Banner trang chủ

Một số nội dung cơ bản của tiêu chuẩn Việt Nam - 13521:2022 về chất lượng không khí trong nhà đối với bảo vệ sức khỏe con người

02/12/2022

1. Tính cần thiết ban hành TCVN 13521:2022 - Nhà ở và nhà công cộng - Các thông số chất lượng không khí trong nhà  

    Ngày 29/8/2022 Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã ban hành Quyết định số 1686/QĐ-BKHCN công bố Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 13521:2022 - Nhà ở và nhà công cộng - Các thông số chất lượng không khí trong nhà. Tiêu chuẩn TCVN13521:2022 do Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam biên soạn, Bộ Xây dựng biên soạn và xây dựng, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ KH&CN công bố. Việc phổ biến rộng rãi và áp dụng kịp thời Tiêu chuẩn này vào cuộc sống thực tế là rất quan trọng và cấp thiết. Bởi vì theo Báo cáo của Trung tâm An toàn Sức khỏe Dân cư của Canađa (1998), hoạt động sống của con người chủ yếu diễn ra ở trong nhà (chiếm tới 86,9%), còn lại là ở ngoài trời (chiếm 7,6%) và trên các phương tiện giao thông (chiếm 5.5%) [5]. Chất lượng không khí trong nhà (CLKKTN) có ảnh hưởng rất lớn đối với sức khỏe và hiệu quả lao động của con người. Con người bình thường có thể nhịn ăn từ 7-10 ngày, nhịn uống 3 - 4 ngày, nhưng chỉ cần nhịn thở 3-4 phút là có thể tử vong [1]. Theo Báo cáo của Liên minh Toàn cầu về sức khỏe và ô nhiễm (GAHP, 2019): Tổng số người chết do ô nhiễm môi trường ở Việt Nam năm 2017 là 71.365 người, trong đó chết do ô nhiễm không khí là 70,4%, chết do ô nhiễm nước là 4,4%, chết do ô nhiễm chì là 11,5% và chết do ô nhiễm nghề nghiệp là 12,6%.  Các số liệu trên cho thấy, tầm quan trọng của CLKKTN, ở rất nhiều nước trên thế giới đã ban hành Luật không khí sạch và Tiêu chuẩn CLKKTN từ khoảng 20 năm về trước. Có nghĩa là nước ta ban hành TCVN về chất lượng không khí trong nhà chậm hơn các nước trên thế giới khoảng 20 năm, do đó càng phải cần thiết nâng cao nhận thức và áp dụng Tiêu chuẩn này vào thực tế cuộc sống.

    Tiêu chuẩn TCVN 13521:2022 không phải là tiêu chuẩn biên dịch từ tiêu chuẩn nước ngoài như nhiều tiêu chuẩn khác về môi trường ở nước ta. Tiêu chuẩn này được biên soạn mới, dựa trên các căn cứ vào kết quả của Đề tài khoa học khảo sát đánh giá hiện trạng môi trường không khí trong nhà văn phòng ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh (2017 - 2018); môi trường không khí trong nhà ở Hà Nội (2019- 2021) và đề xuất các giải pháp cải thiện cùng với sự kết hợp, tham khảo các tiêu chuẩn có liên quan của một số nước trên thế giới.

2. Nội dung cơ bản của Tiêu chuẩn

    TCVN 13521:2022 áp dụng cho các nhà ở và nhà công cộng khi đóng kín cửa chống lạnh trong mùa đông hay điều hòa không khí làm mát trong mùa hè. Tiêu chuẩn này quy định các giá trị giới hạn các thông số chất lượng không khí trong nhà. Là điều kiện cơ sở thiết kết kết cấu bao che và hệ thống thiết bị thông gió – điều hòa không khí của tòa nhà và đánh giá tiêu chí về chất lượng môi trường trong nhà đối với các ông trình xanh. Tiêu chuẩn bao gồm các mục chính sau:

Mục 4- Xác định các giá trị giới hạn các thông số CLKKTN: Đối với Tiêu chuẩn chất lượng không khí trong nhà thì điều quan trọng nhất, cốt lõi của tiêu chuẩn là cần lựa chọn xác định chính xác và đầy đủ số lượng các thông số chất lượng không khí trong nhà, cũng như xác định đúng các mức giới hạn cho phép của các thông số CLKKTN đó, như cho ở Bảng 1. Ví dụ, để lựa chọn xác định thông số tiêu chuẩn bụi mịn PM2.5 và khí CO2 thì nhóm biên soạn đã phải thiết lập biểu đồ Hình 1 (đối với PM2.5) và biểu đồ Hình 2 (đối với CO2). Phần trên cùng (phần 1) của Hình 1 và Hình 2 là các trị số tiêu chuẩn của một số nước trên thế giới, phần 2 của biểu đồ là kết quả khảo sát đo lường thực tế của nhà văn phòng (nhà làm việc) mùa đông và mùa hè, phần 3 của biểu đồ là kết quả khảo sát đo lường thực tế của nhà ở trong mùa đông và phần 4 của biểu đồ là kết quả khảo sát đo lường thực tế của nhà ở trong mùa hè.

Bảng 1. Mức giới hạn của các thông số chất lượng không khí trong nhà

TT

Thông số

Giới hạn được chấp nhận

Đơn vị

Phương pháp đo/phân tích

1

Bụi PM2.5

50

µg/m3

ISO 16000-37:2019

2

Bụi PM10

100

µg/m3

AS/NZS 3580.9.7:2009

AS/NZS 3580.9.6:2003

3

Chì (Pb)

1,5

µg/m3

TCVN 6152:1996

4

Cacbon dioxit (CO2)

1000

ppm

TCVN 10736-26:2017

5

Cacbon monoxit (CO)

10

9

mg/m3

ppm

TCVN 7725:2007

6

Formaldehyt (HCHO)

100

0,08

µg/m3

ppm

TCVN 10736-2:2015

TCVN 10736-3:2015

TCVN 10736-4:2015

7

Tổng các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (TVOC)a

500

µg/m3

TCVN 10736-5:2015

TCVN 10736-6:2016

8

Nitơ dioxit (NO2)

100

µg/m3

TCVN 10736-15:2017

9

Lưu huỳnh oxit (SO2)

100

µg/m3

TCVN 5971:1995

TCVN 7726:2007

10

Ozon (O3)

100

µg/m3

TCVN 6157:1996

11

Tổng lượng vi khuẩn trong không khí

  • Nhà công cộng
  • Nhà ở

 

 

1000

1500

 

 

cfu/m3

cfu/m3

NIOSH Manual of Analytical Methods 0800

12

Tổng lượng nấm mốc trong không khí

  • Nhà công cộng
  • Nhà ở

 

 

500

700

 

 

cfu/m3

cfu/m3

TCVN 10736-16:2017

TCVN 10736-17:2017

TCVN 10736-18:2017

TCVN 10736-19:2017

TCVN 10736-20:2017

13

Radon

  • Nhà xây mới
  • Nhà hiện hữu

 

< 100

< 200

 

Bq/m3

Bq/m3

TCVN 10759-4:2016

TCVN 10759-5:2016

TCVN 10759-6:2016

    Chú thích: Mức giới hạn của các thông số chất lượng không khí (ngoại trừ radon) được nêu trong Bảng 1 được áp dụng đối với các loại nhà công cộng là trị số trung bình 8 h làm việc trong ngày, đối với các loại nhà ở là trị số trung bình 24 h trong ngày. Đối với giới hạn của nồng độ khí radon là trị số trung bình ba tháng liên tục.

Hình 1. Biểu đồ tổng hợp thông tin để phân tích lựa chọn giới hạn cho phép của PM2.5

 Hình 2. Biểu đồ tổng hợp thông tin để phân tích lựa chọn giới hạn cho phép của CO2

    Xét biểu đồ Hình 1 cho thấy, ở phần 1 có 8/11 nước quy định trị số giới hạn cho phép đối với bụi PM2.5 là ≤ 35 µg/m3, 2 nước quy định bằng 50 µg/m3, 1 nước quy định là 65 µg/m3. Xét các kết quả đo lường thực tế cho thấy: Tổng cộng có 18/26 (69%) phòng có trị số PM2.5 ≤ 50 µg/m3, 8/26 (31%) phòng có trị số PM2.5 > 50 µg/m3. Vì vậy, lúc đầu nhóm biên soạn lấy trị số tiêu chuẩn của PM2.5 là 35 µg/m3, nhưng Hội đồng thẩm định đã quyết định lấy trị số tiêu chuẩn của PM2.5 là 50 µg/m3 để phù hợp với QCMT 05:3013/BTNMT về chất lượng không khí xung quanh và đảm bảo tính khả thi của tiêu chuẩn.

    Để lựa chọn trị số tiêu chuẩn giới hạn cho phép đối với thông số CO2 ta phân tích số liệu cho ở biểu đồ hình 2 thấy rằng ở phần 1 có 7/11 nước (64%) quy định trị số giới hạn cho phép đối với thông số CO2 là = 1.000 µg/m3, 2 nước (18%) quy định trị số CO2 < 1.000 µg/m3 và 2 nước (18%) quy định trị số CO2 > 1.000 µg/m3.  Xét các kết quả đo lường thực tế (ở các phần dưới của biểu đồ)  thấy rằng: Trong tổng số số liệu đo lường thực tế có 30/37 (69%) phòng có trị số CO2 < 1.000 µg/m3 và có 7/37 (19%) phòng có trị số CO2 > 1.000 µg/m3.  Do vậy nhóm tác giả đã dự kiến lấy trị số giới hạn cho phép đối với thông số CO2 là = 1.000 µg/m3. Hội đồng thẩm định cũng thống nhất với đề xuất này.

    Xét biểu đồ Hình 1 cho thấy, phòng khách của nhà ông Phạm Ngọc Hiểu có trị số PM2.5 cao tới 223,5 µg/m3, gấp 4,5 lần tiêu chuẩn cho phép. Nguyên nhân là ở phòng khách của nhà ông Hiểu có bày bàn thờ cúng, thường xuyên đốt hương nhang, nên phát sinh bụi mịn và khí TVOC rất lớn, nên trong Tiêu chuẩn TCVN 13521:2022 cần phải có điều quy đình về giảm thiểu ô nhiễm không khí trong các căn hộ có đặt bàn thờ cúng. Số liệu khảo sát đo lường thực tế CLKKTN đối với các nhà ở mới xây phát hiện không khí trong nhà bị ô nhiễm nặng về các khí VOC và formaldehyt, bị ô nhiễm rất nặng là ở các nhà ốp, lát bằng gỗ công nghiệp.

    Mục 5- Khuyến nghị chung: Trong Tiêu chuẩn TCVN 13521:2022 có 5 khuyến nghị chung: 1) Trong thực tế, các chất ô nhiễm nêu trong Bảng 1 có thể không có phổ biến trong các không gian của các tòa nhà cụ thể. Tuy vậy, tất cả các thông số này đều cần được theo dõi trong tình huống khi nghi ngờ có nguồn thải tiềm năng trong tòa nhà; 2) Khi người cư trú và làm việc  khiếu nại về môi trường không khí trong nhà dù điều này bắt nguồn từ các yếu tố khác thì môi trường không khí trong nhà vẫn cần được kiểm tra thêm; 3) cần phải thường xuyên kiểm soát nồng độ Ozon trong nhà để bảo đảm nó không thể đột biến gây ra kích hoạt các biến đổi hóa học đối với Ozon và VOC trong nhà; 4) Các dạng nhà ở có không gian thờ cúng cần hạn chế đốt hương nhang bởi vì đốt hương nhang sẽ thải ra các loại bụi mịn và các chất VOC rất lớn. Trong trường hợp không gian thờ cúng ở trong nhà đóng kín cửa bật điều hòa không khí, khi đốt hương nhang cần phải lắp đặt thêm máy lọc không khí để xử lý ô nhiễm bụi mịn và các khí VOC; 5) trước khi vào ở tòa nhà mới xây hay tòa nhà hiện hữu vừa được sửa chữa cải tạo, người sử dụng tòa nhà cần tiến hành đo lường kiểm tra nồng độ TVOC và formaldehyt có đáp ứng yêu cầu theo quy định ở Bảng 1.

    Khuyến nghị số 4 về Hướng dẫn chống ô nhiễm môi trường không khí trong các nhà ở có đặt bàn thờ cúng thường xuyên đốt hương nhang và khuyến nghị số 5 về CLKKTN trong các nhà mới được xây dựng xong, được nêu ra trong các khuyến nghị nêu trên xuất phát từ phân tích các kết quả đo lường khảo sát thực tế như ở phần trên đã trình bày. Tổng quan cho thấy, 2 điều khuyến nghị trên không thấy có trong bất cứ tiêu chuẩn tương tự nào của bất kỳ nước nào trên thế giới.

     Các Phụ lục: Tiêu chuẩn TCVN 13521:2022 có 11 Phụ lục, đó là: Phụ lục A- Kiểm soát phơi nhiễm - Thông gió; Phụ lục B - Bảo trì hệ thống thông gió - điều hòa không khí; Phụ lục C - Chất lượng không khí trong nhà, năng suất làm việc và sức khỏe; Phụ lục D - Hướng dẫn đảm bảo CLKKTN được chấp nhận; Phụ lục E - Nguồn ô nhiễm và kiểm soát các chất gây ô nhiễm không khí trong nhà; Phụ lục F - Kiểm soát tại nguồn - Phát thải ô nhiễm từ vật liệu xây dựng; Phụ lục G - Chương trình quản lý CLKKTN; Phụ lục H - Thông tin về các chất gây ô nhiễm KK trong nhà, các tác nhân ô nhiễm vi sinh vật và hướng dẫn về xử lý nấm mốc; Phụ lục I - Hướng dẫn kiểm tra CLKKTN; Phụ lục J - Biểu mẫu kiểm tra CLKKTN; Phụ lục K - Phiếu điều tra mẫu đối với người làm việc trong tòa nhà.

    Các Phụ lục này cung cấp tương đối đầy đủ các thông tin tham khảo cần thiêtt cho việc thực hiện các điều quy định của Tiêu chuẩn. Đối với phòng điều hòa không khí, đóng cửa kín mít thì CLKKTN thường sẽ bị ô nhiễm trầm trọng, nhất là bị ô nhiễm khí CO2 và khí VOC, rất nguy hại đối với sức khỏe người sống trong phòng. Vì vậy, Phụ lục A-Kiểm soát phơi nhiễm thông gió đã cho lưu lượng thông gió tối thiểu đối với mục đích thiết kế thông gió-điều hòa không khí đảm bảo tiện nghi sức khỏe, lưu lượng không khí ngoài nhà (không khí tươi) tối thiểu cần thiết cho bất kỳ không gian hoạt động của con người trong tòa nhà được tính toán theo quy định của TCVN 5687:2010. Trong trường hợp không đủ điều kiện tính toán cụ thể, lưu lượng không khí ngoài nhà cấp vào phòng có thể lấy theo tiêu chuẩn đầu người hoặc theo diện tích sàn nhà cho trong Bảng A.1 dưới đây.

Bảng A.1 - Bảng tiêu chuẩn lưu lượng không khí ngoài nhà cấp cho các phòng điều hòa không khí tiện nghi theo yêu cầu vệ sinh môi trường

TT

Loại phòng

Diện tích m2/người

Lưu lượng không khí ngoài nhà yêu cầu

Ghi chú

m3/h.ng

m3/h.m2

1

Khách sạn, nhà nghỉ

 

Phòng ngủ

10

35

 

Không phụ thuộc diện tích phòng

Phòng khách

5

35

 

 

Hành lang

3

25

 

 

Phòng họp, hội thảo

2

30

 

 

Đại sảnh

1

25

 

 

Phòng làm việc

12 - 14

30

 

 

Sảnh đợi

1,5

25

 

 

Phòng ngủ tập thể

5

25

 

 

Phòng tắm

 

 

40

Được sử dụng khi cần thiết, không thường xuyên

             

3. Kết luận

    Tiêu chuẩn TCVN 13521:2022  được biên soạn dựa trên kết quả khảo sát CLKKTN thực tế trong 4 năm liên tục ở Việt Nam, kết hợp với sự tham khảo các tiêu chuẩn có liên quan của một số nước trên thế giới, Tiêu chuẩn này vừa có tính hiện đại, hòa nhập quốc tế, vừa có tính thực tiễn và bảo đảm tính khả thi ở Việt Nam. Việc ban hành tiêu chuẩn này có ý nghĩa quan trọng để tạo cơ sở pháp lý trong việc thiết kế, vận hành và quản lý công trình nhằm nâng cao môi trường sống trong nhà, đảm bảo sức khỏe và hiệu quả làm việc cho người dân Việt Nam. Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phổ biến, tuyên truyền Tiêu chuẩn TCVN 13521:2022 vào thực tiễn, đồng thời xây dựng hướng dẫn kỹ thuật nhằm áp dụng hiệu quả Tiêu chuẩn.

Tài liệu tham khảo:

1. Tiêu chuẩn quốc gia: TCVN 13521:2022 - Xuất bản lần 1.

2. Phạm Thị Hải Hà, Nguyễn Thành Trung. Chất lượng không khí trong nhà và các khuyến nghị trong công tác thiết kế và vận hành công trình xây dựng. Tạp chí Kiến trúc số 02-2020.

3. Báo cáo Tổng kết NC Đề tài mã số MT08-17 “Khảo sát đánh giá chất lượng không khí trong nhà Văn phòng và đề xuất các giải pháp cải thiện”. Hà Nội -2019.

GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng

Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE)

TS.KTS Phạm Thị Hải Hà

Trưởng Bộ môn Kiến trúc môi trường - Đại học Xây dựng Hà Nội

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 11/2022)

Ý kiến của bạn