Banner trang chủ

Hà Tĩnh: Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong khai thác khoáng sản

15/03/2024

    1. Phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường

    UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường năm 2024. Theo đó, khu vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường năm 2024 của địa phương gồm 3 khu vực mỏ, với diện tích 46,56 ha. Trong đó có 2 khu vực mỏ đất san lấp là mỏ đất Ngọc Sơn 1 tại xã Ngọc Sơn, huyện Thạch Hà, diện tích 8,63ha và mỏ đất san lấp Lưu Vĩnh Sơn 1 tại xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà diện tích 17,28ha. Ngoài ra, còn 1 mỏ đất làm gạch, ngói ở xã Hà Linh, huyện Hương Khê, diện tích 20,65ha.

    Việc lên kế hoạch đấu giá quyền khai thác nhằm mục tiêu bảo đảm kịp thời cung cấp nguồn vật liệu xây dựng phục vụ các dự án lớn trên địa bàn tỉnh sắp triển khai. Tuy nhiên, tỉnh yêu cầu công suất khai thác khi xây dựng hồ sơ cấp giấy phép khai thác khoáng sản, sau khi trúng đấu giá với mỏ đất san lấp là tối thiểu 300.000 m3 nguyên khai/mỏ/năm, còn đất làm gạch, ngói phải đáp ứng nhu cầu công suất của các nhà máy gạch tuynel trên địa bàn.

    Sau khi công bố, công khai kế hoạch đấu giá, Sở TN&MT thực hiện khảo sát, điều tra, đánh giá khoáng sản để làm cơ sở xác định số tiền đặt trước, lập hồ sơ mời tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản và lập dự toán kinh phí phục vụ công tác đấu giá, gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt. Bên cạnh đó, Sở chủ trì, phối hợp với các Sở, đơn vị, địa phương liên quan lập phương án đấu giá quyền khai thác khoáng sản; xác định giá khởi điểm, tiền đặt trước, bước giá, dự toán thăm dò khoáng sản, trình UBND tỉnh phê duyệt; xét chọn hồ sơ đề nghị tham gia phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo đúng quy định của pháp luật…

    Số liệu thống kê của Công an Hà Tĩnh cho thấy, tính đến tháng 9/2023, toàn tỉnh có 21 mỏ đất, 8 mỏ cát và 38 mỏ đá đang hoạt động. Qua kiểm tra từ đầu năm 2023 cho đến tháng 9/2023, Công an tỉnh đã phát hiện 21 vụ với 35 đối tượng (trong đó có 4 tổ chức và 31 cá nhân) vi phạm pháp luật trong khai thác khoáng sản và lập biên bản xử lý vi phạm, xử phạt hơn 317 triệu đồng, tịch thu 250 m3 cát, 40 m3 đá, 71,5 m3 đất… Với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của lực lượng công an và cơ quan chức năng, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã giảm, đặc biệt là tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên lòng sông gần như chấm dứt.

    2. Điều chỉnh mức thu phí BVMT trong khai thác khoáng sản

    Để đảm bảo thực hiện các quy định pháp luật về BVMT trong khai thác khoáng sản, trước đó, ngày 8/12/2023, HĐND tỉnh Hà Tĩnh đã thông qua Nghị quyết số 121/2023/NQ-HĐND quy định mức thu, đơn vị tính phí BVMT đối với hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

    Theo Điều 2, Nghị quyết số 121/2023/NQ-HĐND, mức thu phí BVMT đối với một số loại khoáng sản được tăng lên so với mức thu phí trước đây được quy định tại Nghị quyết số 53/2017/NQ-HĐND ngày 15/7/2017 của HĐND tỉnh như: Mức thu phí đối với quặng sắt là 60.000đ/tấn (mức cũ là 50.000 đ/tấn); mức thu phí đối với sỏi là 7.500đ/m3 (mức cũ là 5.000đ/m3); mức thu phí đối với cát vàng là 7.500 đ/m3 (mức cũ là 4.000/m3); mức thu phí đối với cát trắng là 9.000 đ/m3 (mức cũ là 6.000đ/m3); mức thu phí đối với đất khai thác để san lấp, xây dựng công trình là 2.000 đ/m(mức cũ là 1.500đ/m3); mức thu phí đối với đất sét, đất làm gạch ngói là 3.000 đ/m(mức cũ là 1.750đ/m3)…

    Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 và thay thế Nghị quyết số 53/2017/NQ-HĐND ngày 15/7/2017 của HĐND tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung một số khoản phí, lệ phí trên địa bàn tỉnh.

Trần Tân

Ý kiến của bạn