Banner trang chủ

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tích cực, chủ động, sáng tạo trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường

30/11/2023

    Từ bao đời nay, phụ nữ Việt Nam, dù thuộc dân tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, nơi công tác, cư trú, lứa tuổi nào cũng luôn đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, phát huy truyền thống tốt đẹp, chủ động, sáng tạo hưởng ứng các phong trào thi đua của đất nước, hăng hái tham gia các chương trình mục tiêu quốc gia; chăm lo, vun đắp hạnh phúc gia đình; nỗ lực vươn lên khẳng định vai trò, vị thế to lớn của phụ nữ trong đời sống xã hội. Trong lĩnh vực BVMT, chiếm trên 50% dân số, phụ nữ là lực lượng quan trọng trong sử dụng, tiếp cận, giải quyết các công việc hàng ngày liên quan trực tiếp đến môi trường. Phụ nữ có mối liên hệ mật thiết với môi trường tự nhiên không chỉ trong quá trình lao động, sản xuất và sinh hoạt hàng ngày mà còn là đối tượng nhạy cảm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ ô nhiễm môi trường và những hậu quả của biến đổi khí hậu (BĐKH). Phụ nữ cũng là người có ảnh hưởng lớn tới việc hình thành ý thức, thay đổi hành vi của trẻ em và các thành viên gia đình trong BVMT; do đó, vừa là đối tượng, vừa là chủ thể quan trọng của công tác BVMT. Nhận thức được điều này, nhiều sáng kiến, ý tưởng về “sản xuất sạch, chế biến sạch, tiêu dùng sạch”, giảm thiểu rác thải nhựa, “biến rác thành tiền”, tái chế/tái sử dụng, mô hình “phụ nữ sống xanh”, nói không với túi ni lông, dùng làn đi chợ… đã và đang được phụ nữ trên mọi miền Tổ quốc tích cực hưởng ứng. Hội viên, phụ nữ trở thành hạt nhân tích cực, đi đầu trong công tác BVMT, đúng theo tinh thần Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT đã đề ra: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân đẩy mạnh công tác vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, BVMT và giám sát việc thực hiện Nghị quyết” (khoản 4 Chương V).

    Là tổ chức chính trị - xã hội đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ Việt Nam, những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam đã có nhiều hoạt động tích cực đóng góp hiệu quả vào công tác ứng phó với BĐKH, BVMT. Trong công tác chỉ đạo, BVMT trở thành nội dung quan trọng của Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” (được Hội LHPN Việt Nam phát động từ năm 2010), góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Nội dung công tác BVMT, thích ứng với BĐKH được nêu cụ thể trong Văn kiện Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, đó là tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức và kỹ năng cho phụ nữ phòng chống thiên tai, dịch bệnh, thích ứng với BĐKH; Phát huy vai trò đại diện của tổ chức Hội trong các ban chỉ đạo/ban chỉ huy phòng, chống thiên tai các cấp, trọng tâm là “hậu cần tại chỗ” trong phương châm “4 tại chỗ”; Đẩy mạnh vai trò của tổ chức Hội trong tuyên truyền, vận động phụ nữ tham gia BVMT, tổ chức Tết trồng cây hằng năm với chủ đề “Phụ nữ vun trồng tương lai” nhằm hưởng ứng Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025” của Chính phủ, phân loại rác thải tại nguồn và chống rác thải nhựa… Hàng năm, Hội LHPN Việt Nam đều đưa nội dung trọng tâm về công tác BVMT, thích ứng với BĐKH vào kế hoạch hướng dẫn triển khai công tác Hội trên cơ sở tình hình cụ thể của địa phương và các nhóm đối tượng; lồng ghép, tranh thủ nguồn lực để thực hiện và xây dựng, nhân rộng các mô hình hiệu quả. Đặc biệt, căn cứ Nghị quyết số 24-NQ/TW cũng như chức năng, nhiệm vụ của Hội LHPN Việt Nam, trong thời gian qua, các cấp Hội tập trung tăng cường công tác nâng cao nhận thức, hình thành ý thức chủ động ứng phó với BĐKH, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và BVMT thông qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, vận động và xây dựng, nhân rộng các mô hình hiệu quả.

    Không ngừng đổi mới công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia BVMT

    Ngày 31/8/1963, đến dự Hội nghị chuyên đề về công tác tuyên giáo miền núi và nói chuyện thân mật với các đại biểu, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm”. Làm theo lời Bác dạy, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, hướng tới thay đổi hành vi của cán bộ, hội viên phụ nữ về ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên, BVMT được các cấp Hội quan tâm chỉ đạo, không ngừng đổi mới về nội dung, phương pháp, tạo sự chuyển biến tích cực, khẳng định được vai trò của tổ chức Hội cũng như hội viên phụ nữ trong công tác BVMT. Các cấp Hội tập trung tuyên truyền các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan BVMT, ứng phó với BĐKH như: Luật BVMT năm 2020; Luật Đa dạng sinh học, Chiến lược quốc gia về BĐKH...; tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ và nhân dân chấp hành pháp luật, tuân thủ sự chỉ đạo của chính quyền đối với người dân trong BVMT; đồng thời tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ áp dụng các biện pháp: trồng cây xanh, bảo vệ rừng, BVMT, sử dụng năng lượng mặt trời, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, tiết kiệm nước... Kết quả, trong nhiệm kỳ XII (2017 - 2022), các cấp Hội đã tổ chức được 222.704 hoạt động truyền thông với sự tham gia của 18.048.776 lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ về BVMT, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ứng phó với BĐKH.

Hội viên phụ nữ tỉnh Ninh Bình tích cực tham gia đổi rác thải lấy quà tại sự kiện “Phiên chợ xanh - BVMT nông thôn”

    Với quan điểm hướng các hoạt động về cơ sở, công tác truyền thông tại cộng đồng đã được Hội tích cực triển khai với nhiều phương pháp đổi mới, sáng tạo, thiết thực, phù hợp điều kiện địa phương: tuyên truyền lồng ghép với các hoạt động Hội thông qua sinh hoạt chi hội, câu lạc bộ, hội nghị, giao lưu, tọa đàm, sự kiện truyền thông; tuyên truyền trên hệ thống đài phát thanh và truyền hình, đài truyền thanh, loa truyền thanh của địa phương; tuyên truyền trên các trang mạng xã hội như fanpage, facebook, zalo; treo băng rôn, panô, áp phích, khẩu hiệu tuyên truyền tại công sở, trường học, khu dân cư, các đường phố chính; xây dựng tài liệu sinh hoạt hội viên… Hội LHPN Việt Nam còn chủ động thay đổi hình thức truyền thông phù hợp, sử dụng mạng xã hội để lan tỏa các thông điệp, hành động BVMT, thích ứng với BĐKH như Chiến dịch và sự kiện trực tuyến “Tử tế vì môi trường” (2020, 2022); Cuộc thi trực tuyến “Phụ nữ chung tay phục hồi hệ sinh thái” (2021); Sự kiện trực tuyến “Tấm lưới xanh” kêu gọi cộng đồng và các ngư dân ven biển tích cực hành động thu gom rác thải nhựa, rác thải tái sử dụng, tái chế trong hành trình đi biển (Quảng Ngãi, 2022); Sự kiện trực tuyến “Phiên chợ xanh” kêu gọi hội viên, phụ nữ, cộng đồng hạn chế sử dụng túi ni lông khi đi chợ, khuyến khích tiêu dùng xanh (Ninh Bình, 2023)… Các sự kiện đã huy động đông đảo sự tham gia của của cán bộ, hội viên, phụ nữ cả nước với nhiều hoạt động phong phú, có ý nghĩa trong công tác BVMT, ứng phó với BĐKH.

    Cùng với đó, nhiều hội thảo, diễn đàn về phụ nữ trong BVMT, thích ứng với BĐKH đã được tổ chức như: Hội thảo“Phụ nữ các tôn giáo Tây Nguyên chung tay bảo vệ thiên nhiên, môi trường góp phần xây dựng nông thôn mới” (tại Đắk Lắk), “Phụ nữ Việt Nam trong công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường” (tại Bà Rịa - Vũng Tàu); Triển lãm “Sống xanh”,“Phụ nữ Việt Nam chung tay BVMT xây dựng nông thôn mới”... Đặc biệt, Ngày Phụ nữ sáng tạo (2017) với chủ đề “Phụ nữ tham gia giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với BĐKH” được Trung ương Hội tổ chức tại Hà Nội đã thu hút sự tham gia của 54 tỉnh/thành phố và đơn vị với 189 sản phẩm, 95 ý tưởng/đề án sáng tạo của các tập thể, cá nhân. Thông qua các hoạt động từ mô hình, hội viên, phụ nữ và người dân trên địa bàn triển khai đã nắm bắt được các vấn đề, tình hình môi trường địa phương, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong sinh hoạt, sản xuất của người dân, góp phần thực hiện BVMT, xây dựng nông thôn mới. Năm 2023, Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” ghi nhận 2.024 dự án khởi nghiệp tham gia dự thi (tăng 30,67% so với Cuộc thi trước đó) và chọn ra 273 dự án tham dự vòng sơ loại cấp vùng với các lĩnh vực rất đa dạng: nông lâm - ngư nghiệp (47,15%); công nghiệp, chế tạo sản phẩm (8,54%); giáo dục, du lịch, dịch vụ, tài chính (5,38%)... Các hoạt động của Hội hướng đến nhiều đối tượng khác nhau, mở rộng tính liên hiệp để vừa tăng cường vai trò đại diện vừa phát huy sự tham gia của nguồn nhân lực nữ chất lượng cao, như đội ngũ nữ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nữ doanh nhân, nữ trí thức... đồng thời có nhiều giải pháp cụ thể dành cho nhóm phụ nữ đặc thù, khó khăn.

    Ngoài ra, xuất phát từ nhận thức về vai trò, trách nhiệm của người phụ nữ và tổ chức Hội phụ nữ trong việc chủ động tham gia giải quyết những vấn đề về môi trường, từ đầu năm 2019, nhiều tỉnh/thành Hội đã bắt đầu việc vận động tiểu thương ở chợ cam kết hạn chế sử dụng túi ni lông truyền thống và thay thế bằng túi ni lông tự hủy sinh học; vận động chị em dùng sản phẩm từ thiên nhiên như lá chuối, lá sen để gói thực phẩm hoặc sử dụng giỏ để đi chợ; phát tờ rơi tuyên truyền tác hại rác nhựa, tặng túi ni lông tự phân hủy để các tiểu thương dùng thử; khuyến khích người dân xách giỏ đi chợ; hướng dẫn, giới thiệu các hộ tiểu thương tìm đại lý mua các túi ni lông tự hủy... nhằm hạn chế rác thải nhựa. Điển hình như Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa tổ chức 6 “Phiên chợ truyền thông nói không với thực phẩm bẩn”, tuyên truyền người dân và tiểu thương hạn chế sử dụng túi ni lông, vận động người dân mang làn, hộp nhựa đựng thức ăn khi đi chợ; Hội LHPN tỉnh An Giang tổ chức 372 cuộc tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni lông, đồ nhựa, sử dụng giỏ đi chợ, phân loại rác tại nguồn; Hội LHPN TP. Hải Phòng vận động chị em đi chợ không túi ni lông, sử dụng dây buộc và gói rau bằng lá chuối để góp phần làm sạch môi trường...

    Phát huy vai trò của các đơn vị truyền thông của Hội, Báo Phụ nữ Việt Nam đã mở mục “Tử tế với môi trường” trên báo in, tăng cường các bài viết thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên báo điện tử, trong đó chú trọng đến các hoạt động của các cấp Hội. 10 năm qua (từ năm 2013 đến nay), Báo Phụ nữ Việt Nam tổ chức chương trình “Mottainai - trao yêu thương, nhận hạnh phúc” - hoạt động thường niên về tái chế quyên góp đồ cũ vì mục đích nhân đạo, tôn vinh lối sống xanh, thu hút hơn 500.000 người tham gia, gần 5.000 lượt trẻ em khó khăn được hưởng lợi và được nhận bằng khen của Đại sứ quán Nhật Bản, được trao Giải thưởng Phụ nữ sáng tạo năm 2017.

    Nhân rộng, lan tỏa các mô hình BVMT, quản lý tài nguyên, thích ứng với BĐKH

    Hơn 10 năm qua, kể từ khi Nghị quyết số 24-NQ/TW được ban hành, nhiều mô hình BVMT, thích ứng với BĐKH hiệu quả được các cấp Hội xây dựng, duy trì, nhân rộng tại nhiều địa phương, thu hút sự tham gia, hưởng ứng của đông đảo cán bộ, hội viên, phụ nữ và người dân; được cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành chức năng ghi nhận, đánh giá cao.

    Năm 2020, Trung ương Hội đã đầu tư thí điểm thực hiện một số mô hình “Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và chống rác thải nhựa”, “Phụ nữ sống xanh” tại cộng đồng và khu chợ (Ninh Bình, Cần Thơ, Lào Cai, Tây Ninh, Hải Phòng, Lâm Đồng, Kiên Giang, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế), với các nội dung trọng tâm: tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ Hội, tuyên truyền viên nòng cốt và ban quản lý khu chợ; phát động và hướng dẫn thực hiện phân loại rác, giảm thiểu rác thải nhựa tại chợ và hộ gia đình cho hội viên phụ nữ, hướng dẫn thực hành xử lý rác thải hữu cơ. Mô hình đã giúp hội viên, phụ nữ và cộng đồng nâng cao kiến thức, thay đổi hành vi về giảm thiểu túi ni lông và rác thải nhựa một lần khi đi chợ; thực hiện phân loại và xử lý rác thải hữu cơ, tích cực trồng cây xanh, xây dựng các tuyến đường hoa. Sự lan tỏa hành động tích cực hạn chế sử dụng túi ni lông của người đi chợ và tiểu thương đều thể hiện rõ nét vào các “Ngày cuối tuần xanh” khi có các hoạt động truyền thông tại chợ về hạn chế sử dụng túi ni lông. Trong quá trình thực hiện, Trung ương Hội đã phối hợp với các chuyên gia thử nghiệm bộ công cụ đánh giá mức độ sử dụng túi ni lông tại các chợ của tiểu thương và người đi chợ để có những đánh giá bước đầu hiệu quả từ việc hạn chế sử dụng túi ni lông. Các số liệu về mức độ sử dụng túi ni lông của người đi chợ và tiểu thương cơ bản tại một số địa phương thông qua hoạt động thống kê, giám sát đều giảm và quy đổi ra lượng phát thải khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính cho thấy lượng khí CO2 giảm. Điều này cho thấy, tác động từ các hoạt động mô hình đã góp phần giúp cả tiểu thương, người đi chợ cùng nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen hàng ngày để chung tay BVMT.

    Ở các địa phương, các cấp Hội đã kế thừa, thành lập mô hình mới, sáng tạo. Theo báo cáo 5 năm thực hiện phong trào chống rác thải nhựa của Hội LHPN Việt Nam (giai đoạn 2018 - 2023), tổng số mô hình BVMT, chống rác thải nhựa do Hội chủ trì là: 9.153 mô hình, trong đó phổ biến là các mô hình “Phụ nữ không sử dụng túi ni lông”; “Phụ nữ nói không với túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần”; “Biến rác thành tiền”; “Phân loại rác thải đầu nguồn”... Bên cạnh đó, các mô hình sinh kế thích ứng với BĐKH như nuôi gà thả đồi” (Lào Cai), nuôi trồng thuỷ sản (Cà Mau), trồng sen (Quảng Nam, Bình Định), trồng và chế biến măng tây (Ninh Thuận)… được các cấp Hội tích cực triển khai ở nhiều địa phương, thu hút sự tham gia đông đảo của hội viên, phụ nữ. Đến nay, 100% các tỉnh/thành Hội đều có các mô hình về BVMT, đã có 29.815 cơ sở Hội có ít nhất 1 mô hình tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường hoặc mô hình sinh kế thích ứng với BĐKH. Các mô hình tại cộng đồng không chỉ góp phần hiệu quả thực hiện BVMT, thích ứng với BĐKH mà còn có ý nghĩa hỗ trợ các cấp Hội thực hiện các hoạt động an sinh xã hội. Tiêu biểu, thông qua các mô hình phụ nữ thu gom phế liệu để bán gây quỹ thăm hỏi hội viên, phụ nữ và đỡ đầu các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, theo số liệu của 45/65 tỉnh, thành, đơn vị, các cấp Hội đã gây được nguồn quỹ 5,7 tỷ đồng và trao tặng học bổng, bảo hiểm y tế cho hàng chục nghìn phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước.

    Với thế mạnh có mạng lưới chi, tổ, hội ở tận các thôn/bản/xóm, lực lượng hội viên đông đảo, có chức năng giám sát và phản biện xã hội, có thể khẳng định, phụ nữ và các cấp Hội LHPN Việt Nam đã và đang chủ động, tích cực, phát huy tính năng động, sáng tạo tham gia thực hiện công tác BVMT, thích ứng với BĐKH bằng nhiều hình thức, cách làm thiết thực và các mô hình hiệu quả, tạo môi trường sống lành mạnh, an toàn, vui tươi cho người dân nói chung, phụ nữ nói riêng, góp phần thiết thực ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT của nước ta hiện nay. Trước yêu cầu của công tác BVMT hiện nay, nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 24-NQ/TW, gắn với những nhiệm vụ công tác Hội, Hội LHPN Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò tích cực trong sự nghiệp BVMT của đất nước, sáng tạo, đổi mới các hoạt động truyền thông, giáo dục, vận động nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi bảo vệ môi trường và vận động phụ nữ tích cực tham gia giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về BVMT. Hội đề xuất các cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm và giải quyết kịp thời các trường hợp liên quan và gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, người dân; nghiên cứu, xây dựng phương thức phương tiện vận chuyển, phân loại rác tại nguồn một cách đồng bộ (từ thu gom, phân loại rác tại hộ gia đình tới các điểm tập trung phân loại rác thải); lập các quy hoạch điểm tập kết trung chuyển rác thải; thiết lập hệ thống cơ giới hóa thu gom vận chuyển; xây dựng các dịch vụ thu gom, tập trung hỗ trợ xây dựng, nhân rộng các mô hình xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình góp phần giảm thiểu rác thải ra ngoài môi trường; chỉ đạo từng bước để các doanh nghiệp hạn chế sản xuất và cung ứng sản phẩm nhựa dùng một lần; có cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ đối với doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất các sản phẩm túi đựng thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa góp phần BVMT...

Nguyễn Hoàng Anh

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo

Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2023)

Ý kiến của bạn