19/09/2022
Thời gian qua, pháp luật về BVMT không khí ở Việt Nam đã từng bước được xây dựng và hoàn thiện, góp phần quan trọng vào việc điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan trực tiếp tới lĩnh vực môi trường không khí. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai thực hiện pháp luật về BVMT không khí đã cho thấy những bất cập, hạn chế nhất định cần được nghiên cứu tháo gỡ.
Quy định pháp luật về BVMT không khí tại Việt Nam
Những năm gần đây, ô nhiễm môi trường không khí trở thành vấn đề nghiêm trọng của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Để ứng phó với tình trạng này, Việt Nam đã có những chính sách và giải pháp tích cực để cải thiện chất lượng môi trường không khí.
Hiện nay, vấn đề BVMT không khí được quy định cụ thể trong Luật BVMT năm 2020. Luật này đã xây dựng riêng tại Mục 2 về “BVMT không khí” với 3 Điều (Điều 12, 13, 14) thuộc Chương II; Mục 6 về “quản lý bụi, khí thải và các chất ô nhiễm khác” với 2 Điều (Điều 88, 89) thuộc Chương VI. Luật BVMT năm 2020 đã bổ sung các điều khoản quy định về BVMT không khí. Đặc biệt, Luật đã có các quy định về BVMT đối với những ngành có hoạt động gây ô nhiễm môi trường không khí cao như giao thông vận tải, xây dựng, công nghiệp,... Đồng thời, Luật BVMT năm 2020 đã quy định việc “thực hiện các biện pháp khẩn cấp” trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng. Luật BVMT năm 2020 nêu rõ, nếu môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng trên phạm vi liên tỉnh, liên vùng và xuyên biên giới thì Thủ tướng Chính phủ có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện các biện pháp khẩn cấp. Đối với phạm vi trong tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức thực hiện biện pháp khẩn cấp trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn, nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường không khí.
Đồng thời, Luật BVMT năm 2020 đã cụ thể hóa các quy định về ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH), thúc đẩy phát triển thị trường các bon trong nước. Luật đã bổ sung các quy định về thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ôzôn, trong đó xác định nội dung và trách nhiệm của Bộ TN&MT, các Bộ, ngành liên quan và địa phương về thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; bổ sung quy định về lồng ghép nội dung ứng phó với BĐKH vào hệ thống chiến lược, quy hoạch, thực hiện cam kết quốc tế về BĐKH và bảo vệ tầng ôzôn. Đặc biệt, Luật đã lần đầu tiên chế định về tổ chức và phát triển thị trường các bon như là công cụ để thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính trong nước, góp phần thực hiện về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính do Việt Nam cam kết khi tham gia Thỏa thuận Paris về BĐKH. Liên quan đến điểm mới pháp luật BVMT không khí, Luật BVMT năm 2020 đã tạo lập chính sách phát triển các mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững, thông qua việc thúc đẩy các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ít phát thải các bon, đầu tư vào vốn tự nhiên đang là xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế của các nước trên thế giới hiện nay, nhất là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Song song với các văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan đến môi trường không khí cũng đang tiếp tục được rà soát, bổ sung và ban hành mới. Đó là các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường không khí xung quanh, khí thải phương tiện giao thông và các quy chuẩn kỹ thuật về khí thải công nghiệp. Riêng đối với thủ đô Hà Nội, Bộ TN&MT cũng đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật về môi trường không khí áp dụng riêng cho Thủ đô. Trong đó, có quy chuẩn về khí thải công nghiệp đối với bụi và các chất vô cơ cùng quy chuẩn về khí thải công nghiệp sản xuất xi măng, nhằm thắt chặt quy định về xả thải khí thải công nghiệp.
Đối với các văn bản dưới Luật, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT cũng đề cập tới quy định về nội dung kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí; trình tự, thủ tục ban hành kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí; nội dung kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh; trình tự, thủ tục ban hành kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh; thực hiện biện pháp khẩn cấp trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, từ ngày 1/1/2017, Việt Nam cũng đã chính thức áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 4 đối với phương tiện giao thông. Ngoài ra, tại Quyết định số 985a/QĐ-TTg ngày 1/6/2016, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020 tầm nhìn 2025; Quyết định số 1973/QĐ-TTg ngày 23/11/2021 phê duyệt Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021 - 2025…
Như vậy, đến nay, Việt Nam đã ngày càng hoàn thiện hơn các quy định về môi trường không khí, được thể hiện rõ qua việc sửa đổi, điều chỉnh và ban hành các quy định mang tính chuyên sâu và phổ cập hơn. Điều này là vô cùng cần thiết bởi đây là cơ sở pháp lý quan trọng để góp phần nâng cao hiệu quả BVMT không khí trong bối cảnh hiện nay.
Một số tồn tại pháp luật về BVMT không khí
Có thể thấy rằng, hệ thống pháp luật về BVMT không khí tại Việt Nam hiện nay về cơ bản đã đáp ứng các yêu cầu cần thiết để phục vụ cho việc BVMT không khí một cách hiệu quả. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, thì hệ thống các quy định pháp luật về vấn đề này cũng tồn tại một số bất cập như: Còn thiếu quy chuẩn môi trường không khí với từng khu vực có đặc trưng riêng, như quy chuẩn môi trường không khí trong nhà; quy chuẩn môi trường không khí đối với lĩnh vực nông nghiệp,… Mặt khác, Việt Nam cũng chưa có quy định về tổng lượng thải. Quy định về tổng lượng thải là chỉ tiêu quan trọng trong các quy chuẩn về khí thải, là cơ sở để nghiên cứu dự báo mức độ, khả năng xảy ra ô nhiễm môi trường không khí ở từng nơi cụ thể, đồng thời chỉ tiêu về tổng lượng thải sẽ là cơ sở để tính các loại thuế, phí môi trường cho các cơ sở có khí thải đưa vào môi trường, là cơ sở để phát triển thị trường mua bán quyền phát thải.
Bên cạnh đó, quy định về khuyến khích, ưu đãi đầu tư, sản xuất kinh doanh nhằm phòng ngừa ô nhiễm môi trường không khí chưa thật sự đạt hiệu quả. Để kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí được hiệu quả, các quốc gia cũng đã đưa ra nhiều chính sách khuyến khích, ưu đãi tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí. Ở Việt Nam, do tầm quan trọng của việc phòng ngừa ô nhiễm môi trường không khí nên những năm vừa qua, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách cũng như các quy định pháp luật về vấn đề này. Nhưng thực tế cho thấy, để được hưởng một số chính sách này là không dễ dàng. Do vậy, tổ chức, cá nhân trên thực tế vẫn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận và hiệu quả thực hiện một số chính sách còn chưa cao.
Đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác BVMT không khí
Để khắc phục những vấn đề bất cập cũng như góp phần nâng cao hiệu quả công tác BVMT không khí, cần nghiên cứu thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, xây dựng đạo luật đặc thù điều chỉnh hoạt động quản lý chất lượng không khí với nội dung cơ bản là kiểm soát, phòng ngừa ô nhiễm không khí do các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, từ đó kiểm soát nguyên nhiên liệu, kiểm soát chặt chẽ các nguồn phát thải, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức trong công tác quản lý môi trường không khí, tránh chồng chéo; xây dựng các quy chế phối hợp về quản lý chất lượng không khí, cơ chế công bố thông tin; kế hoạch quản lý môi trường không khí; tăng cường chế tài xử phạt… Bên cạnh đó, cần có chế định riêng trong việc xác định thiệt hại do không khí bị ô nhiễm, suy thoái, tách biệt với thiệt hại do môi trường nói chung bị ô nhiễm, suy thoái.
Thứ hai, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện quy chuẩn kỹ thuật môi trường không khí đối với lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ, đặc biệt là nghiên cứu xây dựng quy chuẩn môi trường không khí trong nhà tại các nhà máy, xí nghiệp, siêu thị, khu vui chơi, giải trí công cộng,... Khi các quy chuẩn này được hoàn thiện sẽ tạo cơ sở pháp lý cần thiết để phục vụ cho hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí đạt hiệu quả tối ưu.
Thứ ba, tiếp tục luật hóa về trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường không khí. Đồng thời, để xác định thiệt hại môi trường do ô nhiễm không khí, cần có văn bản hướng dẫn cách thức phân loại mức độ thiệt hại do ô nhiễm không khí theo mức độ thiệt hại (nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng) để làm cơ sở tính toán, xác định mức độ bồi thường thiệt hại.
Thứ năm, tăng cường tuyên truyền, giáo dục với người lãnh đạo, người quản lý và mọi người dân về các nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí, phân loại các nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí, cách thức phòng ngừa ô nhiễm môi trường không khí do hoạt động của các nguồn thải di động và nguồn thải cố định, phát hiện ô nhiễm môi trường không khí, cách thức xử lý, giải quyết khi phát hiện các hành vi làm ô nhiễm môi trường không khí.
Thứ sáu, đẩy mạnh bổ sung nguồn lực tài chính cho công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí. Nguồn tài chính cho công tác này ngoài lấy từ ngân sách nhà nước thì cần phải huy động từ người dân trong nước và nước ngoài. Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật ưu đãi, tạo điều kiện hỗ trợ về kinh phí, về thủ tục thực hiện theo hướng minh bạch, tinh gọn, nhanh chóng, chi phí thấp cho các dự án phát triển sạch và thúc đẩy thị trường mua bán các bon giữa Việt Nam với các nước khác, đồng thời cũng phải tổ chức thực thi các chính sách, pháp luật này nghiêm túc trên thực tiễn.
Thứ bảy, nâng cao năng lực của cán bộ, công chức trong quản lý nhà nước về môi trường không khí. Phát huy sức mạnh của cộng đồng trong quá trình phòng ngừa, phát hiện ô nhiễm môi trường không khí. Áp dụng các công nghệ 4.0 để cơ chế trao đổi, tương tác thông tin về tình hình môi trường, không khí được giám sát, cập nhật kịp thời. Nghiên cứu xây dựng cơ quan chuyên trách về kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí.
Thứ tám, nghiên cứu, đầu tư các công nghệ hiện đại để phòng ngừa, dự báo, giám sát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý ô nhiễm môi trường không khí. Tăng cường năng lực, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, đào tạo về môi trường không khí. Cần khuyến khích phát triển áp dụng các công nghệ và quy trình sản xuất ít chất thải, công nghệ sạch, ít gây ô nhiễm môi trường không khí. Bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên, đẩy mạnh trồng rừng sản xuất, rừng phòng hộ nhằm hấp thụ các chất thải nhà kính ngăn chặn việc tiếp tục suy giảm tầng ô zôn và chủ động ứng phó với BĐKH…
Tài liệu tham khảo
1. Luật số: 72/2020/QH14. “Luật BVMT”.
2.Chính Phủ. Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, ngày 10/1/2022 về “Quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT”.
3. Bộ TN&MT. Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BVMT.
Kim Văn Triệu
Viện Nhà nước và Pháp luật
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số Chuyên đề Môi trường không khí năm 2022)