04/05/2021
Ngày 27/1/2021, Hải Dương ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên là công nhân Công ty TNHH Poyun (xã Hưng Đạo, TP. Chí Linh). Chỉ một ngày sau đó (28/1), số ca nhiễm bệnh đã lên tới 72 người và từ đây liên tiếp ghi nhận thêm ca mắc mới, trở thành nguồn lây nhiễm ra cộng đồng ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Trước tình hình diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh, Hải Dương đã thực hiện các đợt giãn cách xã hội (theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020, 19/CT-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ), riêng TP. Hải Dương, thị xã Kinh Môn, huyện Kim Thành và Cẩm Giàng, trong đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020. Sau 64 ngày căng mình chống dịch, địa phương đã ngăn chặn, kiểm soát hoàn toàn tình hình dịch bệnh, kết thúc giãn cách xã hội, chuyển sang trạng thái bình thường, tập trung thực hiện mục tiêu kép, vừa chủ động phòng, chống dịch bệnh, vừa tích cực khắc phục khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (từ 0h ngày 1/4/2021). Có thể nói, đại dịch Covid-19 là cuộc chiến khốc liệt, vừa khiến địa phương phải dốc toàn lực phòng chống dịch bệnh, vừa phải đối mặt với bài toán về quản lý, thu gom, xử lý chất thải y tế (CTYT) lây nhiễm. Tuy nhiên, với sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự đoàn kết, tương trợ giữa các đơn vị, nhân dân, sau khoảng thời gian đầu quá tải, đến nay, việc xử lý CTYT lây nhiễm tại tỉnh Hải Dương đã được xử lý triệt để.
Thực trạng CTYT lây nhiễm trên địa bàn tỉnh trong thời gian dịch bùng phát
Theo thông tin từ Sở Y tế Hải Dương, tính đến ngày 25/4/2021, toàn tỉnh có 726 người nhiễm bệnh và tất cả các trường hợp này đến nay đều đã được điều trị khỏi bệnh, xuất viện về nhà; 12/12 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh không còn trường hợp F1 cách ly tập trung; đã qua 31 ngày không ghi nhận ca mắc mới. Các bệnh viện dã chiến đã được giải thể. Ngày 26/3/2021, cụm dân cư Văn Xá thuộc phường Ái Quốc (TP. Hải Dương) là cụm dân cư cuối cùng trong toàn tỉnh được dỡ bỏ cách ly y tế, đánh dấu Hải Dương không còn nơi nào bị phong tỏa, cách ly y tế do có liên quan trực tiếp đến ca bệnh Covid-19.
Sở TN&MT tỉnh Hải Dương cho biết, khối lượng chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 từ ngày phát sinh dịch bệnh (27/1 - 20/2/2021) trên địa bàn toàn tỉnh là 304,856 tấn; đến ngày 6/4/2021 là 473 tấn. Thời gian đầu khi xảy ra dịch Covid-19, các điểm cách ly tập trung tăng nhanh, số lượng người cách ly lớn (lúc cao điểm lên tới 124 khu cách ly tập trung, 3 Bệnh viện dã chiến, 10 cơ sở của 7 Trung tâm Y tế huyện, 3 Bệnh viện (Nhiệt đới tỉnh, Đa khoa tỉnh, Nhi) và 1 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (đơn vị lấy mẫu phân tích chẩn đoán virus SARS-Cov-2)), lượng CTYT lây nhiễm lớn, nên xảy ra tình trạng thiếu thùng chứa. Riêng tại thị xã Kinh Môn - khu vực trọng điểm phát triển công nghiệp của tỉnh Hải Dương, hiện có 864 doanh nghiệp đang hoạt động, 3.097 hộ kinh doanh cá thể với 28.500 lao động, tổng khối lượng CTYT có khả năng lây nhiễm Sars-CoV-2 là 93.663 kg, lúc cao điểm nhất lên đến 5.826 kg/ngày cần xử lý. Đây là điểm nóng thứ 2 (chỉ sau TP. Chí Linh) trong thời điểm dịch bùng phát, với 30 khu cách ly y tế tập trung và 1 cơ sở của Trung tâm Y tế thị xã. Hay tại huyện Kim Thành, với 24 điểm cách ly tập trung, mỗi ngày, một điểm cách ly phát sinh từ 70 - 150 kg CTYT lây nhiễm. Còn ở huyện Cẩm Giàng, là khoảng 1 - 3 tấn CTYT cần xử lý… Khối lượng CTYT lây nhiễm phát sinh nhiều, nếu không được xử lý đúng quy trình thì rất dễ gây ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh và ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người dân. Ngoài ra, kinh phí xử lý loại chất thải này khá lớn, gây nhiều khó khăn cho địa phương.
Chia sẻ với phóng viên về vấn đề này, đại diện Chi cục BVMT tỉnh Hải Dương cho biết, dịch Covid-19 ở địa phương bùng phát từ một doanh nghiệp có tới 2.340 công nhân, sinh hoạt chung, ăn uống, giao tiếp chung, vì vậy, tốc độ lây lan ra cộng đồng rất nhanh. Đặc biệt, dịch có sự khác biệt so với các tỉnh, thành phố khác bởi đây là chủng virus mới có tốc độ lây lan nhanh, lại diễn ra vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán, gây khó khăn cho việc khoanh vùng đối tượng cách ly. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo kịp thời của Trung ương, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19, Đảng bộ tỉnh Hải Dương cùng sự chung sức, đồng lòng của toàn dân, tỉnh đã kịp thời có những quyết sách vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh, vừa góp phần giải quyết hiệu quả bài toán xử lý CTYT lây nhiễm.
Bài toán đã được xử lý hiệu quả
Tổ tuyên truyền lưu động hướng dẫn người dân phòng, chống dịch an toàn tại thị xã Kinh Môn
Căn cứ vào các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ TN&MT và các cơ quan, ban, ngành cũng như tình hình dịch bệnh cụ thể, UBND, Sở TN&MT tỉnh Hải Dương đã ban hành hàng loạt văn bản gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố, cơ sở y tế, cơ sở xử lý chất thải nguy hại hướng dẫn việc quản lý, xử lý chất thải trong phòng, chống dịch như: Văn bản số 437/UBND-VP ngày 8/2/2021 của UBND tỉnh; số 200/STNMT-CCBVMT ngày 29/1/2021, số 285/STNMT-CCBVMT ngày 9/2/2021 của Sở TN&MT… Trong đó yêu cầu, các khu vực cách ly tập trung thực hiện thu gom, quản lý chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 như đối với chất thải nguy hại (Khẩu trang, khăn, giấy lau mũi miệng, trang phục phòng hộ cá nhân..) theo Hướng dẫn quản lý chất thải và vệ sinh trong phòng, chống dịch Covid-19 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19. Đối với rác thải sinh hoạt khác không khả năng nhiễm Covid-19 phát sinh từ khu vực nhà bếp, khu sinh hoạt của cán bộ nhân viên phục vụ… được thu gom, xử lý theo quy định về quản lý rác thải sinh hoạt. Tại các khu dân cư phong tỏa, chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 được yêu cầu thu gom vào túi đựng riêng biệt rồi được khử trùng, buộc chặt miệng túi trước khi cho vào thùng có nắp đậy kín. Hàng ngày, các đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 sẽ tổng hợp, báo cáo về Sở TN&MT tỉnh.
Cùng với đó, để BVMT và ngăn ngừa, hạn chế sự lây lan, phát tán dịch bệnh Covid-19 trong quá trình phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải tại các cơ sở y tế, Sở TN&MT tỉnh đã phối hợp với Sở Y tế triển khai hiệu quả Thông tư số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT; Quyết định số 3455/QĐ-BCĐQG ngày 05/8/2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 về việc ban hành "Hướng dẫn quản lý chất thải và vệ sinh trong phòng, chống dịch Covid-19”; Quyết định số 5188/QĐ BYT ngày 20/3/2020 của Bộ Y tế về việc Hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 trong các cơ sở khám chữa bệnh và các văn bản có liên quan khác... Sở đã thành lập 3 tổ công tác do Phó Giám đốc Sở làm tổ trưởng có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, đơn vị trong việc phân loại, thu gom, xử lý chất thải phát sinh tại các điểm điều trị, khu cách ly tập trung, khu phong tỏa dịch bệnh, báo cáo UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đồng thời, kêu gọi Quỹ BVMT tỉnh hỗ trợ kịp thời 200 thùng chứa chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 đặt tại các khu cách ly tập trung ở TP. Chí Linh và huyện Cẩm Giàng. Một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh như Công ty TNHH Best Pacific Việt Nam, Công ty TNHH Dệt Pacific Crystal, Công ty TNHH May Tinh Lợi… đã hỗ trợ 350 thùng chứa đặt tại các điểm chốt phòng, chống dịch.
UBND các huyện, thị xã, thành phố cũng đã chủ động phối hợp với 2 đơn vị có chức năng xử lý chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh là Công ty TNHH Sản xuất dịch vụ thương mại Môi trường xanh và Công ty CP Công nghệ môi trường An Sinh, dưới sự hỗ trợ của Sở TN&MT, trong việc xây dựng phương án, quy trình thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải (như chuẩn bị phương tiện vận chuyển, kế hoạch vận hành lò đốt, quá trình kiểm soát đảm bảo an toàn cho người lao động tham gia thu gom, vận chuyển, xử lý…). Các huyện, thị xã, TP đã thành lập tổ tuyên truyền lưu động, hàng ngày đi từng ngõ, gõ từng nhà phổ biến, hướng dẫn người dân sử dụng, thải bỏ khẩu trang đúng quy định, góp phần hạn chế lượng CTYT có khả năng lây nhiễm phát sinh trong cộng đồng. Cùng với đó, cử chuyên viên theo dõi, giám sát công việc này thường xuyên, đảm bảo rác thải được thu gom, vận chuyển đi trong ngày, không để tồn đọng. Đặc biệt, áp dụng hình thức xử phạt nghiêm, theo đó người có hành vi vứt, thải bỏ khẩu trang y tế đã sử dụng không đúng nơi quy định tại nơi công cộng có thể bị phạt tiền tối đa đến 5 triệu đồng; nếu vứt ra vỉa hè, đường phố có thể bị phạt tối đa 7 triệu đồng theo Điểm c, d Khoản 1 Điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ; Hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng để phòng dịch bị phạt từ 100 - 300 nghìn đồng theo Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Là một trong hai đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 trên địa bàn tỉnh, Công ty TNHH Sản xuất dịch vụ thương mại Môi trường xanh đã xử lý 382,926 kg CTYT lây nhiễm trên địa bàn TP. Hải Dương, TP. Chí Linh, thị xã Kinh Môn và các huyện: Kim Thành, Nam Sách, Cẩm Giàng… Công ty đã bố trí 21 phương tiện vận chuyển chất thải chuyên dụng và 4 lò đốt chất thải công nghiệp đã được Bộ TN&MT cấp phép phục vụ việc vận chuyển rác thải có nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 ít nhất 2 lần/ngày và xử lý ngay trong ngày. Cùng với đó, trang bị 1.000 thùng chứa chất thải loại 240l đặt tại các điểm cách ly, có nắp đậy và lót túi, bên ngoài túi, thùng có dán nhãn “Chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2”. Xe thu gom được khử trùng trước và sau khi rời các địa điểm trên để hạn chế lây lan. Trong quá trình vận chuyển, thùng đựng chất thải luôn được đậy kín nắp, đảm bảo không bị rò rỉ gây ô nhiễm môi trường. Rác thải khi vận chuyển về đến Nhà máy được ưu tiên xử lý ngay bằng phương pháp đốt, tránh nguy cơ phát tán mầm bệnh. Quá trình đốt chất thải diễn ra theo quy trình: Chất thải được vận chuyển bằng xe cẩu đến gầu tiếp nhận rồi chuyển lên phễu để đưa vào buồng sơ cấp, xử lý đốt ở nhiệt độ từ 700oC - 1100oC, sau đó chuyển qua buồng thứ cấp đốt lần hai với nhiệt độ từ 1.050oC - 1.100oC, công suất lò đốt đạt 2.300 kg/giờ. Về lượng khói phát sinh trong quá trình đốt sẽ được lọc, đảm bảo đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường. Ông Nguyễn Quốc Hải - Giám đốc Công ty chia sẻ, việc xử lý CTYT lây nhiễm khác rất nhiều so với rác thải thông thường, hơn nữa, phải tiếp xúc trực tiếp với đồ dùng, rác thải, dụng cụ y tế điều trị cho người bệnh nên khả năng nhiễm bệnh rất cao, nhưng tất cả cán bộ, công nhân Công ty đều nỗ lực hết mình để hoàn thành nhiệm vụ. Cán bộ, công nhân viên Công ty cũng được trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân phù hợp, đồng thời tuân thủ nghiêm hướng dẫn của Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các cấp. Công ty TNHH Sản xuất dịch vụ thương mại Môi trường xanh sẽ luôn đồng hành cùng với chính quyền địa phương để đẩy lùi dịch bệnh.
Xử lý CTYT lây nhiễm tại Công ty TNHH Sản xuất dịch vụ thương mại Môi trường xanh
Có thể nói, chưa khi nào Hải Dương phải đối diện với nhiều ổ dịch lớn như vậy, cuộc sống, tâm lý của người dân bị xáo trộn, sức khỏe bị ảnh hưởng, kinh tế thiệt hại nặng nề, nhưng niềm tin chiến thắng, tinh thần đoàn kết luôn rực cháy trên mảnh đất xứ Đông. Nhờ sự phối hợp hành động quyết liệt, “thần tốc" thực hiện các biện pháp giám sát phát hiện nhanh các ca nhiễm, tiến hành khoanh vùng, truy vết, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm, tổ chức điều trị hiệu quả, xử lý CTYT lây nhiễm triệt để, Hải Dương đã ngăn chặn, kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh, góp phần đưa Việt Nam trở thành “hình mẫu”, là “tấm gương” trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 như báo chí quốc tế ngợi ca. Những thành tích ấn tượng này sẽ tạo thêm động lực để Việt Nam nói chung, tỉnh Hải Dương nói riêng giữ vững thành quả chống dịch vô giá thời gian qua, đưa đất nước an toàn vượt qua giông bão chưa từng có trong nhiều thập kỷ, cho đến khi những nhân tố tích cực như vaccine phát huy hiệu quả, dịch bệnh qua đi.
Mai Hương - Thu Hằng
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 4/2021)
Ngay từ năm 2020, khi dịch Covid-19 xảy ra, Bộ TN&MT đã phối hợp với Bộ Y tế ban hành các hướng dẫn kỹ thuật liên quan đến phòng, chống dịch và quản lý rác thải y tế lây nhiễm tại các cơ sở y tế. Bộ cũng ban hành văn bản chỉ đạo, đôn đốc các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn thu gom, vận chuyển, lưu giữ, xử lý rác thải rắn sinh hoạt, đặc biệt là CTYT lây nhiễm từ các cơ sở y tế, cơ sở cách ly tập trung. Tại các văn bản hướng dẫn của Bộ, việc xử lý CTYT lây nhiễm phát sinh cần ưu tiên xử lý tại chỗ tại các cơ sở y tế hoặc cụm cơ sở y tế tập trung ở địa phương có công trình, thiết bị xử lý CTYT theo quy định. Bộ cũng đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc vận hành các công trình BVMT đối với các cơ sở y tế, cơ sở xử lý CTYT, cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt; khử khuẩn nước thải sau xử lý tại các cơ sở y tế, cơ sở cách ly tập trung, cơ sở xử lý CTYT lây nhiễm đảm bảo không làm phát tán mầm bệnh ra môi trường. Ngoài ra, để việc thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý CTYT và khẩu trang thải bỏ sau khi sử dụng đúng quy định, Bộ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức của nhân dân về việc sử dụng khẩu trang thông thường trong hoạt động sinh hoạt bình thường của người dân… Trước đó, nhằm hỗ trợ những địa phương, cơ quan, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến CTYT thực hiện tốt công tác quản lý, thu gom, xử lý chất thải, ngay từ năm 2015, Bộ TN&MT và Bộ Y tế đã ban hành Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 quy định về quản lý CTYT, trong đó làm rõ khái niệm phân định, phân loại, thu gom, lưu giữ, giảm thiểu, tái chế CTYT nguy hại và CTYT thông thường; vận chuyển và xử lý CTYT; trách nhiệm của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền… Đến ngày 30/6/2015, Bộ ban hành Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT về quản lý chất thải, tiếp đó là văn bản hợp nhất số 09/VBHN-BTNMT ngày 25/10/2019 về quản lý chất thải và phế liệu. Đây là những hướng dẫn quan trọng giúp các địa phương có thêm căn cứ, cơ sở pháp lý để thực hiện, đảm bảo yêu cầu BVMT, kiểm soát an toàn trong phòng, chống dịch bệnh. |