26/06/2023
1. Thực trạng phát triển công nghiệp tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung
Theo Quyết định số 148/2004/QĐ-TTg ngày 13/8/2004 của Thủ tướng Chính phủ, vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) miền Trung gồm 5 tỉnh, thành phố: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Toàn vùng có diện tích tự nhiên 27.881,7 km2, chiếm 8,45% diện tích cả nước, đứng thứ hai trong bốn vùng KTTĐ. Theo Báo cáo đánh giá hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội và công tác quản lý nhà nước về BVMT tại vùng KTTĐ miền Trung của Bộ TN&MT (2022), chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp vùng KTTĐ năm 2021 tăng 4,7% so với năm 2020, cao hơn mức tăng 3,3% của năm 2020 nhưng thấp hơn so với mức tăng 9,1% của năm 2019 và mức tăng 10,1% của năm 2018. Trong các ngành công nghiệp, ngành chế biến chế tạo tăng 5,9%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,5%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,0%; ngành khai khoáng giảm 5,7%.
Ngành công nghiệp là một ngành sản xuất quan trọng trong nền kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) miền Trung. Lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng cao, giá trị gia tăng ngành công nghiệp (giá so sánh 1994) năm 2020 đạt khoảng đạt 18.102,5 tỷ đồng, gấp 4,6 lần năm 2000.
Mặc dù, ngành công nghiệp vùng có sự phát triển nhanh chóng, bước đầu đã có đóng góp quan trọng cho sự phát triển của toàn nền kinh tế, nhưng tỷ lệ đóng góp của ngành trong cơ cấu GDP toàn vùng chưa cao. Đến năm 2020, mức độ đóng góp của ngành công nghiệp trong cơ cấu GDP, đạt 42,5%.
Những năm gần đây, cơ cấu công nghiệp theo thành phần kinh tế đã có sự dịch chuyển hợp lý hơn. Công nghiệp Nhà nước giảm tỷ trọng trong giá trị sản xuất công nghiệp từ 53,5% năm 2000 xuống 45,1% năm 2020. Điều này chứng tỏ sản xuất công nghiệp của vùng đã có bước chuyển biến tích cực, nhưng cần phải mạnh mẽ hơn để ngày càng phù hợp hơn với kinh tế thị trường, khuyến khích các thành phần kinh tế khác phát triển nhằm thu hút nhiều vốn hơn, công nghệ sản xuất mới hơn và sản phẩm đa dạng hơn.
Đến nay, toàn vùng có gần 60 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm gần 6,8% số lượng doanh nghiệp đang hoạt động của cả nước (năm 2020 cả nước có trên 873 nghìn doanh nghiệp); trong đó Đà Nẵng có số doanh nghiệp cao nhất (31 nghìn doanh nghiệp), chiếm gần 54% số doanh nghiệp của toàn vùng. Tuy chiếm hơn 8,6% tổng vốn đầu tư xã hội của cả nước, nhưng khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên toàn vùng chỉ chiếm hơn 5,3% tổng vốn đăng ký của cả nước (chỉ tính các dự án FDI còn hiệu lực).
Số cơ sở sản xuất công nghiệp cả vùng năm 2020 có khoảng 61,5 nghìn cơ sở, sự thay đổi này là không lớn, chỉ tăng gấp 1,16 lần năm 2001. Số cơ sở ngoài quốc doanh chiếm chủ yếu, số lượng các doanh nghiệp quốc doanh cũng như số lượng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ lệ thấp. Tuy nhiên, cơ cấu về số lượng các doanh nhiệp theo thành phần kinh tế này không phản ánh quy mô của công nghiệp theo giá trị sản xuất. Năm 2010, mặc dù số doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm tỷ trọng lớn, nhưng giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực này chỉ chiếm có 22% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của vùng.
Về số lượng các khu công nghiệp (KCN) của vùng trong những năm gần đây cũng phát triển mạnh, cụ thể: Quảng Nam (13 KCN), chủ yếu là công nghiệp phụ trợ sản xuất ô tô, chế biến lâm sản, gia công cơ khí, dệt may, da giày, công nghệ sản xuất thực phẩm và thủy sản; Quảng Ngãi (4 KCN), gồm: công nghiệp lọc dầu, sản xuất gang thép, công nghiệp chế tạo và công nghiệp chế biến (nông-lâm-thủy sản và thực phẩm); Đà Nẵng (7 KCN, diện tích 2.194,92 ha) chủ yếu là ngành cơ khí lắp ráp, ngành chế biến nông - lâm - thủy sản, ngành công nghiệp hóa chất - nhựa - sản phẩm sau hóa dầu, sản xuất giấy, vật liệu ngành xây dựng....; Thừa Thiên - Huế (6 KCN), bao gồm: chế biến nông lâm sản, khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng; Bình Định (7 KCN), chủ yếu là các lĩnh vực: chế biến lâm sản, chế biến đá granite, sản xuất thức ăn gia súc…
Về các CCN: Quảng Nam (58 CCN), chủ yếu là công nghiệp phụ trợ sản xuất ô tô, chế biến lâm sản, gia công cơ khí, dệt may, da giày, công nghệ sản xuất thực phẩm và thủy sản; Quảng Ngãi (23 CCN), chủ yếu là công nghiệp phục vụ nông nghiệp; Đà Nẵng (2 CCN), với các lĩnh vực sản xuất đá mỹ nghệ, đá chẻ và tiểu thủ công nghiệp; Thừa Thiên - Huế (9 CCN), bao gồm các lĩnh vực: sản xuất vật liệu xây dựng, may công nghiệp, thêu, sản xuất giấy krap, mộc mỹ nghệ, giày da, sản xuất dăm gỗ và viên nén năng lượng; Bình Định (61 CCN), chủ yếu hoạt động trong các ngành nấu, đúc kim loại, hóa chất, chế biến nông sản, chế biến nước mắm, sản xuất hương nhang2,..
Số lượng cơ sở nằm ngoài KCN, CCN năm 2020 của vùng, bao gồm 33.914 cơ sở với nhiều loại hình hoạt động, cụ thể: Quảng Nam (560 cơ sở), chủ yếu là loại hình công nghiệp phụ trợ sản xuất ô tô, chế biến lâm sản, gia công cơ khí, dệt may, da giày, công nghệ sản xuất thực phẩm và thủy sản; Quảng Ngãi (11.854 cơ sở), chủ yếu là công nghiệp chế biến thực phẩm và phụ trợ nông nghiệp; Đà Nẵng (1.500 cơ sở), chủ yếu là sản xuất đá mỹ nghệ, chế biến thủy sản, thủ công mỹ nghệ; Bình Định (20.000 cơ sở), chủ yếu là chế biến nông-lâm-thủy sản, sản xuất thủ công mỹ nghệ, sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh và cơ khí nhỏ1…
Các KCN và CCN là động lực phát triển cho nền kinh tế. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của khu vực này lại kéo theo hàng loạt nguy cơ gây ô nhiễm môi trường (ÔNMT) cho toàn vùng. Theo Báo cáo đánh giá hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội và công tác quản lý nhà nước về BVMT tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung của Bộ TN&MT (2022), phần lớn tại các KCN, hạ tầng về xử lý nước thải (XLNT) và khí thải xuống cấp, nên việc xử lý còn nhiều hạn chế, phần lớn nước thải tự xử lý, chưa đạt quy chuẩn. Hầu hết các CCN trên địa bàn chưa được đầu tư hệ thống XLNT, một số CCN mặc dù đã đầu tư hệ thống XLNT nhưng đến nay vẫn chưa đưa vào vận hành1. Như vậy, có thể thấy việc đầu tư công trình XLNT tập trung chủ yếu ưu tiên cho các KCN, trong khi đó lượng nước thải phát sinh từ các CCN không hề nhỏ, đặc biệt đối với các vùng huyện có số lượng CCN nhiều (như ở Quảng Nam, theo thống kê tổng lượng nước thải từ các CCN tại huyện Đại Lộc xấp xỉ bằng lượng nước thải từ KCN Điện Nam - Điện Ngọc)8 nhưng do các CCN được quy hoạch nhỏ lẻ, phân tán gây khó khăn cho việc đầu tư công trình XLNT tập trung. Mặt khác, vùng KTTĐ miền Trung, vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất (CSSX) công nghiệp nằm ngoài khu, cụm, trong đó có nhiều CSSX có quy mô xả thải lớn gây khó khăn trong vấn đề kiểm soát ô nhiễm.
Tại các địa phương, ô nhiễm do nước thải từ các KCN cũng đang gây tác động với chất lượng nước các lưu vực sông trên địa bàn. Đối với Quảng Nam8 các vấn đề ô nhiễm nước tại lưu vực sông đang trở thành các nguy cơ tiềm ẩn. Tại khu vực hạ lưu sông Trầu, sau tiếp nhận nước thải của KCN Trường Hải và KCN Tam Hiệp, hàm lượng clorua thường xuyên có giá trị clorua vượt giới hạn. Ngoài ra, thông số chất rắn lơ lửng tại khu vực sông Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh), cách Nhà máy vàng Bồng Miêu khoảng 1 km về phía hạ lưu tuy đã được cải thiện nhưng sẽ ô nhiễm nếu hoạt động khai thác được thực hiện trở lại. Tại sông Ly Ly (Quế Sơn), cách KCN Đông Quế Sơn khoảng 200 m về phía hạ lưu, thông số NH4+ và PO43- vượt 2,36 và 1,44 lần giới hạn cho phép cột A2 của QCVN 08-MT:2015/BTNMT vào tháng 3/2016. Tình trạng này đã được cải thiện nhiều do sự suy giảm hoạt động công nghiệp của tỉnh. Các nguồn thải công nghiệp này cũng là nguyên nhân chính gây ra tình trạng ô nhiễm kim loại nặng (Fe, Pb) trong thời gian dài. Như vậy, cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp, chất lượng môi trường tại các khu vực lân cận các KCN có xu hướng bị ảnh hưởng. Với một số giải pháp quan trắc và quản lý môi trường hiện hành, một số chỉ số môi trường có xu hướng cải thiện như ô nhiễm tiếng ồn tại KCN Điện Nam - Điện Ngọc và khu dân cư gần KCN Bắc Chu Lai, hàm lượng chất rắn lơ lửng TSS tại khu vực sông khu vực sông Bồng Miêu do giảm thiểu và quản lý chặt chẽ hơn hoạt động khai khoáng ở khu vực sông, hàm lượng amoni và phốt pho tại sông Ly Ly. Tuy nhiên, lượng bụi lơ lửng tại khu vực gần các KCN có xu hướng gia tăng. Bên cạnh đó, ô nhiễm kim loại nặng và nhiễm khuẩn Coliform tại các sông có xu hướng gia tăng. Đây là những thách thức chính trong quản lý chất thải công nghiệp tại khu vực.
Bên cạnh ô nhiễm do nước thải, vấn đề ô nhiễm mùi từ sản xuất công nghiệp cũng là một trong những vấn đề gây bức xúc thời gian qua. Hiện tại, nhiều địa phương đang chịu sự tác động của ô nhiễm mùi từ sản xuất công nghiệp, chủ yếu phát sinh từ các cơ sở chế biến bột cá, thủy sản, thức ăn chăn nuôi và chế biến cao su (như Điện Bàn, Đại Lộc và Núi Thành-Quảng Nam, Nhà máy chết biến tinh bột mì Tịnh Phong, kênh thủy lợi Thạch Nham-Quảng Ngãi). Tuy đã phát sinh thời gian dài nhưng đến nay các nguồn ô nhiễm này gần như vẫn chưa được xử lý triệt để, gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường không khí và đời sống của người dân lân cận các khu, cụm công nghiệp.
Tại Đà Nẵng 2, theo Báo cáo kết quả quan trắc môi trường TP. Đà Nẵng năm 2018 và 2019, chất lượng không khí ở mức xấu tại khu quy hoạch làng nghề đá Non Nước (mới), đường Lê Trọng Tấn trước mỏ đá Phước Tường, đường vào mỏ đá Hòa Nhơn. Còn đối với các khu vực phát triển công nghiệp khác như khu vực Công ty Cổ phần thép Dana Ý (KCN Thanh Vinh), Công ty Xi măng Hải Vân, KCN Hòa Cầm, Cty Xi măng Cosevco 19, chất lượng không khí đạt mức trung bình. Tại các khu vực mỏ đá, tình trạng ô nhiễm nước ngầm (Coliform) cao rất nhiều lần tiêu chuẩn cho phép. Công tác quản lý môi trường và kiểm soát ô nhiễm đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh ngoài KCN vẫn còn hạn chế, nhất là các loại hình gia công cơ khí gò hàn, gỗ, sơ chế thủy sản,... gây tác động bụi, tiếng ồn, mùi ảnh hưởng môi trường xung quanh...
Bên cạnh đó, khí thải, chất thải rắn từ hoạt động công nghiệp là vấn đề cần quan tâm. Tại Thừa Thiên - Huế, tháng 8/2021 người dân ở thị trấn Phong Điền phát hiện gần 1 tấn cá tự nhiên ở ao hồ, khe suối gần KCN Phong Điền chết nổi trắng bụng. Ngay sau đó, Ban Quản lý (BQL) khu kinh tế - công nghiệp tỉnh Thừa Thiên-Huế đã phối hợp với Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và môi trường tỉnh Thừa Thiên-Huế10 lấy mẫu tại khu vực cá chết bất thường; quan trắc nước thải đột xuất tại Nhà máy chế biến tôm đông lạnh của Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam, chi nhánh Huế (gọi tắt Công ty C.P), cách khu vực cá chết khoảng 300m và mương nước dẫn từ nhà máy ra khu vực cá chết. Kết quả quan trắc nước thải sau xử lý của nhà máy thuộc Công ty C.P vào hai thời điểm khác nhau cho thấy có 5/10 chỉ tiêu đo đạc, phân tích vượt giá trị nồng độ tối đa cho phép. Trong đó, 2 chỉ tiêu là amoni tổng số (NH4+-N) vượt giới hạn cho phép 15 lần và tổng nitơ vượt 5,94 lần. Năm 2021 tỉnh Thừa Thiên - Huế có 2 khu kinh tế, 6 KCN thu hút nhiều dự án đang hoạt động, nhưng chỉ có KCN Phú Bài và Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô là có nhà đầu tư hạ tầng KCN nên có nhà máy xử lý nước thải tập trung. 5 KCN còn lại gồm Phong Điền, Tứ Hạ, La Sơn, Phú Đa, Quảng Vinh đến nay vẫn chưa được đầu tư xây dựng hệ thống XLNT tập trung. Vì thế, thời gian qua, nhiều nhà máy ở các KCN này trong quá trình hoạt động đã tự ý xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, gây nên tình trạng ô nhiễm, ảnh hưởng đến khu dân cư gây bức xúc cho người dân địa phương.
Theo Bộ TN&MT, tính đến nay chỉ có khoảng 20% số CCN đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Các CCN còn lại hoặc tự xử lý nước thải hoặc xả trực tiếp ra môi trường, dẫn tới nước thải không đạt yêu cầu QCVN. Tỷ lệ doanh nghiệp xử lý khí thải còn rất thấp 1.
Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất lớn nằm ngoài KCN, CCN tuy số lượng nhỏ, nhưng tổng lượng nước thải và khí thải phát sinh hàng năm chiếm tỷ lệ lớn, gây ra sức ép lên môi trường. Các cơ sở sản xuất nằm ngoài KCN, CCN có đặc điểm nằm phân tán chưa quan tâm hoặc không đầu tư hệ thống xử lý chất thải trong quá trình sản xuất, xả nước thải ra môi trường trái phép đang gây sức ép rất lớn lên môi trường, gây ÔNMT. Các cơ sở vừa và nhỏ nằm phân tán trong khu dân cư phân bố xen lẫn trong khu dân cư, tập trung trong các khu vực đô thị, gia công sản xuất cho các doanh nghiệp (DN) lớn, do công nghệ lạc hậu đang gây ảnh hưởng đến môi trường.
Ngoài ra, DN vừa và nhỏ là đối tượng rất khó kiểm soát về mặt môi trường. Dựa theo ngành nghề hoạt động đối với các cơ sở ngoài KCN, CCN cho thấy, lượng phát thải (nước thải, khí thải) từ các cơ sở này chiếm tỷ lệ khá lớn và gây nhiều sức ép lên môi trường. Tùy theo loại hình sản xuất mà lượng phát thải và tính chất nguồn ô nhiễm là khác nhau. Quá trình xử lý nước thải đối với các cơ sở này đang là vấn đề nan giải do đa số các cơ sở sản xuất đều nằm xen lẫn trong khu dân cư. Ngoài ra, cơ sở sản xuất nhỏ thường không có kinh phí để xây dựng một hệ thống xử lý nước thải đảm bảo yêu cầu về BVMT. Công tác quản lý môi trường và kiểm soát ô nhiễm đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh ngoài KCN vẫn còn hạn chế.
Đây là sức ép khá lớn đối với ngành công nghiệp, vấn đề xử lý đảm bảo vệ môi trường (BVMT) và công tác quản lý của các cơ quan chuyên ngành. Đòi hỏi cần có sự cải tiến công nghệ trong sản xuất để giảm thiểu chất thải phát sinh hoặc có công nghệ tái chế phù hợp, có thể thu hồi giá trị cũng như tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên.
2.2. Nguyên nhân ô nhiễm môi trường
Một là, việc phân cấp, ủy quyền cho Ban Quản lý KCN còn bất cập, chưa thực hiện chức năng “một cửa”, nên chưa tạo sự thuận lợi cho Ban Quản lý KCN thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về môi trường trong KCN.
Hai là, do thiếu vốn đầu tư cho các công trình xử lý rác thải, nước thải tập trung trong các khu công nghiệp chưa hoàn thành do thiếu kinh phí. Bên cạnh đó, việc kiểm soát chưa chặt chẽ dẫn đến KCN phát triển thiếu đồng bộ, đặc biệt là công trình xử lý nước thải.
Ba là, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật môi trường còn nhiều hạn chế: Doanh nghiệp còn thiếu thông tin về môi trường, đặc biệt là các quy định pháp về luật môi trường, từ đó chưa chủ động trong việc phòng ngừa ô nhiễm và xử lý ô nhiễm môi trường.
Bốn là, công tác quản lý, kiểm soát ô nhiễm mặc dù đã được chú trọng hơn so với giai đoạn trước, song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Lực lượng cán bộ của Chi cục môi trường và cả thanh tra môi trường còn quá mỏng trong khi nhiệm vụ quản lý BVMT phát sinh ngày càng nhiều và phức tạp, dẫn đến công tác thanh, kiểm tra chưa đạt kết quả tốt, việc kiểm tra các cơ sở sản xuất sau khi đi vào hoạt động (hậu kiểm ĐTM) chưa được thực hiện đầy đủ...
3. Một số giải pháp BVMT trong bối cảnh phát triển công nghiệp
Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật BVMT
Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về BVMT nhằm thể chế hóa việc thực hiện chủ trương không đánh đổi môi trường vì lợi ích kinh tế, kiểm soát nguy cơ phát sinh sự cố môi trường và vấn đề ô nhiễm môi trường.
Thứ hai, phát triển các KCN, CCN gắn với BVMT
Đối với KCN: Quy hoạch hệ thống thoát nước thải cho KCN. Xác định công nghệ cụ thể để xử lý nước cho từng loại hệ thống. Nếu mức độ ô nhiễm vượt quá tiêu chuẩn cho phép cần có kế hoạch đình chỉ hoặc di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu vực dân cư. Các cơ sở sản xuất kinh doanh bắt buộc phải có báo cáo, đánh giá định kỳ những tác động và các biện pháp xử lý chất thải có độc tố.
Đối với các CCN tập trung: Trước khi triển khai xây dựng các CCN tập trung, các cơ sở sản xuất cần lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, đưa ra các phương án xử lý ô nhiễm môi trường và phải được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Chỉ được xây dựng, vận hành, khai thác khi đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Không xây dựng mới các cơ sở sản xuất xen kẽ trong khu dân cư; Kiên quyết di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra xa khu dân cư. Vị trí các cơ sở sản xuất tập trung phải được bố trí ở cuối hướng gió chủ đạo so với khu hành chính dịch vụ, thương mại.
Thứ ba, nâng cao nhận thức cộng đồng
Công khai minh bạch về các thông tin của dự án đến cộng đồng dân cư trong khu vực, tăng cường công tác đối thoại, lấy ý kiến người dân đối với các dự án đầu tư. Tổ chức nhân rộng các mô hình tiêu biểu về BVMT trong toàn vùng.
Nâng cao vai trò giám sát, phản biện của UBMTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng dân cư, chủ động cung cấp thông tin, tố giác các hành vi vi phạm về BVMT.
Tiếp tục triển khai hiệu quả đường dây nóng để tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân về các vụ việc hay cơ sở gây ô nhiễm môi trường để kịp thời xử lý. Triển khai các giải pháp để phát huy vai trò, vị trí của cộng đồng dân cư là một chủ thể trong công tác BVMT theo quy định của Luật BVMT năm 2020.
Thứ năm, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ
Đẩy nhanh việc triển khai Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu về môi trường nhằm phát huy thế mạnh về ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, BVMT. Lồng ghép việc chuyển đổi số quản lý môi trường trong các ngành, lĩnh vực liên quan. Phát triển khoa học và công nghệ hướng đến phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, từng bước tiến tới chính quyền số.
Xây dựng cơ chế hỗ trợ và tăng cường kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong xử lý chất thải (nước thải, chất thải rắn,chất thải nguy hại...). Đặc biệt sớm thu hút các dự án xử lý CTR bằng công nghệ mới hiện đại thay thế cho các khu xử lý rác thải bằng công nghệ chôn lấp thủ công hiện nay.
TS. Nguyễn Thị Bích Nguyệt
Viện Địa lí nhân văn, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 5/2023)
Tài liệu tham khảo: