01/04/2022
Nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật BVMT năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành tới cán bộ, doanh nghiệp… và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, vừa qua, tỉnh Nam Định đã tích cực xây dựng kế hoạch triển khai tuyên truyền Luật đi vào đời sống. Để tìm hiểu về công tác này, Tạp chí Môi trường có cuộc trao đổi với ông Phan Văn Phong - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Nam Định về việc về việc triển khai áp dụng quy định mới của Luật vào thực tế tại địa phương trong thời gian tới.
PV: Là tỉnh tập trung nhiều khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) và làng nghề, ông đánh giá như thế nào về tình hình chấp hành các quy định pháp luật trong BVMT của các doanh nghiệp hoạt động trong các KCN, CCN, làng nghề những năm qua?
Ông Phan Văn Phong: Trong những năm qua, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định có nhiều bước tăng trưởng, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp và tăng tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ trong GDP. Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đa dạng về ngành nghề, phong phú về sản phẩm trong đó ngành dệt may, cơ khí đúc, điện tử, gia công kim loại và chế biến là những ngành mũi nhọn.
Tỉnh Nam Định đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển 10 KCN với tổng diện tích 2. 046 ha. Đến nay đã có 7/10 KCN được phê duyệt quy hoạch chi tiết gồm: KCN Hòa Xá, KCN Mỹ Trung, KCN Bảo Minh, KCN Hồng Tiến, KCN Mỹ Thuận, KCN Dệt may Rạng Đông và KCN Bảo Minh mở rộng.
Sở TN&MT Nam Định tổ chức Hội nghị trực tuyến tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện Luật BVMT
Hiện tại, tỉnh có 3 KCN đã đi vào hoạt động: KCN Hoà Xá có diện tích là 285,37 ha, tỷ lệ lấp đầy 100%; KCN Mỹ Trung có diện tích là 148,15 ha, tỷ lệ lấp đầy 28,39% và KCN Bảo Minh có diện tích là 148,52 ha, tỷ lệ lấp đầy 100%; 02 KCN đang xây dựng hạ tầng (KCN Dệt may Rạng Đông có diện tích là 503,38 ha, KCN Mỹ Thuận có diện tích là 158,48 ha); KCN Bảo Minh mở rộng có diện tích là 46,97ha - chủ đầu tư đang hoàn thiện thủ tục về giải phóng mặt bằng. Toàn bộ các KCN có tổng số 185 dự án đầu tư của 159 nhà đầu tư thứ cấp, trong đó có 51 dự án của 47 nhà đầu tư nước ngoài.
Về các CCN, hiện tỉnh có 23 CCN được UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư, với tổng diện tích đất quy hoạch là 523,71 ha; Tổng số CCN đã đi vào hoạt động đến nay là 19 CCN với 562 cơ sở hoạt động trong các CCN, trong đó có 17 CCN tỷ lệ lấp đầy đạt 100%, 02 CCN tỷ lệ lấp đầy 50% đến 70%. 04 CCN đang triển khai xây dựng hạ tầng và hoàn thiện thủ tục đầu tư.
Hầu hết các dự án đầu tư thứ cấp của các cơ sở trong các KCN, CCN đều đã được cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt, xác nhận các hồ sơ, thủ tục BVMT theo quy định. Tuy nhiên, một số dự án tăng quy mô, công suất nhưng chưa thực hiện lập lại hồ sơ, thủ tục về BVMT; một số dự án thuộc đối tượng phải xác nhận hoàn thành các công trình BVMT nhưng chưa lập báo cáo và trình cấp thẩm quyền xác nhận hoàn thành các công trình BVMT theo quy định.
Về kiểm soát ô nhiễm, đến nay mới có 2/3 KCN và có 9/19 CCN có hạ tầng thu gom, xử lý nước thải tập trung. Phần lớn các CCN trước đây đều do Nhà nước làm chủ đầu tư, chưa bố trí được nguồn kinh phí dành cho đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải. KCN Mỹ Trung chưa có trạm xử lý nước thải tập trung, do chuyển đổi chủ đầu tư hạ tầng KCN, hiện nay tỉnh đang tiếp tục tìm kiếm chủ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho KCN này.
Hàng năm, Sở TN&MT, Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, BQL các KCN, Thanh tra Bộ TN&MT đều tiến hành thanh tra, kiểm tra định kỳ theo kế hoạch, theo kiến nghị đơn thư hoặc đột xuất về lĩnh vực môi trường đối với các cơ sở trong các KCN.
Nhìn chung, thông qua công tác thanh tra, kiểm tra cho thấy tình hình chấp hành pháp luật về BVMT của các cơ sở cơ bản là thực hiện đúng quy định, tuy nhiên vẫn còn một số doanh nghiệp có vi phạm, như: không báo cáo quản lý chất thải nguy hại; để chất thải nguy hại ngoài trời; không thu gom triệt để nước thải, để lẫn nước thải cùng nước mưa…
Đối với làng nghề, theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh, đến năm 2019, trên địa bàn tỉnh Nam Định có 142 nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống, trong đó có 80 nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND tỉnh Nam Định công nhận. Các làng nghề trên địa bàn tỉnh với nhiều loại hình sản xuất đa dạng và phong phú, trong đó có một số làng nghề có loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, bao gồm: làng nghề gia công cơ khí, tái chế kim loại, mạ; nhuộm tẩy; mây, tre đan; chế biến lương thực, thực phẩm.
Hoạt động sản xuất tại các làng nghề đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống của nhân dân, tăng thu ngân sách cho địa phương. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất làng nghề đang có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Chủ yếu ở các làng nghề hoạt động trong lĩnh vực tái chế kim loại như: làng nghề Bình Yên xã Nam Thanh; làng nghề Vân Chàng, Đồng Côi, thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực; làng nghề Tống Xá, thị trấn Lâm huyện Ý Yên. Nước thải sản xuất một phần được quay vòng, một phần thải ra kênh, mương thoát nước của địa phương; nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đảm bảo thải ra ngoài môi trường gây ô nhiễm cục bộ lưu vực sông nội đồng chảy qua làng nghề. Khí thải từ khu vực sản xuất các làng nghề cơ khí, đúc, làng nghề tái chế nhựa hiện nay bị ô nhiễm khí thải cục bộ.
Một số các làng nghề thủ công mỹ nghệ, mây tre đan như làng nghề Cát Đằng, xã Yên Tiến huyện Ý Yên; làng nghề dệt nhuộm Cổ Chất, xã Phương Định, huyện Trực Ninh…phát sinh nước thải sản xuất gây ô nhiễm cục bộ lưu vực sông nội đồng chảy qua làng nghề.
PV: Thưa ông, để Luật BVMT năm 2020 đi vào cuộc sống, Sở đã triển khai các hoạt động gì để phổ biến tuyên truyền Luật tới cán bộ, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân?
Ông Phan Văn Phong: Thực hiện Quyết định số 343/QĐ-TTg ngày 12/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật BVMT, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 50/KH-UBND ngày 29/4/2021 về tổ chức triển khai Luật BVMT, gửi tới Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố.
Sở TN&MT tỉnh đã ban hành Quyết định số 388/QĐ - STNMT, ngày 27/8/2021 về việc phê duyệt kế hoạch và dự toán kinh phí tuyên truyền, phổ biến, triển khai Luật BVMT năm 2020, qua đó Sở đã triển khai một số các hoạt động sau: Do tình hình dịch bệnh Covid 19 có diễn biến phức tạp, Sở đã tổ chức 3 hội nghị trực tuyến tuyên truyền triển khai Luật BVMT năm 2020 cho đối tượng là Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên cấp tỉnh, các Sở, ban, ngành; UBND, Phòng TN&MT các huyện, thành phố, các doanh nghiệp.
Biên soạn và in ấn tài liệu tuyên truyền, gồm 1.400 bộ tài liệu Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành; 20.000 tờ rơi tuyên truyền Luật BVMT năm 2020, công tác BVMT. Xây dựng và đã tin và phóng sự tuyên truyền Luật trên Đài phát thanh truyền hình tỉnh và Báo Nam Định. In ấn và treo 16 băng rôn, 120 phướn có nội dung tuyên truyền Luật BVMT năm 2020 tại các khu vực đường phố, khu vực công cộng, khu dân cư trên địa bàn thành phố Nam Định.
Ngoài ra, tỉnh đã ban hành Văn bản số 640/STNMT- CCMT ngày 8/3/2022 về việc triển khai thực hiện quy định được phân cấp tại Luật BVMT năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Theo đó, Văn bản đã xác định trách nhiệm BVMT của UBND các cấp và các cơ quan liên quan theo quy định của Luật BVMT năm 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT, Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT, ngày 10/1/2022 của Bộ TN&MT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BVMT.
Phối hợp với Ủy ban MTTQ và 7 tổ chức chính trị xã hội cấp tỉnh tổ chức tuyên truyền Luật BVMT; Duy trì và xây dựng tiêu chí cảnh quan môi trường trong xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao và NTM kiểu mẫu, hướng dẫn phân loại thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình, phát động phong trào giảm thiểu rác thải nhựa, tới các đối tượng là hội viên, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh.
Hệ thống xử lý nước thải tại KCN Bảo Minh, tỉnh Nam Định
PV: Trong thời gian tới, Sở sẽ triển khai những giải pháp gì để nâng cao công tác quản lý nhà nước về BVMT, đặc biệt biện pháp nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường KCN, CCN, làng nghề theo quy định của Luật BVMT năm 2020?
Ông Phan Văn Phong: Để nâng cao công tác quản lý nhà nước về BVMT theo quy định của Luật BVMT năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành hiệu quả, Sở TN& MT tập trung vào một số giải pháp sau:
Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống tổ chức, phân công, phân nhiệm các chủ thể quản lý nhà nước môi trường. Trong đó có nội dung tham mưu UBND tỉnh quy định chức năng nhiệm vụ quyền hạn cơ cấu tổ chức của Chi cục BVMT theo Nghị định 107/2020/NĐ-CP và Luật BVMT năm 2020.
Thứ hai, thường xuyên rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực BVMT đang có hiệu lực thi hành, kiến nghị việc sửa đổi bổ sung, bảo đảm sự thống nhất, phù hợp với với các quy định của Luật BVMT năm 2020 và văn bản hướng dẫn, thi hành Luật, trong đó có nội dung sửa đổi bổ sung quyết định của UBND tỉnh ban hành quy định về trách nhiệm BVMT trên địa bàn tỉnh; tham mưu ban hành các văn bản thuộc trách nhiệm của UBND tỉnh về BVMT được quy định tại Luật BVMT, tham mưu các nội dung BVMT tích hợp vào quy hoạch tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch…
Thứ ba, tiếp tục rà soát bộ thủ tục hành chính về lĩnh vực môi trường thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, Sở TN&MT và UBND cấp huyện để tham mưu UBND tỉnh ban hành sửa đổi, bổ sung, ban hành mới, bãi bỏ thủ tục hành chính theo quy định của Luật BVMT năm 2020.
Thứ tư, chủ trì, phối hợp với các cơ quan của Trung ương, các cơ quan của Đảng, các Sở, ban ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và UBND các huyện, thành phố tổ chức: tuyên truyền, tập huấn về Luật BVMT năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành, với hình thức tuyên truyền phù hợp đối với từng đối tượng cụ thể.
Thứ năm, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra công tác triển khai Luật BVMT năm 2020; tổng hợp báo cáo kết quả triển khai Luật trên phạm vi toàn tỉnh; nắm bắt tình hình thực tế, thuận lợi khó khăn trong việc triển khai, thực thi Luật để tham mưu điều chỉnh kế hoạch triển khai Luật cho phù hợp.
Thứ sáu, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, xã có KCN, CCN, làng nghề tăng cường công tác quản lý nhà nước về BVMT, đầu tư kết cấu hạ tầng BVMT KCN, CCN theo quy định của Luật BVMT năm 2020, trong đó quy định các CCN đang hoạt động phải hoàn thành công trình hạ tầng BVMT trước ngày 1/1/2024 theo điều 52 Luật BVMT; đẩy mạnh kêu gọi xã hội hóa khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng khu, CCN trong đó có công tác BVMT; Phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp, người lao động, các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội, cộng đồng dân cư giám sát công tác BVMT của các doanh nghiệp trong KCN, CCN; Duy trì hiệu quả hoạt động đường dây nóng tiếp nhận những phản ánh về cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật BVMT.
Thứ bảy, khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ trong KCN, CCN, làng nghề áp dụng các mô hình công nghệ tiên tiến trong sản xuất giảm phát thải và công nghệ tiên tiến xử lý chất thải; sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường. Hướng dẫn các cơ sở thực hiện các biện pháp sản xuất sạch hơn.
Thứ tám, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra tại các KCN, CCN; tăng cường kiểm soát ô nhiễm từ giai đoạn lập hồ sơ quy hoạch, thi công xây dựng đến giai đoạn KCN, CCN, làng nghề đi vào hoạt động.
Đối với các làng nghề được khuyến khích phát triển, UBND xã yêu cầu các cơ sở phải lập báo cáo và thực hiện các nội dung về các biện pháp BVMT theo quy định. Còn với các làng có ngành nghề không được khuyến khích phát triển, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao: UBND xã yêu cầu các cơ sở phải lập hồ sơ pháp lý về BVMT; có biện pháp xử lý chất thải đảm bảo môi trường hoặc phải hoàn thành một trong những biện pháp sau: di dời vào khu, CCN tập trung; chuyển đổi ngành nghề sản xuất hoặc chấm dứt hoạt động sản xuất. UBND xã kiểm soát chặt chẽ số lượng và không cho phép phát sinh các cơ sở mới trong làng nghề; chịu trách nhiệm trước UBND cấp huyện về công tác BVMT làng nghề trên địa bàn quản lý.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Châu Loan (Thực hiện)
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 3/2022)