Banner trang chủ

Một số nội dung chính của khung quản lý khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam

02/10/2024

    Khu dự trữ sinh quyển (KDTSQ) là khu vực có hệ sinh thái đất liền, biển, ven biển hoặc có sự kết hợp giữa các hệ sinh thái được quốc tế công nhận trong khuôn khổ Chương trình Con người và Sinh quyển của UNESCO (MAB)là KDTSQ thế giới (KDTSQTG). Năm 1976, Mạng lưới Toàn cầu các KDTSQ được UNESCO thành lập. Tính đến tháng 6/2023, Mạng lưới có 748 KDTSQTG thuộc 134 quốc gia. Việt Nam trở thành thành viên Mạng lưới các KDTSQTG và tham gia MAB từ năm 2000 kể từ khi KDTSQTG đầu tiên là rừng ngập mặn Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh được UNESCO công nhận. Sau 22 năm, Việt Nam đã có 11 KDTSQTG, chiếm khoảng 14,69% diện tích tự nhiên của cả nước, trở thành quốc gia có số lượng KDTSQTG thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á. Việc đề cử, quản lý các KDTSQTG được thực hiện theo hướng dẫn của UNESCO, đồng thời tuân thủ các quy định pháp luật của nước sở tại. Bài viết cung cấp các thông tin về các quy định, hướng dẫn của UNESCO; các quy định pháp lý trực tiếp điều chỉnh việc tổ chức, quản lý các KDTSQTG tại Việt Nam và một số khuyến nghị để hoàn thiện, thực hiện khung hướng dẫn quản lý các KDTSQTG tại Việt Nam trong thời gian tới.

1. Hướng dn ca UNESCO v qun lý KDTSQTG

    Khung quản lý các KDTSQTG của UNESCO là một bộ tài liệu hướng dẫn quốc tế dựa trên sự tự nguyện tham gia của các quốc gia thành viên nhằm hỗ trợ việc quản lý các KDTSQTG, trong đó bao gồm:

  • Khung pháp lý của mạng lưới các KDTSQTG (1995) là văn bản xác định cơ sở pháp lý cho việc quản lý và phát triển các KDTSQ toàn cầu theo khuôn khổ của UNESCO, bao gồm các điều khoản chính: Xác định mục đích và phạm vi; Định nghĩa; Nguyên tắc; Tiêu chí đề cử; Đánh giá và Giám sát; Hợp tác với các tổ chức liên chính phủ và đối tác; Đánh giá và phản hồi; Hiệu lực và thực thi. Khung pháp lý quy định trách nhiệm quản lý và điều hành các khu DTSQ thuộc về các quốc gia và tuân thủ theo khung pháp lý riêng của các quốc gia. Về cơ bản, UNESCO không có trách nhiệm quản lý các KDTSQ hoặc ban hành, sửa đổi luật pháp để đáp ứng các yêu cầu của Chương trình MAB, mà đây là trách nhiệm của các quốc gia có các KDTSQ được công nhận.
  • Chiến lược Seville (1995) dành cho các KDTSQTG xây dựng năm 1995, đặt ra các mục tiêu cụ thể cho các KDTSQTG của UNESCO và kêu gọi sự tham gia của tất cả các bên liên quan.
  • Kế hoạch hành động Madrid (KHHĐ Madrid) (2008-2015), Chiến lược MAB (2015-2025), Kế hoạch Hành động Lima (2016-2025) đề ra định hướng và các nhiệm vụ trọng tâm trong từng thời kỳ để tăng cường và mở rộng mạng lưới KDTSQTG trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

    Khung pháp lý của mạng lưới các KDTSQTG đã xác định mục tiêu của việc công nhận các KDTSQTG, các chức năng của các KDTSQTG về bảo tồn (đóng góp vào việc bảo tồn đa dạng cảnh quan, hệ sinh thái, loài và nguồn gen), phát triển (thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa và con người một cách bền vững về các mặt văn hóa, xã hội và sinh thái), hỗ trợ (hỗ trợ các chương trình trình diễn, các hoạt động giáo dục và tập huấn về môi trường, nghiên cứu và giám sát liên quan đến vấn đề bảo tồn và phát triển bền vững ở cấp địa phương, quốc gia và toàn cầu) và yêu cầu thực hiện phân vùng KDTSQTG thành vùng lõi, vùng đệm và vùng chuyển tiếp để thực hiện các chức năng này. Các KDTSQTG cần định kỳ thực hiện báo cáo đánh giá mười năm một lần để đảm bảo tất cả KDTSQ đều thực hiện các chức năng được quy định trong Khung pháp lý của mạng lưới các KDTSQTG.

    Các chiến lược, kế hoạch của Chương trình MAB được thông qua nhằm hỗ trợ các quốc gia thành viên và các bên liên quan khác trong việc thúc đẩy các KDTSQTG và sự phát triển bền vững của các KDTSQTG. Đặc biệt, Chiến lược MAB giai đoạn 2015-2025 đã đề ra 4 mục tiêu: (i) Bảo tồn đa dạng sinh học, khôi phục và tăng cường các dịch vụ hệ sinh thái, khuyến khích sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên; (ii) Góp phần xây dựng xã hội, nền kinh tế và định cư bền vững, lành mạnh, bình đẳng cho con người; (iii) Tạo điều kiện cho khoa học bền vững và giáo dục để thúc đẩy phát triển bền vững; (iv) Hỗ trợ giảm nhẹ, thích ứng với biến đổi khí hậu và các khía cạnh khác của biến đổi môi trường toàn cầu. Trên cơ sở đó, 5 lĩnh vực hoạt động ưu tiên: (i) Mạng lưới KDTSQTG triển khai các mô hình hoạt động hiệu quả để phát triển bền vững; (ii) Hợp tác toàn diện, năng động và dựa trên kết quả; kết nối Chương trình MAB và Mạng lưới các KDTSQTG; (iii) Quan hệ đối tác hiệu quả; nguồn kinh phí đầy đủ và bền vững cho Chương trình MAB và Mạng lưới KDTSQTG; (iv) Chia sẻ thông tin và dữ liệu một cách toàn diện, công khai, minh bạch; (v) Quản trị hiệu quả Mạng lưới KDTSQTG.

    Các văn bản hướng dẫn của UNESCO có tính chất hướng dẫn và khuyến nghị để các quốc gia thực hiện việc quản lý và điều hành các KDTSQTG theo khung pháp lý riêng của các quốc gia đó. Một số quốc gia đã ban hành luật và các văn bản pháp luật để thành lập các KDTSQ, trong khi những quốc gia khác thì tiến hành điều chỉnh luật hiện hành để phù hợp với mục đích này.

2. Các quy định pháp lý của Việt Nam về quản lý KDTSQTG

    Luật BVMT năm 2020 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Trước thời điểm Luật có hiệu lực thì việc đề cử, quản lý các KDTSQTG được thực hiện theo hướng dẫn của UNESCO; đồng thời, việc quản lý tài nguyên thiên nhiên, BVMT, bảo tồn đa dạng sinh học tại KDTSQTG được thực hiện theo các quy định pháp luật của quốc gia. Ví dụ, việc quản lý khu vực vùng lõi của các KDTSQTG là các các khu bảo tồn thiên nhiên thì được thực hiện theo pháp luật về lâm nghiệp, thủy sản, đa dạng sinh học. Các KDTSQTG chưa được xác định vị trí pháp lý trong các quy định pháp luật, không có các quy định về việc tổ chức quản lý KDTSQ để thực hiện các yêu cầu mới do UNESCO hướng dẫn thực hiện.

    Luật BVMT năm 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT (Nghị định số 08/2022/NĐ-CP), Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BVMT (Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT) quy định KDTSQTG thuộc loại hình di sản thiên nhiên, do vậy chịu sự chi phối bởi các quy định về quản lý, BVMT di sản thiên nhiên theo pháp luật về BVMT. Luật BVMT năm 2020 có 2 Điều liên quan trực tiếp đến KDTSQTG với Điều 20. Di sản thiên nhiên và  Điều 21. Nội dung BVMT di sản thiên nhiên.

    Nghị định số 08/2022/NĐ-CP đã hướng dẫn cụ thể 2 Điều này của Luật BVMT, bao gồm các nội dung: Tiêu chí, trình tự, thủ tục và thẩm quyền xác lập, công nhận KDTSQTG (Khoản 2 Điều 19); Trình tự, thủ tục và thẩm quyền đề cử công nhận di sản thiên nhiên được tổ chức quốc tế công nhận (Điều 20), Điều tra, đánh giá, quản lý và BVMT di sản thiên nhiên (Điều 21). Ngoài ra, tại Điều 9 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT đã quy định về việc Xây dựng, phê duyệt quy chế, kế hoạch quản lý và BVMT di sản thiên nhiên.

3.  Các ni dung chính ca khung qun lý KDTSQTG ti Việt Nam

    Căn cứ vào các hướng dẫn của UNESCO, các quy định pháp lý của Việt Nam và tình hình thực tiễn, có thể xác định các nội dung chính của khung quản lý các KDTSQTG tại Việt Nam.

3.1 Đ c và rút khi danh hiu KDTSQTG

    Ban Quản lý (hoặc tổ chức được giao quản lý) khu di sản thiên nhiên (bao gồm các khu bảo tồn thiên nhiên theo quy định của Luật Đa dạng sinh học và các khu di sản thiên nhiên khác) căn cứ vào tiêu chí công nhận KDTSQTG của UNESCO để lập hồ sơ đề cử. Quy trình đề cử thực hiện theo quy định tại Điều 20 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP. Mặt khác, các quốc gia cũng có thể đề nghị UNESCO cho rút ra khỏi danh hiệu KDTSQTG khi xác định không còn đáp ứng các tiêu chí KDTSQTG của UNESCO.  

3.2. Tổ chức quản lý KDTSQTG

    Các cơ quan có liên quan tới quản lý KDTSQTG bao gồm các cơ quan chính: Ban Quản lý KDTSQTG, Bộ TN&MT, Ủy ban UNESCO (cơ quan thường trực là Bộ Ngoại giao), Ủy ban MAB, UBND các tỉnh, thành phố (nơi có KDTSQTG).

    Ban Quản lý KDTSQ, Văn phòng thường trực, Ban cố vấn: Để quản lý KDTSQTG cần lập Ban Quản lý liên ngành KDTSQTG. Ban Quản lý liên ngành (BQL) thực hiện vai trò điều phối liên ngành, huy động và nâng cao hiệu quả sự tham gia của các bên liên quan nhằm thực hiện mục tiêu KDTSQTG. Thẩm quyền Quyết định thành lập BQL do Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh (đối với KDTSQTG nằm trên địa bàn một tỉnh), hoặc do Thủ tướng quyết định thành lập (đối với KDTSQ nằm trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc nằm trên vùng biển chưa xác định được trách nhiệm quản lý hành chính của UBND cấp tỉnh).

    Tuy nhiên, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP không quy định cụ thể cơ cấu, thành phần của Ban Quản lý liên ngành cũng như việc thành lập Văn phòng thường trực/Ban thư ký, Ban cố vấn. (chị diễn đạt lại giúp em câu này cho dễ hiểu ạ). Để bảo đảm thực hiện được các nhiệm vụ quản lý liên ngành của KDTSQTG, Trưởng BQL thường do một Lãnh đạo của UBND tỉnh (trong trường hợp KDTSQTG thuộc phạm vi một tỉnh, ví dụ KDTSQTG Tây Nghệ An) hoặc có sự luân phiên Lãnh đạo của các UBND tỉnh (trong trường hợp KDTSQTG có vùng lõi nằm trên địa bàn nhiều tỉnh, ví dụ trường khu DTSTTG vùng đất ngập nước ven biển Châu thổ sông Hồng), hoặc do một lãnh đạo cấp thành phố (trong trường hợp KDTSQTG thuộc phạm vi một huyện, thành phố); các thành viên của Ban quản lý liên ngành bao gồm đại diện của các ngành có liên quan. Theo hướng dẫn của UNESCO, tùy điều kiện thực tế, các KDTSQTG có thể thiết lập các Văn phòng thường trực/Ban thư ký và Ban cố vấn. Thông thường, trách nhiệm thường trực thường được giao cho cơ quan quản lý về tài nguyên và môi trường, lâm nghiệp, thủy sản hoặc tổ chức đã được giao quản lý khu di sản thiên nhiên đó. Tùy vào nhu cầu thực tiễn, UBND tỉnh có thể xem xét việc thành lập Ban cố vấn cho BQL KDTSQTG để tham mưu các vấn đề liên quan trong quá trình quản lý.

    Cơ quan quản lý nhà nước về KDTSQTG ở cấp Trung ương: Bộ TN&MT có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn việc lập hồ sơ đề cử công nhận và quản lý KDTSQTG; giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý và BVMT; xây dựng, ban hành, trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức thực hiện và thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật, hướng dẫn kỹ thuật về quản lý và BVMT tại KDTSQTG.

    Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam (Cơ quan thường trực là Bộ Ngoại giao): Ủy ban quốc gia (UBQG) UNESCO Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ kiện toàn tại Quyết định số 30/11/2011 gồm đại diện của các bộ, ngành có liên quan nhằm tư vấn, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp các hoạt động của các Bộ, cơ quan ngành bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan với tổ chức UNESCO, tổ chức và hoạt động của các tiểu ban chuyên môn của UNESCO.

    UBQG về con người và sinh quyển (MAB): Theo hướng dẫn của UNESCO thì các quốc gia cần thành lập UBQG MAB, có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ tư vấn cho việc quản lý các KDTSQTG. Ở Việt Nam, UBQG MAB được thành lập theo Quyết định số 173-CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ngày 17/7/1986. UBQG MAB đã được kiện toàn nhiều lần và gần nhất theo Quyết định số 02/BTK/19 của UBQG UNESCO Việt Nam ngày 14/8/2019. UBQG MAB được UBQG UNESCO thành lập và hoạt động theo quy chế do UBQG UNESCO ban hành, có nhiệm kỳ đến 2022. UBQG MAB cần sớm được kiện toàn để phù hợp với thực tiễn hiện nay trên cơ sở một số nguyên tắc: là tổ chức tư vấn có trách nhiệm tham mưu Bộ TN&MT, UBQG UNESCO, UBND cấp tỉnh, BQL KDTSQTG, trong việc thực hiện các mục tiêu, yêu cầu về đề cử và quản lý KDTSQTG.  

    UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có KDTSQTG: thực hiện trách nhiệm của chính quyền cấp tỉnh trong việc quản lý KDTSQ theo quy định của pháp luật, thống nhất quản lý và BVMT KDTSQ trên địa bàn quản lý. Trong mô hình quản trị KDTSQTG, ở Việt Nam không có mô hình tư nhân hoặc cộng đồng quản lý KDTSQTG, do đó, trong quy định pháp luật không có quy định cụ thể về sự tham gia của khu vực tư nhân và cộng đồng trực tiếp quản lý KDTSQTG.

3.3. Phân vùng KDTSQ

    Theo quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, KDTSQTG là di sản thiên nhiên cấp quốc gia đặc biệt, được phân vùng để quản lý nhằm thực hiện 3 chức năng của KDTSQTG. Một KDTSQTG cần có sự phân vùng chức năng, bao gồm các khu vực bảo vệ chặt chẽ (vùng lõi) và các khu vực dành riêng cho các hoạt động sinh kế và phát triển (vùng đệm và vùng chuyển tiếp).  

    - Vùng lõi gồm một phần hoặc nhiều khu vực được bảo vệ lâu dài nhằm bảo tồn cảnh quan, hệ sinh thái và nguồn gen. Theo Điểm a, Khoản 5, Điều 21 của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, vùng lõi bao gồm các khu bảo tồn thiên nhiên; khu vực bảo vệ I của danh lam thắng cảnh được công nhận là di sản văn hóa, khu vực có các giá trị cốt lõi cần phải được bảo vệ nguyên vẹn, giữ được nét nguyên sơ tự nhiên của di sản thiên nhiên.

    - Vùng đệm bao gồm khu vực có giá trị cần bảo vệ ở mức thấp hơn so với vùng lõi của di sản thiên nhiên, khu vực bảo vệ II của danh lam thắng cảnh được công nhận là di sản văn hóa và khu vực nằm sát ranh giới của vùng lõi có tác dụng ngăn chặn, giảm nhẹ tác động tiêu cực của hoạt động phát triển kinh tế- xã hội bên ngoài di sản thiên nhiên đến vùng lõi của di sản thiên nhiên. Để bảo đảm tính thống nhất về chế độ quản lý, vùng đệm của KDTSQTG cũng là vùng đệm của khu bảo tồn thiên nhiên (đối với khu vực có vùng  lõi là khu bảo tồn thiên nhiên theo pháp luật về đa dạng sinh học), vùng đệm của khu rừng đặc dụng (đối với khu vực có vùng lõi là khu rừng đặc dụng theo pháp luật về lâm nghiệp), vùng đệm của khu bảo tồn biển (đối với khu vực có vùng  lõi là khu bảo tồn biển theo pháp luật về thủy sản).

    - Vùng chuyển tiếp là nơi cộng đồng thúc đẩy các hoạt động kinh tế và nhân văn bền vững về các mặt văn hóa - xã hội và sinh thái. Theo Điểm c, Khoản 5, Điều 21 của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, vùng chuyển tiếp là các khu vực nằm liên kết với vùng đệm, nơi diễn ra các hoạt động phát triển kinh tế- xã hội cần được kiểm soát để phù hợp, hài hòa với mục tiêu bảo vệ, bảo tồn của việc xác lập, công nhận di sản thiên nhiên.

3.4. Ban hành kế hoch, quy chế qun lý, BVMT KDTSQTG

    Khung quản lý các KDTSQTG của UNESCO và pháp luật Việt Nam đều có yêu cầu KDTSQTG cần được quản lý, bảo vệ theo kế hoạch, quy chế quản lý. Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định kế hoạch, quy chế quản lý, BVMT KDTSQTG do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (UBND cấp tỉnh đối với KDTSQTG nằm trên địa bàn một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ TN&MT đối với KDTSQTG nằm trên địa bàn nhiều tỉnh). Các nội dung BVMT di sản thiên nhiên bao gồm các quy định về kiểm soát hoạt động sản xuất, dịch vụ trong vùng lõi của di sản thiên nhiên; phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên, bảo vệ các giá trị cốt lõi của thiên nhiên và đa dạng sinh học; điều tra, đánh giá, theo dõi, giám sát, kiểm kê, báo cáo các chỉ số đặc trưng về địa chất, cảnh quan, sinh thái, đa dạng sinh học của di sản thiên nhiên; việc thực hiện các yêu cầu khác về BVMT, ngăn ngừa, kiểm soát các tác động tới môi trường, đa dạng sinh học di sản thiên nhiên theo quy định của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, các quy định của pháp luật có liên quan và quy định của các điều ước quốc tế về môi trường và đa dạng sinh học mà Việt Nam đã ký kết.

    Việc xây dựng kế hoạch quản lý và BVMT KDTSQTG cần áp dụng tiếp cận có sự tham gia của các bên liên quan và cộng đồng địa phương. Đối với hầu hết các KDTSQTG, kế hoạch quản lý cần tập trung vào các nội dung: bảo tồn đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái; sử dụng bền vững tài nguyên; cải thiện sinh kế và lợi ích cho cộng đồng; thúc đẩy nền kinh tế xanh; du lịch; phục hồi hệ sinh thái; giảm nhẹ thiên tai và quản lý rủi ro; biến đổi khí hậu, phát triển cơ sở hạ tầng; nghiên cứu và giáo dục; truyền thông, hợp tác (bao gồm trong nước và quốc tế).  

3.5. Điu tra, đánh giá KDTSQTG

    Việc điều tra, đánh giá KDTSQTG thực hiện như quy định đối với khu di sản thiên nhiên được quy định tại khoản  khoản 1 Điều 21 Nghị định số 08/2022/ NĐ-CP, bao gồm điều tra, đánh giá định kỳ 5 năm một lần và hoạt động điều tra, đánh giá khác theo quy định của pháp luật có liên quan. Việc điều tra, đánh giá định kỳ bao gồm các nội dung: Diễn biến môi trường và các giá trị thiên nhiên cần bảo vệ, bảo tồn theo tiêu chí xác lập, công nhận di sản thiên nhiên; Hoạt động phát triển kinh tế - xã hội có tác động xấu đến môi trường di sản thiên nhiên; hoạt động khai thác, sử dụng các giá trị tài nguyên, dịch vụ hệ sinh thái của di sản thiên nhiên; Hoạt động phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, bảo vệ, bảo tồn các giá trị của thiên nhiên và đa dạng sinh học của di sản thiên nhiên; thực hiện các giải pháp về BVMT di sản thiên nhiên theo quy định của pháp luật. BQL hoặc tổ chức được giao quản lý di sản thiên nhiên thực hiện điều tra, đánh giá định kỳ di sản thiên nhiên. Kết quả điều tra, đánh giá được gửi đến UBND cấp tỉnh có di sản thiên nhiên và được cập nhật vào cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học quốc gia và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo quy định của pháp luật có liên quan. (diễn đạt lại câu)

3.6. Thc hin báo cáo đánh giá đnh k KDTSQTG

    Các KDTSQTG cần định kỳ thực hiện báo cáo đánh giá mười năm một lần theo mẫu báo cáo do UNESCO hướng dẫn để đảm bảo tất cả KDTSQTG đều thực hiện các chức năng được quy định trong Khung pháp lý của mạng lưới các KDTSQTG (UNESCO, 2015).  

    Để thực hiện trách nhiệm quản lý KDTSQTG như đã cam kết trong hồ sơ đề cử, các BQL KDTSQTG tổ chức lập báo cáo, trình UBND cấp tỉnh gửi báo cáo lấy ý kiến của các ngành có liên quan ở hai cấp (bao gồm tài nguyên và môi trường; nông nghiệp và phát triển nông thôn; khoa học và công nghệ; văn hóa, thể thao và du lịch; giáo dục, đào tạo; kế hoạch và đầu tư; tài chính; Ủy ban MAB...); tổ chức hoàn thiện gửi Ủy ban UNESCO trình Hội đồng Liên Chính phủ Chương trình MAB của UNESCO.

3.7. Nguồn lực tài chính cho hoạt động của KDTSQ Thế giới

    Các hoạt động quản lý KDTSQTG được chi từ các nguồn ngân sách nhà nước cấp, nguồn đầu tư, hỗ trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và các nhà tài trợ, tổ chức, cá nhân nước ngoài, các nguồn thu được từ dịch vụ môi trường theo quy định của pháp luật.

4. Các khuyến nghị nhằm tăng cường quản lý KDTSQTG ở Việt Nam

    Mặc dù đến nay, Luật BVMT năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác quản lý, bảo vệ các KDTSQTG. Tuy nhiên, việc thực hiện các mục tiêu quản lý các KDTSQTG vẫn còn nhiều hạn chế: khung quản lý KDTSQTG vẫn còn thiếu các văn bản hướng dẫn; một số nội dung đã được thể chế hóa nhưng chưa đầy đủ; các quy định về quản lý KDTSQTG chưa được thực hiện đồng bộ; các BQL KDTSQTG và UBQG MAB chưa được kiện toàn, thiếu nguồn lực hỗ trợ để thực hiện các hoạt động quản lý KDTSQTG, thiếu một kế hoạch tổng thể để định hướng và cụ thể hóa các nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tới để tăng cường quản lý và mở rộng mạng lưới KDTSQ. Để giải quyết các vấn đề nêu trên, một số khuyến nghị được đề xuất:

    - Xây dựng chiến lược và kế hoạch hoạt động cho toàn bộ Mạng lưới các KDTSQ của Việt Nam phù hợp với định hướng của UNESCO và các chính sách của quốc gia về phát triển bền vững, BVMT và đa dạng sinh học;

    - Ban hành các văn bản hướng dẫn kỹ thuật để quản lý các KDTSQTG theo quy định của Luật BVMT năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP;

    - Tăng cường năng lực, huy động nguồn lực cho các BQL KDTSQTG; đẩy mạnh hoạt động truyền thông, quảng bá các KDTSQTG, tăng cường mạng lưới KDTSQTG Việt Nam;

    - Tăng cường vai trò của UBQG MAB trong việc tham mưu cho Bộ TN&MT trong việc hướng dẫn đề cử, quản lý các KDTSQTG; củng cố, phát triển mạng lưới các KDTSQ trong nước và kết nối với các mạng lưới khu vực và quốc tế;

    - UBND các tỉnh, thành phố nơi có các KDTSQTG, BQL các KDTSQTG nghiên cứu, thực hiện các yêu cầu về quản lý KDTSQ theo yêu cầu của UNESCO và pháp luật của Việt Nam, bao gồm việc kiện toàn tổ chức, xây dựng, phê duyệt và triển khai thực hiện Kế hoạch, quy chế quản lý và BVMT KDTSQTG.

Hoàng Thị Thanh Nhàn

Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học

ThS Đặng Thùy Vân

Phó Chánh Văn phòng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 9/2024)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Báo cáo Khung hướng dẫn quản lý KDTSQ thế giới tại Việt Nam thuộc Đề tài Nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn và Đề xuất khung hướng dẫn quản lý KDTSQ thế giới được UNESCO công nhận tại Việt Nam. Mã số: ĐTĐL.XH-06/21.

2. Luật BVMT, Luật số: 72/2020/QH14.

3. Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT.

4. Thông tư 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/1/2022 của Bộ trưởng Bộ TNMT hướng dẫn Luật BVMT.

5. UNESCO, 2021. Hướng dẫn kỹ thuật cho KDTSQ của UNESCO.

6. UBQG Chương trình Con người và Sinh quyển Việt Nam, 2023. Tuyển tập Hội thảo “Tổng kết Mạng lưới các KDTSQ thế giới của Việt Nam 2023 - Phát huy giá trị các KDTSQ thế giới tại Việt Nam phục vụ phát triển bền vững”.

7. Khung pháp lý của mạng lưới các KDTSQTG (1995)

Ý kiến của bạn