29/11/2022
Những năm gần đây, đời sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh Nam Định đã được cải thiện và nâng lên đáng kể. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích về kinh tế, môi trường nơi đây đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm do rác thải sinh hoạt gây ra. Nhằm hạn chế lượng chất thải ra môi trường, khuyến khích tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế chất thải, thực hiện các quy định phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn theo quy định của Luật BVMT năm 2020, tỉnh Nam Định triển khai nhân rộng mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, thiết lập các tuyến thu gom rác thải sinh hoạt và xây dựng các điểm trung chuyển rác, áp dụng các biện pháp thu gom, xử lý hiệu quả. Nhờ đó, giảm áp lực diện tích chôn lấp, tăng hiệu suất tái chế rác, tiết kiệm năng lượng, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thực hiện nếp sống xanh bền vững.
Một số khó khăn, bất cập trong công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt
Theo thống kê của Sở TN&MT tỉnh Nam Định, tính đến tháng 8/2022, bình quân mỗi ngày trên địa bàn 9 huyện (Nam Trực, Mỹ Lộc, Xuân Trường, Giao Thủy, Nghĩa hưng, Hải Hậu, Vụ Bản, trực Ninh, Ý Yên) phát sinh 746,9 tấn rác thải sinh hoạt, lượng rác thu gom 666,8 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom đạt 89,3%; TP. Nam Định lượng chất thải rắn sinh hoạt TP Nam Định phát sinh khoảng 186 tấn/ngày; tỷ lệ xử lý đạt khoảng 94%.
Nhằm cải thiện chất lượng môi trường, đảm bảo sức khỏe cộng đồng, thời gian qua công tác quản lý, xử lý rác thải sinh hoạt đã được tỉnh chỉ đạo quyết liệt, hầu hết rác thải đã được thu gom,vận chuyển và xử lý tại các khu xử lý tập trung. Đối với địa bàn nông thôn, đến nay 100% các xã, thị trấn đều thành lập tổ thu gom rác thải, đội vệ sinh môi trường hoặc hợp tác xã vệ sinh môi trường; đã có 178 xã, thị trấn đầu tư xây dựng công trình xử lý rác thải sinh hoạt tập trung, trong đó có 109 xã, thị trấn xử lý bằng lò đốt, có 75 bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Đối với khu vực TP. Nam Định, rác thải được Công ty cổ phần môi trường Nam Định thu gom và xử lý tại Khu liên hợp xử lý rác thải Lộc Hòa (diện tích 23,7 ha).
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều bất cập. Nguyên nhân là do đời sống nhân dân khu vực nông thôn được nâng lên đã làm gia tăng việc phát sinh chất thải từ hoạt động sinh hoạt và các sản phẩm từ hoạt động nông nghiệp trong khi diện tích các khu chôn lấp nhỏ hẹp nên sớm bị quá tải. Công tác vận hành các bãi chôn lấp rác thải chưa được kiểm soát triệt để, chưa áp dụng đầy đủ quy chuẩn kỹ thuật trong quá trình xử lý rác, gây ô nhiễm môi trường do mùi hôi, nước rác thấm chảy xuống kênh mương thủy lợi. Hầu hết các lò đốt rác thải sinh hoạt của các xã, thị trấn công suất nhỏ, khu vực đặt lò thiếu các điều kiện hỗ trợ kỹ thuật về điện, nước; công nhân vận hành hạn chế về trình độ nên không đạt yêu cầu xử lý, dẫn đến hiệu quả xử lý thấp, phát sinh nguồn gây ô nhiễm. Khoảng cách an toàn nhiều khu vực xử lý rác thải chưa thực sự phù hợp với điều kiện mật độ dân cư theo quy chuẩn quốc gia; cộng với việc xử lý kiến nghị của người dân liên quan chưa đạt yêu cầu gây bức xúc trong cộng đồng, có nơi dẫn tới mất an ninh trật tự tại địa phương. Tại một số làng nghề vẫn còn tình trạng chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại nhiều nơi được thu gom, xử lý chung với rác thải sinh hoạt. Vấn đề thu gom, xử lý rác thải trôi nổi trên các khu vực công cộng, sông, kênh mương, khu vực giáp ranh giữa các địa phương gặp nhiều khó khăn.
Trong khi đó, công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn còn hạn chế, phương tiện, trang thiết bị cho việc thu gom, vận chuyển chất thải chưa đồng bộ, không phù hợp với từng loại chất thải sau khi rác thải đã được phân loại. Toàn tỉnh mới chỉ có một số xã điểm như: Yên Cường (Ý Yên), Hải Lý (Hải Hậu) triển khai thực hiện phân loại rác thải tại nguồn. Rác thải hữu cơ sau khi được phân loại, tái chế thành phân hữu cơ được người dân tái sử dụng. Tại không ít địa phương người dân còn chưa thực sự nắm rõ yêu cầu phân loại rác thải. Do vậy, người dân chưa tích cực duy trì phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn. Chưa có chính sách hỗ trợ khuyến khích những hộ dân tham gia thực hiện phân loại rác thải tại nguồn.
Ngoài ra, nhu cầu cho công tác BVMT khu vực công cộng rất lớn (như hạ tầng xử lý rác thải sinh hoạt...) nhưng nguồn chi chưa đáp ứng được yêu cầu. Đặc biệt kinh phí hàng năm dành cho công tác vận hành, duy tu các công trình xử lý môi trường hầu như không có. Việc lựa chọn địa điểm xây dựng các khu xử lý chất thải rắn tập trung thường không nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân địa phương do sợ bị ảnh hưởng, tác động ô nhiễm môi trường.
Đẩy mạnh thực hiện phân loại rác thải tại nguồn
Trước thực trạng trên, xác định việc phân loại rác thải tại nguồn là nhiệm vụ quan trọng, nhằm thực hiện các quy định về quản lý chất thải của Luật BVMT năm 2020, thời gian qua, UBND tỉnh Nam Định đặc biệt quan tâm đến công tác triển khai các hoạt động này thông qua việc ban hành các đề án, văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện. Cụ thể như: Đề án Quản lý, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Nam Định giai đoạn 2020 - 2025 (Quyết định số 2081/QĐ-UBND ngày 20/8/2020); Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 12/01/2021 của UBND tỉnh về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn; Kế hoạch thực hiện phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn tỉnh năm 2021 Hướng dẫn số 2528/HD-STNMT ngày 24/8/2020 về phân loại chất thải rắn tại nguồn và xử lý chất thải rắn hữu cơ nhằm hạn chế tối đa lượng rác thải phát sinh đưa về các khu xử lý rác thải tập trung…
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của ban ngành các cấp và sự chung tay của toàn thể cộng đồng dân cư, đến nay công tác phân loại rác thải tại nguồn đã đồng loạt nhân rộng trên phạm vi toàn tỉnh. Theo đó, hiện đã có 10/10 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã triển khai mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo hướng dẫn thực hiện một số tiêu chí nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, trong đó có nội dung thực hiện phân loại, thu gom, xử lý rác thải tại hộ gia đình. Việc thực hiện mô hình phân loại RTSH tại nguồn được giao cho các tổ chức chính trị-xã hội, phòng TN&MT phối hợp với UBND các xã, thị trấn thực hiện. Một số địa phương đã triển khai mô hình khá hiệu quả, bước đầu nhận được sự đồng thuận tham gia của người dân. Cụ thể như mô hình “Thùng ủ rác hữu cơ” tại xã Hải Lý, huyện Hải Hậu; “Thùng ủ rác hữu cơ và phân loại rác thải thành 2 loại (hữu cơ và vô cơ)” tại xã Nghĩa Minh, huyện Nghĩa Hưng; “Hố rác hữu cơ di động” tại xã Yên Cường, huyện Ý Yên; xã Hải Châu, huyện Hải Hậu…
Chia sẻ về việc triển khai mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn ở thôn Phú Lễ, xã Hải Châu, bà Trần Thị Ngoan - Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Hải Hậu cho biết, ban đầu huyện chọn khu dân cư xóm 2,3 thôn Phú Lễ xã Hải Châu để thực hiện thí điểm mô hình, với 170 hộ dân tham gia. Để giúp bà con thực hiện mô hình, huyện liên kết với một doanh nghiệp lĩnh vực xử lý môi trường hướng dẫn người dân kỹ thuật phân loại rác, xử lý rác hữu cơ, cung cấp chế phẩm sinh học ủ rác. Đồng thời, huyện hỗ trợ các hộ dân một phần kinh phí mua sắm thùng rác, xây hố rác, chế phẩm. Từ mô hình điểm, huyện đã tổ chức cho cán bộ, người dân, đặc biệt là cán bộ, hội viên phụ nữ tham quan, học tập mô hình, đến nay đã nhân rộng, triển khai thực hiện ở 25/34 xã, thị trấn.
Là huyện điển hình về phân loại rác thải tại nguồn, Vụ Bản đã đề ra mục tiêu năm 2022, 100% các hộ dân trên địa bàn huyện đăng ký tham gia thực hiện mô hình phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình. Để tạo được sự đồng thuận của nhân dân, trong những ngày vừa qua, huyện đã tổ chức tuyên truyền lưu động trên địa bàn về lợi ích của việc phân loại, xử lý rác thải tại nguồn, vận động các hộ dân thực hiện mô hình với khẩu hiệu 3T là “Tiết giảm - tái sử dụng - tái chế” bằng các phương pháp như sử dụng hố ủ rác hữu cơ, thùng ủ rác hữu cơ tại hộ gia đình và phân loại chất thải... đồng thời, thành lập các đoàn đến từng thôn xóm, từng hộ dân để kiểm tra, hướng dẫn và vận động các hộ dân thực hiện mô hình. Nhờ sự vào cuộc của các cấp chính quyền và cùng chung tay của người dân, tính đến đầu tháng 3/2022, đã có trên 70% số hộ trên địa bàn huyện đã và đang thực hiện phân loại rác thải hữu cơ tại hộ gia đình.
Còn tại các huyện khác như Ý Yên, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện phối hợp với Phòng TN&MT triển khai mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn thí điểm tại xã Yên Cường bắt đầu từ năm 2020 với 30 hộ tham gia. Đến nay, toàn huyện đã có 39 thôn, xóm/30 xã,thị trấn thực hiện mô hình với tổng số hộ gia đình tham gia là 4.071. Huyện Xuân Trường triển khai mô hình tại 22 thôm xóm của 8 xã,thị trấn, với 2.891 hộ tham gia. Huyện Giao Thủy có 62 thôn, xóm, tổ dân phố của 17/22 xã, thị trấn, với 9.387 hộ dân tham gia…
Vừa qua, UBND tỉnh Nam Định tổ chức đoàn kiểm tra, khảo sát thực tế mô hình phân loại rác tại nguồn ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Phùng Hoan - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định (trưởng đoàn) đánh giá cao những ưu điểm, hiệu quả BVMT của mô hình, góp phần hoàn hành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Kết quả đánh giá cho thấy, các mô hình “Thùng ủ rác hữu cơ”, “Hố rác hữu cơ di động” đã xử lý tương đối triệt để các loại rác hữu cơ dễ phân hủy, rác sau xử lý được phân hủy có dạng phân mùn, tơi xốp có thể sử dụng trực tiếp cho cây trồng; tại các thùng ủ, hố ủ không phát sinh hơi, mùi, ruồi muỗi. Ở những địa phương thực hiện phân loại rác và xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình đã giảm thiểu được khoảng 30-50% tổng lượng rác phát sinh phải vận chuyển, xử lý về khu xử lý rác thải tập trung. Việc giảm thiểu rác hữu cơ góp phần giảm lượng rác cho các bãi chôn lấp hiện đang quá tải, nâng cao hiệu quả đốt tại các lò đốt rác thải. Đến nay, toàn tỉnh đã có 181 xã, thị trấn đã triển khai phân loại rác thải tại nguồn. Có 370.169/579.170 hộ gia đình đã thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, tỷ lệ đạt 63,9%. Tại các xã, thị trấn đã phân loại, tái sử dụng, giảm được 30-40% lượng rác thải phải xử lý ngay tại nguồn.
Trong thời gian tới, để đạt mục tiêu 100% đơn vị cấp xã thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, UNND tỉnh Nam Định đã chỉ đạo các huyện, thành phố tích cực huy động kinh phí hỗ trợ người dân trang bị thùng ủ rác hữu cơ và chế phẩm vi sinh để vận động, nhân nhanh số hộ dân tham gia thực hiện chương trình. Các địa phương tiếp tục thực hiện nhiệm vụ trong Đề án quản lý, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025; triển khai nhân rộng mô hình phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn tỉnh.
Sở TN&MT tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các Sở, ngành, địa phương, các tổ chức hội, đoàn thể và người dân nắm bắt và thực hiện các quy định mới về phân loại, tái sử dụng rác thải tại nguồn theo Luật BVMT năm 2020. Chủ trì, phối hợp với các tổ chức đoàn thể, UBND các huyện, thành phố, các đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về BVMT; tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình; tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm một số mô hình phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình và dự án xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh; xây dựng bộ tài liệu (tờ rơi, pano, khẩu hiệu)… hướng dẫn phân loại rác thải tại nguồn.
Ủy ban MTTQ tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với Sở TN&MT duy trì và phát huy các phong trào, hoạt động BVMT...; triển khai nhân rộng việc phân loại rác tại nguồn, đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, hạn chế sử dụng túi ni lông trong sinh hoạt…; Phân công trách nhiệm cụ thể cho từng tổ, chi hội đoàn thể ra quân vào ngày chủ nhật hàng tuần để tiến hành vệ sinh đường làng, ngõ, xóm, thu gom phế thải, khơi thông cống rãnh, thực hiện khẩu hiệu “Sạch từ nhà ra ngõ”; kịp thời phát hiện và phản ánh các trường hợp vi phạm, không có trách nhiệm giữ gìn vệ sinh chung ở các xóm, các gia đình; phát huy tốt vai trò của người có uy tín như già làng, trưởng họ để vận động, thuyết phục người dân hiểu hơn vai trò của mình trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn; vận động các hộ gia đình cải tạo nhà cửa, vườn ao, chuồng trại, xây dựng hầm biogas, thu gom rác thải; tiếp tục phát động phong trào toàn dân tham gia BVMT, làm sạch đường làng, ngõ, xóm đến các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Các địa phương tăng cường tập huấn, đào tạo, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho các cán bộ làm công tác môi trường của các xã, thị trấn. Hỗ trợ, hướng dẫn người dân áp dụng các mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn phù hợp với điều kiện và nhu cầu của từng gia đình.
Châu Loan
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 11/2022)
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo số 396/BCSTNMT về Tình hình triển khai thực hiện phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn tỉnh Nam Định.
2. Đề án Quản lý, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Nam Định giai đoạn 2020 - 2025 (Quyết định số 2081/QĐ-UBND ngày 20/8/2020 của UBND tỉnh Nam Định).
3. Kế hoạch số 83/KH-UBND về thực hiện phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn tỉnh Nam Định năm 2021.
4. Bảng Tổng hợp tỷ lệ thu gom, xử lý CTRSH trên địa bàn các huyện đến tháng 8/2022.