02/03/2022
Luật BVMT năm 2020 được Quốc hội Khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua vào ngày 17/11/2020, trong đó đã tạo ra nhiều bước đột phá với những quy định được bổ sung, điều chỉnh so với Luật BVMT năm 2014 nhằm giải quyết những vấn đề cấp thiết trong thực tiễn cuộc sống. Ngày 10/1/2022, Chính phủ cũng đã ký ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT (chính thức có hiệu lực kể từ ngày ký), trong đó đã cụ thể hóa các quy định của Luật BVMT. Bài viết sẽ khái quát về một số điểm mới trong lĩnh vực quan trắc môi trường (QTMT) được quy định trong Luật (Chương IX) và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP (Chương VII).
1. Xây dựng quy hoạch tổng thể QTMT quốc gia
Mạng lưới QTMT quốc gia hiện nay đang được thực hiện theo Quyết định số 90/2016/QĐ-TTg ngày 12/1/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới quan trắc TN&MT quốc gia. Theo quy định Luật BVMT năm 2020, nội dung quy hoạch QTMT sẽ được xây dựng riêng gồm các nội dung chính như sau:
- Phân tích, đánh giá hiện trạng mạng lưới QTMT quốc gia; hệ thống phòng thí nghiệm, phân tích môi trường và hệ thống quản lý số liệu, dữ liệu QTMT;
- Quan điểm, mục tiêu, lựa chọn phương án quy hoạch tổng thể QTMT quốc gia phù hợp với phân vùng môi trường, định hướng quan trắc và cảnh báo môi trường trong quy hoạch BVMT;
- Bố trí mạng lưới QTMT quốc gia gồm định hướng các điểm, thông số, tần suất quan trắc các thành phần môi trường trên phạm vi cả nước và các trạm quan trắc tự động; định hướng phát triển hệ thống phòng thí nghiệm, phân tích môi trường và hệ thống quản lý số liệu, dữ liệu QTMT;
- Danh mục dự án QTMT quốc gia;
- Định hướng liên kết mạng lưới, cơ sở dữ liệu, số liệu QTMT quốc gia với mạng lưới, cơ sở dữ liệu, số liệu QTMT cấp tỉnh và kết nối mạng lưới QTMT;
- Lộ trình và nguồn lực thực hiện quy hoạch.
2. Phân công trách nhiệm các Bộ, ngành liên quan
Trước đây, hoạt động QTMT có sự thực hiện đan xen giữa các Bộ, ngành. Tuy nhiên, trong nội dung Luật mới, các Bộ, ngành được giao trách nhiệm cụ thể để thực hiện, trong đó, Bộ TN&MT có trách nhiệm: Chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra hoạt động QTMT trên phạm vi cả nước; tổ chức thực hiện chương trình QTMT quốc gia gồm chương trình QTMT sông và hồ liên tỉnh, biển, vùng kinh tế trọng điểm, các khu vực có tính chất liên vùng, liên tỉnh, môi trường xuyên biên giới và môi trường tại các vùng có tính đặc thù; thực hiện quan trắc đa dạng sinh học tại khu bảo tồn thiên nhiên; Lập, thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể QTMT quốc gia theo quy định của pháp luật về quy hoạch; Hướng dẫn kỹ thuật xây dựng hệ thống QTMT quốc gia và cấp tỉnh; quan trắc đa dạng sinh học.
Bộ NN&PTNT tổ chức thực hiện chương trình QTMT phục vụ quản lý nông nghiệp gồm các chương trình quan trắc nước, đất, trầm tích phục vụ mục đích thủy lợi, khai thác và nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp…
3. Yêu cầu về QTMT nhằm cung cấp, công bố thông tin về chất lượng môi trường cho cộng đồng
Đây là nội dung bổ sung mới so với quy định trước đây, đảm bảo quản lý các hoạt động công bố thông tin trong thực tiễn hiện nay. Theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện QTMT định kỳ, thường xuyên, liên tục nhằm cung cấp, công bố thông tin về chất lượng môi trường cho cộng đồng phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về quan trắc chất lượng môi trường, bao gồm: Yêu cầu kỹ thuật đối với thiết bị quan trắc tự động liên tục; Yêu cầu kỹ thuật về vị trí lắp đặt trạm quan trắc; Nhân lực quản lý, vận hành; Kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị quan trắc tự động liên tục theo quy định của pháp luật về đo lường; Quy trình kiểm soát chất lượng. Khi công bố thông tin chất lượng môi trường cho cộng đồng phải kèm theo thông tin về vị trí quan trắc, phương pháp quan trắc và độ chính xác của thiết bị hoặc giới hạn báo cáo của phương pháp và chịu trách nhiệm về kết quả công bố thông tin chất lượng môi trường của mình.
Cán bộ Trung tâm Quan trắc TN&MT Sơn La QTMT không khí tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh
4. Quan trắc tuân thủ đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ
Các quy định mới về quan trắc nước thải định kỳ trong Nghị định số 08/2022/NĐ-CP
Thông số quan trắc và tần suất quan trắc nước thải định kỳ được quy định cụ thể trong giấy phép môi trường. Thông số quan trắc được xác định theo các căn cứ sau đây: Quy chuẩn kỹ thuật môi trường về nước thải; loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; nhiên liệu, nguyên liệu và hóa chất sử dụng; công nghệ sản xuất, công nghệ xử lý chất thải; các thông số vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường được phát hiện thông qua hoạt động kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về môi trường; theo đề nghị của chủ dự án, cơ sở. Cơ quan cấp giấy phép môi trường không được yêu cầu quan trắc thêm các thông số khác mà không dựa trên các căn cứ quy định tại điểm này.
Nghị định số 08/2022/NĐ-CP cũng thay đổi quy định về mức lưu lượng xả thải quy định phải quan trắc trong giấy phép môi trường:
- Mức lưu lượng xả nước thải trung bình của dự án, cơ sở thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ 200 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 500 m3/ngày (24 giờ); mức lưu lượng xả nước thải lớn từ 500 m3/ngày (24 giờ) trở lên;
- Mức lưu lượng xả nước thải lớn của dự án, cơ sở không thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ 500 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 1.000 m3/ngày (24 giờ); mức lưu lượng xả nước thải rất lớn từ 1.000 m3/ngày đêm trở lên.
- Phân loại đối tượng quan trắc theo hoạt động liên tục và hoạt động theo thời vụ:
+ Dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động liên tục: Tần suất quan trắc nước thải định kỳ là 3 tháng/lần đối với trường hợp phải thực hiện đánh giá tác động môi trường và 6 tháng/lần đối với trường hợp còn lại.
+ Dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động theo thời vụ thuộc đối tượng thực hiện đánh giá tác động môi trường: tần suất quan trắc định kỳ là 1 lần trong trường hợp hoạt động thời vụ từ 3 tháng trở xuống; 2 lần trong trường hợp hoạt động thời vụ dài hơn 3 tháng đến 6 tháng; 3 lần trong trường hợp hoạt động thời vụ dài hơn 6 tháng đến dưới 9 tháng; 4 lần trong trường hợp hoạt động thời vụ dài hơn 9 tháng; bảo đảm thời gian giữa hai lần quan trắc tối thiểu là 3 tháng.
+ Riêng đối với các thông số tổng hóa chất bảo vệ thực vật clo hữu cơ, tổng hóa chất bảo vệ thực vật phốt pho hữu cơ, tổng Polychlorinated Biphenyl (PCB), Dioxin, Halogen hữu cơ dễ bị hấp thụ (nếu có), tần suất là 1 năm/lần cho tất cả các trường hợp nêu trên.
Quan trắc nước thải tự động, liên tục
Việc điều chỉnh, phân loại cụ thể các đối tượng phải thực hiện quan trắc nước thải tự động, liên tục đã được quy định cụ thể tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP. Theo đó, từ ngày 1/1/2025, dự án đầu tư có mức lưu lượng xả nước thải ra môi trường quy định tại Cột 4 Phụ lục 28 ban hành kèm theo Nghị định phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục trước khi vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải. Dự án, cơ sở có mức lưu lượng xả nước thải lớn ra môi trường quy định tại số thứ tự 3 Cột 5 Phụ lục 28 ban hành kèm theo Nghị định đã lắp đặt và tiếp tục duy trì hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục theo quy định được miễn thực hiện quan trắc nước thải định kỳ quy định tại khoản 3 Điều 97. Dự án, cơ sở có mức lưu lượng xả nước thải trung bình ra môi trường quy định tại số thứ tự 2 Cột 5 Phụ lục 28 ban hành kèm theo Nghị định này đã lắp đặt và tiếp tục duy trì hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục hoặc dự án, cơ sở khác không thuộc trường hợp phải lắp đặt theo quy định nhưng đã lắp đặt hoặc tự nguyện lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục được hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ theo quy định tại Nghị định này và pháp luật khác có liên quan.
Ngoài ra, Dự án, cơ sở xả nước làm mát có sử dụng clo hoặc hóa chất khử trùng để diệt vi sinh vật ra môi trường với lưu lượng từ 1.000 m3/ngày (24 giờ) trở lên thì chủ dự án, cơ sở lắp đặt các thông số quan trắc tự động, liên tục gồm: lưu lượng, nhiệt độ và clo đối với nguồn nước làm mát đó. Dự án, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp đã thực hiện quan trắc nước thải tự động, liên tục các thông số quan trắc chính đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trong 3 năm liên tiếp và kết quả kiểm tra, thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền gần nhất (có mẫu nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường) không có vi phạm về hành vi xả nước thải thì được miễn thực hiện quan trắc nước thải định kỳ.
Quan trắc khí thải định kỳ
Nghị định số 08/2022/NĐ-CP đã bổ sung phân loại đối tượng theo mức lưu lượng xả thải. Đối với dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động liên tục thuộc đối tượng thực hiện đánh giá tác động môi trường: tần suất quan trắc bụi, khí thải công nghiệp định kỳ là 6 tháng/lần đối với các thông số kim loại nặng, hợp chất hữu cơ (nếu có), 1 năm/lần đối với thông số Dioxin/Furan (nếu có) và 3 tháng/lần đối với các thông số còn lại. Đối với dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động liên tục không thuộc đối tượng thực hiện đánh giá tác động môi trường: tần suất quan trắc bụi, khí thải công nghiệp định kỳ là 1 năm/lần đối với các thông số kim loại nặng, hợp chất hữu cơ (nếu có), Dioxin/Furan (nếu có) và 6 tháng/lần đối với các thông số còn lại. Với dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động theo thời vụ thuộc đối tượng thực hiện đánh giá tác động môi trường: tần suất quan trắc bụi, khí thải công nghiệp định kỳ đối với các thông số kim loại nặng, hợp chất hữu cơ (nếu có) là 1 lần trong trường hợp hoạt động thời vụ từ 6 tháng trở xuống, 2 lần trong trường hợp hoạt động thời vụ trên 6 tháng; tần suất quan trắc Dioxin/Furan (nếu có) là 1 lần/năm. Đối với các thông số còn lại, tần suất quan trắc là 1 lần trong trường hợp hoạt động thời vụ từ 3 tháng trở xuống; 2 lần trong trường hợp hoạt động thời vụ dài hơn 3 tháng đến 6 tháng; 3 lần trong trường hợp hoạt động thời vụ dài hơn 6 tháng đến dưới 9 tháng; 4 lần trong trường hợp hoạt động thời vụ dài hơn 9 tháng; bảo đảm thời gian giữa hai lần quan trắc tối thiểu là 3 tháng.
Đối với dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động theo thời vụ không thuộc đối tượng thực hiện đánh giá tác động môi trường: tần suất quan trắc bụi, khí thải công nghiệp định kỳ đối với các thông số kim loại nặng, hợp chất hữu cơ (nếu có) là 1 lần trong trường hợp hoạt động thời vụ từ 6 tháng trở xuống, 2 lần trong trường hợp hoạt động thời vụ trên 6 tháng; tần suất quan trắc Dioxin/Furan (nếu có) là 1 lần/năm. Đối với các thông số còn lại, tần suất quan trắc định kỳ là 1 lần trong trường hợp hoạt động thời vụ từ 6 tháng trở xuống; 2 lần trong trường hợp hoạt động thời vụ dài hơn 6 tháng; bảo đảm thời gian giữa hai lần quan trắc tối thiểu là 6 tháng.
Quan trắc khí thải tự động, liên tục
Thời hạn hoàn thành việc lắp đặt hệ thống quan trắc bụi, khí thải công nghiệp tự động, liên tục (có camera theo dõi) và kết nối, truyền số liệu trực tiếp đến cơ quan chuyên môn về BVMT cấp tỉnh chậm nhất là ngày 31/2/2024 đối với dự án, cơ sở xả bụi, khí thải công nghiệp ra môi trường có mức lưu lượng hoặc công suất của công trình, thiết bị xử lý bụi, khí thải quy định tại Cột 5 Phụ lục 29 phần Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
Từ ngày 1/1/2025, dự án đầu tư xả bụi, khí thải công nghiệp ra môi trường có mức lưu lượng hoặc công suất của công trình, thiết bị xử lý bụi, khí thải quy định tại Cột 5 Phụ lục 29 phần Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định phải lắp đặt hệ thống quan trắc bụi, khí thải công nghiệp tự động, liên tục trước khi vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải. Dự án, cơ sở xả bụi, khí thải công nghiệp ra môi trường có mức lưu lượng hoặc công suất của công trình, thiết bị xử lý bụi, khí thải quy định tại Cột 5 Phụ lục 29 ban hành kèm theo Nghị định này đã lắp đặt hệ thống quan trắc bụi, khí thải công nghiệp tự động, liên tục theo quy định, được miễn thực hiện quan trắc bụi, khí thải công nghiệp định kỳ quy định tại khoản 4 Điều 98 đến hết ngày 31/12/2024. Sau thời gian này, chỉ được miễn thực hiện quan trắc bụi, khí thải công nghiệp định kỳ quy định tại khoản 4 Điều 98 đối với các thông số đã được quan trắc tự động, liên tục…
5. Quản lý số liệu QTMT
Bộ TN&MT quản lý số liệu QTMT quốc gia; xây dựng cơ sở dữ liệu về QTMT trong hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia; tích hợp các dữ liệu QTMT của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương, công bố thông tin về chất lượng môi trường quốc gia; hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ và hỗ trợ kỹ thuật quản lý số liệu QTMT của địa phương.
Bộ, cơ quan ngang Bộ xây dựng cơ sở dữ liệu về QTMT theo thẩm quyền và tích hợp vào cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia.
UBND cấp tỉnh quản lý số liệu QTMT; xây dựng cơ sở dữ liệu QTMT trên địa bàn bảo đảm thống nhất, đồng bộ và liên thông với hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia và công bố thông tin về chất lượng môi trường của địa phương trên cơ sở kết quả QTMT địa phương.
Dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp quản lý số liệu quan trắc chất thải và công bố công khai kết quả quan trắc chất thải theo quy định của pháp luật.
Trương Mạnh Tuấn
Vụ Quản lý chất lượng môi trường, Tổng cục Môi trường
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 2/2022)