Banner trang chủ

Một số vấn đề về trình tự, thủ tục yều cầu bồi thường thiệt hại về môi trường

10/05/2022

1. Các loại thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường

    Theo quy định của Điều 130 Luật BVMT năm 2020: Thiệt hại do ô nhiễm môi trường gồm hai loại chính.

a. Thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường. Đây là thiệt hại về môi trường nói chung như: thiệt hại đối với những loài và môi trường sống tự nhiên cần được bảo vệ (là bất cứ thiệt hại nào có ảnh hướng xấu đáng kể đến việc đạt được hoặc duy trì tình trạng bảo tồn thuận lợi của môi trường sống hoặc của loài đó); thiệt hại về nước (các thiệt hại ảnh hưởng tiêu cực tới hiện trạng sinh thái, hóa học, định lượng, tiềm năng sinh thái); thiệt hại về đất (gây ô nhiễm đất tạo ra những nguy cơ, rủi ro cho sức khỏe con người, các loài vi sinh vật, sinh vật sống trong đất hoặc trên mặt đất v.v.); thiệt hại về không khí, tiếng ồn, độ rung, tia phóng xạ, nhiệt độ, ánh sáng, mùi vị.

b. Thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do hậu quả của việc suy giảm chức năng, tính hữu của môi trường gây ra. Đó có thể đó là thiệt hại về tính mạng (sự cố môi trường làm người chết), sức khỏe (khí độc làm người bị ốm đau, bệnh tật; các chất độc hại gây sinh con quái thai, dị dạng), tài sản (ví dụ: tài sản bị lũ lụt cuốn trôi, tài sản bị thiệt hại do mưa a xít, cá chết vì nước bị ô nhiễm v.v.). Có thể đó là thiệt hại mà nạn nhân được xác định cụ thể (cá nhân, nhóm cá nhân hoặc một tổ chức nào đó bị xâm hại: do có tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản bị xâm hại).

    Như vậy, về chủ thể bị thiệt hại, có thể chia thiệt hại từ hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường thành 2 loại chính: thiệt hại có nạn nhân xác định và thiệt hại chung cho môi trường (tức là cộng đồng nói chung hoặc lợi ích công cộng bị xâm hại).

    Thông thường, hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đều gây ra 2 loại thiệt hại này. Ví dụ, hành vi xả nước thải chưa qua xử lý của công ty Vedan vừa gây thiệt hại về hoa màu (thiệt hại về tài sản, lợi ích kinh tế) cho các nông dân ở TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhưng đồng thời cũng làm cho các loài thủy sinh trên sông phải chịu thiệt hại (tức là gây thiệt hại chung cho môi trường tự nhiên - thứ tài sản công mà nạn nhân thường khó xác định được cụ thể). 

2. Các loại trình tự , thủ tục giải quyết bồi thường thiệt hại về môi trường

    Do có hai loại thiệt hại như đã phân tích ở trên nên trình tự, thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường bao gồm hai loại thủ tục sau đây:

2.1. Trình tự, thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường theo quy định tại điều 113 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 1 năm 2022 bao gồm:

  1. Thông báo thiệt hại đối với môi trường.
  2. Tiếp nhận thông báo và xem xét thẩm quyền giải quyết
  3. Kiểm tra, xác minh thông tin.
  4. Xác định tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường.
  5. Tổ chức thu thập, thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường và yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường.

e.1. Tự thực hiện hoặc thuê đơn vị có chức năng, phù hợp thực hiện.

e.2. Thành lập hội đồng thẩm định.

e.3. Đưa ra yêu cầu Bồi thường dựa trên kết quả thẩm định.

f) Giải quyết Bồi thường thiệt hại thông qua các thương lượng giữa các bên. Nếu không thương lượng được thì lựa chọn giải quyết thông qua các hình thức:

f.1. Hòa giải

f.2. Giải quyết bồi thường thông qua trọng tài.

f.3. Giải quyết bồi thường bằng Tòa án

2.2. Trình tự, thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do hành vi vi phạm pháp luật về môi trường gây ra  thực hiện theo các bước sau đây:

a) Nhận biết thiệt hại về môi trường

b) Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết .

c) Khởi kiện ra Tòa yêu cầu bồi thường thiệt hại. Thủ tục, trình tự khởi kiện tại tòa án được thực hiện theo quy định của Bộ Luật Tố tụng dân sự (Hình 1).

Hình 1. Thủ tục, trình tự khởi kiện và xét xử tại tòa án

    Theo quy định của pháp luật hiện hành, nạn nhân của hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường có các thiệt hại cụ thể về tính mạng, sức khỏe, tài sản và các quyền và lợi ích hợp pháp khác có thể khởi kiện tại Tòa án để giải quyết theo các quy định tại Điều 33, Điều 35, Điều 36, Điều 159 và Điều 164 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) và các văn bản hướng dẫn thi hành.

    Sau khi yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại được Tòa án thụ lý, các vụ bồi thường thiệt hại thường phải trải qua nhiều thủ tục như thủ tục hòa giải trước phiên xét xử, thủ tục xét xử sơ thẩm, hầu hết các trường hợp, vụ việc chỉ thực sự kết thúc sau khi đã có xét xử phúc thẩm. Nhiều vụ việc, ngay cả khi đã có xét xử phúc thẩm, vụ việc cũng có thể bị xem xét lại và giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Sau khi phán quyết của Tòa án đã có hiệu lực, nếu bên phải bồi thường không tự nguyện bồi thường, bên được bồi thường có thể nhờ tới sự can thiệp của các cơ quan thi hành án dân sự để tiến hành các biện pháp cần thiết (trong đó có cả các biện pháp cưỡng chế thi hành án).

Qua nghiên cứu hai trình tự, thủ tục nêu trên chúng tôi rút ra một số nét tương đồng sau đây:

- Mục tiêu của hai thủ tục đều yêu cầu chủ thể gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây ra;

- Thương lượng, hòa giải giữa bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại là thủ tục rất cần thiết và không thể xem nhẹ;

- Thu thập thông tin, dữ liệu chứng cứ nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chính mình là trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên liên quan;

- Chủ thể gây thiệt hại và chủ thể bị thiệt hại của hai thủ tục trên có thể tự mình hoặc thuê đơn vị tư vấn thu thập thông tin, dữ liệu, chứng cứ nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chính mình;

- Thủ tục khởi kiện yêu cầu tòa án có thẩm quyền giải quyết theo pháp luật tố tụng dân sự và thủ tục thi hành án dân sự (nếu có);

Bên cạnh đó hai thủ tục này có những nét khác biệt như sau:

- Người khởi kiện đòi yêu cầu bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do hành vi vi phạm pháp luật về môi trường gây ra gồm có cá nhân, nhóm cá nhân, pháp nhân.

- Người khởi kiện đòi yêu cầu bồi thường thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường chỉ có pháp nhân (UBND cấp xã,  UBND cấp huyện, UBND cấp tỉnh và Bộ TN&MT).

- Nguồn kinh phí chi cho việc xác định thiệt hại và thực hiện thủ tục bồi thường thiệt hại về môi trường đối với tính mạng, sức khỏe của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do hành vi vi phạm pháp luật về môi trường gây ra các cá nhân, nhóm cá nhân, pháp nhân chi trả;

- Nguồn kinh phí thực hiện thủ tục, trình tự yêu cầu bồi thường thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường do Nhà nước chi trả. Trong trường hợp thắng kiện tổ chức, cá nhân gây thiệt hại về môi trường phải chi trả toàn bộ chi phí (Khoản 2 Điều 130 Luật BVMT năm 2020);

- Trong quá trình thực hiện trình tự, thủ tục, yêu cầu bồi thường thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường, việc chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm pháp luật về môi trường và thiệt hại xảy ra thuộc trách nhiệm của tổ chức, cá nhân vi phạm, gây ô nhiễm về môi trường. (Khoản 2 Điều 133 Luật BVMT năm 2020).

- Việc thành lập Hội đồng thẩm định dữ liệu, chứng cứ nhằm xem xét, thẩm định, đánh giá các dữ liệu, chứng cứ đã được thu thập, để xác định, tính toán thiệt hại đối với môi trường là yêu cầu bắt buộc trong quá trình giải quyết thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường (Điểm 6, khoản 4 Điều 113 Và Điều 114 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 1 năm 2022).

3. Các giải pháp góp phần thực hiện hiệu quả trình tự, thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường

3.1. Đối  với trình tự, thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường cần thực hiện các giải pháp sau đây:

- Để chủ động có nguồn kinh phí thuê đơn vị có chức năng, năng lực phù hợp để thu thập dữ liệu, chứng cứ, xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại; tính toán thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái, cơ quan nhà nước cần bố trí nguồn kinh phí hoặc lấy từ nguồn kinh phí của Quỹ bảo vệ môi trường Trung ương và địa phương cho đơn vị có trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại và xác định thiệt hại về môi trường theo quy định tại điều 131 Luật BVMT năm 2020.

- Theo quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP thì Bộ tài nguyên và Môi trường và UBND các cấp là chủ thể có thẩm quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường thuộc phạm vi quản lý của mình. Trên thực tế chưa quy định rõ cơ quan nào sẽ có trách nhiệm chủ trì giúp Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND các cấp thực hiện hoạt động này (đó là cơ quan tài nguyên và môi trường, cơ quan tư pháp hay cơ quan nào khác?). Vì vậy cần phải quy định rõ cơ quan nào thực hiện nhiệm vụ này.

- Khó khăn trong việc thu thập các tài liệu chứng minh hành vi vi phạm pháp luật về môi trường như mẫu giám định chất thải và kết luận của cơ quan thanh tra về môi trường; kết luận giám định của cơ quan chuyên môn về hành vi vi phạm; biên bản đối thoại giữa các bên về giải quyết tranh chấp; biên bản vi phạm hoặc quyết định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm môi trường như: xả nước thải, bụi, khói, gây tiếng ồn vượt quá tiêu chuẩn cho phép, đã bị buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục như cấm xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường; đối với các trường hợp nêu trên, nếu các bên tranh chấp không đồng tình về việc xử lý vi phạm hoặc bồi thường thiệu hại đều phải tiến hành giám định hoặc tái giám định. Tuy nhiên, việc giám định, thẩm định thiệt hại, tái giám định thường rất phức tạp, đòi hỏi kiến thức chuyên môn cao, chi phí thực hiện lớn và khó đảm bảo tính kịp thời trong các vụ việc yêu cầu về bồi thường thiệt hại.

- Khó khăn trong việc lựa chọn phương thức giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại: Theo quy định tại Điều 133, Luật Bảo vệ môi trường 2020, khi có thiệt hại từ hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại có quyền thương lượng với nhau. Trong trường hợp không thương lượng được, các bên có thể chọn lựa các phương thức giải quyết như (1) hòa giải; (2) nhờ trọng tài giải quyết; (3) khởi kiện tại Tòa án. Do đó trong thời gian tới cần quan tấm đến vấn đề này. Việc sử dụng phương thức trọng tài trong thực tế là khả thi. Tuy nhiên, nội dung này vẫn chưa được pháp luật hướng dẫn cụ thể

3.2. Đối với trình tự, thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do hành vi vi phạm pháp luật về môi trường gây ra cần thực hiện các giải pháp sau đây:

- Theo quy định tại khoản 3 Điều 131 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định tổ chức, cá nhân bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường tự mình hoặc ủy quyền cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác xác định thiệt hại và yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường theo quy định của pháp luật. Để thực hiện nội dung này, trong thời gian tới các cơ quan có thẩm quyền cần hướng dẫn cụ thể.

- Việc miễn, giảm hoặc không yêu cầu tạm ứng các chi phí tố tụng có ý nghĩa thực tế lớn khi các nạn nhân ô nhiễm môi trường hiện nay chủ yếu là người dân ở nông thôn, có thu nhập thấp. Đây là yếu tố quan trọng để họ quyết định có khởi kiện hay không sau khi đã gánh chịu các thiệt hại do ô nhiễm môi trường.

PGS.TS Phạm Văn Lợi

ThS. Nguyễn Hoàng Mai

Viện Khoa học Môi trường, Tổng cục Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 4/2022)

Ý kiến của bạn