04/07/2022
Thời gian qua, công tác quản lý, BVMT không khí trên địa bàn tỉnh Nam Định đã được các cấp chính quyền, ngành chức năng tăng cường, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của người dân, nhất là việc chấp hành quy định BVMT không khí tại các dự án đầu tư mới. Tuy nhiên, dưới sức ép của phát triển kinh tế, dân sinh hiện đại, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn tỉnh vẫn là mối lo ngại cần được giải quyết.
Thực trạng chất lượng môi trường không khí trên địa bàn tỉnh
Để theo dõi diễn biến chất lượng môi trường không khí, trong những năm qua, Sở TN&MT Nam Định đã tiến hành quan trắc tại các điểm có nguy cơ gây ô nhiễm trên địa bàn tỉnh như các điểm có mật độ giao thông lớn, khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) và làng nghề...
Theo Báo cáo kết quả quan trắc hiện trạng môi trường năm 2021, môi trường không khí tỉnh Nam Định được thực hiện qua 6 đợt trong năm, với tổng số 61 điểm quan trắc được lựa chọn, là các điểm đặc trưng cho hoạt động giao thông, sản xuất kinh doanh, khu vực làng nghề, khu dân cư và các điểm nền có tính chất so sánh. Tại tất cả các vị trí quan trắc thông số: Bụi lơ lửng, SO2, NO2, CO, tiếng ồn, nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió (riêng tại các nút giao thông quan trắc thêm thông số bụi Pb), trong đó, thông số tiếng ồn tại 9/61 vị trí có giá trị vượt quy chuẩn cho phép; các vị trí này tập trung tại các nút giao thông và làng nghề cơ khí, CCN có tiếng ồn phát sinh lớn. Các thông số còn lại là SO2, CO, NO2, bụi lơ lửng đều nằm trong giới hạn của quy chuẩn cho phép nhưng có sự gia tăng nhẹ nồng độ các chất ô nhiễm trong môi trường không khí tại các nút giao thông, KCN, CCN và làng nghề.
Số liệu từ Sở Giao thông vận tải Nam Định cho thấy, từ năm 2015 - 2019, số lượng xe máy trên địa bàn tỉnh trung bình mỗi năm tăng từ 65.000 - 99.600 xe, ô tô tăng khoảng 3.300 - 4.300 chiếc. Hoạt động của các phương tiện giao thông sẽ xả ra môi trường một lượng lớn bụi và gia tăng nồng độ các chất ô nhiễm trong môi trường không khí như CO, CO2, SO2, NOx... Đối với các phương tiện như xe ô tô, xe máy qua nhiều năm sử dụng có hiệu quả sử dụng nhiên liệu thấp, do vậy, xả thải bụi làm gia tăng nồng độ các chất ô nhiễm vào môi trường không khí ngày càng cao.
Hiện tại, môi trường không khí trong toàn tỉnh nói chung và TP. Nam Định nói riêng chưa bị ô nhiễm, chất lượng không khí tương đối tốt. Tuy nhiên, qua kết quả quan trắc hiện trạng môi trường tỉnh hàng năm thì một số điểm quan trắc tại một số nút giao thông trên địa bàn TP. Nam Định, KCN, CCN, đặc biệt là một số làng nghề có sự gia tăng nồng độ các chất ô nhiễm. Các làng nghề có hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường không khí gồm: Làng nghề Bình Yên (xã Nam Thanh) phát sinh bụi, khí thải do đốt than, cô lon nhôm và hơi mùi hóa chất; làng nghề Tống Xá (Thị trấn Lâm) đúc đồng phát sinh khí thải từ lò nấu luyện kim loại; làng nghề cơ khí Vân Chàng (Thị trấn Nam Giang); làng nghề tái chế nhựa Vô Hoạn (xã Nam Mỹ). Hầu hết, các hộ sản xuất trong làng nghề chưa đầu tư hệ thống xử lý khí thải nên gây ô nhiễm môi trường không khí cục bộ tại khu vực làng nghề.
Ngoài ra, hoạt động sản xuất nông nghiệp sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật làm phát sinh các chất ô nhiễm hữu cơ vào môi trường không khí cũng là nguyên nhân gia tăng tác động đến chất lượng môi trường không khí.
Công tác quản lý chất lượng môi trường không khí
Nhằm thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng môi trường không khí, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh Nam Định ban hành các văn bản chỉ đạo trong công tác BVMT nói chung và quản lý chất lượng môi trường không khí nói riêng như: Quyết định số 12/QĐ-UBND ngày 15/5/2017 về quy định trách nhiệm BVMT trên địa bàn tỉnh Nam Định; Phê duyệt mạng lưới quan trắc môi trường tỉnh Nam Định (Quyết định số 2772/QĐ-UBND ngày 19/11/2020); Kế hoạch số 75/KH-UBND ngày 23/9/2016 về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến 2025 trên địa bàn tỉnh; Văn bản số 41/UBND-VP3 ngày 16/1/2021 về việc tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi và khí thải; Văn bản số 416/UBND-VP3 ngày 17/6/2021 về việc tiếp tục tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí trên địa bàn tỉnh (trong đó yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các đơn vị có liên quan tập trung thực hiện chỉ đạo của Trung ương tại các văn bản: Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí; Văn bản số 7442/BTNMT-TCMT ngày 30/12/2020 của Bộ TN&MT về tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải).
Thực hiện Quyết định số 1973/QĐ-TTg ngày 23/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021 - 2025, Sở TN&MT đã có Văn bản số 235/STNMT-CCMT ngày 20/1/2022 gửi UBND tỉnh tham mưu xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí của tỉnh. Đến nay, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương cho phép Sở TN&MT lập đề án "Đánh giá hiện trạng chất lượng môi trường không khí và xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí trên địa bàn tỉnh Nam Định”, thời gian thực hiện trong năm 2022 - 2023.
Sở TN&MT cũng đã tham mưu UBND tỉnh đầu tư trang thiết bị phục vụ trong công tác quản lý nhà nước về BVMT; quản lý nguồn khí thải công nghiệp lớn của các cơ sở sản xuất trong tỉnh; xây dựng, vận hành thường xuyên hệ thống truyền - nhận dữ liệu quan trắc môi trường tự động liên tục để kiểm soát các nguồn thải lớn (nước thải, khí thải). Đối với các cơ sở sản xuất có nguồn khí thải thuộc đối tượng phải đầu tư lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động liên tục, Sở đã ban hành Văn bản số 740/HD-STNMT ngày 29/3/2018 về việc hướng dẫn kiểm soát nguồn khí thải công nghiệp phát sinh đối với các doanh nghiệp phát sinh nguồn khí thải công nghiệp lưu lượng lớn trên địa bàn tỉnh Nam Định; ban hành nhiều văn bản yêu cầu các cơ sở phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động và kết nối dữ liệu quan trắc liên tục về Sở TN&MT theo quy định (Văn bản số 1343/STNMT-CCMT ngày 12/5/2020; Văn bản số 2741/STNMT-CCMT ngày 24/9/2021; Văn bản số 3154/STNMT-CCMT ngày 29/10/2021; Văn bản số 3206/STNMT-CCTM ngày 4/11/2021). Đến nay có 4/11 cơ sở thuộc đối tượng lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động liên tục đã lắp đặt và truyền dữ liệu về Sở. Các cơ sở còn lại căn cứ Điều 98 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT thì thời hạn hoàn thành việc lắp đặt hệ thống quan trắc bụi, khí thải công nghiệp tự động, liên tục (có camera theo dõi) và kết nối, truyền số liệu trực tiếp đến cơ quan chuyên môn về BVMT cấp tỉnh chậm nhất là ngày 31/12/2024 đối với dự án, cơ sở xả bụi, khí thải công nghiệp ra môi trường có mức lưu lượng hoặc công suất của công trình, thiết bị xử lý bụi, khí thải quy định tại Cột 5 Phụ lục XXIX ban hành kèm theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, Sở đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt và triển khai quan trắc hiện trạng môi trường tỉnh hàng năm theo mạng lưới quan trắc môi trường tỉnh Nam Định (tại Quyết định số 2772/QĐ-UBND ngày 19/11/2020). Hiện nay, Sở đang triển khai thực hiện Dự án “Đầu tư, lắp đặt trạm quan trắc tự động môi trường không khí tại TP. Nam Định” theo mạng lưới quan trắc môi trường tỉnh đã được phê duyệt.
Đối với các dự án mới đầu tư, Sở TN&MT đều có ý kiến thẩm định ngay trong giai đoạn xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư và giai đoạn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM); Yêu cầu các chủ dự án có trách nhiệm thực hiện nghiêm việc xây dựng, lắp đặt, vận hành công trình, thiết bị xử lý khí thải, bụi thải nhằm hạn chế phát thải và xả thải đạt quy chuẩn trước khi thải ra ngoài môi trường; Khuyến khích các cơ sở sử dụng nhiên liệu sạch, áp dụng các công nghệ sản xuất sạch hơn.
Đặc biệt, công tác truyền thông về BVMT được Sở TN&MT thực hiện thường xuyên với các hình thức đa dạng, phong phú như: Hội thảo, tập huấn, mít tinh, ra quân, xây dựng mô hình; panô, áp phích, tờ rơi, thông tin nội bộ; trên các phương tiện thông tin đại chúng... Hàng năm, Sở cũng thực hiện chương trình phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - đoàn thể cấp tỉnh trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về BVMT nói chung và môi trường không khí nói riêng.
Đồng thời, Sở tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về BVMT đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, đặc biệt tập trung vào các cơ sở sản xuất phát sinh khí thải, bụi thải (dệt nhuộm, sản xuất nhựa, giày dép, cơ khí....), sản xuất gạch ngói và khu vực xử lý chất thải rắn, CCN, làng nghề. Qua kiểm tra, Sở TN&MT đã yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải có biện pháp thu gom, xử lý khí thải, bụi thải đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trước khi thải ra ngoài môi trường, xử lý vi phạm hành chính (nếu có).
Đề xuất giải pháp quản lý chất lượng môi trường không khí trong thời gian tới
Nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý môi trường nói chung và BVMT không khí nói riêng, thời gian tới, tỉnh Nam Định tiếp tục triển khai các nội dung như:
Thứ nhất, phê duyệt và triển khai thực hiện Kế hoạch quản lý kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí trên địa bàn tỉnh Nam Định.
Thứ hai, tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về BVMT nói chung và môi trường không khí nói riêng.
Thứ ba, khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ trong KCN, CCN, làng nghề áp dụng các mô hình công nghệ tiên tiến trong sản xuất giảm phát thải; sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường. Đồng thời, yêu cầu các cơ sở sản xuất có biện pháp giảm thiểu, xử lý khí thải, chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất.
Thứ tư, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về BVMT tại các khu, CCN, làng nghề và các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh; đặc biệt chú trọng đến các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, cơ sở sản xuất phát sinh nhiều chất thải; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT.
Thứ năm, vận hành hệ thống truyền nhận dữ liệu quan trắc tự động liên tục, có biện pháp xử lý đối với các cơ sở có kết quả quan trắc vượt quy chuẩn cho phép.
Thứ sáu, bố trí kinh phí tiếp tục triển khai đầu tư, lắp đặt các trạm quan trắc môi trường không khí xung quanh theo mạng lưới quan trắc môi trường đã được phê duyệt.
Thứ bảy, kiện toàn, sắp xếp, tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực ngành TN&MT và xử lý dứt điểm tình trạng chồng chéo, vướng mắc, phân tán trong phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước, tập trung đầu mối quản lý nhà nước về BVMT.
Phan Văn Phong
Phó Giám đốc Sở TN&MT Nam Định
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 6/2022)