Banner trang chủ

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020: Tăng cường hiệu quả quản lý, bảo vệ môi trường nước

04/01/2021

   Xác định được tầm quan trọng của tài nguyên nước (TNN) đối với sự phát triển của quốc gia, những năm gần đây, các chủ trương, chính sách, pháp luật về quản lý TNN của Việt Nam đã được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Để kiểm soát hiệu quả nguồn TNN, Luật BVMT năm 2020 vừa được Quốc hội khóa XIV thông qua đã đề cập đầy đủ, toàn diện về quản lý, sử dụng, nâng cao chất lượng và khai thác bền vững TNN, giải quyết được những yêu cầu của thực tiễn hiện nay về công tác BVMT nước.

Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Luật BVMT (sửa đổi)

Gia tăng sức ép lên TNN

    TNN mặt của Việt Nam được đánh giá là phong phú, tuy nhiên, lại bị phụ thuộc nhiều vào nguồn nước ngoại sinh. Nước ta có 3.450 sông, suối có chiều dài từ 10 km trở lên nằm trong 108 lưu vực sông được phân bố và trải dài trên cả nước với tổng diện tích lưu vực khoảng 1.168.420 km2, trong đó 837.430 km2 (chiếm 71,7%) nằm ở nước ngoài, chỉ có 330.990 km2 (chiếm 28,3%) diện tích lưu vực nằm trong lãnh thổ nước ta. Trong tổng số 108 lưu vực sông có 33 lưu vực sông lớn, liên tỉnh, với 3.140 sông (chiếm 91% số lượng sông của cả nước), tổng diện tích lưu vực nằm trong lãnh thổ nước ta khoảng 306,44 nghìn km2, bằng 92,6% diện tích đất liền của nước ta. TNN của Việt Nam phân bố rất không đều cả về không gian và thời gian. Mùa khô kéo dài khoảng 9 tháng tại các sông Vu Gia-Thu Bồn, Trà Khúc, Kôn - Hà Thanh và khoảng 8 tháng trên lưu vực sông Bắc Trung bộ, các lưu vực sông còn lại có mùa khô kéo dài từ 6 - 7 tháng. Tổng lượng nước mùa khô đã được tăng lên đáng kể do hầu hết các lưu vực sông đều đã có các hồ chứa phục vụ mục đích tưới, phát điện và phòng chống lũ. Trung bình lượng nước mùa khô chiếm 20 - 30% tổng lượng nước cả năm của lưu vực.

    TTN mặt là nguồn lực quan trọng, góp phần bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là bảo đảm các nhu cầu thiết yếu cho người dân, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an ninh lượng thực, năng lượng, xuất khẩu nông sản... Tuy nhiên, chúng ta đang phải đối mặt với nguy cơ không bảo đảm an ninh nguồn nước, nhất là những vấn đề về mất cân đối nguồn nước, ô nhiễm các dòng sông. Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế, quá trình đô thị hóa tăng nhanh dẫn tới nước thải từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp cũng tăng. Kèm theo đó là nước thải không được xử lý đúng quy chuẩn, kỹ thuật…, gây sức ép ngày càng lớn, trầm trọng đến số lượng, chất lượng của nguồn nước các sông, suối. Nhiều sông chính ở Việt Nam đã và đang bị ô nhiễm với các mức độ khác nhau chủ yếu ở các vùng trung, hạ lưu các lưu vực sông, khu vực tập trung đông dân cư và khu công nghiệp, làng nghề… Đặc biệt, mức độ ô nhiễm tăng cao vào mùa khô, khi lượng nước chảy vào các con sông giảm. Bên cạnh đó, còn tình trạng nhiều tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm pháp luật về tài nguyên nước và môi trường, đã làm cho tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm không ngừng gia tăng về cả mức độ lẫn quy mô.

    Thực tế tình trạng ô nhiễm các dòng sông, nhất là dòng sông chảy qua các đô thị, khu công nghiêp, làng nghề... và các sông nhỏ ở khu vực đồng bằng khá nghiêm trọng, việc kiểm soát, chặn đứng tình trạng này chưa hiệu quả. Nguyên nhân chủ yếu là các dòng sông đang phải tiếp nhận một lượng lớn nước thải cùng với tình trạng đổ rác thải bừa bãi gây ô nhiễm, tắc nghẽn, thu hẹp dòng chảy... Nhiều dòng sông không còn khả năng tự làm sạch do không có dòng chảy hoặc có nhưng không đáng kể và đã biến thành nơi dẫn, tiêu thoát, chứa nước thải... Đáng lo ngại là loại chất thải từkhu công nghiệp, cơ sở sản xuất, bãi chôn lấp, nước thải của khu dân cư tập trung, dòng sông, dòng kênh bị ô nhiễm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất trong sản xuất nông nghiệp ngấm vào đất, nước và tầng nước ngầm dẫn đến ô nhiễm ở tầng nước gần bề mặt.

    Mặc dù, Bộ TN&MT đã có nhiều biện pháp đồng bộ được triển khai để BVMT nước các lưu vực sông nhưng do quá trình phát triển kinh tế - xã hội, áp lực của sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa mạnh mẽ trong những năm qua đã tạo ra nhiều tác động tiêu cực đến nguồn nước các lưu vực. Hầu hết, các đô thị đều tập trung ven các sông lớn, hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, quá tải đã làm ô nhiễm, suy giảm chất lượng nước các dòng sông, đặc biệt là sông chảy qua các TP lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Việc tăng cao nhu cầu xây dựng đô thị, nhà ở, kết cấu hạ tầng cũng làm gia tăng nhu cầu cát sỏi cho xây dựng và theo đó cũng làm gia tăng các hoạt động khai thác cát sỏi trên sông, đặc biệt là vấn nạn khai thác cát sỏi trái phép đã gây xói lở bờ sông và phát tán chất ô nhiễm làm suy giảm chất lượng nước, tác động lớn đến môi trường thủy sinh. Trong khi đó, thời gian qua, việc quản lý môi trường nước sông chỉ tập trung vào việc kiểm soát chất lượng nước ở khu vực trung lưu, hạ lưu mà còn chú trọng vào các khu vực bị ô nhiễm và có nguy cơ cao bị ô nhiễm. Các khu vực thượng nguồn, đặc biệt là các sông, suối đầu nguồn việc kiểm soát chất lượng nước còn hạn chế, một số khu vực còn bị bỏ quên dẫn đến một số sông đầu nguồn hiện nay đã bị ô nhiễm.

    Về tài nguyên nước dưới đất, tiềm năng về nguồn nước dưới đất của nước ta cũng khá lớn với tổng trữ lượng khoảng 189,3 triệu m3/ngày đêm, tập trung ở khu vực đồng bằng Bắc bộ, Nam bộ và khu vực Tây Nguyên. Tổng trữ lượng tiềm năng có thể khai thác trung bình khoảng 61,2 triệu m3/ngày đêm. Theo thống kê sơ bộ, tổng lượng khai thác nước dưới đất trên toàn quốc ước tính khoảng 10,5 triệu m3/ngày đêm (chiếm khoảng 17,2% trữ lượng nước dưới đất có thể khai thác), trong đó có nhiều thành phố, đô thị lớn chủ yếu khai thác nguồn nước dưới đất như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Mỹ Tho (Tiền Giang), Vũng Tàu, Buôn Mê Thuột… Nguồn nước dưới đất được khai thác để cấp nước cho nhiều mục đích khác nhau, trong đó chủ yếu cấp nước sinh hoạt (đô thị, nông thôn), sản xuất, ngoài ra còn khai thác để phục vụ cho một số mục đích khác (tưới cà phê, cây công nghiệp ở Tây Nguyên; nuôi trồng thủy sản, nuôi tôm trên cát ở ven biển miền Trung, bán đảo Cà Mau…).

    Theo số liệu quan trắc từ năm 1990 đến nay, tài nguyên nước dưới đất ở nước ta đang bị suy thoái cả về số lượng và chất lượng. Mực nước dưới đất bị hạ thấp sâu, liên tục theo thời gian tại đồng bằng Bắc bộ, Nam bộ và Tây Nguyên, đặc biệt là tại một số đô thị lớn tập trung khai thác nguồn nước dưới đất. Việc khai thác nước tập trung quy mô lớn ngoài việc dẫn đến hạ thấp mực nước sâu còn là nguyên nhân gây ra tình trạng xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), ven biển miền Trung và có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng sụt lún bề mặt đất (TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, vùng ĐBSCL).

Những điểm mới về BVMT nước quy định trong Luật BVMT năm 2020

    Nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý BVMT nước, Bộ TN&MT đã xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật về tài nguyên nước. Luật  BVMT năm 2020 vừa được Quôc hội thông qua đã bổ sung các quy định mới về BVMT nước, cụ thể:

Thứ nhất, về nguyên tắc BVMT nước sông là phải trên cơ sở tiếp cận quản lý tổng hợp theo lưu vực, phải gắn liền với bảo tồn đa dạng sinh học, BVMT thủy sinh, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, khai thác và sử dụng hợp lý nguồn nước. Quy định mới này khá toàn diện, thể hiện đầy đủ các thành phần cấu thành môi trường nước cũng như các mối tương quan giữa các thành phần của môi trường nước. Quy định cũng thể hiện rõ nguyên tắc quản lý môi trường nước sông phải theo không gian từ thượng lưu đến hạ lưu, đồng thời bao gồm các thành phần tạo nên môi trường nước sông.

Thứ hai, quy định về nguồn thải vào môi trường nước. Theo đó, nguồn thải vào môi trường nước mặt phải được quản lý phù hợp với mục đích sử dụng và khả năng chịu tải của nguồn nước. Không phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, hoặc cấp giấy phép môi trường cho dự án đầu tư mới có hoạt động xả nước thải trực tiếp vào nguồn nước mặt không còn khả năng chịu tải theo công bố của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp chủ dự án đầu tư có phương án xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất lượng nước mặt trước khi thải vào môi trường tiếp nhận hoặc có phương án tuần hoàn, tái sử dụng để không làm phát sinh thêm nước thải hoặc trường hợp dự án đầu tư xử lý ô nhiễm, cải tạo, phục hồi, cải thiện chất lượng môi trường khu vực bị ô nhiễm. Trước thực tế hiện nay, môi trường nước ở nhiều khu vực đã bị ô nhiễm, nguồn nước không còn khả năng chịu tải nhưng hàng ngày vẫn phải tiếp nhận một lượng lớn nước thải. Tuy nhiên, những khu vực vực này lại là những khu vực có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, đặc biệt là các ngành sản xuất công nghiệp, do vậy vẫn tiếp tục có các dự án đầu tư mới vào khu vực. Quy định này là cơ sở pháp lý rõ ràng để các doanh nghiệp xem xét, quyết định việc đầu tư loại hình, công nghệ sản xuất phù hợp cũng như đầu tư các biện pháp, công trình BVMT tốt nhất, đồng thời cũng là căn cứ pháp lý để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt các dự án đầu tư, các cơ quan quản lý môi trường yêu cầu các doanh nghiệp đầu tư, nâng cấp các biện pháp BVMT. Có thể nói đây là quy định thể hiện rõ định hướng, quan điểm không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, phát triển kinh tế hài hòa với BVMT.

Thứ ba, quy định về kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt. Đây là quy định mới được đưa vào Luật BVMT năm 2020. Trên thế giới, một số quốc gia bảo vệ tốt môi trường nước đều thực hiện các hoạt động, biện pháp quản lý căn cứ theo kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt được xây dựng định kỳ hằng năm hoặc 5 năm. Các hoạt động BVMT nước mặt sẽ được xác định cụ thể trong các kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt làm cơ sở để triển khai thực hiện. Nội dung kế hoạch quản lý chất lượng nước mặt bao gồm việc đánh giá khả năng chịu tải, phân vùng xả thải, hạn ngạch xả nước thải và xác định các mục tiêu, lộ trình giảm xả thải vào nguồn nước không còn khả năng chịu tải. Đây là một trong những nội dung quan trọng và đóng vai trò chủ đạo phục vụ công tác BVMT nước, khi xây dựng được nội dung này một cách chi tiết, cụ thể trong kế hoạch thì công tác quản lý môi trường nước sẽ đạt hiệu quả cao.

    Về phân công trách nhiệm BVMT nước mặt, Luật cũng quy định rõ: Bộ TN&MT có trách nhiệm hướng dẫn đánh giá khả năng chịu tải của môi trường nước mặt đối với lưu vực sông, hồ; hướng dẫn đánh giá chất lượng môi trường nước mặt; tổ chức thực hiện đánh giá chất lượng môi trường nước mặt, trầm tích, khả năng chịu tải của môi trường nước mặt đối với các lưu vực sông, hồ liên tỉnh; tổ chức kiểm kê, đánh giá các nguồn thải, mức độ ô nhiễm và tổ chức xử lý ô nhiễm lưu vực sông, hồ liên tỉnh; xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với các sông, hồ liên tỉnh và kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với các sông, hồ liên tỉnh có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, BVMT; Kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với các sông, hồ liên tỉnh và các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước, cải thiện chất lượng nước tại lưu vực sông, hồ liên tỉnh.

    UBND cấp tỉnh có trách nhiệm xác định các sông, hồ nội tỉnh và nguồn nước mặt khác trên địa bàn có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, BVMT; xác định vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, lập hành lang bảo vệ nguồn nước mặt trên địa bàn; công khai thông tin các nguồn thải vào môi trường nước mặt trên địa bàn; thu thập thông tin, dữ liệu về hiện trạng môi trường nước, nguồn thải và tổng lượng thải vào môi trường nước thuộc lưu vực sông, hồ liên tỉnh trên địa bàn quản lý theo hướng dẫn của Bộ TN&MT. Các địa phương chỉ đạo tổ chức đánh giá thiệt hại do ô nhiễm và xử lý ô nhiễm môi trường nước mặt trên địa bàn theo quy định; tổ chức hoạt động phòng ngừa và kiểm soát các nguồn thải vào nguồn nước mặt trên địa bàn; thực hiện các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước mặt, cải thiện chất lượng nước mặt trên địa bàn theo kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt; tổ chức đánh giá chất lượng môi trường nước, trầm tích, đánh giá khả năng chịu tải, hạn ngạch xả nước thải đối với nguồn nước mặt thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản này. Đồng thời, công bố thông tin về nguồn nước mặt trên địa bàn không còn khả năng chịu tải; tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với các sông, hồ nội tỉnh và tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng nước mặt đối với sông, hồ liên tỉnh trên địa bàn.

    Như vậy, việc quy định rõ trách nhiệm của Bộ TN&MT và UBND cấp tỉnh về BVMT nước mặt đã giải quyết được vấn đề chồng chéo trong công tác quản lý môi trường nước thời gian vừa qua, đảm bảo sự thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Để thực thi các quy định mới về BVMT nước trong Luật BVMT năm 2020 phù hợp với thực tiễn, trong thời gia tới, Bộ TN&MT cần phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố triển khai một số giải pháp sau:

    Rà soát, thống kê các nguồn xả nước thải vào nguồn nước mặt; kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải có nguy cơ gây ô nhiễm cao; khẩn trương hoàn thành cơ sở dữ liệu nguồn nước thải trên các lưu vực sông.

    Điều tra, đánh giá hiện trạng chất lượng môi trường nước mặt trên các lưu vực sông; xác định các khu vực môi trường nước đã bị ô nhiễm, có nguy cơ bị ô nhiễm, các khu vực đa dạng sinh học và môi trường thủy sinh bị suy thoái; đánh giá khả năng chịu tải của các nguồn nước sông có tầm quan trọng đối với phát triển kinh tế và đời sống nhân dân.

    Tập trung xây dựng và phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch tài nguyên nước các lưu vực sông lớn làm cơ sở cho việc xác định mục đích sử dụng nước, phân vùng xả nước thải.

    Bộ TN&MT xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt các sông, hồ liên tỉnh; UBND tỉnh xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt các sông, hồ nội tỉnh; tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng nước mặt sau khi được phê duyệt; các địa phương khẩn trương hoàn thành việc lập hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định tại Nghị định số 43/2015/NĐ-CP.

    Xây dựng, hoàn thiện mạng lưới quan trắc môi trường nước quốc gia bảo đảm việc quan trắc và cảnh báo chất lượng môi trường nước đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương.

Nguyễn Thị Việt Hồng

Cục Quản lý tài nguyên nước

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2020)

Ý kiến của bạn