hạn chế tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sử dụng trong nước.  Đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy thi công tham gia giao thông chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh...

    Với đường sắt, trong giai đoạn 2022 - 2030, nghiên cứu thí điểm sử dụng phương tiện đường sắt sử dụng điện, năng lượng xanh trên các tuyến đường sắt hiện tại. Đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt mới theo định hướng điện khí hóa; Xây dựng kế hoạch và đầu tư theo lộ trình thay thế phương tiện đường sắt cũ hết niên hạn bằng loại phương tiện có thể chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh. Đến năm 2040, dừng từng phần sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu phương tiện, thiết bị giao thông đường sắt sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Từng bước đầu tư mới và chuyển đổi phương tiện đường sắt sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng điện, năng lượng xanh. Đến năm 2050, chuyển đổi 100% đầu máy, toa xe đường sắt sử dụng điện, năng lượng xanh; chuyển đổi 100% trang thiết bị sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng điện, năng lượng xanh tại các nhà ga...

    Đối với đường thủy nội địa, trong giai đoạn 2022 - 2030, khuyến khích đầu tư đóng mới, nhập khẩu, chuyển đổi phương tiện thủy nội địa sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng dụng điện, năng lượng xanh; Nghiên cứu, xây dựng tiêu chí cảng xanh, tuyến vận tải xanh làm cơ sở xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư mới cảng thủy nội địa xanh. Áp dụng thí điểm tại một số cảng thủy nội địa; nghiên cứu, đưa một số tuyến vận tải thủy trở thành tuyến vận tải xanh. Trong giai đoạn 2031-2050, tiếp tục khuyến khích đầu tư đóng mới, nhập khẩu, chuyển đổi phương tiện thủy nội địa sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng điện, năng lượng xanh. Khuyến khích hoạt động đầu tư mới cảng thủy nội địa theo hướng phát triển xanh..

    Về hàng hải, trong giai đoạn 2022 - 2030, khuyến khích tàu biển Việt Nam hoạt động nội địa tuân thủ đầy đủ các quy định của Phụ lục VI Công ước MARPOL về sử dụng hiệu quả năng lượng và Chiến lược giảm phát thải KNK từ tàu biển của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) từ năm 2025; Khuyến khích chuyển đổi phương tiện, trang thiết bị sử dụng điện, năng lượng xanh hoặc có các biện pháp tương đương tại các cảng đầu tư mới, đầu tư bổ sung và cảng hiện hữu… Từ năm 2050, 100% tàu biển hoạt động tuyến nội địa chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh.

    Đối với giao thông đô thị, từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh; Tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội đạt 45% - 50%; TP. Hồ Chí Minh đạt 25%... Từ năm 2030, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Đến năm 2050, 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh…

    Để đạt được các mục tiêu trên, theo Quyết định số 876/QĐ-TTg, các nhiệm vụ và giải pháp cần thực hiện gồm:

    Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, quy hoạch: Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trước hết là các luật chuyên ngành, trong đó tích hợp các nội dung, quy định và cam kết quốc tế liên quan đến chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải KNK; bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện các quy định về điều kiện tham gia giao thông, điều kiện kinh doanh, niên hạn sử dụng, đăng ký, đăng kiểm để giảm dần số lượng và tiến tới loại bỏ hoàn toàn phương tiện, trang thiết bị GTVT sử dụng nhiên liệu hóa thạch; Xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nâng cao năng lực tài chính, năng lực kỹ thuật để đầu tư hạ tầng, phương tiện, trang thiết bị, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng được sự đổi mới theo hướng chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh, giảm phát thải KNK và tham gia trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon.

    Chuyển đổi phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh: Xây dựng chương trình chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh đối với phương tiện cơ giới đường bộ,  thủy nội địa, tàu biển hoạt động tuyến nội địa, tàu bay; Xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng năng lượng hóa thạch sang sử dụng điện, năng lượng xanh.

    Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông xanh: Quy hoạch và xây dựng hệ thống trạm sạc điện, trạm cấp năng lượng xanh trên mạng quốc lộ chính yếu, mở rộng ra mạng lưới đường bộ toàn quốc; hạ tầng trạm sạc điện, trạm cấp năng lượng xanh cho phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tại các cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng hàng không, bến xe và nhà ga;  Cải tạo, nâng cấp hạ tầng tuyến, ga đường sắt hiện có, cơ bản đáp ứng việc chuyển đổi phương tiện đường sắt sử dụng điện, năng lượng xanh;  Quy hoạch và xây dựng hệ thống hạ tầng cung cấp điện, năng lượng xanh cho phương tiện và trang thiết bị tại các cảng thủy nội địa; Phát triển hệ thống cảng biển đồng bộ, hiện đại, dịch vụ chất lượng cao, ưu tiên phát triển các khu bến cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, Cái Mép; triển khai đề án phát triển cảng xanh…

    Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm phát thải KNK: Áp dụng giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo lộ trình, hướng tới giảm tối đa mức tiêu thụ nhiên liệu và phát thải KNK; quy định về hiệu quả sử dụng năng lượng đối với đầu máy, toa xe, phương tiện thủy nội địa và tàu biển, tàu bay hoạt động tuyến nội địa; từng bước nâng cao thị phần vận tải hành khách công cộng tại các đô thị; thúc đẩy chuyển đổi sử dụng phương tiện giao thông cá nhân sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

    Tăng cường hợp tác quốc tế, khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực và truyền thông: Tăng cường hợp tác với các chính phủ, tổ chức, doanh nghiệp quốc tế để chủ động tham gia xây dựng các quy định, tiêu chuẩn quốc tế chung, tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến và học hỏi kinh nghiệm về xây dựng cơ chế, chính sách, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực liên quan đến chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải KNK trong GTVT; nghiên cứu, áp dụng các cơ chế bù đắp các bon; Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ phương tiện, thiết bị sử dụng điện, năng lượng xanh, kết cấu hạ tầng xanh, giảm phát thải KNK, cung ứng năng lượng xanh…

    Đồng thời, Quyết định số 876/QĐ-TTg cũng nêu rõ, huy động tối đa mọi nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp giảm phát thải KNK, chuyển đổi năng lượng xanh trong ngành GTVT. Trong đó, các nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, thể chế, chính sách... kinh phí thực hiện được bố trí chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn huy động hợp pháp khác. Các chương trình, nhiệm vụ, dự án về chuyển giao công nghệ xanh, giảm phát thải KNK, huy động tối đa sự hỗ trợ quốc tế, các quỹ tài chính khí hậu. Bên cạnh đó, các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông xanh huy động nguồn lực từ ngân sách nhà nước, hỗ trợ quốc tế, đầu tư tư nhân và đối tác công tư…

Tài liệu tham khảo

1, Báo cáo“Giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu trong ngành GTVT Việt Nam” của Ngân hàng thế giới.

2, Quyết định số 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các bon và khí mê tan của ngành GTVT.

3, Báo cáo "Đóng góp do Quốc gia tự quyết định" (NDC) của Việt Nam trong giảm thiểu phát thải KNK lĩnh vực GTVT.

Nguyễn Văn Thắng

Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số Chuyên đề Môi trường không khí năm 2022)

 

Ý kiến của bạn