Banner trang chủ

Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

19/10/2024

    Ngày 9/10/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1131/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Kế hoạch gồm các nhóm nhiệm vụ trọng tâm: Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng, liên vùng và quốc tế; phát triển vùng đồng bằng sông Hồng đi đầu trong phát triển giáo dục - đào tạo khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số; phát huy các giá trị văn hóa cho phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo hệ thống đô thị vùng phát triển cân đối, bền vững, có mối liên kết chặt chẽ với khu vực nông thôn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, thông minh, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; xử lý các vấn đề môi trường, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm và đảm bảo an ninh nguồn nước; triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện kết hợp phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố, tăng cường thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ…

    Theo đó, về phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng, liên vùng và quốc tế: Phát triển các hành lang kinh tế Bắc - Nam theo hướng cao tốc Bắc Nam phía Đông, phía Tây, quốc lộ (QL) 1 (Bắc Ninh - Hà Nội - Ninh Bình), hành lang kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, hành lang kinh tế ven biển vịnh Bắc Bộ (từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Kim Sơn (Ninh Bình)), hành lang QL18 (Nội Bài - Hạ Long). Tập trung phát triển các ngành sản xuất công nghiệp và dịch vụ hiện đại: Điện tử, sản xuất phần mềm, trí tuệ nhân tạo, sản xuất ô tô, công nghiệp phụ trợ, các dịch vụ thương mại, logistics, tài chính - ngân hàng, du lịch, viễn thông, y tế chuyên sâu. Mở rộng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến. Tập trung phát triển chuỗi sản phẩm tổng hợp về du lịch văn hóa, lịch sử, tham quan thắng cảnh, nghỉ dưỡng, giải trí biển, du lịch đô thị tại khu vực động lực du lịch Hà Nội - Quảng Ninh - Hải Phòng - Ninh Bình.

    Đối với phát triển vùng đồng bằng sông Hồng đi đầu trong phát triển giáo dục - đào tạo khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số, hình thành và phát triển đồng bộ hệ thống giáo dục - đào tạo từ mầm non đến đại học theo hướng hiện đại, hội nhập, hiệu quả, công bằng, minh bạch. Xây dựng vùng đồng bằng sông Hồng trở thành trung tâm giáo dục - đào tạo chất lượng cao của quốc gia, khu vực và quốc tế. Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt nhằm phát triển nhanh, toàn diện đội ngũ nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đội ngũ lao động lành nghề đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo của vùng, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tăng cường tiềm lực của hệ thống trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm khởi nghiệp sáng tạo vùng, địa phương để hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo.

    Về phát huy các giá trị văn hóa cho phát triển kinh tế - xã hội, tập trung bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa, nhất là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia trước những tác động, ảnh hưởng bởi các hoạt động kinh tế khác như các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh gắn liền với các triều đại Đinh, Lý, Trần… trong quá trình đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc và các khu di tích quốc gia, đền, chùa; rà soát, phục dựng, trùng tu, tôn tạo, bảo tồn và phát huy các giá trị, di tích lịch sử, di sản văn hóa của các địa phương. Đẩy mạnh liên kết giữa các lĩnh vực văn hóa nhằm tận dụng, khai thác có hiệu quả các nguồn lực sẵn có đồng thời đáp ứng nhu cầu đa dạng cho phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng; phát huy vai trò kết nối của trung tâm quốc gia - Hà Nội, trung tâm vùng trong hoạt động văn hóa; phát triển mạnh công nghiệp văn hóa trên cơ sở khai thác và phát huy các giá trị lịch sử, truyền thống. Chú trọng liên kết phát triển văn hóa của vùng đồng bằng sông Hồng với các vùng khác trong cả nước gắn với hình thành và phát triển các hành lang kinh tế kết nối với các trung tâm động lực của các tỉnh trong vùng với các vùng khác. Hình thành liên kết vùng kết nối các công trình di sản văn hóa, tâm linh dọc sông Hồng theo trục Thăng Long - Phố Hiến - Tam Chúc - Bái Đính - Chùa Hương, gắn với hạ tầng giao thông kết nối vùng Hà Nội - Hưng Yên - Hà Nam - Ninh Bình.

    Cùng với đó, để đảm bảo hệ thống đô thị vùng phát triển cân đối, bền vững, có mối liên kết chặt chẽ với khu vực nông thôn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, thông minh, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu: Tập trung phát triển hệ thống đô thị trong vùng hiện đại, thông minh, bền vững, theo mạng lưới và thích ứng với biến đổi khí hậu; phân bổ hợp lý, bảo đảm đồng bộ, thống nhất để vùng đồng bằng sông Hồng trở thành vùng đô thị lớn, có tỷ lệ đô thị hóa cao và chất lượng sống tốt. Lấy định hướng phát triển giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch đô thị (theo mô hình TOD). Chú trọng phát triển các đô thị hai bên bờ sông Hồng và các sông lớn trong vùng, đáp ứng yêu cầu thoát lũ, phòng, chống thiên tai, khai thác, sử dụng hiệu quả không gian, quỹ đất. Phát triển các trung tâm hành chính tỉnh, thành phố để tăng cường liên kết, hình thành các chuỗi đô thị, đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa. Thực hiện đồng bộ các chính sách, đầu tư các công trình hạ tầng đô thị giảm tải ùn tắc, chống ngập cho các đô thị lớn (nhất là các thành phố Hà Nội, Hải Phòng), thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh; tiếp tục thực hiện di dời trường đại học, bệnh viện ra khỏi trung tâm Thủ đô Hà Nội. Có chính sách đủ mạnh đảm bảo đẩy nhanh tiến độ phát triển nhà xã hội cho người có thu nhập thấp, nhà ở trong khu công nghiệp cho người lao động và xây dựng các thiết chế văn hóa, nhất là cho công nhân, người lao động làm việc trong khu công nghiệp...

    Đối với xử lý các vấn đề môi trường, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm và đảm bảo an ninh nguồn nước, Kế hoạch chú trọng bảo vệ tài nguyên nước bao gồm toàn bộ lưu vực hệ thống sông Hồng - Thái Bình thuộc lãnh thổ Việt Nam; khoanh vùng bảo vệ cụ thể, nghiêm ngặt, hạn chế bố trí phát triển, nhất là các ngành kinh tế, cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm, gắn với yêu cầu hệ thống xử lý các vấn đề về môi trường nhằm bảo vệ nguồn nước đáp ứng nhu cầu sử dụng cho các mục đích kinh tế - xã hội và sinh hoạt của nhân dân. Đồng thời, xây dựng, nâng cấp các điểm, công trình quan trắc tài nguyên nước dưới đất theo Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Vũ Hồng

Ý kiến của bạn