Banner trang chủ

Một số nội dung về bảo vệ môi trường không khí quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP

06/04/2022

    Tình trạng ô nhiễm không khí đang là một trong những vấn đề đáng báo động tại Việt Nam hiện nay, đặc biệt là những vùng đô thị lớn. Nhằm tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, giảm thiểu tác động bất lợi đến sức khỏe người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, Luật BVMT năm 2020 đã đưa các quy định về BVMT không khí thành mục riêng. Bài viết trình bày một số nội dung chính về BVMT không khí được quy định trong Luật và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT.

Trạm quan trắc chất lượng không khí tự động, liên tục tại Hà Nội

1. Quy định chi tiết về các vấn đề BVMT không khí

    Lần đầu tiên, Luật BVMT đưa ra các quy định chi tiết hơn về các vấn đề BVMT không khí, cụ thể: Quy định chung về BVMT không khí (Điều 12); Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí (Điều 13); Trách nhiệm thực hiện quản lý chất lượng môi trường không khí (Điều 14). Trong đó, các quy định chung về BVMT không khí được quy định tại Điều 12, cụ thể: (1) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát thải bụi, khí thải tác động xấu đến môi trường phải có trách nhiệm giảm thiểu và xử lý theo quy định của pháp luật; (2) Chất lượng môi trường không khí phải được quan trắc, giám sát thường xuyên, liên tục và công bố theo quy định của pháp luật; (3) Tình trạng ô nhiễm môi trường không khí phải được thông báo và cảnh báo kịp thời nhằm giảm thiểu tác động đến sức khỏe cộng đồng; (4) Các nguồn phát thải bụi, khí thải phải được quan trắc, đánh giá và kiểm soát theo quy định của pháp luật.

    Ngoài ra, Điều 13 Luật BVMT năm 2020 còn quy định về Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp quốc gia và cấp tỉnh. Theo đó, nội dung chính của Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí được quy định chi tiết tại Điều 6 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, cụ thể: Về đánh giá công tác quản lý, kiểm soát ô nhiễm không khí cấp quốc gia; nhận định các nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường không khí:

a) Hiện trạng, diễn biến chất lượng môi trường không khí quốc gia trong giai đoạn tối thiểu 3 năm gần nhất; tổng lượng phát thải gây ô nhiễm môi trường không khí và phân bố phát thải theo không gian tự các nguồn ô nhiễm điểm, nguồn ô nhiễm di động, nguồn ô nhiễm diện; ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường không khí tới sức khỏe cộng đồng.

b) Kết quả thực hiện các chương trình quan trắc chất lượng môi trường không khí, các trạm quan trắc tự động, liên tục chất lượng môi trường không khí và khí thải công nghiệp; việc sử dụng số liệu quan trắc phục vụ công tác đánh giá diễn biến và quản lý chất lượng môi trường không khí trong giai đoạn tối thiểu 3 năm gần nhất.

c) Hiện trạng công tác quản lý chất lượng môi trường không khí cấp quốc gia giai đoạn tối thiểu 3 năm gần nhất; các vấn đề bất cập, tồn tại trong công tác quản lý chất lượng môi trường không khí.

d) Nhận định các nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường không khí.

    Đồng thời, Điều 14 Luật cũng quy định rõ trách nhiệm thực hiện quản lý chất lượng môi trường không khí, trong đó, Bộ TN&MT có trách nhiệm: Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí và tổ chức thực hiện; Hướng dẫn xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh, phương pháp đánh giá chất lượng môi trường không khí.

2. “Thực hiện các biện pháp khẩn cấp” về ô nhiễm môi trường không khí

    Luật BVMT năm 2020 đã quy định việc “thực hiện các biện pháp khẩn cấp” trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng. Luật BVMT năm 2020 nêu rõ, nếu môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng trên phạm vi liên tỉnh, liên vùng và xuyên biên giới thì Thủ tướng Chính phủ có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện các biện pháp khẩn cấp. Đối với phạm vi trong tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức thực hiện biện pháp khẩn cấp trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn, nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường không khí.

    Theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng do sự cố môi trường, việc ứng phó sự cố môi trường phải tuân thủ quy trình, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn, môi trường. Ứng phó sự cố môi trường thực hiện theo phương châm chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ. Tổ chức, cá nhân gây ra sự cố môi trường có trách nhiệm ứng phó sự cố môi trường, chi trả chi phí ứng phó sự cố môi trường…

    Trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng, cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo thực hiện các biện pháp khẩn cấp như hạn chế, tạm dừng hoặc điều chỉnh thời gian hoạt động của cơ sở sản xuất có lưu lượng xả bụi, khí thải lưu lượng lớn ra môi trường và thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; hạn chế, phân luồng hoạt động của các phương tiện giao thông vận tải đường bộ; tạm dừng hoặc điều chỉnh thời gian làm việc của các cơ quan, tổ chức, trường học; tạm dừng hoạt động tập trung đông người ở ngoài trời… Trong khi đó, môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng được xác định như sau:

1) Môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng cấp liên vùng, liên tỉnh khi chỉ số chất lượng không khí Việt Nam (VN_AQI) ngày có giá trị từ 301 trở lên theo kết quả quan trắc của các trạm quan trắc môi trường quốc gia, địa phương trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giáp ranh trở lên trong thời gian 3 ngày liên tục.

2) Môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng cấp tỉnh khi chỉ số chất lượng không khí Việt Nam (VN_AQI) ngày có giá trị từ 301 trở lên theo kết quả quan trắc của các trạm quan trắc môi trường quốc gia, địa phương trên địa bàn trong thời gian 3 ngày liên tục.

3. Nhiệm vụ và giải pháp quản lý chất lượng môi trường không khí

    Để quản lý chất lượng môi trường không khí, Luật và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP cũng nêu rõ nhiệm vụ và giải pháp tổng thể đó là: Hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định kỹ thuật; tổ chức, kiện toàn nguồn nhân lực; công cụ kỹ thuật, công nghệ, mô hình hóa; công cụ tài chính, chế tài kiểm soát ô nhiễm không khí; vận hành hiệu quả các chương trình quan trắc môi trường, các trạm quan trắc tự động, liên tục chất lượng môi trường không khí và nguồn thải, tăng cường thống kê, kiểm kê nguồn thải và hoàn thiện hệ thống dữ liệu chất lượng không khí.

    Đặc biệt, các Bộ, ngành có liên quan và UBND các tỉnh, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 1973/QĐ-TTg ngày 23/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021-2025; Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương xây dựng và thực hiện Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh theo hướng dẫn số 3051/BTNMT-TCMT ngày 7/6/2021 của Bộ TN&MT, với một số nội dung cụ thể sau:

a) Đánh giá công tác quản lý chất lượng môi trường không khí tại địa phương.

b) Đánh giá hiện trạng chất lượng môi trường không khí tại địa phương thông qua các hoạt động Kiểm kê các nguồn phát sinh khí thải, bụi chính.

c) Mô hình hóa diễn biến chất lượng môi trường không khí tại địa phương.

d) Phân tích, nhận định nguyên nhân ô nhiễm không khí trên địa bàn tỉnh, thành phố.

đ) Đánh giá ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến sức khỏe người dân địa phương (nếu có số liệu).

e) Xác định mục tiêu và phạm vi quản lý chất lượng môi trường không khí tại địa phương.

g) Xác định các nhiệm vụ và giải pháp quản lý chất lượng môi trường không khí tại địa phương.

h) Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp với lộ trình, kinh phí để thực hiện cụ thể.

    Có thể nói, ô nhiễm môi trường không khí là vấn đề được xã hội quan tâm, những quy định về BVMT không khí trong Luật BVMT năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP đã đáp ứng được yêu cầu cấp bách về BVMT không khí trong giai đoạn hiện nay.

Nguyễn Hoàng Đức

Vụ Quản lý chất lượng môi trường, Tổng cục Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 3/2022) 

 

Ý kiến của bạn