Banner trang chủ

Một số điểm mới của Thông tư số 10/2021/TT-BTNMT về Quy định kỹ thuật quan trắc môi trường và quản lý thông tin, dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường

07/09/2021

     Ngày 30/6/2021, Bộ TN&MT ban hành Thông tư số 10/2021/TT-BTNMT về quy định kỹ thuật quan trắc môi trường và quản lý thông tin, dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường (gọi tắt là Thông tư 10). Theo đó, Thông tư 10 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 16/8/2021, riêng quy định về kỹ thuật quan trắc các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) trong nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

     Thông tư 10 có hiệu lực sẽ thay thế cho Thông tư số 24/2017/TT-BTNMT ngày 1/9/2017 của Bộ trưởng Bộ TN&MT quy định quy trình kỹ thuật quan trắc môi trường và Chương III, Thông tư số 43/2015/TT-BTNMT ngày 29/9/2015 của về Báo cáo hiện trạng môi trường, Bộ chỉ thị môi trường và quản lý số liệu quan trắc môi trường.

     1. Sự cần thiết ban hành Thông tư 10

     Thông tư số 24/2017/TT-BTNMT được Bộ TN&MT ban hành năm 2017 là Thông tư đầu tiên có quy định về các đặc tính kỹ thuật, công tác bảo đảm và kiểm soát chất lượng của hệ thống đối với trạm quan trắc môi trường phát thải cũng như các quy định thống nhất trong công tác nhận, truyền và quản lý dữ liệu đối với hệ thống quan trắc môi trường tự động, liên tục.

     Sau gần 4 năm triển khai thực hiện, Thông tư đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong công tác quan trắc môi trường và quản lý thông tin, dữ liệu quan trắc. Các nội dung kỹ thuật quan trắc môi trường định kỳ cũng như quan trắc môi trường tự động, liên tục đã được quy định và hướng dẫn cụ thể trong Thông tư, góp phần tháo gỡ khó khăn cũng như nâng cao năng lực cho các đơn vị trong việc thực hiện hoạt động quan trắc môi trường.

     Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực thi cho thấy Thông tư số 24/2017/TT-BTNMT đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, chưa điều chỉnh kịp thời với những quy định pháp luật mới và những thách thức đặt ra đối với công tác quan trắc môi trường. Phân tích thực trạng, bối cảnh, yêu cầu quản lý của công tác quan trắc môi trường trong thời gian vừa qua cho thấy, các phương pháp đo đạc, lấy mẫu, phân tích môi trường chưa được điều chỉnh, cập nhật để phù hợp với thực tế áp dụng và quy định của quốc tế. Nội dung Thông tư chưa có quy định hướng dẫn đặc tính kỹ thuật đối với các trạm quan trắc chất lượng không khí xung quanh và chất lượng nước mặt tự động, liên tục. Mặt khác, một số đặc tính kỹ thuật của trạm quan trắc tự động nước thải, khí thải không còn phù hợp trong điều kiện thực tế áp dụng; quy trình đảm bảo chất lượng và kiểm soát chất lượng đối với các thiết bị quan trắc tự động còn một số vướng mắc, chưa phù hợp với thực tế. Công tác nhận, truyền và quản lý dữ liệu đối với hệ thống quan trắc môi trường tự động, liên tục cần được điều chỉnh nhằm kiểm soát chặt chẽ các số liệu quan trắc được truyền từ các Trạm quan trắc về Sở TN&MT và Bộ TN&MT. Xuất phát từ những lý do trên, năm 2021 Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư số 10/2021/TT-BTNMT thay thế Thông tư số 24/2017/TT-BTNMT năm 2017.    

     2. Một số điểm mới tại Thông tư 10

     Thông tư 10 đã được thay đổi tên gọi từ “Quy trình kỹ thuật quan trắc môi trường” thành “Quy định kỹ thuật quan trắc môi trường và quản lý thông tin, dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường”. Với một số điểm mới được quy định cụ thể như sau:

     Thứ nhất, quy định về kỹ thuật quan trắc các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) tại Chương III nêu rõ: Danh sách các chất POP, lĩnh vực sử dụng, phát sinh các chất POP theo quy định tại các phụ lục A, B, C của Công ước Stockholm và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa POP được quy định tại Phụ lục 3.1 của Thông tư. Căn cứ vào mục tiêu quan trắc, các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế có liên quan và yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện quan trắc các chất POP trong nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị.

     Thứ hai, các yêu cầu cơ bản và đặc tính kỹ thuật của trạm quan trắc chất lượng nước mặt và chất lượng không khí xung quanh tự động, liên tục cũng được quy định rõ tại Điều 26, 29, Chương VI, với thông số quan trắc nước mặt bắt buộc, bao gồm: nhiệt độ, pH, hàm lượng ôxy hòa tan (DO), tổng chất rắn lơ lửng (TSS), nhu cầu oxy hóa học (COD). Đối với các trạm chất lượng không khí, nhóm các thông số quan trắc tối thiểu là bụi PM 2.5; ôzôn (O3), nitơ đioxit (NO2), lưu huỳnh đioxit (SO2), cacbon monoxit (CO). Ngoài ra, Điều 31 của Chương này cũng quy định việc nhận, truyền và quản lý dữ liệu quan trắc môi trường tự động, liên tục phải sử dụng các thiết bị đo theo Danh mục các phương pháp và thiết bị quan trắc tương đương do Cơ quan BVMT Mỹ (US EPA) công bố hoặc các thiết bị quan trắc đã được chứng nhận bởi các tổ chức quốc tế gồm: Tổ chức chứng nhận Anh (mCERTs), Cơ quan kiểm định kỹ thuật Đức (TUV).

     Thứ ba, về đảm bảo, kiểm soát chất lượng trong quan trắc môi trường được quy định tại Chương V, cụ thể: Điều 19, tổ chức tham gia hoạt động quan trắc môi trường phải có phòng thí nghiệm đủ diện tích để bố trí hợp lý các phân khu chức năng, tách biệt các hoạt động thử nghiệm không tương thích để không làm ảnh hưởng lẫn nhau và bố trí đủ không gian cần thiết theo yêu cầu cho từng hoạt động thử nghiệm. Chất thải từ hoạt động của phòng thí nghiệm phải được phân loại theo tính chất, được thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý theo quy định pháp luật. Nước thải có tính chất nguy hại từ hoạt động phân tích, thử nghiệm trong phòng thí nghiệm phải được phân loại, lưu giữ theo tính chất, thành phần riêng biệt nhằm tránh các tương tác hóa học phát sinh chất độc hại ra môi trường. Đối với hoạt động quan trắc hiện trường và phân tích trong phòng thí nghiệm, tại Điều 20 quy định, tổ chức tham gia hoạt động quan trắc môi trường phải áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2017 hoặc tương đương. Điều 21 quy định, tổ chức đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường phải tham gia các chương trình thử nghiệm thành thạo do các đơn vị có năng lực phù hợp theo ISO/IEC 17043:2010.

     Thứ tư, Chương VIII, Điều 39 quy định về việc nhận, truyền và quản lý dữ liệu quan trắc môi tường tự động liên tục phải đáp ứng các yêu cầu tối thiểu như: Hệ thống kết nối trực tiếp đến các thiết bị đo, phân tích, bộ điều khiển, không kết nối thông qua thiết bị khác; tín hiệu đầu ra của hệ thống là dạng số (digital); lưu giữ liên tục ít nhất là 60 ngày…; bảo đảm hiển thị các thông tin, gồm: thông số đo, kết quả đo, đơn vị đo (theo đơn vị được quy định trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng để so sánh), thời gian đo, trạng thái của thiết bị đo và trích xuất dữ liệu tại hệ thống nhận, truyền và quản lý dữ liệu.

Hoạt động thu thập dữ liệu tại Trạm quan trắc chất lượng không khí đặt tại Trung Yên 3 (phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội)
     Đối với Sở TNMT địa phương, cần có tối thiểu 2 máy chủ có cấu hình tối thiểu như bộ vi xử lý 2,5 GHz; bộ nhớ trong (RAM) 64 GB; ổ cứng 2 TB; thay đổi tốc độ đường truyền từ các trạm tự động về cơ quan quản lý Nhà nước từ 3 MB/s thành 30 Mb/s (~ 3,75 MB/s); dữ liệu được lưu trữ tối thiểu 3 năm gần nhất. Thông tin từ các camera được truyền về Sở TN&MT, dữ liệu phải được lưu trữ tối thiểu trong thời gian 3 tháng. Đồng thời, truyền dữ liệu quan trắc tự động, liên tục về Bộ TN&MT bảo đảm nhu cầu cung cấp, sử dụng thông tin và đạt tối thiểu 80% tổng số kết quả quan trắc đối với từng thông số quan trắc.

     Đối với các doanh nghiệp thuộc đối tượng phải lắp đặt Hệ thống quan trắc tự động nước thải và khí thải tự động cũng cần lưu ý một số quy định như: Thiết bị quan trắc tự động nước thải, khí thải phải có ít nhất 1 khoảng đo có khả năng đo được giá trị ≥ 3 lần của giá trị giới hạn quy định theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường được áp dụng cho cơ sở (trừ thông số nhiệt độ và pH cho nước thải; trừ thông số nhiệt độ, lưu lượng, áp suất cho khí thải và phải gắn trên thân ống khói). Camera phải bảo đảm có khả năng quay (ngang, dọc), có khả năng xem ban đêm, đảm bảo quan sát rõ ràng các đối tượng cần giám sát; có khả năng ghi lại hình ảnh theo khoảng thời gian, đặt lịch ghi hình. Khuyến khích kiểm tra định kỳ hệ thống thông qua việc đối chứng với kết quả quan trắc các thông số trong chương trình quan trắc môi trường định kỳ của cơ sở (nếu có). Trường hợp cần thực hiện việc bảo trì, kiểm định, hiệu chuẩn, thay thế linh phụ kiện, sửa chữa, thay thế các thiết bị đo và phân tích chủ cơ sở phải thực hiện các yêu cầu như: Gửi thông báo bằng văn bản tới Sở TN&MT; nêu rõ kế hoạch thực hiện, thời gian kết thúc việc bảo trì, kiểm định, hiệu chuẩn, thay thế linh phụ kiện, sửa chữa, thay thế các thiết bị đo và phân tích…

     Thứ năm, tại Chương IX quy định về quản lý, cung cấp và chia sẻ thông tin, dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường nêu rõ: Các cơ quan, tổ chức, cá nhân không thuộc hệ thống quan trắc môi trường quốc gia, quan trắc môi trường cấp tỉnh khi thực hiện quan trắc chất lượng môi trường phục vụ mục đích công bố, công khai thông tin phải tuân thủ các quy định về yêu cầu kỹ thuật về quan trắc chất lượng môi trường tại Thông tư này và các quy định pháp luật về công bố, công khai thông tin.

     Ngoài ra, Thông tư 10 cũng quy định rõ về nguyên tắc áp dụng, phương pháp quan trắc môi trường phải tuân thủ theo các quy định của Thông tư và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành về môi trường; chương trình quan trắc môi trường có các thông số chưa được quy định về kỹ thuật quan trắc tại Thông tư thì phải áp dụng các phương pháp tiêu chuẩn quốc gia hoặc quốc tế.  

     Về điều khoản chuyển tiếp, Thông tư 10 quy định, các phương pháp, kỹ thuật quan trắc đã được chứng nhận trong các Giấy chứng nhận (GCN) đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường được tiếp tục sử dụng cho tới khi GCN hết hiệu lực; khuyến khích tổ chức có GCN còn hiệu lực đăng ký điều chỉnh GCN theo các phương pháp, kỹ thuật quan trắc quy định tại Thông tư này.

     Các trạm quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục đã được đầu tư, vận hành trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực nhưng chưa đảm bảo đáp ứng đầy đủ yêu cầu kỹ thuật được tiếp tục sử dụng trong thời gian 24 tháng. Sau khi Thông tư 10 có hiệu lực, các thiết bị này phải được nâng cấp, thay thế bởi thiết bị đáp ứng đầy đủ yêu cầu kỹ thuật theo quy định.

 ThS. Nguyễn Hữu Thắng

Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc - Tổng cục Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 8/2021)

Ý kiến của bạn