16/08/2021
Ngày 5/8/2021, UBND tỉnh Kon Tum vừa ban hành văn bản số 2728/UBND-NNTN triển khai Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu Sở TN&MT là đầu mối tham mưu UBND tỉnh để thực hiện Đề án quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phù hợp với quy định và điều kiện thực tế tại địa phương. Sở TN&MT sẽ chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin Truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhân ̣ thức của các tổ chức, cá nhân trong giảm thiểu, quản lý chất thải nhưạ, trong đó tập trung vào tuyên truyền hoạt động thu gom, phân loại tại nguồn, phòng chống rác thải nhựa và túi ni lông khó phân hủy.
Cùng với đó, Sở TN&MT sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh Kon Tum xây dựng lộ trình và hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nhựa tại nguồn cho phù hợp với hạ tầng và điều kiện của địa phương; đồng thời, tăng cường triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra vi phạm về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực sản xuất, phân phối sản phẩm nhựa và thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải trong đó có chất thải nhựa; đánh giá, kiểm tra, giám sát việc thực hiện đề án trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
UBND tỉnh cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư vận động, thu hút các nguồn tài trợ, nguồn vốn từ trung ương, tổ chức quốc tế trong việc đầu tư, phát triển công nghệ tái chế, xử lý chất thải nhưa và sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhưa dùng một lần và chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh. Sở Tài chính tham mưu sửa đổi mức thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni lông khó phân hủy và bổ sung thuế bảo vệ môi trường đối với sản phẩm nhưa dùng một lần phục vụ mục đích sinh hoạt; bố trí kinh phí thực hiện việc thu gom, xử lý chất thải nhựa, đào tạo, tấp huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi xả rác thải nhưa ra môi trường…
Ngoài ra, thực hiện Đề án này, UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu các Sở, ngành trên địa bàn tỉnh cùng phối hợp thực hiện như: triển khai mô hình siêu thị, chợ không sử dụng túi ni lông, đồ nhựa dùng một lần; ứng dụng công nghệ tái chế chất thải nhựa thành nhiên liệu sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường; triển khai hoạt động giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; tuyên truyền nâng cao nhận thức về tác hại của chất thải nhựa…
Các huyện, thành phố của tỉnh Kon Tum cùng phối hợp với cơ quan liên quan triển khai thực hiện đề án tăng cường quản lý chất thải nhựa tại địa phương; cam kết không sử dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức tham gia tích cực vào công tác vận động “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần” đến người thân và cộng đồng khu dân cư đang sinh sống.
Nguyên Hằng