01/08/2022
Từ ngày 1 - 3/6/2022, tại Stockholm, Thụy Điển đã diễn ra Hội nghị Stockholm+50 và Phiên họp cấp cao của Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước Basel về kiểm soát vận chuyển xuyên biên giới chất thải nguy hại và việc tiêu hủy chúng (COP15 BC), Hội nghị lần thứ 10 các bên tham gia Công ước Rotterdam về các thủ tục thỏa thuận, thông báo trước đối với một số hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật nguy hại trong thương mại quốc tế (COP10 RC) và Hội nghị lần thứ 10 các bên tham gia Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (COP10 SC). Trong các ngày từ 6 - 17/6/2022 tại Giơnevơ, Thụy Sỹ cũng đã diễn ra các Phiên họp toàn thể và Phiên họp kỹ thuật của từng Công ước. Chủ đề của Hội nghị Stockholm+50 là “Một hành tinh khỏe mạnh vì sự thịnh vượng cho tất cả mọi người - trách nhiệm của chúng ta, cơ hội của chúng ta” và chủ đề của Hội nghị các bên tham gia Công ước Stockholm, Basel và Rotterdam năm nay là “Các Thỏa thuận toàn cầu cho một Hành tinh xanh và sạch: Quản lý an toàn hóa chất và chất thải”.
Với vai trò là Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Công ước Basel và Công ước Stockholm, được sự đồng ý của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Bộ TN&MT đã thành lập Đoàn công tác gồm các đại diện của Bộ TN&MT và Bộ Khoa học và Công nghệ tham dự trực tiếp Hội nghị Stockholm+50 và các Hội nghị COP15 BC, COP 10 RC, COP10 SC. Mục tiêu nhằm thể hiện trách nhiệm của Việt Nam nói chung và của ngành TN&MT nói riêng về BVMT, sức khỏe con người đối với cộng đồng quốc tế, thông qua việc tham gia và thực hiện các hoạt động của Công ước Basel và Công ước Stockholm; tham gia đàm phán, thông qua một số quyết định quan trọng của các Công ước liên quan đến việc quản lý các hóa chất đặc biệt nguy hại là các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy theo toàn bộ vòng đời sản phẩm hóa chất và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy; xử lý điểm nóng ô nhiễm hóa chất tồn lưu; thông báo và quản lý hoạt động thương mại quốc tế đối với một số các hóa chất nguy hiểm; quản lý và xử lý chất thải nguy hại; vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại xuyên biên giới; thể hiện các kết quả đã đạt được của Việt Nam sau 27 năm tham gia Công ước Basel và 21 năm tham gia Công ước Stockholm; trao đổi, thảo luận và tìm kiếm các cơ hội mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quản lý hóa chất, chất thải và các lĩnh vực khác có liên quan.
Đoàn công tác được chia thành 2 Đoàn để tham dự các sự kiện khác nhau trong khuôn khổ của các Hội nghị:
1. Phiên họp cấp cao của Hội nghị các bên tham gia Công ước Basel, Rotterdam và Stockholm và Hội nghị Stockholm +50 tại Stockholm, Thụy Điển
Phiên họp cấp cao của Hội nghị các bên tham gia Công ước Basel, Rotterdam và Stockholm có sự tham dự của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Nhà vua Thụy Điển, Thủ tướng Thụy Điển, 12 nguyên thủ các quốc gia cùng hơn 100 Trưởng đoàn là cấp Bộ trưởng, đại diện cấp cao khác của các nước và hàng trăm Tổ chức quốc tế trên thế giới đã cùng tham dự. Đoàn công tác của Việt Nam do Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT làm Trưởng đoàn.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức (ngoài cùng bên phải) tại Phiên họp cấp cao của Hội nghị
Phiên họp cấp cao gồm 3 cuộc thảo luận tương tác cấp Bộ trưởng theo các chủ đề: (i) Cơ hội để giải quyết ba cuộc khủng hoảng hành tinh về môi trường gồm ô nhiễm, biến đổi khí hậu và suy giảm đa dạng sinh học thông qua việc thực hiện các Công ước Basel, Rotterdam và Stockholm; (ii) Các cơ hội có được thông qua việc thực hiện các Công ước Basel, Rotterdam và Stockholm hướng tới quản lý vòng đời của hóa chất và chất thải; (iii) Các cơ hội để nâng cao việc thực hiện các Công ước Basel, Rotterdam và Stockholm thông qua quảng bá công nghệ mới và sạch và các cách tiếp cận sáng tạo đối với tài chính.
Các phát biểu tại Phiên khai mạc và tại 3 cuộc họp đối thoại cấp cao đều nhấn mạnh và chỉ ra mối liên quan giữa quản lý hóa chất và chất thải trong khuôn khổ ba Công ước với ba cuộc khủng hoảng hành tinh hiện nay, cụ thể là biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và suy giảm, mất đa dạng sinh học. Các Trưởng đoàn đã chia sẻ kinh nghiệm của quốc gia trong quản lý hóa chất và chất thải, các khó khăn thách thức đang gặp phải liên quan đến nguồn lực và công nghệ, các giải pháp và cam kết quản lý an toàn, hiệu quả hóa chất và chất thải để đóng góp cho các nỗ lực giải quyết ba cuộc khủng hoảng hành tinh hiện nay. Một số đại diện quốc gia phát biểu kêu gọi sự đoàn kết, đồng lòng của các thành viên ba Công ước thực thi nghiêm túc và hiệu quả các nghĩa vụ, đồng thời đề nghị Ban Thư ký đưa ra những hướng dẫn cụ thể nhằm giúp thực hiện hiệu quả hơn các Công ước này.
Tại Phiên họp, Đoàn Việt Nam đã gửi tới Ban Thư ký 3 thông điệp gắn với nội dung và chủ đề của 3 cuộc họp đối thoại cấp cao, cụ thể:
(i) Thúc đẩy nền kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn cùng với việc quản lý hiệu quả hóa chất và chất thải là cực kỳ quan trọng để giải quyết ba cuộc khủng hoảng môi trường toàn cầu hiện nay;
(ii) Hợp tác quốc tế thông qua trao đổi kiến thức và kinh nghiệm, chia sẻ các bài học và thực tiễn tốt nhất, chuyển giao công nghệ sẽ góp phần to lớn vào việc quản lý thành công vòng đời của hóa chất và chất thải;
(iii) Công nghệ sẵn có tốt nhất (BAT) và thực hành môi trường tốt nhất (BEP) kết hợp với thúc đẩy Hợp tác đối tác công - tư (PPP) là những yếu tố quan trọng để thực hiện thành công các Công ước Basel, Rotterdam, Stockholm.
Trong các ngày 2 - 3/6/2022, Đoàn công tác của Việt Nam cũng đã tham dự Hội nghị Stockholm+50 nhằm kỷ niệm 50 năm kể từ Hội nghị đầu tiên của Liên hợp quốc về Môi trường và Con người được tổ chức tại Stockholm, Thụy Điển năm 1972. Sau 50 năm, Hội nghị Stockholm+50 là dịp nhìn lại quá trình hoạt động và phát triển, tập trung khai thác các cơ hội xây dựng và triển khai chính sách giữa các bên liên quan, chia sẻ các kinh nghiệm chuyên môn, tìm ra các giải pháp phù hợp và hướng đi xuyên suốt, toàn diện để ứng phó với các thách thức trong lĩnh vực môi trường. Trong quá trình tham gia Hội nghị, Đoàn công tác có tiếp xúc xã giao một số đối tác quốc tế tại Hội nghị, cung cấp và chia sẻ thông tin về những nỗ lực của Việt Nam cho ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, đóng góp cho nỗ lực chung của toàn cầu để giải quyết ba thách thức của hành tinh.
2. Hội nghị các bên tham gia các Công ước Basel, Rotterdam và Stockholm tại Giơnevơ, Thụy Sỹ
Hơn 1.500 đại biểu, đại diện cho hơn 160 Chính phủ, các cơ quan liên Chính phủ và phi Chính phủ, tổ chức nghiên cứu khoa học, cơ quan có liên quan như các tổ chức Liên hợp quốc (UNEP, UNIDO, UNDP), Ngân hàng thế giới (WB), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Viện Nghiên cứu và Đào tạo Liên hợp quốc (UNITAR)... đã tham gia Hội nghị các bên tham gia các Công ước trên.
Đoàn công tác của Việt Nam gồm 5 thành viên là đại diện các đơn vị của Bộ TN&MT (Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Quản lý chất lượng môi trường, Vụ Quản lý chất thải, Tổng cục Môi trường) và Bộ, ngành có liên quan (Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương) do Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT làm Trưởng đoàn.
|
|
Hội nghị các bên tham gia các Công ước Basel, Rotterdam và Stockholm |
Vụ trưởng Vụ Quản lý chất lượng môi trường Lê Hoài Nam (ngoài cùng bên phải) cùng các thành viên tại Hội nghị các bên tham gia các Công ước Basel, Rotterdam, Stockholm |
Đoàn công tác đã tích cực tham gia thảo luận, đàm phán và thông qua đầy đủ các nội dung, quyết định của Hội nghị. Theo đó, Đoàn đã tham gia các cuộc họp với các đối tác, tổ chức quốc tế để tăng cường sự hợp tác, trao đổi giữa các bên, đồng thời tìm kiếm nguồn tài trợ cho việc thực hiện các hoạt động của Công ước Basel, Công ước Stockholm tại Việt Nam như Ban Thư ký các Công ước Basel, Rotterdam, Stockholm, các tổ chức của Liên hợp quốc (UNEP, UNDP), Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Giơnevơ, Thụy Sỹ. Ngoài ra, Đoàn công tác cũng đã tham dự một số hội thảo và sự kiện bên lề do các tổ chức quốc tế tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị các bên tham gia các Công ước Basel, Rotterdam, Stockholm để cập nhật và trao đổi thông tin chuyên môn.
3. Các kết quả của Hội nghị COP15 BC, COP10 RC, COP10 SC
Phiên họp chung của ba Công ước Basel, Rotterdam, Stockholm đã thông qua 7 Quyết định về các hỗ trợ kỹ thuật, cơ chế hợp tác và phối hợp, đồng thời, thông qua cơ chế hợp tác với Công ước Minamata về thủy ngân để cùng hợp lực trong việc chống buôn bán bất hợp pháp hóa chất và chất thải. Phiên họp riêng của Công ước Basel thông qua 28 Quyết định, Phiên họp riêng của Công ước Rotterdam thông qua 16 Quyết định và Phiên họp riêng của Công ước Stockholm thông qua 22 Quyết định. Một số quyết định quan trọng tại Hội nghị COP10-SC, COP10-RC và COP15-BC như sau:
3.1. Các kết quả của COP10 SC
Bổ sung chất POP mới và rà soát quy định đăng ký miễn trừ: Bổ sung 1 chất POP mới (chất Perfluorohexane sulfonic acid (PFHxS), its salts and PFHxS-related compounds) vào Phụ lục A của Công ước Stockholm; Tiếp tục rà soát, đánh giá và xem xét kéo dài thời hạn đăng ký miễn trừ các chất POP, đặc biệt 3 chất POP (SCCP, DBDE, PFOS).
Thảo luận về trách nhiệm và giải pháp để quản lý an toàn các chất POP: Đối với DDT: Ban Thư ký khuyến khích tất cả các Bên thực hiện các nỗ lực hơn nữa để thay thế DDT bằng các biện pháp hoặc phương pháp ít nguy hiểm hơn; PCB: Ban Thư ký nhấn mạnh các Bên tham gia Công ước phải hủy bỏ việc sử dụng PCB trong thiết bị vào năm 2025 và đảm bảo quản lý hợp lý về mặt môi trường các chất thải có chứa hoặc bị nhiễm PCB vào năm 2028; Nhóm chất POP-BDE: Ban Thư ký nhấn mạnh các quốc gia tiếp tục đánh giá tiến độ loại bỏ nguyên liệu, vật liệu chứa nhóm chất POP-BDE và nhu cầu tiếp tục đăng ký miễn trừ để thảo luận tại COP12-SC.
Các biện pháp giảm các chất POP phát sinh không chủ định (UPOP, dioxin/furan) và giảm phát thải các chất POP từ chất thải.
Xây dựng, cập nhật và trình Kế hoạch quốc gia thực hiện Công ước Stockholm.
Thảo luận và đàm phán cơ chế tuân thủ các quy định và quyết định mới được thông qua của Công ước Stockholm và nguồn lực tài chính thực hiện Công ước Stockholm.
3.2. Các kết quả của COP15 BC
Quyết định liên quan đến việc thực hiện Văn kiện sửa đổi về lệnh cấm (nghiêm cấm việc vận chuyển chất thải nguy hại để xử lý và tái chế từ các quốc gia thuộc Phụ lục VII (Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Liechtenstein) đến các quốc gia không thuộc Phụ lục VII), theo đó kêu gọi các quốc gia thành viên chưa phê chuẩn Văn kiện sửa đổi thực hiện việc phê chuẩn và yêu cầu Ban thư ký tiếp tục hỗ trợ các quốc gia đang gặp khó khăn trong việc phê chuẩn thông qua việc cung cấp các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật.
Quyết định liên quan đến cập nhật về nội dung pháp lý của Công ước Basel dựa trên đề xuất sửa đổi của Ghana và Thụy Sĩ, theo đó đã thông qua các sửa đổi cho Phụ lục II, VIII và IX về chất thải điện tử. Chất thải điện tử không nguy hại được bổ sung vào Phụ lục II (“chất thải cần được xem xét đặc biệt”). Tất cả các hoạt động vận chuyển xuyên biên giới của chất thải điện tử sẽ phải tuân theo thủ tục đồng ý trước (PIC). Các sửa đổi sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2025.
Thông qua các hướng dẫn kỹ thuật, trong đó có 3 hướng dẫn về chất thải POP; hướng dẫn về quản lý hợp lý về môi trường đối với chất thải chứa thủy ngân; thiêu đốt chất thải nguy hại và các chất thải khác (hoạt động xử lý D10 và R1); xử lý chất thải nguy hại và các chất thải khác trong bãi chôn lấp được thiết kế đặc biệt (hoạt động xử lý D5).
Tiếp tục cập nhật các hướng dẫn kỹ thuật về quản lý hợp lý về môi trường đối với chất thải nhựa; các chất thải POP; chất thải điện tử, ắc quy axit-chì thải; pin thải; lốp khí nén đã qua sử dụng và thải bỏ. Riêng đối với chất thải nhựa, các bên đồng thuận về việc xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật quản lý hợp lý về môi trường đối với chất thải cao su (mã B3040) và phế thải và vụn cao su (mã B3080).
3.3. Các kết quả của COP10 RC
Hội nghị COP10-RC đã thảo luận và thông qua 16 Quyết định để triển khai các hoạt động Công ước Rotterdam trong thời gian tới. Đồng thời, các bên đã thảo luận việc tăng cường hiệu quả thực hiện Công ước Rotterdam, tính tuân thủ và các vấn đề về nguồn lực tài chính để thực thi Công ước.
4. Một số đề xuất nhằm tăng cường thực hiện Công ước Basel và Công ước Stockholm trong thời gian tới
Hoạt động kiểm soát các chất POP và các hóa chất chất độc hại khác để bảo vệ môi trường và sức khỏe con người là một vấn đề “nóng” trên thế giới, đã và đang nhận được sự quan tâm ngày càng cao của cộng đồng quốc tế, bao gồm cả các nước đang phát triển và các nước phát triển, nhà tài trợ. Hội nghị COP15 BC, COP10 RC, COP10 SC thể hiện rõ sự quyết tâm thực hiện nghiêm túc các quy định của các Công ước và biến những nội dung đã thống nhất thành hành động cụ thể của từng quốc gia trên thế giới.
Trên cơ sở các nội dung đã được thông qua tại Hội nghị COP15 BC, COP10 RC, COP10 SC và các kết quả của Việt Nam, trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục triển khai các hoạt động như sau:
Đối với Công ước Stockholm
Tiếp tục rà soát, đánh giá nhu cầu nhập khẩu, sản xuất, sử dụng các chất POP, đặc biệt 3 chất POP (SCCP, DBDE, PFOS) để thực hiện đăng ký miễn trừ các chất POP với Ban Thư ký Công ước Stockholm;
Nghiên cứu, xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giới hạn các chất ô nhiễm khó phân hủy, bao gồm các chất POP trong nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị;
Nội luật hóa các quy định của Công ước Stockholm vào các văn bản pháp luật của Việt Nam. Đồng thời, đẩy mạnh việc triển khai có hiệu quả các quy định về BVMT trong quản lý các chất POP và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị chứa các chất POP đã được nội luật hóa trong Luật BVMT năm 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT và các văn bản pháp luật hiện hành;
Đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện các quy định pháp lý cụ thể, các cơ chế quản lý phù hợp và thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ tiến tiến để hỗ trợ việc quản lý và xử lý các chất POP đạt hiệu quả hơn;
Rà soát, đánh giá và chuẩn bị cập nhật Kế hoạch quốc gia thực hiện Công ước Stockholm tại Việt Nam, trong đó bổ sung các chất POP mới được bổ sung trong Công ước Stockholm;
Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phối hợp và điều phối hiệu quả công tác quản lý hóa chất/các chất POP trong thời gian tới.
Đối với Công ước Basel
Tăng cường kiểm soát chặt chẽ hơn việc vận chuyển xuyên biên giới chất thải nguy hại và các chất thải khác;
Tăng cường phối hợp với các quốc gia thành viên Công ước Basel, Ban Thư ký và Tổng cục Hải quan để kiểm soát việc nhập khẩu phế liệu và ngăn chặn nhập khẩu trái phép chất thải vào Việt Nam;
Xem xét xử lý hàng hóa là chất thải tồn lưu tại các cảng của Việt Nam theo quy định của Công ước Basel;
Việt Nam có thể xem xét sớm phê chuẩn Văn kiện sửa đổi về Lệnh cấm của Công ước Basel trong thời gian tới;
Cập nhật các hướng dẫn kỹ thuật của Công ước Basel để xây dựng các quy định về quản lý chất thải nguy hại.
Đồng thời, Việt Nam cần tiếp tục xem xét, ưu tiên đầu tư các nguồn lực, huy động hỗ trợ kỹ thuật, tài trợ kinh phí của quốc tế (Ban Thư ký các Công ước, GEF và các nhà tài trợ khác), trong đó cần xem xét nhiều loại hình dự án như hỗ trợ kỹ thuật, đa lĩnh vực và kết hợp công - tư.
Hoàng Văn Thức
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT
Hoàng Xuân Huy
Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TN&MT
Lê Hoài Nam
Vụ trưởng Vụ Quản lý chất lượng môi trường, Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 7/2022)