02/06/2022
Với lợi thế về lao động và tài nguyên, những năm gần đây, sự phát triển của các Khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã mang lại hiệu quả kinh tế cho địa phương, tuy nhiên, cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, phát sinh nhiều chất thải, đặc biệt là đối với các loại chất thải nguy hại (CTNH). Trước thực trạng trên, thời gian qua, tỉnh Hải Dương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, thu gom, xử lý đối với CTNH.
Kiểm soát chặt nguồn thải
Theo Báo cáo của Sở TN&MT tỉnh Hải Dương về kết quả triển khai thực hiện công tác quản lý CTNH, khối lượng CTNH phát sinh năm 2021 khoảng 96.200 tấn, trong đó có 412/465 (đạt 88,60%), cụ thể: Cơ sở đã ký hợp đồng chuyển giao xử lý CTNH khoảng 40.850 tấn; khối lượng CTNH tự xử lý, tái sử dụng tại cơ sở khoảng 55.067 tấn; khối lượng CTNH xin lưu giữ tiếp trong 6 tháng đầu năm 2022 khoảng 283 tấn. Năm 2021, trên địa bàn tỉnh Hải Dương có 18 đơn vị có giấy phép xử lý CTNH tham gia thu gom, vận chuyển và xử lý CTNH, tỷ lệ CTNH được xử lý đạt 99,8%.
Các loại CTNH phát sinh tập trung chủ yếu từ hoạt động sản xuất công nghiệp như: Bụi thải, bùn thải của quá trình xử lý khí thải sản xuất gang, thép. Cụ thể là Công ty CP Thép Hòa Phát phát sinh 33.884 tấn bùn thải, chiếm 35% lượng CTNH phát sinh của các chủ nguồn thải năm 2021. Lượng CTNH này đã được Công ty CP Thép Hòa Phát tái sử dụng làm nguyên liệu đưa vào phối liệu thiêu kết theo nội dung đăng ký trong Sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH. Bên cạnh đó, trên địa bàn còn một số cơ sở sản xuất có phát sinh nhiều CTNH với khối lượng lớn, chủ yếu là thuộc lĩnh vực cơ khí (đặc biệt là hoạt động mạ, tẩy rửa bề mặt), dệt nhuộm, điện tử, y tế, sản xuất khung nhôm định hình như: Công ty TNHH công nghệ Sheng Shing (Việt Nam - Hải Dương); Công ty TNHH Doosan Electro- Materials Việt Nam; Công ty TNHH Năng lượng mới Thịnh Thiên Việt Nam; Công ty TNHH nhôm Quang Minh…
Về chất thải y tế, hiện trên địa bàn có 28 cơ sở y tế phát sinh CTNH. Khối lượng chất thải y tế nguy hại tồn lưu năm 2020, khoảng 0,103 tấn. Khối lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh năm 2021, khoảng 437 tấn; trong đó, khối lượng CTNH đã chuyển giao xử lý (432,4 tấn), khối lượng chất thải y tế tự xử lý chất thải y tế (4,18 tấn), khối lượng chất thải y tế tồn lưu (0,42 tấn).
Đối với công tác cấp Sổ đăng ký chủ nguồn thải, năm 2021, Sở TN&MT đã thẩm định hồ sơ cho 38 cơ sở, trong đó cấp mới (30 cơ sở), cấp lại (8 cơ sở), nâng tổng số cơ sở được cấp là 680 cơ sở trong đó có 72 cơ sở dừng hoạt động phát sinh CTNH hoặc đã sát nhập hoặc không phải thực hiện trách nhiệm của chủ nguồn thải CTNH. Tổng khối lượng CTNH năm 2021 đăng ký phát sinh khoảng 3.801 tấn. Khối lượng CTNH phát sinh thực tế cao hơn so với khối lượng CTNH đã đăng ký phát sinh do một số cơ sở đã đi vào hoạt động ổn định, một số cơ sở mở rộng sản xuất, tăng quy mô công suất nên lượng CTNH phát sinh thực tế cao so với sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH, chủ yếu là các doanh nghiệp thuộc loại hình sản xuất linh kiện điện tử, sản xuất dây, cáp điện, sản xuất đồ chơi trẻ em, vật liệu xây dựng, y tế…
Thùng chứa rác tại các cơ sở y tế Hải Dương được khử khuẩn trước khi chuyển về nhà máy xử lý
Hiện trên địa bàn tỉnh có 7 doanh nghiệp được Bộ TN&MT cấp giấy phép xử lý CTNH: Công ty TNHH Sản xuất, Dịch vụ, Thương mại Môi trường Xanh; Công ty CP Tập Đoàn Thành Công; Công ty CP Môi trường xanh Minh Phúc; Công ty CP Môi trường An Sinh; Công ty TNHH SAEHAN GREEN VINA (xử lý 1 loại CTNH là than hoạt tính đã qua sử dụng hấp phụ dung môi hữu cơ); Công ty TNHH Khai thác, Chế biến, Xuất nhập khẩu khoáng sản Việt Nam (xử lý 2 loại CTNH là bụi lò luyện thép và bùn thủy luyện kẽm) và Công ty CP phát triển công nghệ TN&MT. Tổng lượng CTNH đã được 7 doanh nghiệp xử lý trong năm 2021 đạt khoảng 73.672 tấn (816 chủ nguồn thải CTNH trên địa bàn trong và ngoài tỉnh theo Giấy phép xử lý CTNH được Bộ TN&MT cấp), lượng CTNH chuyển giao cho các chủ xử lý CTNH khác khoảng 3.245 tấn, còn lại là lượng CTNH tồn lưu chưa xử lý của năm 2021. Nhìn chung, các cơ sở đi vào hoạt động đã thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý CTNH của các chủ nguồn thải đảm bảo theo các nội dung được cấp trong Giấy phép xử lý CTNH và quy định về quản lý CTNH.
Tăng cường các giải pháp quản lý chất thải
Thời gian qua, do tình hình dịch bệnh Covid-19 đã tác động rất lớn đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Để triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, cũng như kiểm soát tốt công tác quản lý và xử lý chất thải phát sinh, UBND tỉnh Hải Dương đã giao Sở TN&MT tăng cường theo dõi, cập nhật danh sách các cơ sở xử lý CTNH có chức năng xử lý chất thải y tế đã được Bộ TN&MT cấp phép để hướng dẫn các cơ sở y tế, khu điều trị và chăm sóc bệnh nhân, khu vực cách ly trên địa bàn tỉnh thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải trong phòng, chống dịch bảo đảm đúng quy định.
Đại diện Sở TN&MT tỉnh Hải Dương cho biết, khối lượng chất thải y tế từ ngày phát sinh dịch bệnh Covid-19 (27/1 - 20/2/2021) trên địa bàn toàn tỉnh là 304,856 tấn; đến ngày 6/4/2021 là 473 tấn. Thời gian đầu khi xảy ra dịch bệnh, các điểm cách ly tập trung tăng nhanh, số lượng người cách ly lớn (lúc cao điểm lên tới 124 khu cách ly tập trung, 3 Bệnh viện dã chiến, 10 cơ sở của 7 Trung tâm Y tế huyện, 3 Bệnh viện (Nhiệt đới tỉnh, Đa khoa tỉnh, Nhi) và 1 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (đơn vị lấy mẫu phân tích chẩn đoán virus SARS-Cov-2)), lượng chất thải y tế lây nhiễm lớn, nên xảy ra tình trạng thiếu thùng chứa. Để khắc phục tình trạng trên, Sở đã yêu cầu các cơ sở xử lý CTNH có chức năng xử lý chất thải y tế trên địa bàn tỉnh tích cực phối hợp, hỗ trợ việc xử lý chất thải y tế phát sinh từ các cơ sở y tế, khu điều trị và chăm sóc bệnh nhân, khu vực cách ly theo quy định.
UBND các huyện, thị xã, thành phố cũng đã chủ động phối hợp với 2 đơn vị có chức năng xử lý CTNH trên địa bàn tỉnh là Công ty TNHH Sản xuất dịch vụ thương mại Môi trường xanh và Công ty CP Công nghệ môi trường An Sinh, với sự hỗ trợ của Sở TN&MT trong việc xây dựng phương án, quy trình thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải (như chuẩn bị phương tiện vận chuyển, kế hoạch vận hành lò đốt, quá trình kiểm soát đảm bảo an toàn cho người lao động tham gia thu gom, vận chuyển, xử lý…). Các huyện, thị xã, TP đã thành lập tổ tuyên truyền lưu động, hàng ngày đi từng ngõ, gõ từng nhà phổ biến, hướng dẫn người dân sử dụng, thải bỏ khẩu trang đúng quy định, góp phần hạn chế lượng CTYT có khả năng lây nhiễm phát sinh trong cộng đồng. Cùng với đó, cử chuyên viên theo dõi, giám sát công việc này thường xuyên, đảm bảo rác thải được thu gom, vận chuyển đi trong ngày, không để tồn đọng.
Ngoài ra, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên địa bàn, tỉnh Hải Dương đã tạm dừng các cuộc thanh kiểm tra theo kế hoạch, chỉ thực hiện kiểm tra các cơ sở theo ý kiến phản ánh, giải quyết đơn thư, vụ việc.
Để tăng cường công tác thu gom CTNH, trong năm qua, UBND TP. Hải Dương đã giao cho Thành đoàn Hải Dương phối hợp cùng phòng Giáo dục và đào tạo TP triển khai Đề án “BVMT đến năm 2021 và định hướng đến năm 2025 trên địa bàn TP Hải Dương” với phong trào “Thu gom pin cũ vì môi trường tương lai” và “Thiếu nhi Thành Đông chung tay BVMT ”, đã lắp đặt các thùng rác mini thu gom pin đã qua sử dụng tại một số sân trường của các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn, tuyến phố chính để các em học sinh và người dân tập kết pin cũ đã qua sử dụng và đã thực hiện thu gom, chuyển giao xử lý cho Công ty TNHH SXDVTM Môi trường xanh năm 2021 với khối lượng 7,3 tấn. Việc thu gom pin cũ đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của học sinh, người dân, giảm thiểu đáng kể lượng CTNH phát sinh trong rác thải sinh hoạt. Tuy nhiên, quá trình thu gom pin cũ cũng gặp một số khó khăn do các thùng thu gom kín, đặt ngoài trời dễ bị tác động bởi điều kiện nhiệt độ, lượng pin thu gom được cũng khá lớn, chi phí xử lý cao.
Trong thời gian tới, nhằm nâng cao công tác quản lý, thu gom, xử lý CTNH tại địa phương, Sở TN&MT sẽ tiếp tục triển khai một số giải pháp như: Tăng cường công tác tập huấn nâng cao năng lực quản lý, nghiệp vụ chuyên môn cho các cán bộ môi trường, đối tượng tham gia thực hiện quản lý CTNH.
Đối với hoạt động vận chuyển CTNH, đẩy mạnh công tác giám sát hệ thống định vị vệ tinh (GPS) đối với các phương tiện vận chuyển CTNH để tránh tình trạng các phương tiện vận chuyển CTNH đã được cấp phép đổ chất thải không đúng quy định.
Ngoài ra, cần sớm triển khai phần mềm quản lý CTNH thống nhất đến từng địa phương; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về nguồn thải; áp dụng hệ thống thông tin để quản lý các hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý CTNH; hoàn thiện hệ thống kê khai chứng từ CTNH trực tuyến để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, kiểm soát CTNH.
Sở TN&MT tỉnh tiếp tục tăng cường hướng dẫn các cơ sở, dự án thực hiện các thủ tục về môi trường; tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các công trình BVMT để kịp thời phát hiện và tham mưu xử lý những vi phạm thuộc lĩnh vực quản lý. Xử phạt nghiêm những cơ sở, doanh nghiệp vi phạm về xả thải ảnh hưởng đến môi trường theo quy định...
Đồng thời, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp Luật BVMT năm 2020 và các văn bản hướng dẫn Luật cho các cán bộ, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung vào những điểm mới trong quản lý chất thải, quản lý chất lượng các thành phần môi trường, trách nhiệm BVMT của các cơ sở sản xuất, kinh doanh... Qua đó, giúp các cán bộ làm công tác quản lý môi trường nắm bắt kịp thời các quy định mới của pháp luật về BVMT để phục vụ công tác quản lý và áp dụng vào thực tế tại cơ sở. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực hiện thu gom, lưu giữ và chuyển giao CTNH theo đúng quy định, góp phần giảm thiểu phát sinh, thúc đẩy việc tái chế, thu hồi năng lượng và giảm thiểu tối đa nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Châu Loan
Tài liệu tham khảo:
- Báo cáo quản lý CTNH năm 2021 của Sở TN&MT tỉnh Hải Dương;
- Thống kê CTNH theo các chủ nguồn thải CTNH đã được cấp Sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH năm 2021 trên địa bàn tỉnh Hải Dương;
- Tổng hợp khối lượng CTNH của chủ xử lý CTNH trên địa bàn tỉnh Hải Dương.