09/03/2021
Đó là một trong những nội dung của Nghị định số 14/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi, được Chính phủ ban hành ngày 1/3/2021. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 20/4/2021.
Theo đó, vi phạm quy định về giống vật nuôi, vi phạm quy định về thu thập, bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen giống vật nuôi và vi phạm quy định về giống vật nuôi cấm xuất khẩu, trao đổi nguồn gen giống vật nuôi quý hiếm sẽ bị phạt tiền từ 15 - 50 triệu đồng; vi phạm về quy định nhập khẩu giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi sẽ bị phạt tiền từ 5 - 20 triệu đồng; vi phạm quy định về điều kiện sản xuất, mua bán con giống vật nuôi sẽ bị phạt tiền từ 3 - 15 triệu đồng; vi phạm quy định về chứng chỉ, giấy phép trong quản lý giống vật nuôi sẽ bị phạt tiền từ 3 - 10 triệu đồng.
Đối với vi phạm quy định về thức ăn chăn nuôi, vi phạm quy định về điều kiện cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi sẽ bị phạt tiền từ 3 - 35 triệu đồng; vi phạm về công bố thông tin sản phẩm và nghĩa vụ cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi sẽ bị phạt tiền từ 1 - 10 triệu đồng; vi phạm quy định về chất lượng trong mua bán thức ăn chăn nuôi sẽ bị phạt tiền từ 1 - 20 triệu đồng.
Về vi phạm điều kiện chăn nuôi, Nghị định quy định mức phạt tiền đối với vi phạm quy định về xử lý chất thải chăn nuôi trang trại. Cụ thể, hành vi vi phạm quy định về xử lý chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia bị phạt tiền với các mức phạt như sau: Từ 1 - 3 triệu đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ, từ 3 - 5 triệu đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô vừa, từ 5 - 7 triệu đồng đối với chăn nuôi trang trạng quy mô lớn.
Hành vi vi phạm quy định về xử lý nước thải chăn nuôi không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật về nước thải chăn nuôi cho cây trồng và hành vi vi phạm quy định về xử lý khí thải từ hoạt động chăn nuôi không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải chăn nuôi bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ, từ 5 - 7 triệu đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô vừa, từ 7 - 10 triệu đồng đối với chăn nuôi trang trạng quy mô lớn.
Mức phạt tiền quy định nêu trên là mức phạt tiền được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Nghị định cũng quy định mức phạt tiền đối với vi phạm quy định về xử lý chất thải chăn nuôi nông hộ. Cụ thể, phạt tiền từ 500.000 đồng - 1 triệu đồng đối với hành vi không có biện pháp xử lý phân, nước thải chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường và gây ảnh hưởng đến người xung quanh.
Nghị định số 14/2021/NĐ-CP áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính về chăn nuôi trên lãnh thổ Việt Nam. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi là 1 năm, trừ trường hợp vi phạm hành chính về sản xuất, mua bán, nhập khẩu, xuất khẩu giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, sản phẩm chăn nuôi, vật nuôi sống làm thực phẩm thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 2 năm. Ngoài ra, tổ chức và cá nhân bị buộc phải thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả khắc phục trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm hành chính về chăn nuôi.
Nghị định này bãi bỏ các quy định về thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi trong Nghị định số 64/2018/NĐ-CP ngày 7/5/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản; điểm b khoản 7 Điều 20 Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.
Đối với hành vi vi phạm hành chính về chăn nuôi xảy ra trước khi Nghị định này có hiệu lực mà sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét, giải quyết thì áp dụng các quy định có lợi cho tổ chức, cá nhân vi phạm. Đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được ban hành hoặc đã được thi hành xong trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc cá nhân bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn khiếu nại thì áp dụng quy định của Nghị định số 64/2018/NĐ-CP. Với các hành vi vi phạm trong hoạt động chăn nuôi được phát hiện sau khi Nghị định này có hiệu lực thuộc trường hợp được chuyển tiếp tại Luật Chăn nuôi và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Chăn nuôi thì tiếp tục áp dụng các quy định tại Nghị định số 64/2018/NĐ-CP để xử lý đến hết thời gian chuyển tiếp.
Hương Đỗ